Ngày đầu tiên đi làm – những điều nên và không nên làm | CareerLink.vn

Ngày đầu tiên đi làm – những điều nên và không nên làm

Trong ngày đầu tiên đi làm ở công ty mới, hãy tạo ấn tượng thật tốt đẹp với đồng nghiệp và sếp của mình – những người sẽ gắn bó công việc với bạn trong thời gian dài sắp tới.  

 

Sau khi trải qua nhiều giai đoạn cam go để tìm một công việc mới phù hợp, từ tìm thông tin về công ty, liên lạc với nhà tuyển dụng, đặt lịch phỏng vấn, chờ đợi kết quả… cuối cùng bạn cũng đã trở thành một nhân viên mới của công ty mình mong muốn bấy lâu nay. Mọi việc có vẻ như đã xong xuôi ổn thỏa. Thế nhưng hãy nhớ rằng, cuộc sống vốn chưa bao giờ dừng lại ở bất cứ một công đoạn nào trong tiến trình sự nghiệp của bạn. Bước vào môi trường làm việc mới, bạn nên tạo ấn tượng tốt với mọi người xung quanh bằng cách làm và tránh làm những điều sau đây.

 

Những điều nên thực hiện trong ngày đầu tiên đi làm

 

Đến sớm

 

Bạn nên thể hiện sự đúng giờ của mình từ ngày đầu tiên đi làm bằng cách đến sớm, nhưng đừng quá sớm, tốt nhất là có mặt trước giờ làm 15 phút. Điều này sẽ cho bạn thêm thời gian để hít thở trước khi vào văn phòng lần đầu tiên, thậm chí nó có thể cho bạn một chút thời gian để trò chuyện với đồng nghiệp mới.

 

Tươi tỉnh và thoải mái

 

Vẻ hoạt bát, nhanh nhẹn và thoải mái của bạn trong ngày đầu tiên đi làm sẽ khiến mọi người dễ gần gũi để bắt chuyện hỏi han hơn. Hơn nữa, ai cũng biết rằng sự mệt mỏi là yếu tố có khả năng giết chết năng suất công việc nhiều nhất. Vì vậy, đừng đi chơi hoặc làm việc gì quá khuya vào đêm hôm trước, vì vào ngày hôm sau “ra mắt” mọi người, bạn sẽ mang một vẻ uể oải khó thể che giấu. Ấn tượng đầu tiên như vậy dễ để lại thành kiến trong lòng sếp và đồng nghiệp mới.

 

Trang phục phù hợp

 

Trong quá trình tìm hiểu về công ty trước đó hoặc trong những lần đến phỏng vấn, bạn đã có cơ hội nhìn thấy trang phục của các đồng nghiệp tương lai. Không phải trở thành bản sao của họ nhưng bạn hãy đánh giá mức độ trang phục của đa số mọi người trong công ty: có thoải mái quá không? Có lịch sự quá không? Có đơn giản quá không?… rồi từ đó chọn một bộ quần áo phù hợp nhất. Nếu mọi người đều ăn mặc thoải mái mà bạn lại phục trang quá rườm rà hoặc ngược lại, mọi người đều ăn mặc lịch sự còn bạn lại quá thoải mái thì trong cả hai trường hợp, bạn đều gặp khó khăn trong việc xóa mờ khoảng cách người lạ – người nhà với họ.

 

Nở nụ cười

 

Tất cả chúng ta đều biết rằng ấn tượng đầu tiên rất quan trọng. Trong ngày đi làm đầu tiên và cả những ngày sau này, hãy mỉm cười khi bạn gặp mọi người. Giới thiệu bản thân và nói rõ rằng bạn hạnh phúc và háo hức như thế nào khi ở đó. Đồng nghiệp của bạn sẽ nhớ và có ấn tượng tốt về bạn.

 

Lắng nghe

 

Điều tốt nhất mà bất cứ ai cũng có thể làm trong ngày đầu tiên đi làm ở công việc mới là lắng nghe. Đây là một cơ hội để nắm được toàn cảnh cũng như các ưu tiên mà sếp cũng như các bộ phận đang hướng đến. Bên cạnh việc lắng nghe, hãy chuẩn bị tinh thần để ghi chép thật nhiều nhé.

 

Đồng ý với lời mời ăn trưa

 

Biết bạn là người mới còn chưa quen với nhiều cửa hàng ăn uống gần công ty nên vài người sẽ ngỏ lời mời bạn cùng đi ăn trưa chung. Lúc đó, hãy đồng ý đi cùng họ chứ đừng từ chối. Vì đây chính là cơ hội để bạn rút ngắn khoảng cách với rất nhiều đồng nghiệp. Không chỉ vậy, họ còn có thể sẽ truyền đạt lại cho bạn rất nhiều điều hay ho và mới mẻ liên quan đến công việc lẫn cuộc sống sắp tới của bạn.

