Bài 4: Học Bác từ những điều giản dị

leftcenterrightdel

Đồng chí Lê Thị Lụa, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái vừa được tín nhiệm tái cử các chức danh tại Đại hội Đảng bộ xã 

Sự giản dị làm nên điều vĩ đại Hồ Chí Minh

Khi thực hiện chủ trương của Đảng về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có tâm lý e ngại rằng làm sao có thể học được một ở một người anh hùng, một vĩ nhân có nhiều ưu điểm kiệt xuất của thời đại. Tuy nhiên, càng nghiên cứu, học tập, chúng ta càng thấy rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại không chỉ bởi những điều lớn lao, hay những thành quả cách mạng Người giành được cho dân tộc Việt Nam ta mà tấm gương đạo đức của Người còn cao đẹp ở những điều giản dị, rất đỗi đời thường mà bất kỳ ai cũng có thể học tập và noi theo để hoàn thiện mình.

Các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đã khẳng định nhiều lần tại các Hội thảo trong nước và quốc tế rằng: Sự giản dị làm nên điều vĩ đại Hồ Chí Minh.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu.”

Năm 2019, tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã nhắc lại câu nói của Bác Hồ từ năm 1947: “Tôi khuyên các bạn là chớ đặt những chương trình kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần đến khó, từ thấp dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được”. Thường trực Ban Bí thư yêu cầu các cấp, các ngành tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, phong cách của Người phù hợp với từng địa phương, đơn vị, phù hợp với mỗi cá nhân…

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05 ngày 15/5/2016, xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội, địa phương, đơn vị, nhằm góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều điểm sáng, tấm gương điển hình, mô hình mới, cách làm sáng tạo, tạo sức lan tỏa, nhân rộng trong xã hội, góp phần quan trọng củng cố và bảo vệ nền tảng tư tưởng, văn hóa, đạo đức của Đảng, đồng thời tiếp sức, cổ vũ toàn thể nhân dân ta kiên định, hăng hái, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội…

Chọn trọng tâm học và làm theo Bác

Tỉnh Nam Định đã chọn trọng tâm thi đua học và làm theo gương Bác trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh đã có hàng nghìn mô hình, điển hình tập thể, cá nhân, trong đó phải kể đến nhiều mô hình hiệu quả như: xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển, mô hình xây dựng làng xã văn hoá, đô thị văn minh; cánh đồng lớn; dồn điền đổi thửa; tuyến đường “xanh – sạch – đẹp”; con đường hoa; xây dựng khu dân cư “văn hóa nông thôn mới”; tạo cảnh quan sáng – xanh – sạch – đẹp; camera an ninh… Qua đó, đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu tỉnh nông thôn mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã, thị trấn và 10/10 huyện, thành phố được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Huyện Hải Hậu là một trong ba đơn vị cấp huyện của cả nước được Trung ương lựa chọn làm điểm huyện Nông thôn mới kiểu mẫu “Sáng – xanh – sạch – đẹp” phát triển bền vững giai đoạn 2018-2023.

Từ những kết quả trong những năm qua, Nam Định trở thành điểm sáng, được Trung ương đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Các mô hình thực hiện nếp sống văn hoá mới đã có tác động tích cực trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh. Nhiều địa phương đã gắn việc học và làm theo Bác với các mô hình cụ thể thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội đảm bảo đúng các quy định pháp luật của Nhà nước, phù hợp với truyền thống, phong tục tập quán, nếp sống văn hóa mới, quy ước của địa phương; nhiều hủ tục lạc hậu, nghi lễ dân gian được xoá bỏ, đơn giản hơn. Tiêu biểu như các mô hình xóm văn hoá – nông thôn mới; gia đình văn hóa – nông thôn mới; làm cỗ đủ ăn, không làm cỗ chia phần và ăn cỗ lấy phần; tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích; cưới theo nếp sống mới; đám cưới 5 không (không rượu, bia; không thuốc lá; không cờ bạc; không xảy ra xô xát, cãi vã; không mở loa, đài quá to trước 7 giờ sáng và sau 22 giờ tối)… Việc thực hiện tốt quy ước nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã tác động tích cực đến công tác xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có trên 80% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, trên 70% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa; 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

leftcenterrightdel

 PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương với những chia sẻ về nghiên cứu của Viện

