1. Khái niệm Văn học thiếu nhi
Cách hiểu văn học thiếu nhi, theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Theo nghĩa hẹp, văn học thiếu nhi gồm những tác phẩm văn học hoặc phổ cập khoa học dành riêng cho thiếu nhi. Tuy vậy, khái niệm văn học thiếu nhi cũng thường bao gồm một phạm vi rộng rãi những tác phẩm văn học thông thường (cho người lớn) đã đi vào phạm vi đọc của thiếu nhi, như Đôn Ki-hô-tê của M. Xéc-van-tex, Ro-bin-xơn Cơ-ru-xô của Đ.Đi-phô, Gu-li-vơ du kí của Gi.Xuýp-tơ, Túp lều của bác Tôm của H.Bi-sơ – Xtâu…” [11, tr.412]. Như vậy, thuật ngữ văn học thiếu nhi được nêu ra trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học vẫn chưa đưa ra một khái niệm hay định nghĩa cụ thể về văn học thiếu nhi mà chỉ giới hạn những “loại” tác phẩm được gọi là văn học thiếu nhi, bao gồm cả những tác phẩm không thuộc về văn học mà thuộc về khoa học phổ cập.
Bách khoa thư Văn học thiếu nhi Việt Nam, tập 1, Tổng quan, do Vân Thanh và Nguyên An biên soạn, quan niệm về văn học thiếu nhi tương đối rộng và bao quát. Khái niệm văn học thiếu nhi được nhận diện ở nhiều góc độ: chủ thể sáng tác, nhân vật trung tâm, mục đích sáng tác, đối tượng tiếp nhận… Cụ thể:
“Văn học thiếu nhi bao gồm:
– Mọi tác phẩm được mọi nhà sáng tạo ra với mục đích giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn, tính cách cho thiếu nhi. Nhân vật trung tâm của nó là thiếu nhi, và đôi khi cũng là người lớn, hoặc là một cơn gió, một loài vật, một đồ vật, một cái cây… Tác giả của văn học thiếu nhi không chỉ là chính các em mà cũng là các nhà văn thuộc mọi lứa tuổi.
– Những tác phẩm mà thiếu nhi thích thú tìm đọc. Bởi vì các em đã tìm thấy trong đó cách nghĩ cách cảm cùng những hành động gần gũi với cách nghĩ cách cảm và cách hành động của chính các em, hơn thế, các em còn tìm được ở trong đó một lời nhắc nhở, một sự răn dạy, với những nguồn động viên khích lệ, những sự dẫn dắt ý nhị, bổ ích… trong quá trình hoàn thiện tính cách của mình.
Như thế, văn học thiếu nhi là người bạn thông minh và mẫn cảm của thiếu nhi”.
Khái niệm văn học thiếu nhi được nêu ra trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia cũng đã nêu rất cụ thể hơn nữa: “Văn học thiếu nhi (children’s litereture) hay văn học dành cho trẻ em là các tác phẩm văn học dành cho độc giả và thính giả đến khoảng mười hai tuổi và thường có tranh minh họa. Thuật ngữ này được dùng với nhiều nghĩa, đôi khi có loại trừ các loại truyện viễn tưởng cho tuổi mới lớn, các sách truyện hài hước hoặc các thể loại khác. (…) Văn học thiếu nhi có thể là những tác phẩm do trẻ em (thiếu nhi) viết, những tác phẩm viết cho trẻ em, những tác phẩm được chọn viết cho trẻ em hoặc những tác phẩm được trẻ em lựa chọn”. “Văn học thiếu nhi không có định nghĩa duy nhất được sử dụng rộng rãi. Nó có thể được định nghĩa rộng là bất cứ điều gì mà trẻ em đọc, hay cụ thể hơn văn học thiếu nhi có thể là tiểu thuyết, phi tiểu thuyết, thơ, hay phim truyền hình dành cho trẻ em và những người trẻ tuổi đọc”.
Một số đặc điểm cơ bản về Văn học thiếu nhi:
Thứ nhất, độ tuổi “thiếu nhi” trong khái niệm văn học thiếu nhi: chúng tôi xếp nhóm độ tuổi từ mười sáu trở xuống là nhóm “thiếu nhi”.
Thứ hai, văn học thiếu nhi là một loại văn học, hơn nữa là một loại văn học đặc biệt. Văn học thiếu nhi dù nhiều hay ít thì vẫn là một phần không thể thiếu của bất kì nền văn học dân tộc nào. Sự đặc biệt của loại văn học này chính là ở đối tượng đã được thể hiện ngay trong nội hàm thuật ngữ: thiếu nhi. Thiếu nhi là đối tượng được miêu tả trong tác phẩm hay là độc giả của tác phẩm hay người sáng tạo nên tác phẩm? Thiếu nhi là thuật ngữ dung để chỉ một lứa tuổi cụ thể hay một nhóm lứa tuổi. Trên thực tế, các tác giả khi sáng tác có thể xác định rất rõ đối tượng mà mình miêu tả có gì để có cách xử lí mọi yếu tố của tác phẩm cho phù hợp, Nhưng chắc chắn các tác giả sẽ không thể giới hạn hoặc xác định đối tượng tiếp nhận tác phẩm của mình chỉ ở một lứa tuổi nhất định nào đó. Sự giao tiếp giữa độc giả hay thính giả với tác giả thông qua tác phẩm là một sự giao tiếp ngầm và hoàn toàn tự do. Không ai có thể cấm trẻ em khám phá một tác phẩm văn học viết về những người lớn hơn tuổi của chúng hay cấm người lớn tìm hiểu những tác phẩm viết về đám trẻ con. Sự giao thoa về đối tượng tiếp nhận có thể hiểu là một biểu hiện rõ ràng cho tính giá trị của tác phẩm. Giá trị tạo nên sức sống của tác phẩm cũng như xóa nhòa đi giới hạn về không gian, thời gian. Do đó, văn học thiếu nhi có lẽ nên được hiểu một cách rộng rãi là những tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi, cả những tác phẩm văn học do thiếu nhi sáng tasv hoặc những tác phẩm phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, viết về thiếu nhi. Được thiếu nhi yêu quý, tìm đọc.
