Đuông dừa, một loại “đặc sản” đã xuất hiện ở nước ta từ rất lâu rồi và nó trở nên khá nổi trong 10 – 15 năm trở lại đây nhờ vào hàm lượng dinh dưỡng cao trong cơ thể. Vậy bạn có biết thực sự đuông dừa là con gì? Cách làm các món ăn từ đuông dừa và giá bán của chúng như thế nào không.
Nếu vẫn đang lăn tăn tìm hiểu về các vẫn đề này thì hãy tham khảo ngay bài viết của mình dưới đây nhé, chắc chắn sẽ có nhiều kiến thức bổ ích cho bạn đấy
1️⃣ Con đuông dừa là con gì?
Đuông dừa thực ra là ấu trùng của một loại bọ cánh cứng có tên gọi là kiến vương hai sừng, loại này chuyên đục khoét, ăn và phá hoại bên trong thân cây khiến cây nhanh chóng bị chết, gãy đổ.
Ngoài tên gọi phổ biến này, chúng còn thường được gọi với một số tên khác như là con đuông, con sâu dừa, nhộng dừa…
– Đuông cọ: là tên gọi của loài ấu trùng này nhưng sống ở cây cọ
– Đuông chà là: vẫn như trên thôi nhưng sống ở cây chà là
Giá trị dinh dưỡng của đuông dừa
– Protein: 11%
– Chất bèo thô: 52%
– Carbohydrate: 8%
Về ngoại hình
Tương tự như những loài ấu trùng khác, sâu dừa cũng có phần thân dài, có hai hàng chân nhỏ để di chuyển, phần thân trông khá béo múp màu trắng sữa (hoặc ngà) và phần đầu màu đen. Đặc biệt, loại ấu trùng này không có lông cũng không có ruột nên hoàn toàn phù hợp để ăn sống
Tùy vào khả năng hấp thụ của từng cá thể mà kích thước của đuông dừa có thể khác biệt một chút, tuy nhiên chúng thường có kích thước khoảng 3 – 5cm, những con ăn nhiều sẽ có thân hình phồng to và mềm mại như chứa toàn nước ở bên trong vậy
2️⃣ Có thể tìm thấy đuông dừa ở đâu?
Dĩ nhiên rồi, với tên gọi của chúng thì không thể lẫn đi đâu được, bạn sẽ tìm thấy chúng trên những cây dừa bị khô, héo úa, còi cọc hoặc chết khô vì chúng đã ăn toàn bộ thân bên trong khiến cây không thể hấp thụ được chất dinh dưỡng
Khi lại gần các cây khô, hãy áp sát tai vào nếu bạn nghe những âm thanh “cọt cẹt”, “xọt xẹt” thì chứng tỏ là đuông đang ăn ở trong thân cây đấy (nghe khá giống mọt ăn gỗ)
Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm chúng trên những thân cây cọ hoặc cây chà là (nên bạn cũng có thể gọi chúng là đuông cọ hoặc đuông chà là như mình đã đề cập bên trên)
Địa điểm nào có nhiều đuông dừa
Như vậy, ở bất cứ khu vực nào mà bạn tìm những loại cây này thì đều có thể tìm thấy “loại đặc sản này” không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều địa điểm khác ở khu vực châu Á.
Còn ở Việt Nam, nếu bạn muốn tìm một địa điểm có nhiều loại đuông này thì bạn có thể tham khảo hai địa điểm dưới đây
Bến Tre: khu vực được biết đến là trồng nhiều dừa nhất nước ta, do đó bạn cũng có thể xem đây là xứ sở của đuông dừa
Cà mau, Bạc Liêu: khu vực có nhiều cây chà là ở nước ta, ở đây thì đuông chà là được xem là một trong những đặc sản khá nổi tiếng
3️⃣ Hình ảnh con đuông dừa
4️⃣ Ăn đuông dừa
a. Đuông dừa có ăn được không?
Câu trả lời dĩ nhiên là có vì chắc hẳn bạn đã thấy nhan nhản trên mạng hoặc rất nhiều người đã từng ăn chúng. Ăn đuông dừa cũng giống như ăn nhộng hoặc ấu trùng của ong khi ăn vào vị của chúng rất béo (như lòng đỏ trứng gà) và hầu như không có mùi tanh nên khá dễ ăn
b. Ăn đuông dừa có tác dụng gì?