Đối diện hiểm nguy không lùi bước

Theo PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, học và làm theo gương Bác được các nhà khoa học trong Viện xác định là phải thực hiện tốt từng phần việc của mình, nghiên cứu, giải mã thành công được vi rút gây ra các loại bệnh.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là một trong những cơ sở khoa học đứng đầu cả nước trong lĩnh vực y học dự phòng. “Bệnh nhân” của họ không phải người bệnh, mà là những con vi rút ở kích thước siêu vi, ẩn chứa trong các mẫu bệnh phẩm. Đây là một công việc nguy hiểm vì chỉ cần một sơ sẩy nhỏ, các mẫu bệnh phẩm phát tán vi rút ra ngoài thì cán bộ xét nghiệm sẽ là người bị lây nhiễm đầu tiên.

Phòng Thí nghiệm cúm, Khoa Vi rút, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hiện có 9 cán bộ nữ trên tổng số 12 cán bộ. Các chị đều có ít nhất 10 năm kinh nghiệm, được đào tạo về an toàn sinh học, rất thuần thục khi phân tích, đặc biệt đều đã trải qua cảm giác nguy hiểm khi nghiên cứu nhiều về cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, đại dịch cúm H1N1 năm 2009, vi rút MERS Cov năm 2012, dịch Ebola… Phụ nữ làm khoa học có những lợi thế như cẩn thận, tỉ mỉ, không nóng vội nhưng đây là công việc rất vất vả. Suốt ngày trong phòng thí nghiệm, đối diện với hiểm nguy, nhưng không có ai lùi bước. Mọi người cùng quyết tâm hăng say nghiên cứu để giải mã thành công những loại vi rút gây bệnh.

Từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, khi dịch COVID-19 hoành hành, cuộc sống của các chị và đồng nghiệp Khoa Vi rút bị đảo lộn, phải thay nhau bám trụ trong phòng thí nghiệm “săn bắt” con vi rút Corona, tác nhân gây nên dịch nguy hiểm cho cộng đồng. Kết quả, sau 72 giờ nghiên cứu, phân lập, các nhà khoa học Việt Nam đã nhìn thấy hình hài con vi rút Corona trong phòng thí nghiệm. Việc nuôi cấy và phân lập thành công vi rút Corona chủng mới trong phòng thí nghiệm là cơ sở quan trọng để bắt đầu rất nhiều bước nghiên cứu khác, như liệu pháp điều trị, phát triển sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và sản xuất vắc xin phòng bệnh.

PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai và tập thể cán bộ nữ của khoa cũng đã đăng ký để nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 tập trung vào dịch bệnh cúm mùa. Mục tiêu của công trình là giảm nguy cơ, ảnh hưởng của dịch cúm nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Các nhà khoa học nữ của Phòng Thí nghiệm cúm, Khoa Vi rút, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đứng đầu là PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai đã thành công trong việc kết nối, hệ thống những thành tựu nghiên cứu tại Việt Nam và phát triển lý thuyết khoa học, đi từ vi rút cúm tới chế phẩm vắc xin cúm mùa và vắc xin cho đại dịch cúm. Kết quả đó được ghi nhận trong 207 bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế, trong đó 141 bài được đăng trên tạp chí quốc tế…

Là cán bộ phải luôn gương mẫu, đi đầu

Đồng chí Lê Thị Lụa, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái được người dân vùng núi cao yêu mến gọi là nữ “bí thư nông dân” vì chính bản thân đồng chí cũng là người trực tiếp tích cực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Chị Lụa cho biết, làm cán bộ phải gương mẫu, thực sự gần dân, vì dân, sâu sát cơ sở. Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, không ỷ lại vào nguồn vốn của trên mà phải xác định tiêu chí nào thuận lợi, phù hợp với khả năng của xã, thôn thì ưu tiên làm trước; phát huy mọi nguồn lực của địa phương, trong nhân dân cho phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của bà con…

Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Lê Thị Lụa cho biết: “Tôi xác định học tập Bác Hồ không phải là học việc gì lớn lao. Học tập Bác Hồ về tác phong bình dị, giản dị, phong cách làm việc biết kính trên, nhường dưới, vì mọi người. Bên cạnh đó là học theo các bậc lãnh đạo đi trước và học ở dân. Phải xuống để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân”. Từ tâm nguyện đó, chị Lụa cho rằng, muốn tạo được sức mạnh tổng hợp, để người dân đồng lòng thì lãnh đạo phải nêu gương, làm trước. Đó cũng là lý do vợ chồng chị sẵn sàng hiến hàng trăm m2 đất để làm đường. Hành động đó đã lan tỏa khiến nhiều người khâm phục, làm theo. Với sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ và sự gương mẫu của đồng chí Bí thư Đảng ủy, năm 2015, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua và thưởng 200 triệu đồng; được Chính phủ tặng Bằng khen và thưởng 1 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo từ 10,5% năm 2011 giảm xuống còn 2,18% năm 2019; thu nhập bình quân đầu người từ 8,5 triệu đồng/năm nay đạt 30 triệu đồng/năm; từ chỗ cả xã chỉ có 2km đường bê tông, nay các đường trục chính và đường về các thôn, xóm đã cơ bản được bê tông hóa.

Tại Đại hội Đảng bộ xã khóa XXIII vừa qua, đồng chí Lê Thị Lụa tiếp tục được tín nhiệm bầu tiếp tục giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã khóa XXIII, đồng thời làm Chủ tịch UBND xã.

leftcenterrightdel

Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố 8, (TX Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), chị Trần Thị Minh nhận Bằng khen của Tỉnh ủy 

Học Bác cách huy động sức dân

Hơn 7 năm làm Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố 8, (TX Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), chị Trần Thị Minh nắm rất rõ hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của hơn 270 hộ dân, với trên 1.200 nhân khẩu trongTổ. Chị đã rút ra những bài học quý cho mình khi thực hiện các nhiệm vụ được giao và trong phong trào thi đua xây dựng đời sống mới, xây dựng, chỉnh trang đô thị. Chị Minh khiêm tốn chia sẻ: “Huy động sức mạnh từ nhân dân là một trong những kinh nghiệm quý tôi đúc kết được trong nhiều năm tham gia BCH chi hội phụ nữ Tổ dân phố. Với phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”, từ việc lớn đến việc nhỏ, dù là xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện hay việc hạch toán kinh phí đến kiểm tra, giám sát… đều đưa ra bàn bạc công khai trong toàn Tổ dân phố, khi đã đi đến thống nhất mới triển khai thực hiện”.

Khi đã hiểu rõ mục đích, lợi ích của quá trình xây dựng, chỉnh trang đô thị đạt chuẩn đô thị văn minh là phục vụ nhân dân, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn Tổ dân phố và nhiều con em địa phương xa quê tự nguyện ủng hộ, đóng góp tiền của, ngày công xây dựng chỉnh trang đô thị. “Những thành quả có được là sự đoàn kết của bà con, người cán bộ như tôi chỉ góp chút công sức nhỏ bé” – Chị Minh chia sẻ thêm. Bài học dựa vào dân, huy động sức dân theo gương Bác Hồ cũng chính là điều chị tâm đắc nhất khi chị làm công tác vận động xây dựng nông thôn mới, xây dựng, chỉnh trang đô thị và các phong trào chung trong Tổ dân phố.

