Văn học thiếu nhi – Không ngừng sáng tạo cả về nội dung và hình thức

Chưa bao giờ thị trường sách cho thiếu nhi lại phong phú như hiện nay. Tuy nhiên, dòng sách văn học thiếu nhi Việt Nam những năm gần đây vẫn thiếu vắng những tác phẩm thực sự hấp dẫn độc giả nhỏ tuổi, đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng cả về nội dung và hình thức.

Sách hay – sách đẹp

Thị trường sách những năm gần đây ngày càng xuất hiện nhiều phiên bản sách đẹp để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của độc giả. Nếu sách cho người trưởng thành theo lối chơi bản giới hạn, bản đặc biệt thì sách cho trẻ em hướng các ưu tiên về thiết kế và in ấn. Chưa bao giờ sách cho thiếu nhi lại phong phú như hiện nay.

Dành cho độ tuổi mầm non là hàng loạt sách tương tác giúp trẻ vượt qua giới hạn của việc đọc – kể – nghe thông thường. Các trang sách được bồi nhiều lớp giấy dày dặn giúp trẻ em có thể rút kéo, lật mở, tháo lắp, xếp hình, bóc dán…; cùng với đó là các loại sách chiếu bóng, sách nổi, sách có âm thanh. Sự tương tác với sách giờ đây không chỉ dừng ở nghe, nhìn, “sờ – chạm – chơi”, mà mới đây nhất các độc giả nhỏ tuổi nước Việt còn đón nhận hai cuốn sách “tỏa hương” trong bộ “Sách mùi hương” do NXB Thanh niên và Đinh Tị Books liên kết xuất bản.

Bộ “Sách mùi hương” được thực hiện bởi nhóm tác giả Việt nên mỗi câu chuyện, hình ảnh, ngôn ngữ, nhân vật đều “rất Việt Nam”. Theo đại diện của Đinh Tị Books, bộ “Sách mùi hương” là sự tiếp nối thành công của những bộ sách “người Việt viết cho trẻ em Việt” trước đây như “Sách mặt nạ”, “Sách lật mở khám phá”, “Sách chiếu bóng”… Có thể nói, đây là một bước chuyển mạnh mẽ trong thị trường sách dành cho trẻ em Việt khi giờ đây dòng sách tương tác đã không còn phụ thuộc vào “hàng nhập ngoại”.

Hiện có rất nhiều cuốn sách tương tác “made in Việt Nam” mang đậm dấu ấn của văn hóa truyền thống Việt. Bộ “Sách mặt nạ” chẳng hạn, được thiết kế bởi chính những người trẻ Việt khi mô phỏng từ món đồ chơi mặt nạ quen thuộc với bao thế hệ trẻ em Việt Nam. Sự gần gũi về văn hóa ấy là yếu tố giúp sách trở nên gần gũi, dễ hiểu hơn với thiếu nhi Việt Nam, qua đó khơi gợi tình yêu, sự tò mò, mong muốn khám phá và bước đầu xây dựng ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc ngay từ thuở còn thơ.

 

“Thiên cầu ma thuật” – cuốn sách fantasy chứa nhiều yếu tố văn hóa Việt được minh họa đẹp mắt.

 

Sự sáng tạo trong xuất bản sách đã làm những cuốn sách tương tác “made in Việt Nam” không chỉ hấp dẫn trẻ em mà còn cuốn hút người lớn. Ví như những cuốn sách dựng hình 3D “Sài Gòn phố”, “Hà Nội ngàn năm ký ức” ngay khi ra đời đã “bùng nổ” bởi sự đẹp đẽ trong hình vẽ, ngắn gọn trong thông tin, từng chi tiết được thiết kế tỉ mỉ và gợi hứng thú. Chẳng thế mà cuốn sách “Sài Gòn phố”, chỉ trong vòng một tháng gây quỹ cộng đồng đã nhận được sự tham gia của gần 400 người với mức ủng hộ vượt 161% chỉ tiêu đặt ra. Còn “Hà Nội ngàn năm ký ức” cũng thu hút đông đảo độc giả mê sách và yêu Hà Nội.