Thứ ba, tính giáo dục trong văn học thiếu nhi: Với những tác phẩm văn học thiếu nhi sáng tác bởi người lớn thì giáo dục là tiêu chí hàng đầu của một tác phẩm văn học thiếu nhi cũng như để đánh giá một tác phẩm văn học thiếu nhi. Đối với những tác phẩm văn học thiếu nhi viết bởi chính lứa tuổi thiếu nhi thì tính giáo dục chưa được các em ý thức để đưa vào tác phẩm. Tuy nhiên, một tác phẩm văn học thiếu nhi thực thụ phải là tác phẩm mà “trẻ em khen hay, người lớn khen tốt”. Tính giáo dục, vì vậy, được coi là một trong những đặc trưng cơ bản nhất có tính sống còn với văn học thiếu nhi. Văn học thiếu nhi có vai trò to lớn trong việc giáo dục toàn diện nhân cách trẻ em, về cả đạo đức, trí tuệ và thẩm mĩ. Nhà văn Tô Hoài, người đã có rất nhiều kinh nghiệm trong sáng tác cho trẻ em đã khẳng định tầm quan trọng của chức năng này: “Nội dung một tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi bao giờ cũng quán triệt vấn đề xây dựng đức tính con người. Nói thì thừa, cần nhắc lại và thật giản dị, một tác phẩm chân chính có giá trị đối với tuổi thơ là một tác phẩm tham dự mạnh mẽ vào sự nghiệp nên người của bạn đọc ấy”. Hay Võ Quảng, cũng đưa ra quan niệm: “Văn học cho thiếu nhi còn đặt ra vấn đề chính yếu thứ hai, đó là vấn đề giáo dục”. Trẻ em luôn mang theo những hình ảnh, ước mơ, những ấn tượng từ những trang sách mà chúng đã đọc vào tương lai. Sự tác động sâu xa, bền vững ấy của tác phẩm văn học vào cuộc đời trẻ em đòi hỏi người cầm bút cho các em phải có ý thức trách nhiệm lớn lao. Chức năng giáo dục, vì thế, càng có ý nghĩa với độc giả nhỏ tuổi, những tác phẩm viết cho thiếu nhi cần có sự tham gia của các nhà văn yêu nghề, mến trẻ. Đó là những người giảu nhiệt huyết, góp phần xây dựng nên bộ phận văn học quan trọng trong nền văn học nói chung. Chủ tịch hội nhà văn nước Cộng hòa Xô Viết liên bang Nga, bí thư lãnh đạo hội nhà văn Liên Xô – nhà văn Xecgay Mikhancop đã viết: “Thật vậy, tương lai của nhân loại tủy thuộc nhiều ở lí tưởng và đạo đức của chúng ta sẽ gieo trồng vào thế hệ đang lên. Khả năng giáo dục to lớn của sách văn học thì ai cũng rõ…Tất cả chúng ta đều nhất trí về tác dụng của cuốn sách đối với thế hệ trẻ. Tất cả chúng ta đều đồng ý rằng một đứa trẻ biết đọc thì tốt hơn nhiều so với một đứa không đọc gì, rằng một cuốn sách viết cho trẻ mà hay, lí thú và tốt lành lại in đẹp là một điều kì diệu”. Qua những lời khẳng định thì chúng ta càng thấy rõ tầm quan trọng của chức năng giáo dục cho thiếu nhi. Tính giáo dục là nét nổi bật, là yếu tố quan trọng song nếu quá coi trọng điều đó thì e rằng sẽ làm mất đi chất văn học trong tác phẩm, lúc đó sẽ không còn là tác phẩm văn học thiếu nhi nữa mà sẽ trở thành tác phẩm giáo dục dễ gây nhàm chán cho các em khi quá nặng về chức năng.
Thứ tư, minh họa trong tác phẩm văn học thiếu nhi: trong các tác phẩm văn học thiếu nhi thường có minh họa bằng tranh để thu hút trẻ em hơn, tăng tính sinh động cho tác phẩm. Tiêu biểu như cặp đôi họa sĩ – nhà văn Jean Jacques Semplé và Renné Goscinny với Nhóc Nicolas (Le Petit Nicolas), Đỗ Hoàng Tường – Nguyễn Nhật Ánh trong nhiều tác phẩm. Đặc trưng này xuất phát từ đặc điểm tâm lí và lứa tuổi thiếu nhi. Lứa tuổi thiếu nhi chủ yếu tư duy bằng hình tượng, thường bị hấp dẫn bởi những đường nét, hình khối, màu sắc, vì vậy việc minh họa cho tác phẩm văn học thiếu nhi sẽ làm tang sức mạnh của nghệ thuật ngôn từ, giúp thiếu nhi đến với câu chữ và lĩnh hội tác phẩm dễ dàng hơn cũng như tác phẩm sẽ để lại ấn tượng sâu đậm hơn trong các em.
Thứ năm, văn học thiếu nhi thường giàu yếu tố tưởng tượng. Truyện viết cho thiếu nhi không giống truyện viết cho người lớn. Độc giả lứa tuổi này bé nhỏ, mong manh nên cần có những tác phẩm phù hợp với tâm sinh lí các em. Theo Vân Thanh: “Chúng tôi cho rằng văn học thiếu nhi cần nhiều cách điệu, khoa trương, nhiều mơ mộng, tưởng tượng tàn bạo hơn nữa. Không phải những tưởng tượng viển vông tách rời hiện thực, đi sâu vào hiện thực một cách khái quát hơn, bản chất hơn. Dù mơ mộng đến đây, lùi xa về quá khứ hay viễn tưởng đến tương lai thì nơi khởi đầu và chỗ đến cuối cùng của chúng ta vẫn là sự chân thật của ngày hôm nay”.