Tuy vẻ ngoài của chúng có lẽ sẽ hơi ghê (đối với một số bạn) tuy nhiên hàm lượng protein và chất béo trong cơ thể chúng rất cao nên sẽ cung cấp một lượng lớn chất dinh dưỡng cần thiết cho con người
Một số lợi ích việc ăn đuông dừa có thể kể đến như: chữa các chứng suy dinh dưỡng, còi xương ở trẻ em, cung cấp chất dinh dưỡng tốt cho thai nhi, cải thiện chức năng sinh lý ở phái mạnh, là một đặc sản để nhâm nhi khi trời mưa lạnh….
c. Ăn đuông dừa có sao không (có hại không)?
Là một nguồn thực phẩm lành tính, tuy nhiên một số người vẫn có thể gặp một số triệu chứng khi ăn đuông dừa sống là trong thành phần của chúng có một số chất gây dị ứng hoặc các bào tử nấm men, nấm mốc có trong môi trường sống bám lên cơ thể
Khi ăn sống con đuông dừa, các bào tử này có thể đi vào cơ thể và gây ra các triệu chứng như dị ứng, mẫn cảm, ngứa, buồn nôn… Do đó, nếu bạn là người mẫn cảm hoặc có hệ tiêu hóa yếu, tốt nhất cứ thực hiện “ăn chín uống sôi” là chắc cú nhất
d. Sơ chế đuông dừa trước khi chế biến
Mặc dù đuông dừa hoàn toàn có thể ăn sống nhưng để an toàn hơn khi chế biến các món ăn, bạn nên sơ chế đuông dừa giúp làm sạch các bụi bẩn hoặc các vi nấm kí sinh trên cơ thể chúng để an toàn hơn khi ăn.
Việc sơ chế đuông cũng khá đơn giản, bạn nên rửa từng con đuông một dưới vòi nước cho sạch đất, cát sau đo cho đuông đã rửa vào một thau nước muối hoặc nước pha với rượu trắng. Khi được cho vào nước, chúng sẽ ngoe nguẩy và “tắm” sạch lớp bụi bẩn bên ngoài, khoảng 3 – 4 phút bạn có thể vớt ra và bắt đầu chế biến những món ăn ngon từ ấu trùng này
e. Cách chế biến đuông dừa
Đuông dừa có nhiều cách chế biến khác nhau, tùy vào mỗi cách mà bạn sẽ có một món ăn đặc sản riêng. Dưới đây, mình xin phép giới thiệu một số món ăn khá hấp dẫn làm từ đuông dừa khá dễ chế biến mà bạn không nên bỏ qua
1. Tẩm bột chiên
Là một trong những cách chế biến mình cảm thấy là dễ ăn nhất. Sau khi sơ chế sạch, cho một ít đậu phộng vào trong thân đuông, lăn qua hỗn hợp bột mì, bột năng, trứng gà, tiêu xoay nhuyễn, muối, đem chiên vừa vừa vàng đến vớt ra. Sau khi chiên, để vào giấy ăn cho ráo mỡ, có thể ăn cùng rau sống cho đỡ ngấy
2. Chiên nước mắm
Nếu bạn muốn ăn kèm với cơm thì có thể thể chế biến theo cách này. Sau khi sơ chế đuông, bắt bếp và cho vào tỏi, nước mắm, đường, hạt nêm, tiêu xay nhiễu, một ít nước và đợi đến khi dung dịch hơi sệt lại bắt cho đuông vào đảo đều đến khi nước kẹo lại là được. Có thể thêm ớt bột nếu bạn thích ăn cay
3. Hấp với xôi
Cho đuông dừa vào nồi xôi khi đang hấp, nhiệt đồ từ xôi sẽ làm chín đuông dừa. Chia thành từng chén nhỏ, bạn có thể chọt cho đuông dừa chảy sữa ra và trộn đều với xôi để ăn hoặc ăn riêng. Có thể ăn kèm thêm một món mặn bất kỳ, bạn sẽ có sự kết hợp độc đáo sự dẻo ngọt của xôi, béo của đuông và mặn mặn của thịt ăn kèm
4. Nướng muối ớt