 

Hãy truyền cảm hứng cho các đồng nghiệp

 

Tất cả mọi người đều làm công việc này rất lâu rồi, nên sự hứng thú với công việc ít nhiều đã bị sụt giảm theo thời gian. Ở văn phòng lúc này, chỉ có bạn là “ma mới” và có thể “truyền lửa” cho mọi người. Vì thế, mỗi khi khám phá ra điều thú vị hoặc độc đáo ở công việc mới, đừng che giấu mà hãy thể hiện nó ra để mọi người cũng bị “lây” cảm hứng từ bạn và từ đó sẽ cảm thấy phấn khởi hơn để làm việc. Cảm hứng và sự lạc quan thường có khả năng lây lan rất nhanh chóng.

 

Dành lời cảm ơn cho mọi người

 

Chia sẻ kinh nghiệm làm việc với nhân viên mới là một công việc khó khăn thậm chí ngay cả đối với những người đã có thâm niên trong nghề. Do đó, hãy bày tỏ sự biết ơn của bạn dành cho những sự giúp đỡ đó, ngay cả khi đó chỉ là lời hướng dẫn cách tìm đường đến nhà vệ sinh hay giúp bạn nối dây điện thoại, lấy giùm cây bút, cuốn sổ… Để bày tỏ lòng biết ơn và cảm kích của mình, lời cảm ơn không bao giờ là điều dư thừa.

 

Đề nghị giúp đỡ trong thời gian trống

 

Ngày đầu tiên đi làm, có thể bạn sẽ có khá nhiều thời gian trống vì chưa có nhiều nhiệm vụ cần thực hiện. Tuy nhiên, đừng chỉ ngồi đó và chờ đợi người khác tìm việc cho bạn mà hãy tình nguyện giúp đỡ đồng nghiệp mới. Bạn sẽ thể hiện được sự chủ động, xây dựng mối quan hệ với sếp và đồng nghiệp của mình cũng như tìm hiểu về kỳ vọng, quy trình và cách mọi thứ được thực hiện.

 

Những điều nên tránh trong ngày đầu tiên đi làm

 

Đừng chia sẻ quá nhiều trong ngày đầu tiên

 

Vui vẻ và thoải mái là tốt nhưng cũng nên biết giới hạn. Dù các đồng nghiệp mới có thân thiện đến đâu nhưng họ cũng chưa sẵn sàng muốn biết những chuyện đời tư của bạn, như lý do vì sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ, đứa con nhỏ của bạn thông minh như thế nào, một người bạn của bạn vừa gặp một chuyện khủng khiếp ra sao… Dù thế nào đi nữa, hãy nhớ đừng làm một con vẹt huyên thuyên trong ngày đầu tiên đi làm, bạn sẽ làm mọi người sợ đấy!

 

Đừng luôn miệng phàn nàn

 

Nhiều người có thói quen phàn nàn rất nhiều đến mức lắm khi họ cũng không ý thức được rằng mình đang phàn nàn. Nếu bạn cũng bị mắc phải tật xấu đó, hãy kiềm chế bản thân. Không ai có thể mến nổi một cô bạn/anh bạn đồng nghiệp suốt ngày luôn miệng càm ràm, ca thán về đủ mọi thứ trên đời: chỗ giữ xe quá chật, nhiệt độ máy lạnh quá thấp, giao thông quá ùn tắc, chỗ ngồi quá thiếu ánh sáng, công việc quá nhiều, khách hàng quá khó tính… Vì vậy, để bỏ được thói quen đó, không chỉ trong ngày đầu tiên đi làm mà cả những ngày sau này, bạn hãy luyện tập để luôn luôn nhìn mọi việc dưới góc độ tích cực.

 

Đừng vội vàng đánh giá mọi việc

 

Đừng vội quyết định rằng bạn không thích một đồng nghiệp chỉ về họ không mỉm cười khi nhìn thấy bạn. Cũng đừng vội nói với bản thân rằng nhận việc là một sai lầm lớn bởi vì bạn cảm thấy không thích văn hóa ở đây.

 

Dẫu biết rằng ấn tượng đầu tiên thường chính xác và khó có thể phai nhòa nhưng bạn nên cho mọi người và cả cho mình một cơ hội. Hãy cố gắng giữ tâm trí cởi mở và duy trì một thái độ tích cực nhất có thể.

 

Không sẵn lòng học cách làm điều gì đó theo cách mới

 

Ngay cả khi công việc trước đây giống với công việc mới của bạn về cơ bản, hãy coi quá trình chuyển đổi này là cơ hội để thay đổi mọi thứ. Trong những ngày đầu tiên đi làm, hãy cởi mở để học các kỹ thuật mới để thực hiện các nhiệm vụ tương tự. Những phương pháp mới này có thể tốt hơn, nhưng ngay cả khi chúng không phải là một cải tiến đáng kể thì học những cách mới để thực hiện công việc sẽ khiến mọi thứ trở nên thú vị hơn.

 

Hồng Châu – CareerLink.vn

 

 

Rate this post

Viết một bình luận