Cũng theo ông Nguyễn Quốc Triệu, sau khi tình hình sức khỏe của Chủ tịch nước có dấu hiệu không ổn, Chủ tịch nước đã đi Nhật Bản để chữa trị.
[VIDEO] Tóm tắt tiểu sử của Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Các chuyên gia Nhật đã chữa trị và củng cố sức khỏe cho Chủ tịch nước cho đến năm nay. Được biết đây là căn bệnh thế giới chưa có thuốc chữa trị.
Chủ tịch nước sang Nhật cũng chỉ để chặn lại, duy trì khống chế bệnh, chưa thể chữa trị triệt để. Tuy nhiên, thời điểm này vào chu kỳ, nên bệnh của Chủ tịch nước trở nặng.
“Tối hôm qua (20.9), có 2 chuyên gia Nhật vào hội chẩn cùng với các chuyên gia Việt Nam”, ông Triệu cho biết thêm.
Theo thông tin trước đó được đưa ra, Chủ tịch nước phải nhập viện T.Ư Quân đội 108 vào chiều 20.9, sau đó ông rơi vào hôn mê sâu vào chiều tối cùng ngày, và qua đời vào 10 giờ 5 phút sáng nay, 21.9.
Được sự ủy quyền của các lãnh đạo có thẩm quyền, Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe T.Ư đã ra thông báo viết tay về sự ra đi của Chủ tịch nước trong buổi trưa.
Trao đổi với Thanh Niên, GS – TS Phạm Gia Khải, cố vấn Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư, cho biết Chủ tịch nước Trần Đại Quang được phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo và đã từng đi nước ngoài điều trị. Tuy nhiên, do thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên chỉ có thể điều trị duy trì khống chế bệnh.
Một bác sĩ là thành viên Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư cũng cho biết, sau khi phát hiện mắc bệnh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã được chữa bệnh tại nước ngoài, cũng như chăm sóc theo dõi bởi các chuyên gia đầu ngành về ung bướu trong nước, nhưng các nỗ lực chỉ có thể giữ bệnh ổn định.
Thời gian gần đây, tình trạng bệnh của Chủ tịch nước có dấu hiệu tái lại nặng hơn và đã được các chuyên gia trong nước và nước ngoài hội chẩn để đưa ra phác đồ điều trị.
Theo chuyên gia về ung bướu, nguyên nhân đích thực của bệnh chưa được biết chính xác.
Chủ tịch nước “là một người rất khiêm tốn”
Ngay khi nghe tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, ông Phạm Xuân Cần, một người thầy cũ của Chủ tịch nước tại trường Đại học An ninh, đã chia sẻ một số kỷ niệm.
Trong trí nhớ của ông Phạm Xuân Cần, Chủ tịch nước là một người “học giỏi, viết lách hay, chăm chỉ và rất khiêm tốn”. “Thời đó có một chuyện vô tiền khoáng hậu trong lịch sử của trường, là anh (Chủ tịch nước Trần Đại Quang – phóng viên), một sinh viên đang học tại chức được mời làm phản biện luận văn tốt nghiệp của sinh viên đào tạo chính quy. Lãnh đạo trường khi đó quyết định việc này vì biết chắc chắn đề tài đó thì phải mời anh phản biện là đích đáng nhất”, ông Cần cho biết.
Cũng theo ông Cần, Chủ tịch nước Trần Đại Quang “là một nhà chính trị từ trong máu”, “thông minh, khôn ngoan hết mực”, “hết sức khiêm tốn và biết lắng nghe”.
Tin liên quan
-
Infographic Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần