Văn học thiếu nhi: Thiếu vắng thế giới giả tưởng

TP – Có ai đó chia những người cầm bút thành hai hệ: “mặt đất” và “bầu trời”. Nghĩa là độc giả nhỏ tuổi không chỉ đọc những chuyện đời thường mà còn mong ngóng những cuốn sách giả tưởng, thậm chí chạm vào cả góc khuất.

Thiếu hụt thế giới giả tưởng

Nhà thơ Nguyễn Thụy Anh-người từ hàng chục năm nay gắn bó với phong trào đọc sách cùng con-chia sẻ một đoạn video ghi lại loạt mong ước, những đề bài đặt hàng cho các cây viết thiếu nhi. Trong số này có những em nhỏ tha thiết được đọc một câu chuyện về một cậu bé sống ở vũ trụ khác, thế giới khác biệt. Truyện giả tưởng cho thiếu nhi thế giới vô cùng phong phú, có những hiện tượng như Harry Potter khiến độc giả cả thế giới say mê. Còn ở Việt Nam, mảng truyện này vẫn là mảnh đất hoang sơ chờ khai phá.

Văn học thiếu nhi: Thiếu vắng thế giới giả tưởng ảnh 1

Điểm tên một loạt tác giả thế hệ mới viết cho thiếu nhi như Nguyễn Thị Kim Hòa, Lê Quang Trạng, Văn Thành Lê, Dy Duyên… nhà văn Trần Đức Tiến đặt hy vọng họ còn đi xa hơn nữa. Ông chính là người tuyển chọn 65 truyện ngắn hay từ thế hệ gạo cội như nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng cho tới những cây viết 9X. Nếu thế hệ nhà văn đời đầu viết cho thiếu nhi trọng tính tư tưởng trong tác phẩm, thì những tác giả trẻ lại đạt đến tính giải trí cao, ngôn ngữ giản dị và hồn nhiên hơn. Tuy nhiên, nhà văn Trần Đức Tiến thẳng thắn: “Điều thiếu nhất ở sách văn học thiếu nhi chính là chính mảng truyện giả tưởng”.

Truyện giả tưởng rất khác với tác phẩm viễn tưởng. Viễn tưởng viết về thế giới có thật có thể vượt xa nhiều năm nhưng bạn đọc có thể hình dung được. Còn truyện giả tưởng đòi hỏi trí tưởng tượng cực kỳ phong phú, về thế giới khác hoàn toàn thế giới ta đang sống. “Tôi luôn tin rằng bên cạnh thế giới mình đang sống còn những thế giới song hành mà ta không nhìn thấy hay cảm thấy được. Quả thực tác phẩm viết về thế giới giả tưởng ở ta còn hơi hiếm. Theo tôi quan sát sách ở NXB Kim Đồng-đơn vị xuất bản nhiều sách thiếu nhi nhất- thì tỷ lệ truyện sinh hoạt chiếm tỷ lệ lớn. Truyện sinh hoạt cũng có cái hay nhưng sự kích thích trí tưởng tượng cho trẻ lại có phần hạn chế. Tôi không thích viết về thể loại truyện sinh hoạt lắm, ít nhất cũng phải đồng thoại, còn truyện giả tưởng tôi cũng chưa viết được”, nhà văn Trần Đức Tiến nói.

Cần chạm vào góc khuất

Lê Bảo Châu-một độc giả tuổi vị thành niên-mạnh dạn đặt hàng cho các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi. Cô bé tự nhận mình đang ở tuổi nổi loạn. “Là một trong số những bạn nhỏ mới lớn, con muốn có cuốn sách viết về những bạn nhỏ bình thường với áp lực về học hành, gia đình. Các câu chuyện thiếu nhi hiện nay mới khai thác mặt sáng, về tuổi thơ nhưng lại chưa khai thác góc tối. Nhiều bạn tuổi teen hiện nay bị ảnh hưởng từ mạng xã hội rất nhiều. Có những khoảng thời gian con biết mình ở độ tuổi nổi loạn, nhiều tâm sự và rất cần những cuốn sách để cảm thấy được đồng cảm, an ủi và có thêm động lực cố gắng vượt qua gian đoạn khó khăn đó”, Lê Bảo Châu nói.

