Theo ước tính, mỗi năm nước ta tiêu thụ gần 68 triệu lít rượu, bia, hiện xếp thứ 5 trong 10 nước Châu Á về lượng tiêu thụ bia, rượu bình quân. Theo thống kê, có ít nhất 50% trường hợp tử vong do tai nạn giao thông; 67% các vụ tự tử có liên quan tới rượu và khoảng 80% người nghiện rượu có triệu chứng trầm cảm. Sử dụng rượu, bia là thói quen tồn tại lâu đời ở nhiều nước cũng như Việt Nam, được coi là phương tiện giao tiếp xã hội. Sử dụng rượu, bia ở liều lượng chừng mực, trên một số cá nhân có thể mang lại một số tác động tích cực. Tuy nhiên, sử dụng rượu, bia sai cách có tác động lên hầu hết các cơ quan trong cơ thể, là nguy cơ gây ra các tác động xấu đối với sức khỏe, xã hội, kinh tế.
Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật như loạn thần do rượu, xơ gan do rượu, hội chứng rượu bào thai,… và là một trong những yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không lây nhiễm. Một vấn đề đáng quan tâm khác đó là rượu, bia gây lệ thuộc làm cho người uống không tự kiểm soát được hành vi uống của bản thân. Chất cồn là một chất hướng thần gây nghiện nếu uống thường xuyên sẽ làm cho người uống phải gia tăng liều dùng và tái sử dụng.
Hình ảnh minh họa
Một số tác hại của rượu đối với cơ thể:
Bệnh về gan: Gan là nơi chuyển hóa tất cả chất cồn từ bia, rượu sau khi uống vào cơ thể. Trong quá trình này, gan phải chuyển hóa và đào thải rất nhiều độc tố. Nếu tần suất uống rượu, bia nhiều, theo thời gian gan bị tổn thương và tích tụ nhiều chất béo dẫn tới gan nhiễm mỡ. Chất béo hạn chế lưu lượng máu đến các tế bào gan, khiến gan bị suy và dần mất chức năng, trở thành mô sẹo. Sử dụng rượu bia liên tục và trong thời gian dài, mô sẹo tại gan tăng lên và không hồi phục được có thể dẫn tới xơ gan, ung thư gan.
Mất trí nhớ: Theo các nghiên cứu cho thấy, từ độ tuổi 20 – 90 thì khối lượng của não giảm từ 10 – 20%, khiến cho não càng teo dần. Đó là một chu trình bình thường ở những người không uống rượu. Tuy nhiên, khi uống rượu, tốc độ teo lại của một số vùng quan trọng trong não tăng nhanh hơn, dẫn đến mất trí nhớ và một số triệu chứng khác như suy giảm khả năng tính toán, phán xét và khả năng giải quyết vấn đề. Ngoài ra, người nghiện rượu, bia có thể gặp các rối loạn về thần kinh khác như sảng rượu, sảng run, rối loạn giấc ngủ, loạn thần do rượu,…
Gây bệnh gút: Tồn đọng nhiều cồn trong máu chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bệnh gút. Đây cũng là lí do vì sao mà tỉ lệ mắc bệnh gút ở nam giới luôn cao hơn phụ nữ. Ban đầu, các chất cồn dư thừa sẽ tích tụ lại, và sau nhiều lần “quá chén” thì sẽ gây ra những trục trặc cho quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng. Hàm lượng cồn tích tụ lâu ngày chuyển hóa trong các ổ khớp sẽ ngày một nhiều lên và gây nên bệnh gút. Càng uống nhiều rượu thì mức độ của bệnh càng trở nên nghiêm trọng. Vì hàm lượng axit uric trong máu tăng cao, lắng đọng tại các khớp và bắt đầu chèn ép vào những khớp này mỗi khi cơ thể cử động. Tuy việc điều trị không quá khó khăn, nhưng nếu để xảy ra biến chứng thì người mắc bệnh gút sẽ khó tránh khỏi việc thận bị tổn thương nghiêm trọng.
Bệnh tim mạch: Nhiều bệnh tim mạch và mạch máu của não có liên quan đến việc uống rượu, gây gia tăng đáng kể về tỷ lệ bệnh và tỷ lệ tử vong. Trên thực tế, rượu có nhiều ảnh hưởng trên hệ tim mạch. Cả hai tình trạng nghiện rượu cấp tính hay nghiện rượu mạn tính đều ảnh hưởng đến huyết áp của người uống rượu. Nếu uống rượu nhiều và uống lâu dài có thể ảnh hưởng lên cơ tim, từ đó sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như: rối loạn nhịp tim, rung nhĩ, thiếu máu cơ tim, suy tim…
Bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng: Rượu kích thích niêm mạc dạ dày, khiến dạ dày tiết nhiều axit hơn là nguyên nhân dẫn tới viêm loét dạ dày – tá tràng. Khi rượu và axit tích tụ trong dạ dày dẫn tới buồn nôn và nôn. Những người thường xuyên uống rượu có thể bị viêm loét dạ dày.
Ngoài ra, rượu cũng kích thích ruột non và đại tràng, khiến thức ăn di chuyển qua nhanh hơn, không được tiêu hóa kỹ. Kết quả là người uống rượu có thể bị tiêu chảy. Rượu cũng khiến chứng ợ nóng xảy ra mạnh hơn, bởi nó làm giãn cơ thực quản, khiến axit dạ dày hoặc hơi trong bụng trào ngược lên miệng.
Bệnh về tụy: Tụy là nơi sản xuất insulin, giúp điều hòa nồng độ đường trong máu và một loạt các hoóc-môn khác giúp ruột tiêu hóa thức ăn. Khi uống nhiều rượu có thể dẫn tới viêm tụy và gây ra tổn thương nghiêm trọng hơn. Viêm tụy mạn tính sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, thường là nguyên nhân của đau bụng và tiêu chảy kéo dài mà khó điều trị khỏi. Cùng với đó, chức năng tụy suy giảm, không thể tạo ra insulin, nguy cơ dẫn tới đái tháo đường type 2. Rượu cũng làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy.
Ảnh hưởng tiêu cực đến hoóc-môn tình dục: Rượu ảnh hưởng và gây rối loạn hoóc-môn. Ở phụ nữ, rối loạn hoóc-môn có thể làm ngắn chu kỳ kinh nguyệt, gây ra các vấn đề khi mang thai. Ở nam giới, nó có thể khiến họ bị rối loạn cương dương, giảm nồng độ tinh trùng, co rút tinh hoàn thậm chí phát triển vú. Cồn là chất có tác dụng độc hại đến tinh hoàn và tinh trùng, nếu nam giới uống rượu trước khi sinh hoạt tình dục sẽ làm tăng khả năng sảy thai ở người vợ và có thể ảnh hưởng đến việc phát triển của đứa con sinh ra. Nếu người mẹ uống rượu trong thời gian mang thai có thể sinh ra các đứa trẻ có khuyết tật về trí tuệ.
Rượu, bia gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác như huyết áp, các bệnh liên quan tới tim mạch, chuyển hóa,… Ngoài ra, uống nhiều rượu, bia còn gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và tình hình an ninh trật tự xã hội như: Bạo hành gia đình và gây rối trật tự xã hội. Vì vậy, cần kiểm soát lượng rượu bia uống vào để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và tránh những hậu quả đáng tiếc cho gia đình và xã hội./.