Cùng với sự ra đời của các dòng sách mới đầy hấp dẫn là xu hướng “khoác tấm áo minh họa” cho các tác phẩm văn học thiếu nhi để kéo các em đến gần hơn với sách. Những cuốn thơ như “Ra vườn nhặt nắng”, “Con nít con nôi”, “Xin chào những buổi sáng”… “hút” độc giả bởi những trang sách in màu sắc bắt mắt, hình ảnh minh họa dễ thương.

Thậm chí, hai tập thơ “Ngày xưa của con” và “Biển là của con” của tác giả Huỳnh Mai Liên còn được minh họa bởi tranh của con gái nhà thơ, cô bé Mai Khuê 8 tuổi. Nét vẽ ngây thơ và ngộ nghĩnh của “họa sĩ nhí” Mai Khuê cũng góp phần không nhỏ làm nên thành công cho cuốn thơ. Khuyến khích độc giả nhí đến với văn học, nhiều tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam được các đơn vị làm sách tái bản trong những hình thức mới với bìa và minh họa bắt mắt như “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”…

Văn học thiếu nhi cần gì?

Một thị trường sách thiếu nhi sôi động với nhiều ấn phẩm hay và đẹp, song từ các phương tiện truyền thông có thể nhận ra những lo lắng, băn khoăn khi sách văn học dường như “lép vế” so với các dòng sách tương tác, sách kỹ năng, sách khoa học.

Văn học thiếu nhi là mảng đề tài quan trọng trong dòng chảy văn học của mỗi quốc gia, nhưng ở Việt Nam nhiều năm trở lại đây, văn học thiếu nhi có những khoảng trống nhất định cả về tác giả và tác phẩm. Nhìn vào các đầu sách được xuất bản hằng năm, có thể thấy rõ hiện trạng “ngoại lấn át nội”, và nhìn vào các đầu sách được tái bản, số được “làm mới” thường rơi vào các tác phẩm đã hết hạn bản quyền.

Danh sách mà các bậc phụ huynh giới thiệu nhau tìm mua cho con thường quanh quẩn ở những tác phẩm hết sức quen thuộc như “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Đất rừng phương Nam”, “Quê nội”, “Tuổi thơ dữ dội”, “Góc sân và khoảng trời”… Đã và đang thiếu vắng những cuốn sách thiếu nhi có chất lượng mang hơi thở cuộc sống hiện đại, phù hợp với tâm sinh lý, suy nghĩ, ước mong của thiếu nhi ngày nay.

Trần Hồng Anh, một học sinh lớp 7 ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), kể lại rằng cháu “không thể đọc hết nổi bộ Tây du ký mà mẹ khen rất hay”, nhưng lại có thể thức cả đêm bởi “Harry Potter”, “Học viện viễn thám”, truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hay bộ “fantasy Việt Nam” của nhà văn Nguyễn Đình Tú – “Bãi săn”.

 

Sách chiếu bóng.

 

Từng có không ít đánh giá cho rằng giới trẻ ngày nay ít đọc, nhưng lại có những độc giả nhỏ tuổi khẳng định đó là do “nhiều truyện của Việt Nam có lối viết không truyền được cảm hứng đến trẻ em”. Các độc giả nhỏ tuổi ngày nay sớm tiếp cận với internet nên bắt nhịp với trào lưu của thế giới rất nhanh, nhu cầu sách của các em, do đó, cũng hết sức đa dạng.