2. Vài nét về Văn học thiếu nhi ở Việt Nam
2.1. Những chặng đường phát triển của văn học thiếu nhi Việt Nam
Văn học thiếu nhi Việt Nam đã hình thành và phát triển trong một hoàn cảnh lịch sử thật hiếm hoi. Giữa những năm miền Bắc bắt tay vào xây dựng hòa bình và miền Nam tiến hành đấu tranh vũ trang thống nhất đất nước, thì văn học thiếu nhi nước ta có bước phát triển mới ngay trong cao trào thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cả nước. Nó đã dần gom tụ một cơ ngơi với đủ các bộ môn, thể loại văn học, truyện, thơ, kí, kịch, tranh… bao trùm các chủ đề về truyền thống lịch sử, cách mạng, kháng chiến, về sinh hoạt gia đình và xã hội, của trẻ em và người lớn, trong học tập, lao động, chiến đấu làm nên một sắc thái phản ánh mới của văn học. Vì thế, quyển sách Bách khoa toàn thư văn học thiếu nhi Việt Nam (tập một) do Vân Thanh – Nguyên An biên soạn đã có nhận định về văn học thiếu nhi như sau: “Những tác phẩm văn học được mọi nhà trường sáng tạo ra với mục đích giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn, tính cách cho thiếu nhi. Nhân vật trung tâm của nó là thiếu nhi, và nhiều khi cũng là người lớn, hoặc là một cơn gió, một loài vật, hay một đồ vật, một cái cây … Tác giả cho văn học thiếu nhi không chỉ là chính các em, mà cùng là các nhà văn thuộc mọi lứa tuổi”. Không chỉ như thế các nhà nghiên cứu còn nhận định thêm rằng: “Những tác phẩm được thiếu nhi thích thú tìm đọc, bởi vì các em tìm thấy ở trong đó cách nghỉ cách cảm cùng những hành động của chính các em, hơn nữa, các em còn tìm được ở trong đó một lời nhắc nhở, một sự răn dạy, với những nguồn đông viên, khích lệ, những sự dẫn dắt ý nhị, bổ ích … trong quá trình hoàn thiện tính cách của mình”.
Văn học thiếu nhi đã xuất hiện từ rất sớm trong những sáng tác dân gian. Văn học thiếu nhi trong giai đoạn này xuất hiện rất sớm, “hiện hữu” và được “công nhận” qua những sáng tác dân gian như những bài vè, đồng dao, ca dao, những truyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn… Những sáng tác dân gian này đến với các em rất tự nhiên qua lời ru, lời kể của mẹ, của bà, giúp các em “vừa học, vừa chơi”, vừa tập nói có nhịp, vừa luyện trí nhớ, mở mang kiến thức ban đầu về thế giới xung quanh… Tuy giai đoạn phát triển này của văn học thiếu nhi đã được xem là kết thúc, nhưng về hình thức nó vẫn còn tồn tại trong thời đại ngày nay. Đến văn học viết, văn học thiếu nhi đã sớm xuất hiện với hai tác phẩm Thánh Tông di cảo của Lê Thánh Tông và Nguyễn Trãi với Gia huấn ca. Hai tác phẩm này đã quan tâm đến thiếu nhi. “Hiện tượng” này là một hiện tượng đặc biệt vì “ít có dân tộc nào trên thế giới các bậc danh nhân, các ông vua cũng làm thơ, viết truyện cho các em”. Từ thế kỉ XX đến trước 1945, văn học thiếu nhi đã bắt đầu song hành cùng văn học dân tộc. Nhưng nền văn học thiếu nhi Việt Nam thực sự phát triển vào quãng giữa những năm 1960. Ấy là lúc văn học thiếu nhi đã có đủ các đề tài và thể loại: dân gian và lịch sử, cách mạng và đấu tranh kháng chiến, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, khoa học và danh nhân, truyện ngắn và truyện dài, kí và kịch, thơ truyện và thơ bài. Điều quan trọng hơn là trên cái nền chung của mỗi đề tài thể loại, đã có nhiều tác giả và những tác phẩm rất có giá trị. Vì vậy, văn học thiếu nhi Việt Nam có thể chia ra làm bốn chặng đường phát triển tính từ lúc bộ phận văn học này thực sự phát triển. Nhìn một cách tổng thể, mỗi chặng đường có những nét đặc trưng riêng, làm nên phong phú độc đáo trong văn học thiếu nhi Việt Nam
Chặng đường từ năm 1960 đến năm 1975
Đặc điểm của văn học thiếu nhi Việt Nam là ngay từ buổi hình thành đầu tiên đã phát triển toàn diện và đa dạng. May mắn này có được là do văn học thiếu nhi có một chỗ dựa, có một cương lĩnh vô cùng quý báu: Năm điều Bác Hồ dạy thiếu nhi. Đó chính là nội dung giáo dục toàn diện cho thiếu nhi, có thể kể ra một số tác phẩm nổi tiếng của một số tác giả thành công trong những năm 1960 như: Tìm mẹ và Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng, Cái thăng và Thấy cái hoa nở của Võ Quảng, Cái tết của mèo con của Nguyễn Đình Thi, Những người bạn nhỏ và Bé và Sáo của Phạm Hổ… Về thơ có những tác giả như Vũ Ngọc Bình, Huy Cận, Nguyễn Bá Dâu, Thanh Hải, Tế Hanh, Phạm Hổ, Võ Quảng, Nguyễn Xuân Sanh…
Bên cạnh đó, thời kì này chưa kết hợp tốt tính toàn diện, đa dạng với tính tập trung nhằm phục vụ những yêu cầu giáo dục trước mắt do nhiệm vụ chính trị đề ra. Khối lượng sách dịch nhiều, các thể loại dân gian, đồng thoại nhiều, bên cạnh các đề tài viết về cuộc sống mới vừa ít, vừa yếu đã gây ra một ấn tượng: sách thiếu nhi xa rời đời sống, xa rời thực tế.