Bộ sách đặc biệt 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi, 65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi không chỉ là ấn phẩm đẹp kỷ niệm của NXB Kim Đồng mà còn cho thấy dòng chảy văn học cho thiếu nhi không hề đứt gãy. Nhà thơ Cao Xuân Sơn chọn ra những bài thơ nằm lòng trong trí nhớ của nhiều thế hệ như Chú bò tìm bạn (Phạm Hổ), Đi học (Hoàng Minh Chính), Mẹ ốm (Trần Đăng Khoa), Mèo con đi học (Phan Thị Vàng Anh), Nói với em (Vũ Quần Phương), Vườn cây của ba (Nguyễn Duy).

Tập hợp 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi do nhà văn Trần Đức Tiến tuyển chọn chính là tuyển tập đồ sộ, hùng hậu về đội ngũ sáng tác, phong phú về đề tài. Từ Ông đồ Bể của Khái Hưng, Võ sĩ Bọ Ngựa của Tô Hoài, Con cóc là cậu ông Giời của Nguyễn Huy Tưởng, Con chuột láu của Vũ Tú Nam cho tới tác phẩm mới sau này như Hoàng Tử Rơm (Nguyễn Thị Kim Hòa), Chuột Chít và hia chiếc giầy đến xứ Tít Mù Tắp (Vũ Thị Thanh Tâm).

“Đó là đòi hỏi hết sức chính đáng, có lẽ những tác phẩm như thế vẫn hơi ít. Người viết cho tuổi mới lớn thành công bậc nhất là Nguyễn Nhật Ánh, độc giả xếp hàng dài mua sách mỗi khi nhà văn ra tác phẩm mới, thế nhưng ông lại chủ yếu viết về những kỷ niệm đẹp, chưa đi sâu vào góc khuất. Một số tác giả viết cho tuổi mới lớn thành công khác như Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Đông Thức… cũng vậy. Chưa nhiều tác phẩm khai thác những góc khuất mà các em đang phải trải qua”, nhà văn Trần Đức Tiến chia sẻ với Tiền Phong.

Văn học thiếu nhi: Thiếu vắng thế giới giả tưởng ảnh 2

Cây viết cho thiếu nhi Trần Đức Tiến phân tích, sự thiếu hụt này không phải xuất phát từ việc nhà văn chỉ viết ra những gì họ muốn. Ông chia sẻ trải nghiệm viết sách cho thiếu nhi thông thường nhà văn luôn khai thác những trải nghiệm của bản thân, của thời đại đã sống. “Tôi tin các nhà văn khác cũng như thế. Có thể họ không trải qua tuổi thơ bi kịch, nếu cố viết có khi thành ra bị giả tạo. Đời sống chúng tôi ngày xưa không phức tạp như bây giờ, không phải đối mặt với những áp lực, tiêu cực nhiều như thế hệ trẻ thời nay. Bọn trẻ ngày nay có trải nghiệm phong phú, nhiều áp lực nhưng lại chưa thể viết văn”, ông phân tích.

Nhà văn Nguyễn Thùy Dương nêu quan điểm: chúng ta đều sống trên mặt đất, trên đầu là bầu trời và ở giữa là khoảng mênh mông của trí tưởng tượng. Chị tin rằng không cần phải phân biệt rõ giữa mặt đất hay bầu trời, bởi trong mỗi câu chuyện vẫn có thể chứa đựng cả mặt đất lẫn bầu trời. Một độc giả có con học tiểu học lại nếu mong muốn đơn giản “có thêm nhiều tác phẩm cho thiếu nhi không chỉ nhân văn mà còn mang vẻ đẹp của ngôn từ-điều thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của nhà văn”.

NGUYÊN KHÁNH

Rate this post

Viết một bình luận