Những tài liệu gốc, đương thời, đều không nói câu nào về việc Thái tổ Lê Lợi trả gươm thần hoặc trả gươm cho thần ở vùng hồ mà mãi về sau mới có tên là “Hoàn Kiếm” tức “Trả Gươm”. Bộ chính sử Triều Lê – sách “Đại Việt sử ký toàn thư” – ở thế kỷ XV, cả về thời gian bắt đầu khởi nghĩa, lẫn về thời gian khởi nghĩa thành công, đều không có dòng nào ghi chép ngay về việc Lê Lợi được gươm thần, chứ đừng nói gì đến việc trả gươm, đã đành, mà đến như bộ “Lam Sơn thực lục” – được cho là do chính Lê Lợi viết, hoặc “chủ biên” vào năm1431 thì cũng chỉ chép mỗi việc Lê Lợi được gươm thần, cùng với quả ấn trời cho ở Lam Sơn mà thôi. Không hề có việc trả gươm (hoàn kiếm) ở Đông Kinh (Thăng Long – Hà Nội, khi ấy). Lại đến như bản “trùng san” (tức là làm lại, sửa chữa và bổ sung) bộ “Lam Sơn thực lục” gốc ở thế kỷ XV này, được thực hiện vào thế kỷ XVII (niên hiệu Vĩnh Trị: 1676-1680), thì cũng không có chữ nào về việc Thái tổ Lê Lợi mang gươm ngự đến hồ “Lục Thủy”, và do đó, trả (mất) gươm cho rùa thần tại đây.
Tên gọi của hồ, vì thế, ngoài và cùng với thủy danh là “Lục Thủy”, thì, đến lúc này, vẫn chỉ có thêm một tên nữa là “Thủy Quân hồ” (hồ Thủy Quân) do sự thể: Triều đình Lê – Trịnh hoặc giả là có cả Triều Trần nữa thường cho tập trận thủy quân ở đây và phần phía Bắc của hồ, do “chầu về phủ Chúa Trịnh từ mạn trái” nên mang thêm tên là “Tả Vọng hồ”. Chưa hề xuất hiện tên “Kiếm hồ” (hồ Hoàn Kiếm), hoặc “Hồ Gươm” (hồ Trả Gươm), trong bất cứ tài liệu nào, ở và của thời gian từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII.
(Ảnh: TL)
Chỉ từ thế kỷ XVIII, thậm chí là cuối thế kỷ ấy, và sang đến thế kỷ XIX, thì mới dần dà xuất hiện những lời kể và sự tích khác nhau, về việc Thái tổ trả gươm ở hồ Lục Thủy (hồ Thủy Quân, hồ Tả Vọng). Chẳng hạn như, đầu tiên, là lời tiểu dẫn của ông Nghè Trần Bá Lãm, ở bài thờ “Vịnh Tả Vọng hồ” (trong sách “La Thành cổ tích vịnh”, lời “tự” đề niên hiệu Chiêu Thống: 1786-1788), nói gọn: “Vua Thái tổ trả lại gươm cho thần ở đó (tức là: ở Tả Vọng hồ), cho nên gọi là Hoàn Kiếm hồ”.
Những tác giả và thư tịch cổ khác, sang đến đầu thế kỷ XIX, mới bắt đầu có những chi tiết “sinh động” hơn về việc Thái tổ Lê Lợi trả gươm, và sự ra đời tên hồ Hoàn Kiếm. Chẳng hạn như: trong khi Nguyễn Án (1770-1815) ở sách “Tang thương ngẫu lục” (viết chung với Phạm Đình Hổ) nói rằng: có một con ba ba (không phải rùa) rất lớn, bắn hạ không được, Thái tổ mới lấy kiếm trỏ vào nó, bất đồ kiếm rơi xuống nước mất, mà ba ba cũng lặn theo, và đặc biệt là đến đời Cảnh Hưng (1740-1786) “có một vật hiện lên từ cái đảo trong hồ, sáng rực rồi tắt, người ta cho là thanh kiếm đã bay đi” (chuyện “Hồ Hoàn Kiếm”), thì Phan Huy Chú, ở sách “Hoàng Việt dư địa chí” (soạn vào khoảng 1830-1835), lại viết: “Khi Vua Lê Thái Tổ ngự thuyền chơi trong hồ, bỗng thấy con rùa lớn (không phải ba ba) nổi lên. Vua rút kiếm chỉ vào nó, rùa ngậm ngay kiếm rồi lặn mất. Vì vậy đặt tên là hồ Hoàn Kiếm”.