Những năm 1963 – 1964 trở đi đã có những chuyển biến theo hướng bám sát phong trào, bám sát thực tế. Những thể loại truyện tranh, truyện kí viết về các anh hùng, các cháu ngoan Bác Hồ, các việc tốt người tốt phát triển nhanh, kịp thời cổ vũ, động viên, giáo dục các em làm “ngàn việc tốt” phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng tiếp bước cha anh trên các mặt sản xuất, chiến đấu như các tác phẩm: Cô Bê 20 của Văn Biển, Một nhà khoa học yêu nước của Đức Hoài, Tôi đi học của Nguyễn Ngọc Kí, Hoa Xuân Tứ của Quang Huy…
Năm 1965 lần đầu tiên có một tập thơ thiếu nhi của cây bút trẻ tuổi ra đời Tấm lòng của chúng em. Tập thơ gồm 34 bài góp nhặt công phu từ sau cách mạng tháng Tám của Trần Đăng Khoa, nói lên tiếng nói đầy sức hấp dẫn của văn học thiếu nhi. Sự xuất hiện văn thơ của thiếu nhi khẳng định sự đóng góp của nền văn học thiếu nhi, đồng thời các nhà văn nhà thơ cũng đã đóng góp làm phong phú thêm bộ mặt của nền văn học non trẻ và đầy sức sống như các tác phẩm: Chú bé sợ toán của Hải Hồ, Năm thứ nhất của Minh Giang, Cơn bão số 4 của Nguyễn Quỳnh, Xóm Cháy của Bùi Hiển… Nếu như đề tài về đời sống trước năm 1965 còn rất mờ nhạt, thì giờ đây đã được khẳng định qua những tác phẩm viết về cuộc sống lao động ở nông thôn, về nhà trường – đặc biệt là nhà trường trong những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ trên miền Bắc. Sang những năm 1970 , tình hình trên đã dần dần được điều chỉnh, uốn nắn.
Văn học thiếu nhi Việt Nam lại bước vào một thời kì phát triển mới. Mặt khác sự phát triển của từng cá nhân cá thể của mỗi tác phẩm như đã “xâm nhập” vào thế giới tâm hồn của các em. Hàng loạt tập truyện và thơ được xuất bản, đã khẳng định bước tiến của văn học thiếu nhi các tác phẩm như: Tập Măng tre và truyện Quê nội của Võ Quảng, Những tia nắng đầu tiên của Lê Phương Liên, Trận chung kết của Khánh Hòa, Những năm tháng không quên của Nguyễn Ngọc Ký, Chú bò tìm bạn của Phạm Hổ, Mầm bé của Ngô Viết Dinh…
Bên cạnh đó, đề tài chống Mĩ cũng được quan tâm kịp thời phù hợp với những bước đi của lịch sử. Các tác phẩm viết về đề này đã miêu tả cuộc sống chiến đấu của thiếu niên trong vùng tạm chiến và nêu bật những gương mặt anh hùng cho thiếu nhi học tập. Chủ yếu đó là những nhân vật có thật như đứa con đảm đang, hiếu thảo của chị Út Tịch trong Mẹ vắng nhà của Nguyễn Thi, dũng sĩ diệt Mĩ nhỏ tuổi Hồ Văn Mên trong Anh hùng còn cõng trên lưng của Lưu Hữu Phước, em bé Cả Xên trong Chú bé Cả Xên của Minh Thoa…
Về đề tài lịch sử được tiếp nối sau Nguyễn Huy Tưởng là tác phẩm Sát Thát của Lê Văn và Nguyễn Bích, Trên sông truyền hịch của Hà Ân… Các tác phẩm đã dựng lại các sự kiện phức tạp của lịch sử trong những thời kỳ chống ngoại xâm và đã khắc họa thành công một số nhân vật lịch sử.
Nhìn chung sách viết về truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc qua nhiều thời kì lịch sử đã miêu tả khá chân thật hình ảnh của các em thiếu niên trưởng thành trong hoàn cảnh gay go ác liệt. Cuộc sống của nhân vật trong chiến đấu thường phong phú, sôi nổi, phù hợp với tính ưa hoạt động, ưa phiêu lưu của các em, nên được các em yêu thích.
Hiện tượng đáng chú ý của chặng đường này là bên cạnh những nhà văn nhà thơ có tên tuổi đã hình thành một đội ngũ mới và dần dần chuyên sâu vào một đề tài, một đối tượng: Văn Biển, Phong Thu, Xuân Quỳnh… viết cho lứa tuổi nhỏ; Viết Linh, Vũ Hùng, Ngô Như Mai, Hoàng Bình Trọng… viết về đề tài khoa học; Khánh Chi, Lê Phương Liên, Vũ Lê Mai… viết về sinh hoạt đội và nhà trường xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, chúng ta đã xây dựng được một nền văn học thiếu nhi, có bề rộng, có những tác giả và tác phẩm tiêu biểu được bạn đọc yêu mến và bắt đầu có tiếng vang ở nước ngoài. Đó là một nền văn học xã hội chủ nghĩa trong sáng, phát triển toàn diện, đa dạng và có trọng tâm, trọng điểm phục vụ những nhiệm vụ chính trị, những yêu cầu giáo dục trước mắt. Văn học thiếu nhi Việt Nam còn nhiều mặt non yếu nhưng nó đã thể hiện được một bước ngoặc lớn, đồng thời bồi đắp thêm sức sống cho gương mặt tinh thần thời đại Việt Nam.
Chặng đường từ năm 1975 đến năm 1985
Văn học thiếu nhi Việt Nam đang trên đà phát triển và có những thành tựu đáng kể tạo nên cái dáng thơ văn thật đặc sắc phong phú và đa dạng trong văn học Việt Nam.