Để giảm bớt độ ngấy của đuông bạn có thể làm món đuông nướng muối ớt, ăn cũng khá thú vị. Lúc này đuông sẽ bớt béo, có vị mặn mặn cay cay của muối ớt đi kèm với rau sống nữa thì bá cháy bọ chét. Món này mà nhậu thì đúng là hết bài
5. Trộn gỏi
Khi tìm đến cây dừa có ổ đuông, bạn có thể thu hoạch luôn cả đuông và phần cổ hủ dừa về để trộn gỏi, thêm tôm luộc, hành phi, đậu phộng với nước mắm kẹo và trộn đều như các món gỏi thông thường. Đuông dừa nên chiên vàng và ướp thêm một ít gia vị mặn mặn để cân bằng với vị chua ngọt từ nước mắm
6. Nấu cháo
Để sơ chế đuông dừa cho món ăn này, bạn hãy rửa con đuông sạch bằng nước lanhj, cho chúng vào rượu trắng trong 2 – 3 phút rồi cho vào nước mắm ớt cho thấm vị mặn rồi bỏ tủ lạnh. C
òn việc nấu cháo thì bạn có tiến hành nấu như thông thường bằng xương hầm, thịt bằm, hành phi, hành lá, nêm nếu tùy khẩu vị và cho đuông dừa vào để tạo điểm nhấn cho món ăn
7. Đuông dừa sống tắm mắm
Một trong những món ăn làm mưa làm gió trên mạng xã hội trong thời gian gần đây và được xem là đặc sản khi đến các vùng có đuông dừa đó chính là đuông sống tắm nước mắm. Cách chuẩn bị khá đơn giản cho với một chén mắm sống, ớt và cho đuông dừa vào. Sau đó, gắp lên bỏ vào miệng ăn thôi vị béo ngậy của đuông dừa đi kèm với vị mặn của nước mắm sẽ đẩy vị giác của bạn lên một tầm cao mới
8. Luộc nước dừa
Ngoài các phương pháp trên thì bạn cũng có thể luộc con đuông dừa với nước dừa cho chín, sau đó cuộn với bánh tráng chấm nước mắm thay cho thịt luộc cũng khá lạ và độc đáo
5️⃣ Giá đuông dừa
Là một loại đặc sản nên nhu cầu mua bán sâu đuông dừa đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội là rất cao. Nguồn cung cấp chủ yếu thường là từ miền tây sông nước, các khu vực trồng nhiều cây dừa như mình đã đề cập ở phần trên
Do đó, nếu muốn mua bán hoặc mua giống bạn có thể liên hệ đến các hộ kinh doanh hoặc trại chăn nuôi con đuông dừa ở các tỉnh miền Tây để mua
Là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao nên giá của con đuông dừa không hề rẻ. Giá mua lẻ một con có thể lên đến 20.000vnđ. Nếu bạn mua số lượng sỉ thì giá có thể tốt hơn
Giá khi mua từ 1 – 50 con thường dao động trong khoảng 15.000 vnđ – 20.000 vnđ
Giá khi mua từ 50 – 100 con thường dao động trong khoảng 13.000 vnđ – 16.0000 vnđ
Giá khi mua từ 100 – 200 con thường dao động trong khoảng 10.000 vnđ – 12.000 vnđ
Giá khi mua từ 200 con trở lên thường nằm trong khoảng 5.000 vnđ – 7.000 vnđ
Ngoài việc mua theo số lượng để làm giống, bạn cũng có thể tham khảo việc mua theo kg, giá của 1kg đuông dừa thương nằm trong khoảng 400.000 vnđ – 500.000 vnđ. Thời điểm khan hiếm có thể lên đến gần 800.000 vnđ/kg. Rất là đắt đỏ phải không
Như vậy, trong bài viết này mình đã giới thiệu cho các bạn các kiến thức sơ bộ về đuông dừa rồi. Tuy là một loài vật đặc biệt gây hại cho tự nhiên nhưng lại là một món ăn khá lạ miệng và độc đáo được lùng sục nhiều trên thị trường.
Còn bạn thì sao, bạn đã từng ăn qua món “đặc sản” này chưa. Cùng chia sẽ cảm nghĩ cho mọi người nhé!