Nghị luận văn học là gì? – Theki.vn

nghi-luan-van-hoc-la-gi

Nghị luận văn học là gì?

I. KHÁI QUÁT VỀ VĂN NGHỊ LUẬN

“Nghị luận là một thể loại văn học đặc biệt, dùng lí lẽ, phán đoán, chứng cứ để bàn luận về một vấn đề nào đó (chính trị, xã hội, văn học nghệ thuật, triết học, đạo đức). Vấn đề được nêu ra như một câu hỏi cần giải đáp, làm sáng tỏ. Luận là bàn về đúng, sai, phải, trái, khẳng định điều này, bác bỏ điều kia, để người ta nhận ra chân lí, đồng tình với mình, chia sẻ quan điểm và niềm tin của mình. Sức mạnh của văn nghị luận là ở sự sâu sắc của tư tưởng, tình cảm, tính mạch lạc, chặt chẽ của suy nghĩ và trình bày, sự thuyết phục của lập luận. Vận dụng các thao tác như giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ, so sánh…” (Sách giáo khoa Ngữ Văn 11, tập 2).

– Yêu cầu bài văn nghị luận: Phải đúng hướng, phải trật tự, phải mạch lạc, phải trong sáng, phải sinh động, hấp dẫn, sáng tạo.

– Những thao tác chính của văn nghị luận: giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận, bác bỏ, so sánh,…

– Nghị luận văn học là một dạng nghị luận mà các vấn đề đưa ra bàn luận là các vấn đề về văn học: tác phẩm, tác giả, thời đại văn học,…

– Khi hướng dẫn học sinh làm bài văn nghị luận văn học cần chú ý các yêu cầu sau đây:

  • Củng cố cho học sinh nắm chắc các thao tác nghị luận về đoạn thơ, bài thơ, đoạn trích, tác phẩm văn xuôi.
  • Củng cố kiến thức cơ bản ở mỗi tác phẩm văn học như: tác giả, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, giá trị tư tưởng,…
  • Đối với thơ, cần chú ý đến hình thức thể hiện (hình ảnh, nhịp điệu, cấu trúc, biện pháp tu từ,..).
  • Đối với tác phẩm văn xuôi: cú ý đến cốt truyện, nhân vật, tình tiết, các dẫn chứng chính xác, giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo, tình huống truyện,…

Như vậy, nghị luận là bàn bạc đánh giá một vấn đề. Văn nghị luận là dạng bài văn người viết bàn bạc, trao đổi ý kiến, trình bày quan điểm, thái độ của mình về một vấn đề nhằm thuyết phục người đọc, người nghe chấp nhận, đồng tình với quan điểm của mình. Để thực hiện điều này, người viết phải vận dụng hợp lí, nhuần nhuyễn các thao tác lập luận như giải thích, chứng minh, lập luận, bác bỏ, so sánh…

Văn nghị luận có tính khoa học, đòi hỏi khả năng phân tích, tổng hợp bên cạnh khả năng diễn đạt, cảm thụ. Nhìn từ đề tài, đối tượng nghị luận, có thể chia văn nghị luận thành hai loại lớn: nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Trong đó, nghị luận văn học là những bài văn về các vấn đề văn chương – nghệ thuật. Đây là dạng đề phổ biến và cơ bản trong chương trình Ngữ Văn THPT. Đối tượng của dạng bài này là một vấn đề văn học hoặc lí luận văn học. Đó có thể là một nhân vật văn học, giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật của tác phẩm; đặc điểm nổi bật của một khuynh hướng, trào lưu, giai đoạn văn học; cũng có thể là một vấn đề lí luận về nhà văn, quá trình sáng tác, phong cách tác giả, tiếp nhận văn học…

II. CÁCH LÀM MỘT BÀI NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

1. Tìm hiểu đề.

Cần khắc sâu cho học sinh tầm quan trọng của việc tìm hiểu đề, cần trả lời cho được 4 câu hỏi sau đây:

+ Đề đặt ra vấn đề gì cần giải quyết? Viết lại rõ ràng luận đề ra giấy.

Có 2 dạng đề:

  • Đề nổi, các em dễ dàng nhận ra và gạch dưới luận đề trong đề bài.
  • Đề chìm, các em cần nhớ lại bài học về tác phẩm ấy, dựa vào chủ đề của bài đó mà xác định luận đề.

+ Đề yêu cầu nghị luận theo kiểu bài nào? Dưới đây là dạng đề thường gặp:

  • Bình giảng một đoạn thơ
  • Phân tích một bài thơ.
  • Phân tích một đoạn thơ.
  • Phân tích một vấn đề trong tác phẩm văn xuôi.
  • Phân tích nhân vật.
  • Phân tích một hình tượng
  • Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật,…

+ Cần sử dụng những thao tác nghị luận nào, thao tác nào chính?

+ Để giải quyết vấn đề cần sử dụng những dẫn chứng nào? Ở đâu?

2. Tìm ý và lập dàn ý

Tìm ý:

  • Tự tái hiện lại kiến thức đã học về những giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đang bàn đến.
  • Tự suy nghĩ và trả lời các câu hỏi:
  • Xác định giá trị nội dung, tư tưởng: tác phẩm ấy chứa đựng bao nhiêu nội dung. Đó là những nội dung nào?; Qua mỗi nội dung, tác giả thể hiện thái độ, tình cảm gì? Nhà văn muốn gởi gắm thông điệp gì đến người đọc?
  • Xác định giá trị nghệ thuật: để làm bật lên giá trị nội dung, nhà văn đã sử dụng những hình thức nghệ thuật nào?; Thủ pháp nghệ thuật quan trọng nhất mà tác giả sử dụng để gây ấn tượng cho người đọc là thủ pháp gì?; Chi tiết nào, hình ảnh nào,…làm em thích thú nhất? Vì sao? Nhà văn đã sử dụng nghệ thuật gì ở đó?