Truyện viết cho thiếu nhi sau năm 1975 tuy có dòng chảy riêng nhưng cũng không nằm ngoài bức tranh chung của văn học Việt Nam, nhất là văn xuôi Việt Nam giai đoạn này. Văn học trong mười năm tiếp theo (1975 – 1985) là giai đoạn trăn trở, tìm tòi, nhìn chung vẫn gần với cách tiếp cận cũ. Sự tiếp nối này thể hiện rõ nhất trong những năm đầu, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc, phần lớn truyện vẫn chỉ xoay quanh đề tài kháng chiến. Võ Quảng viết Tảng sáng vẫn tiếp nối mạch cảm xúc của Quê nội, và nhiều tác phẩm được viết trong cảm hứng day dứt về “một thời đạn bom” lớp lớp trẻ em từ thành phố về nông thôn sơ tán, cũng phải tự lập, lo toan đủ bề. Các tác phẩm như Ngôi nhà trống của Quang Huy, Hoa cỏ đắng của Nguyễn Thị Như,…
Viết về cuộc sống mới khi đất nước hoàn toàn thống nhất, các nhà văn chú ý nhiều tới vấn đề đạo đức của con người. Những tác phẩm như Tình thương của Phạm Hổ, Bến tàu trong thành phố của Xuân Quỳnh, Chú bé có tài mở khóa của Nguyễn Quang Thân, Hành trình ngày thơ ấu của Dương Thu Hương… Có thể coi là những tác phẩm xung kích mạnh dạn phanh phui những tiêu cực của xã hội với những cái xấu, cái lạc hậu và sự nhỏ nhen, đố kị của lòng người.
Số lượng tác giả tác phẩm viết cho thiếu nhi ngày càng phát triển đa dạng và phong phú. Cùng với sự ra đời của những tập sách nghiên cứu về văn học thiếu nhi như Truyện viết cho thiếu nhi dưới chế độ mới của Vân Thanh, Đôi điều tâm đắc của Vũ Ngọc Bình… và sự xuất hiện hàng loạt những bài báo, tạp chí chuyên viết cho lứa tuổi thanh thiếu niên: Mực tím, Áo trắng, Hoa học trò, Tuổi xanh, Vì tuổi thơ… bên cạnh những tờ báo truyền thống.
Văn học cũng không thể nói khác đi những đều mà cả dân tộc quan tâm, trẻ em cũng buộc phải lớn nhanh và già dặn hơn lứa tuổi của mình là điều tất yếu. Vì vậy, đề tài chống thực dân Pháp vẫn được hoàn thiện thêm với Tảng sáng của Võ Quảng và Dòng sông thơ ấu của Nguyễn Quang Sáng với những màu sắc tươi vui lạc quan, miêu tả sự trưởng thành của các em trong quá trình tham gia kháng chiến, giới thiệu cho bạn đọc hình ảnh một thế hệ vệ quốc đoàn tư trung, dũng cảm. Một số tác phẩm ôn lại những gian truân thời chống Mĩ như Hồi đó ở Sa Kỳ của Bùi Minh Quốc, Cát cháy của Thanh Quế, Tìm gặp lại anh của Phạm Hổ… Chính vì thế, số phận của trẻ em trong chiến tranh được quan tâm và thông cảm sâu sắc hơn. Các nhà văn nhà thơ đã dựng lại được không khí chung của đất nước trong suốt một thời kì đau thương khói lửa của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Đó không phải là cái thực tế tầm thường mà là cái thực tế “đã được rèn lại, đúc lại, tái tạo lại”, “là những chất đã tinh chế, tỏa ra, chói sáng suy nghĩ, tâm tư người viết”.
Về đề tài lịch sử rất phát triển ở giai đoạn trước năm 1975 thì đến bây giờ hầu như chững lại. Các tác giả chuyên viết truyện lịch sử trước đây như Nguyễn Huy Tưởng, Hà Ân, Lê Vân, An Cương, Nguyễn Đức Hiền… thường khai thác lịch sử gắn với các nhân vật anh hùng và truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Tới giai đoạn này, Tô Hoài mở ra một hướng khai thác mới, hướng khai thác lịch sử gắn với huyền thoại, phong tục và văn hóa. Những tri thức và bài học lịch sử, ở đây không chỉ gắn với lịch sử chiến đấu mà đã mở ra cùng khắp thiên nhiên, làng nước, tạo một thế giới xa xưa, hư ảo thật mới lạ và hấp dẫn. Đọc Đảo hoang, Chuyện nỏ thần, Nhà Chử,… bạn đọc được trở về cái nôi văn hóa đất Việt thuở khai sơn lập địa.
Bên cạnh đó, một sự kiện văn học gây xôn xao dư luận lúc bấy giờ là tác phẩm Búp sen xanh của Sơn Tùng. Tác giả đã đưa ra một cách tiếp cận đề tài Bác Hồ theo quan điểm mới, phù hợp với xu hướng đổi mới chung của văn học. Có thể nói, đây là lần đầu tiên trẻ thơ Việt Nam được đọc một cuốn sách đầy đủ, tỉ mĩ về tuổi thơ của Bác Hồ. Với quan niệm: “Các bậc thiên tài không có sẵn, chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người đi vào đời…”. Nhìn chung đây là một tác phẩm đóng góp tích cực cho văn học thiếu nhi ở đề tài Bác Hồ, một trong những đề tài của văn học Việt Nam hiện đại.
Như vậy, trong khoảng mười năm sau cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc, văn học đang trong giai đoạn trăn trở, tìm tòi. Truyện viết cho thiếu nhi tuy đã có dấu hiệu mới nhưng chưa tạo ra được một biến chuyển rõ ràng, môi trường hoạt động của trẻ em được phản ánh trong tác phẩm chưa rộng rãi, chủ yếu mới trong đời sống cách mạng, đời sống chiến đấu và các vấn đề đạo đức và xã hội.