Rất đáng chú ý là tác giả Bùi Cơ Thúc, trong sách “Long Biên bách nhị vịnh” (bài tựa viết năm 1844), không những đã cung cấp một tên gọi na ná, nhưng khác (là: hồ “Hàm Kiếm”, chứ không phải “Hoàn Kiếm”) cho hồ, mà còn tạo ra cả một sự tích trả gươm ở đây, cũng không giống mọi người, mà trước tiên là nói về thanh kiếm Thuận Thiên: “Vua Lê Thái Tổ khi bắt đầu khởi nghiệp ở Lam Sơn có nhặt được một thanh gươm ở trên bờ sông Lương. Trên gươm có chữ “Thuận Thiên”, nên sau Vua lấy hiệu cũng là Thuận Thiên. Khi dẹp xong giặc, gươm được cất tại kho chứa vũ khí ở bãi giữa hồ, do vậy hồ có tên là Hàm Kiếm (chứa Kiếm). Và việc mất gươm ở hồ Hoàn Kiếm thì cũng được kể khác: “Đời Lê Tương Dực (1509-1516), khi vua này ngự trên hồ, xem cây gươm, thì gươm rơi xuống nước, tìm không thấy. Vài ngày sau, trên hồ mưa to sấm động, gươm hóa rồng bay lên trời”.
(Ảnh: TL)
Những dị bản như thế này, cho thấy rõ và đúng “quy luật” – quá trình tạo tác truyền thuyết về việc Thái tổ Lê Lợi trả gươm ở hồ Hoàn Kiếm, chỉ là về cuối thế kỷ XVIII-đầu thế kỷ XIX. Và những tác giả của và ở “lát cắt lịch sử” thời gian này, đã đem “mắc” sự tạo tác truyền thuyết của họ vào thời gian và các nhân vật lịch sử thuộc triều đại Lê sơ trước đây, chứ không phải là đích thực về thời Lê sơ đã có xảy ra, diễn ra các việc mà những tác giả này đã nghĩ ra. Để cho đến giữa thế kỷ XIX thì một “tổng hợp” đã được bộ “Đại Nam nhất thống chí” (của Quốc sử quán triều Nguyễn) thực hiện và phổ biến cho tới ngày nay như sau:
“Hồ Hoàn Kiếm ở ngoài Đông Nam thành tỉnh (Hà Nội). Tương truyền: Lê Thái Tổ đi thuyền chơi hồ, có con rùa nổi lên, nhà vua cầm kiếm chỉ vào rùa. Rùa liền ngậm kiếm lặn xuống. Lại có thuyết nói: trước kia, Vua Thái tổ bắt được kiếm thần và ấn thần, bèn dấy binh đánh giặc Minh, sau truyền làm bảo vật. Đến năm Lê Thánh Tông băng hà, kiếm thần và ấn đều mất, sau người ta thấy đầu thanh kiếm nổi ở trong hồ, chốc lát lại biến mất, nên nhân dân đặt tên hồ”.
Vậy là đến đây thì đã rõ: sự tích Thái tổ Lê Lợi trả gươm cho trời là sản phẩm của tư duy huyền thoại về lịch sử, của, ở, và từ cuối thế kỷ XVIII-đầu thế kỷ XIX, không phải là sự thực lịch sử ở thế kỷ XV. Đó là một sản phẩm tưởng tượng quá hay, và đẹp. Nhưng, vào lúc tạo tác, nó mang ý nghĩa – nếu có- về “mệnh trời”, và “Thiên – Nhân hữu quan” (Trời và Người có quan hệ) của Nho giáo và Nho học. Cái triết lý về “Chiến tranh và Hòa bình” được một ca khúc hồi cuối thế kỷ XX thể hiện thành câu hát: “Truyền rằng, nơi đây Vua Lê đã trả lại gươm báu để giã từ chiến tranh…” chỉ là sự phát triển của tư duy thời hiện đại về sau.
Điều quan trọng là: tất cả những điều đó, đều gắn bó với (thậm chí là của) không gian văn hóa hồ Trả Gươm. Và rất thú vị là: cái không gian văn hóa ấy, dù chỉ được gọi bằng và đúng với tên gọi hồ Trả Gươm (Hoàn Kiếm) từ hai ba trăm năm nay thôi, nhưng vẫn luôn là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, vẫn luôn là một không gian văn hóa “động” đầy sức sống phát triển để làm và giữ được vị thế hồn cốt của tòa Kinh đô và Thủ đô Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến. Không gian văn hóa này có hồ nước xanh biếc (“Lục Thủy”) làm trung tâm và nền cảnh, có rất nhiều kiến trúc, cảnh quan đẹp đẽ thơ mộng viền quanh, linh diệu những di tích lịch sử và tôn giáo tín ngưỡng cổ kính, sâu sắc và kỳ thú biết bao là truyền thuyết cùng giai thoại, thu về đây cả một kho tàng tác phẩm văn học – nghệ thuật sáng và đắt giá.
TS Nguyễn Doãn Tuân