(Cần lưu ý, việc phân chia hai vấn đề nội dung, hình thức để dễ tìm ý, nhưng khi phân tích thì không nên tác rời giá trị nội dung và nghệ thuật.)

3. Lập dàn ý:

Dựa trên các ý đã tìm được, học sinh cần phát họa ra 2 dàn ý sơ lược. Cần chú ý học sinh: khi lập dàn ý và triển khai ý phải đảm bảo bốc cục 3 phần của bài văn, nếu thiếu một phần, bài văn sẽ không hoàn chỉnh và bị đánh giá thấp.

Dưới đây là dàn ý cơ bản của một bài văn phân tích tác phẩm.

Mở bài:

  • Giới thiệu vài nét lớn về tác giả.
  • Giới thiệu hoàn cảnh ra đời tác phẩm, xuất xứ tác phẩm.
  • Giới thiệu luận đề cần giải quyết. (cần bám sát đề bài để giới thiệu lau65n đề cho rõ ràng, chính xác. Luận đề cần dẫn lại nguyên văn yêu cầu của đề).

Thân bài:

  • Nêu luận điểm 1 – luận cứ 1 – luận cứ 2,…(Các luận điểm, luận cứ này chính là các ý 1,2,3…ý a, ýb,..mà các thầy cô đã giảng dạy trong bài học về tác phẩm ấy).

Học sinh cần chỉ ra giá trị nội dung thứ nhất là gì, trong đó chứa đựng giá trị nghệ thuật gì?, giá trị tư tưởng tình cảm gì?,…

  • Nêu luận điểm 2 – luận cứ 1 – luận cứ 2,…Cần chỉ ra giá trị nội dung thứ 2, trong đó chứa đựng giá trị nghệ thuật gì, giá trị tư tưởng tình cảm gì?,…
  • Nhận định chung: khắc sâu giá trị tư tưởng – chỉ ra thành công về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm (so sánh với các tác phẩm khác cùng thời) và nêu hạn chế của nó (nếu có).

Kết bài: Khẳng định giá trị văn học của tác phẩm ở 2 mặt nội dung và nghệ thuật.

Sau khi đã có dàn ý, học sinh cần phải biết dựng đoạn dựa theo các luận điểm vừa tìm ra.

4. Cách dựng đoạn và liên kết đoạn:

Dựng đoạn:

Cần nhận thức rõ mỗi luận điểm phải được tách ra thành một đoạn văn nghị luận (Phải xuống dòng và lùi đầu dòng, chữ đầu tiên phải viết hoa)

Một đoạn văn nghị luận thông thường cần chứa đựng một số loại câu sau đây:

  • Câu chủ đoạn: nêu lên luận điểm của cả đoạn, câu chủ đoạn cần ngắn gọn rõ ràng.
  • Câu phát triển đoạn: gồm một số câu liên kết nhau: câu giải thích, câu dẫn chứng, câu phân tích dẫn chứng, câu so sánh, câu bình luận,…
  • Câu kết đoạn: là câu nhận xét, đánh giá vấn đề vừa triển khai, tiểu kết cả đoạn.

Liên kết đoạn:

Các đoạn văn trong bài văn đều cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Có 2 mối liên kết: liên kết nội dung và liên kết hình thức.

Liên kết nội dung:

  • Tất cả đoạn văn trong bài văn bắt buộc phải có liên kết nội dung, nghĩa là mỗi đoạn văn đều phải hướng vào luận đề, làm rõ luận đề. Nếu không thì bài văn sẽ trở nên lan man, xa đề, lạc đề.
  • Có thể thấy sự liên kết nội dung qua những từ ngữ xuất hiện trong mỗi đoạn văn. Các từ ngữ quan trọng trong luận đề (hoặc những từ ngữ trong cùng một trường từ vựng ấy) thường xuất hiện nhiều lần, lặp đi lặp lại nhiều lần trong các đoạn văn.

Liên kết hình thức:

  • Bên cạnh sự liên kết nội dung ở các đoạn văn, giáo viên cần chỉ ra cho các em cách liên kết hình thức để giúp cho việc triển khai ý thêm dễ dàng, làm cho bài văn trở nên dễ đọc, dễ hiểu, có tính mạch lạc, rõ ràng.
  • Liên kết hình thức có thể thấy rõ qua các câu nối hoặc từ ngữ liên kết đoạn nằm đầu mỗi đoạn văn.

Tùy theo mối quan hệ giữa các đoạn văn mà ta có thể dùng các từ ngữ liên kết đoạn khác nhau, dưới đây là một số từ ngữ mà tần số xuất hiện rất nhiều trong các bài làm văn. (Trước tiên, tiếp theo đó, ở khổ thơ thứ nhất, sang khổ thơ thứ hai,…; Bên cạnh đó, song song đó, không những thế, song, nhưng,…; Về cơ bản, về phương diện, có thể nói, cũng có khi, rõ ràng, chính vì, tất nhiên,…; Nếu như, nếu chỉ có thể, thế là, dĩ nhiên, thực tế là, vẫn là, có lẽ,…; Cũng cần nói thêm, trở lại vấn đề,…; Cho dù, mặc dù vậy, nếu như ở trên,…; Nhìn chung, nói tóm lại,…)

Rate this post

Viết một bình luận