Chặng đường từ năm 1985 đến nay
Xã hội Việt Nam sau cuộc kháng chiến chống Mĩ, nhất là từ thời kì đổi mới của đất nước đã bước vào một giai đoạn mới, những biến đổi to lớn và sâu sắc, toàn diện, phát triển của văn học phản ánh xã hội thông qua cá nhân nhà văn, vì thế sự phát triển của văn học có tính độc lập nhưng cũng có mối quan hệ mật thiết với sự phát triển của xã hội. Chặng đường từ năm 1985 đến nay là chặng đường mở rộng đề tài, đổi mới cách tiếp cận và tăng cường khả năng khám phá của con người.
Từ đổi mới đất nước tới đổi mới văn học và văn học thiếu nhi thực sự đã đem lại một không khí mới cho văn học nói chung và văn học thiêu nhi nói riêng. Trong không khí đổi mới ấy, mỗi nhà văn nhà thơ đã thể hiện tư tưởng tình cảm trong những tác phẩm mang tính chất đột phá của mình. Phải đến giai đoạn này, đặc biệt sau năm 1986, sự đổi mới thực sự diễn ra đồng bộ, các nhà văn nhà thơ được dịp phát huy cá tính sáng tạo, ý thức tìm tòi cho mình một nét riêng. Cũng như nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét: “Văn nghệ đòi cá tính, đòi sự phát triển ý thức cá nhân. Cái đẹp, cái thẩm mỹ đối lập với sự bằng phẳng, nhạt nhẽo, thiếu cá tính… nghệ thuật cần cá tính, cần cái tôi”.
Văn học trước năm 1975 là tiếng nói phát ngôn cho ý thức cộng đồng và những chuẩn mực quy phạm đã được thể hiện trong ý thức cá nhân. Văn học sau năm 1975 lại là sự bùng nổ của ý thức cá nhân trước nhu cầu nhận thức, tự biểu hiện của dân tộc và thời đại.
Không khí đổi mới chung của đất nước, của văn học đã dội vào trong những sáng tác văn học thiếu nhi. Đặc biệt trong những năm đầu, không khí đổi mới diễn ra thật hào hứng và sự biến đổi sôi nổi, phong phú ấy dễ nhận thấy ở khu vực truyện hơn là khu vực thơ. Truyện viết cho thiếu nhi đã mở ra nhiều hướng tiếp cận mới với đời sống trẻ em. Năm 1986 và 1987 có thể coi là những năm được mùa của truyện viết cho thiếu nhi với hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng như Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán, Người đi săn và Con sói lửa của Nguyễn Quỳnh, Bình minh đến sớm của Hoàng Minh Tường, Miền thơ ấu của Vũ Thư Hiên, Người đi vào hang sói của Trần Thiên Hương, Hoa ngã bảy của Lưu Nghị… Đây là những tác phẩm gây được nhiều hứng thú và tạo nhiều tranh cải cho độc giả, nó cũng đáp ứng được phần nào việc thể hiện những khát vọng và thái độ tự tin của lớp trẻ trong hoàn cảnh mới.
Nếu như trong hai năm 1986 và 1987 truyện viết cho thiếu nhi đã gặt hái được ít nhiều thành tựu thì đến năm 1988 văn học thiếu nhi lại phiêu lưu trong cơ chế thị trường. Sách viết cho thiếu nhi rơi vào tình trạng khủng hoảng, tình trạng thương mại hóa. Là do hàng loạt những sách truyện dịch, truyện tình, truyện trinh thám rẻ tiền chiếm lĩnh trên thị trường sách. Tình trạng này đến đầu năm 1990 dần dần mới được điều chỉnh và định hướng theo nhu cầu đích thực của bạn đọc.
Thời kì mở cửa, sự giao lưu với nước ngoài cũng có ảnh hưởng tới sáng tác của văn học thiếu nhi. Các nhà văn của ta đã cập nhật ngay với lối viết truyện tranh, truyện nhiều tập, kiểu như Doreamon của nhà văn Nhật Bản Fujiko F.Fujio và Tứ quái TKKG của nhà văn Đức Stefom Wolf rất được các em yêu thích. Có thể nói, sự “cạnh tranh” của các tác phẩm dịch buộc các nhà văn Việt Nam phải cố gắng nhiều hơn để có thể chấm dứt tình trạng “lấn sân”. Bên cạnh đó, các phương tiện thông tin đại chúng bùng nổ cũng dẫn tới nguy cơ văn hóa nghe – nhìn lấn át văn hóa đọc. Tuy văn hóa nghe – nhìn có khả năng đáp ứng nhu cầu, thông tin, giải trí chớp nhoáng, tức thì nhưng ít có khả năng giữ đọng sâu như văn học đọc.
Bên cạnh đó, về sự gia tăng đội ngũ các nhà văn nhà thơ viết cho thiếu nhi ở giai đoạn này đã được quan tâm nhiều hơn. Đội ngũ sáng tác cho các em ngày càng đông đảo. Đặc biệt đầu những năm 90, đội ngũ cho các em được bổ sung thêm nhiều cây bút trẻ tuổi như Trần Thiên Hương, Lê Cảnh Nhạc, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Trí Công, Hà Lâm Kỳ, Quách Liêu… như các tác phẩm Truyện một cần câu, tập thơ Dắt mùa thu vào phố, Bây giờ bạn ở đâu, Có gì không mà tặng bông hồng… Lớp người viết này tuy chưa có sự từng trải và nhiều tích lũy kinh nghiệm, nhưng bù lại họ có cái mới mẻ, cái hiện thực, có cái táo bạo, mạnh dạn trong sự tìm tòi. Chính họ đã đem lại cho truyện thiếu nhi những nét mới trẻ trung tươi tắn. Nhìn chung, đội ngũ sáng tác truyện cho các em ở giai đoạn này đã có sự phát triển khá hùng hậu. Tuy vậy, nếu quan sát kỹ, sẽ thấy số lượng tác giả tuy có sự gia tăng đáng kể nhưng người viết chuyên tâm lại quá ít. Cố nhiên, không phải cứ có lực lượng đông là có tác phẩm xuất sắc, nhưng dù sao đây cũng là điều để cho các em có thể chọn được những sáng tác hay.