Học và làm theo Bác tùy theo sức của mình

Với một cựu chiến binh, đồng chí Nguyễn Văn Oai, thôn Thái Bình, xã Quân Bình, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn luôn chủ động tham gia đóng góp nhiều ý kiến xây dựng các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của địa phương nói chung và thôn xóm nói riêng, nhất là các chính sách đối với hội viên, tích cực tham gia cùng với các ban ngành hòa giải thành 03 vụ việc về tranh chấp đất đai. Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, không chùn bước trước khó khăn, Cựu chiến binh Nguyễn Văn Oai đã bàn với gia đình tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Với số vốn trên 70 triệu đồng vay của ngân hàng cùng với vốn tự có của gia đình, đồng chí Oai đã đầu tư xây dựng nhà xưởng chế biến gỗ đóng đồ mộc, đầu tư máy chế biến bún sợi phục vụ nhân dân với tổng mức đầu tư ban đầu trên 150 triệu đồng; đồng thời gia đình vẫn tiếp tục duy trì nuôi 02 lợn nái móng cái. Đến nay, cơ bản gia đình đồng chí Oai đã hoàn trả xong phần vốn đầu tư ban đầu; thu nhập hằng năm của gia đình đạt trên 200 triệu đồng. Kinh tế ổn định, gia đình đồng chí đã có điều kiện mua sắm được đầy đủ các đồ dùng, tiện nghi sinh hoạt; đầu tư đầy đủ cho con cái học hành. Hàng năm gia đình anh còn tham gia đóng góp ủng hộ các loại quỹ từ thiện giúp đỡ những gia đình nghèo hộ có hoàn cảnh khó khăn, người gia cao tuổi trong thôn…. và thực hiện đầy đủ các khoản quỹ do địa phương phát động. Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, mỗi năm anh còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 3 – 4 hội viên Cựu chiến binh và người dân trong thôn lao động theo mùa vụ với mức lương từ 3,5 – 4 triệu đồng/người/tháng.

leftcenterrightdel

Đồng chí Nguyễn Văn Oai, thôn Thái Bình, xã Quân Bình, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn nhận Bằng khen của Tỉnh ủy

Học Bác từ những việc phù hợp với chuyên môn

Gắn bó với công tác Đoàn và phong trào thanh niên tại cơ sở lâu năm nên có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận các nội dung tuyên truyền về thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, anh Liên Chí Quang – Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phường 6. TP.HCM luôn nhận thức sâu sắc về ý nghĩ và tầm quan trọng của việc học tập và làm theo Bác.

Qua nghiên cứu học tập các chuyên đề, anh đã tự rút ra bài học cho bản thân và chia sẻ: “Học và làm theo Bác từ những việc làm nhỏ nhất, phù hợp với chuyên môn của mình để có thể phát huy thế mạnh, sở trường, đồng thời trong từng việc làm phải chú ý đến lợi ích của tập thể và nhân dân”. Vì thế, trong hoạt động triển khai đến đoàn viên thanh niên, anh luôn phát huy tinh thần của tuổi trẻ, theo lời dạy của Bác “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Từ năm 2011 đến nay, anh đã tham mưu Đảng ủy đề ra nhiều mô hình, giải pháp cụ thể để tập hợp thanh niên, cũng như góp phần thực hiện các chỉ tiêu của địa phương. Trong đó, có thể kể đến các giải pháp giúp thanh niên tiếp cận việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách thiết thực, gần gũi như: tổ chức biểu diễn các tiết mục văn nghệ ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức cho thanh thiếu nhi tham quan bảo tàng Hồ Chí Minh, hội thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Song song đó, phối hợp ban ngành, đoàn thể tổ chức lớp tìm hiểu chuyên đề học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chuyên đề hàng năm và vận động cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên tham gia; tổ chức ngày hội “Làm theo lời Bác” gắn với nội dung tuyên dương gương Cháu ngoan Bác Hồ tiêu biểu, tuyên dương gương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, triển lãm hình ảnh Bác Hồ với thanh niên đã thu hút gần 200 thanh thiếu nhi trên địa bàn tham gia.

Ngoài ra, anh đã xây dựng thành công các mô hình hỗ trợ thanh niên mưu sinh lập nghiệp, cụ thể: ra mắt Cửa hàng thanh niên, hỗ trợ thanh niên tiếp cận với các nguồn vốn vay làm kinh tế; phối hợp với ban ngành, đoàn thể thực hiện tốt mô hình 5 + 1 tham gia giúp đỡ, giáo dục, hỗ trợ người hồi gia, sau cai tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng thành công phần mềm hướng dẫn thủ tục hành chính đã tạo điều thuận lợi cho nhân dân đến tra cứu thủ tục làm hồ sơ…/.

Bài 5: Đưa tư tưởng Hồ Chí Minh đến triệu triệu người Việt Nam

Rate this post

Viết một bình luận