Bên cạnh những tác phẩm lắng đọng, đậm chất văn chương thì độc giả thiếu nhi ngày nay còn hướng đến những tác phẩm có các yếu tố hài hước, phiêu lưu, trinh thám, tâm lý, viễn tưởng… Tương tự, các nhân vật thu hút thiếu nhi còn phải là nhân vật “rất đời”, gần gũi và quen thuộc với cả những “thói hư tật xấu”, những phát ngôn có vẻ vớ vẩn nhưng gây cười sẵn sàng được viết lên trang sách… Thế nhưng, đây dường như là điều đang thiếu trong văn học thiếu nhi Việt Nam hiện nay, khi mà nhiều tác giả vẫn chọn lối viết văn thiên về miêu tả, nhân vật trong truyện thường là “con ngoan trò giỏi” hoàn hảo, và những bài học giáo dục khá khô cứng, thiếu tinh tế.

Hiện đã có những tác giả chọn các đề tài mới có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của độc giả thiếu nhi như Nguyễn Dương Quỳnh với “Thiên cầu ma thuật”, Nguyễn Thị Kim Ngân với “Nhóc tì nhà rối rắm”, Lê Hữu Nam với “7 chuyến du hành vào thiên nhiên”… Song, số lượng như thế vẫn còn quá ít ỏi so với dòng sách khác và so với sách “nhập ngoại”. 

Để thúc đẩy lực lượng này phát triển hơn, việc đề cao những tác phẩm dành cho thiếu nhi, phát hiện và nuôi dưỡng các “tài năng nhí” thông qua hệ thống các giải thưởng, các cuộc vận động sáng tác là một trong những giải pháp mà chúng ta đã từng thực hiện và cần tiếp tục thực hiện trong những năm sắp tới.

Cùng với hệ thống giải thưởng, các cuộc vận động sáng tác, cần lắm sự đầu tư cho các tác phẩm văn học cho thiếu nhi không chỉ ở nội dung mà còn ở hình thức, và cả cách thức truyền thông hiệu quả. Đã và đang có nhiều tác phẩm văn học có nội dung tốt nhưng chưa thực sự hấp dẫn về mặt hình thức. Nhiều cuốn sách mỏng, chữ nhiều và nhỏ, ít tranh minh họa, bìa thiếu bắt mắt, ưu điểm là giá không cao nhưng chính vì thế lại mang đến doanh thu thấp, khó tái bản. Bên cạnh đó, khâu truyền thông cho tác phẩm vẫn chưa được nhiều đơn vị xuất bản chú trọng khiến nhiều tác phẩm ít cơ hội được độc giả “biết mặt gọi tên”.

“Ươm mầm” cho văn học thiếu nhi là cả một chặng đường dài mà nếu không được khởi động sớm thì rất khó “cán đích”. Từ các giải thưởng sách hay, giải thưởng Dế Mèn mới được tổ chức hay lời khẳng định của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều là sẽ dành nhiều sự quan tâm cho văn học thiếu nhi, chúng ta hy vọng khu vườn văn học thiếu nhi Việt Nam ở thế kỷ XXI sẽ ngày một khoe sắc.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều: “Ở nhiều quốc gia, mảng văn học thiếu nhi được đặt lên hàng đầu. Với chúng ta, có vẻ như văn học thiếu nhi bị lãng quên đã nhiều năm. Tới đây, chúng tôi sẽ tập trung cho mảng văn học thiếu nhi, đề cao những tác phẩm dành cho thiếu nhi, trao giải thưởng thường niên cho văn học thiếu nhi, tìm kiếm những “tài năng nhí”. Một điều quan trọng nữa, theo tôi, là khi viết cho trẻ em, chúng ta sẽ đưa ra thông điệp và cách tiếp cận dễ cảm, dễ hiểu, dễ nhớ chứ không phải là những bài học đạo đức khô cứng. Chúng tôi mong muốn văn học thiếu nhi luôn được xã hội tiếp nhận nhiệt tình, luôn như lời thì thầm bên tai các bậc phụ huynh và các em nhỏ về những gì đẹp đẽ nhất ở thế giới này”.

Theo Báo Hà Nội Mới

Rate this post

Viết một bình luận