Hơn thế nữa, ở giai đoạn này các nhà văn nhà thơ đã mở rộng đề tài, đổi mới cách tiếp cận đời sống và tăng cường khả năng khám phá của con người. Trong thời kì kinh tế thị trường, trẻ em cũng thông minh, già dặn và thực tế hơn, chúng cũng có những đòi hỏi cao hơn đối với người sáng tác. Vì vậy, văn học đi vào đời sống xã hội nhiều mặt, các hướng quan tâm của sáng tác và tiếp cận trẻ em cũng đa dạng phong phú hơn. Điều đó chứng tỏ văn học thiếu nhi không nằm ngoài xu hướng đổi mới chung của văn học Việt Nam. Đề tài truyền thống (chiến tranh, lịch sử, cách mạng) được tiếp tục khai thác nhưng có sự phát triển mới, vừa tiếp tục những thành tựu cũ, vừa có một nét mới khác trước như Ngày xưa của Trần Thiên Hương, Bên bờ Thiên Mạc của Hà Ân, Tiếng trống Mê Linh của An Cương, Cánh bườm huyền thoại của Mai Ngọc Uyển…
Tiếp cận trẻ em trong đời sống hiện đại, các vấn đề phản ánh đã được mở rộng phong phú và đa dạng.Viết về sinh hoạt của trẻ em thành phố có thể khái quát hai mảng hiện thực được các tác giả chú ý đề cập. Thứ nhất là những trẻ em có cuộc sống gia đình đầy đủ, các em chỉ có ăn, học và chơi như tác phẩm Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh, Hoa ngũ sắc của Trần Thị Thu Huệ…. Thứ hai là cuộc sống của những trẻ em nghèo, vừa lo toan học hành, vừa kiếm sống, thậm chí không được đi học, phải lang thang bụi đời hoặc nhọc nhằn kiếm ăn trên đường phố có những tác phẩm đề cập đến vấn đề này như Giã biệt cuộc đời của Lê Cảnh Nhạc, Hoa trên đường phố của Thu Trân, Bong bóng lên trời của Nguyễn Nhật Ánh…
Rõ ràng, quá trình đổi mới đã đem đến cho các em nhiều tác phẩm thực sự có giá trị. Nhà văn tiếp cận trẻ em ở nhiều góc độ và trân trọng các em trong từng mối quan hệ, với một đặc trưng chủ đạo là hướng vào nội tâm. Đúng như vậy, từ đổi mới của đất nước đã cho phép các nhà văn nhà thơ có điều kiện thâm nhập sâu sắc vào đời sống của trẻ em bằng mọi nẻo đường, phản ánh mọi lĩnh vực hoạt động và tâm tư, tình cảm của các em. Nhà văn nhìn hiện thực từ nhiều phía và khái niệm hiện thực cũng được mở rộng hơn. Không phải là hiện thực gò bó được nhìn từ một điểm duy nhất mà là một hiện thực có nhiều nội hàm, có nhiều tính chất. Không chỉ là cái hiện thực xung quanh nhà văn nhà thơ mà là hiện thực trong “chiều sâu tâm hồn” tác giả.
Tóm lại: Theo dõi những chặng đường của truyện thiếu nhi qua mấy mươi năm phát triển, tuy có lúc thăng, lúc trầm và có những đề tài không phát triển rực rở như đề tài nông thôn, đề tài khoa học. Văn học thiếu nhi Việt Nam không ngừng phát triển theo hướng ngày càng phong phú, sâu sắc, ngày càng xứng đáng là một người bạn vừa gần gũi vừa hiền hòa lại vừa thông tuệ mẫn cảm đối với các em. Sự phát triển này trở nên sôi động và mạnh mẽ hơn, đạt được nhiều thành tựu hơn, kể từ khi Việt Nam có một nền văn học mới – nền văn học ra đời từ cách mạng và kháng chiến.
.2.2. Đôi điều về văn học thiếu nhi Việt Nam hiện nay
Vấn đề được coi là tất nhiên rằng, một tác phẩm hay cho tuổi thơ cũng là một tác phẩm mà bạn đọc ở tuổi nào cũng thưởng thức được. Tất nhiên, điều cốt lõi là tác phẩm cho thiếu nhi thì trước tiên phải được thiếu nhi công nhận, bởi gây được, khơi gợi được cái yêu thương, cái hờn giận, những kỷ niệm, những cái nhớ đời cho các bạn tuổi ấy.
Văn học thiếu nhi trong văn học Việt Nam là mảng văn học non trẻ nhất. Nếu trước cách mạng, trong tình hình văn học lúc sơ khai có những cuộc tranh luận náo nhiệt về “nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vi nhân sinh” trên cơ sở những tác phẩm tả thực khuynh hướng tiến bộ, thì văn học cho thiếu nhi chỉ mới có một số tập truyện cho học sinh hoặc vài tác phẩm cho người lớn mà tuổi thơ đọc được, như tác phẩm dịch thơ La Phông Ten, truyện Guylyve du kí của Jonathan Swift, tiểu thuyết Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật, tiểu thuyết Không gia đình của Hector Malot và Truyện dã sử Nam Hải dị nhân của Phan Kế Bính. Một vấn đề có thể đặt ra là sách cho thiếu nhi thế nào là hay là bổ ích và đề tài có tính giáo dục cần ý nghĩa ra sao, rất cần bàn.
Qua hai cuộc kháng chiến cực kỳ gian khổ ba mươi năm, ngày nay đất nước bước vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phong trào và lực lượng sáng tác cho thiếu nhi, bất cứ ở giai đoạn nào cũng điều nảy nở và phát triển. Cho đến bây giờ văn học thiếu nhi Việt Nam đã có một lực lượng những cây bút nhiều thế hệ viết và chuyên viết thật đa dạng, từ đồng thoại cho đến chuyện kể, truyện ngắn, tiểu thuyết và nhiều nhà thơ sáng tác cho các bạn đọc nhỏ với các nhà dịch thuật giỏi. Trong những thành tựu đáng mừng, cũng chen lẫn vô vàn băn khoăn. Trong hoạt động, sinh hoạt văn học thông thường, bất cứ tác phẩm thế nào, trong giới sáng tác và trong bạn đọc đều có sự trao đi đổi lại, gợi mở mọi mặt và khẳng định đó là mầm móng sinh ra bộ môn nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học. Sáng tác với phê bình đã bồi đắp, thúc đẩy cho văn học. Văn học thiếu nhi qua mỗi thời kỳ đã xuất hiện các nhà nghiên cứu, lí luận, phê bình tài năng. Văn học cho thiếu nhi là bộ phận quan trọng của văn học Việt Nam. Thế mà từ trước tới nay thật vắng vẻ những hoạt động phân tích, đánh gía góp sức vào công cuộc phát triển thể loại vào văn học này. Sự phát triển của văn học thiếu nhi, trước nhất là đối tượng của các tác phẩm cho thiếu nhi khác hẳn các bạn đọc bình thường. Vì tuổi thơ bước vào đời, chưa biết chữ đã làm quen với sách tranh, rồi từ nhi đồng đến thiếu niên, đời người ở những quảng này biến đổi nhanh và lúc nào cũng ngỡ ngàng, vừa nhanh nhạy nhưng tự nhiên mà nhớ lâu, nhớ đến khi tận già lão, những cái mới, những ước muốn và những đổi thay. Người viết đi vào mọi mặt của lứa tuổi “chuyển động” như thể không thể “đứng yên”. Với một sáng tác sẵn có và quen tay, mà nhất thiết phải công phu am hiểu đối tượng, do đó sáng tạo mới có thể khám phá, đưa dẫn, cảm thông và làm si mê bạn đọc.
Cập nhật tình hình và thời sự các vấn đề trong gia đình đến nhà trường với bạn bè và cộng đồng xã hội, ở lứa tuổi ấy suy nghĩ và hành động không bao giờ đứng yên. Những vấn đề của đề tài nhập vào sáng tạo như thế nào ấy khiến cho tác phẩm trở thành chi tiết, trở thành cẩm nang, trở thành bạn đường không thể thiếu của người đọc.
Thời gian gần đây, sách cho thiếu nhi có tính thời sự, ấy là sự ham mê tranh truyện, mà thường phổ biến ở lứa tuổi nhi đồng và thiếu niên. Hiện tượng này dường như người cầm bút chẳng mấy quan tâm, nhưng đã có nhiều dư luận trong các bậc cha mẹ. Người thì bảo đấy là những truyện tưởng tượng sẽ khơi gợi cho trẻ làm quen với thế giới và xã hội công nghiệp. Người thì phẫn nộ với những truyện hoang đường đấm đá và súng đạn, có hại cho trẻ chẳng khác nào trẻ con ham chơi điện tử quên cả học.
Bên cạnh đó, công việc sáng tạo cho thiếu nhi cần bức bách hơn, báo động hơn. Từ nửa thế kỉ phát triển của văn học cho thiếu nhi của chúng ta chưa có lực lượng nghiên cứu, lí luận, phê bình về văn học thiếu nhi. Trong văn học, mọi vấn đề có tiếng nói của của nghiên cứu phê bình, còn một nền văn học trống vắng nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học cho thiếu nhi là một nền văn học khập khiễng và không đồng bộ.
Xung quanh sự hững hờ đối với văn học thiếu nhi hiện nay: Nguyên nhân chính – được nhắc đi nhắc lại qua nhiều bài báo – là sự thờ ơ của các cây bút trẻ. Nhà văn Lê Phương Liên nói: “Các nhà văn thế hệ đi trước dù viết cho người lớn thường cũng ít nhất một lần cầm bút viết cho thiếu nhi. Quan tâm đến các em và viết cho các em dường như đã trở thành một hoạt động có liên quan, và là hoạt động mang tính toàn diện trong sự sáng tạo của mỗi nhà văn. Nhưng nhà văn trẻ hôm nay thì không như vậy”.
Nhà văn Tô Hoài cũng đưa ra ý kiến: “Nếu trao giải thưởng 1 tỷ đồng thì sách thiếu nhi sẽ hay ngay”. Còn nhà văn Châu Diên lại trầm ngâm: “Tôi có cảm giác nhà văn trẻ hôm nay “giữ võ” nhiều hơn mà thiếu đi sự tự nhiên, hồn nhiên vốn rất cần với người cầm bút, đặc biệt là nhà văn trẻ”.
Trước câu hỏi phải chăng nhà văn trẻ thật sự không quan tâm đến văn học thiếu nhi, nhà văn Phong Điệp trả lời: “Viết văn là thôi thúc của bản thân. Viết cho thiếu nhi hay viết cho mình cũng từ thôi thúc của bản thân của mỗi người. Các tác giả trẻ còn ít hoặc chưa có tác phẩm văn học thiếu nhi không có nghĩa họ quay lưng lại với văn học thiếu nhi”.
Để nổi tiếng có nhiều cách, mà tìm đến văn học để nổi tiếng thì một là rất khó khăn, hai là đầy mạo hiểm. Còn nhà văn Đặng Thiều Quang khẳng định: “đây là trách nhiệm chung của cả xã hội, trong đó giới xuất bản và giới cầm bút chỉ là một phần nhỏ. Nói cách khác, xã hội tiêu dùng không coi trọng văn học nói chung văn học thiếu nhi nói riêng thì những gì nhận được hiện này tất yếu”.
Mảng đề tài và tác phẩm cho thiếu nhi của văn học thiếu nhi Việt Nam còn non trẻ, nhưng trải qua nửa thế kỉ, văn học thiếu nhi Việt Nam đã có được một phong trào và lực lượng với những tác giả, tác phẩm có tầm vóc xứng đáng cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam.
– Phong Cầm tổng hợp –