Không chỉ trở thành phương tiện thanh toán cho các dịch vụ ngoài viễn thông, thẻ cào, thẻ game thậm chí được sử dụng như tiền mặt.
Nhộn nhịp dịch vụ đổi thẻ
Hầu hết các trò chơi (game), dịch vụ nghe nhạc, xem phim trên mạng đều có nhiều hình thức thanh toán như qua thẻ cào điện thoại di động của các nhà mạng, qua tin nhắn SMS, thẻ thanh toán quốc tế, thẻ game của các doanh nghiệp (DN) tự phát hành, chuyển khoản qua ngân hàng… Trong đó, thanh toán qua thẻ cào điện thoại di động là chủ yếu, vì phổ biến, tiện lợi. Vì thế, dịch vụ mua bán thẻ cào, thẻ game; đổi ngược lại từ thẻ game sang thẻ cào rồi từ thẻ cào thành tiền mặt… ra đời hàng loạt, nhanh chóng và dễ dàng.
Chỉ cần tìm kiếm trên mạng sẽ thấy hàng loạt trang web như napthe365.com, theocao360.com, doithe3s.com, doithe66.com, banthe247.com, card24h.vn… đều có hướng dẫn chi tiết việc đổi thẻ cào thành tiền mặt.
Thử đặt mua thẻ cào điện thoại online trên chợ điện tử, sau đó, đăng ký tài khoản trên trang banthe247.com, người dùng được hướng dẫn nạp thẻ cào vào tài khoản, sau đó chọn mục “Đổi thẻ cào thành tiền nhanh” và điền đầy đủ mọi thông tin. Với loại thẻ cào Viettel, trang web này chiết khấu 17% cho loại thẻ mệnh giá dưới 200.000 đồng và từ 18,5% cho thẻ mệnh giá 300.000 đồng trở lên. Ví dụ nạp thẻ Viettel 500.000 đồng thì trong tài khoản sẽ được nạp vào còn 406.500 đồng (khách hàng bị trừ mất 92.500 đồng). Ngay sau đó, khách hàng có thể chọn mục “rút tiền” để hoàn tất thủ tục chuyền tiền ngược lại về tài khoản ngân hàng. Hầu hết các trang web đều cam kết khách hàng sẽ nhận được tiền ngay nếu cùng hệ thống nhà băng, khác hệ thống thì chậm nhất trong vòng 24 giờ làm việc. Tất nhiên khi rút tiền, người chơi còn phải chịu phí chuyển tiền ngân hàng.
Riêng việc mua thẻ game được các DN phát hành qua tin nhắn SMS thì phải chịu phí 15%. Ví dụ người viết đã nhắn tin qua tổng đài 9150 từ số điện thoại Viettel để mua thẻ Gate (do FPT) phát hành với mệnh giá 100.000 đồng thì phải trả tổng cộng là 115.000 đồng. Một tin nhắn trả lại báo giao dịch thành công và chứa mã thẻ game, số seri thẻ. Việc đổi thẻ game sang thẻ cào và đổi từ thẻ cào sang tiền mặt cũng tương tự như trên.
Những ngày gần đây, sau khi cơ quan chức năng triệt phá đường dây đánh bạc qua mạng Rikvip thì nhiều trang web đã xóa bỏ việc cho phép đổi thẻ game sang thẻ cào hoặc đổi trực tiếp sang tiền. Truy cập vào các mục này chỉ còn danh sách đổi thẻ của các nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone, còn các loại thẻ game như Zing xu, Gate,Vcoin, Bit… không được hỗ trợ. Đặc biệt mức phí đổi thẻ cào điện thoại ra tiền mặt cũng tăng cao hơn, lên đến 28 – 30%. Tương đương khi khách hàng muốn đổi thẻ cào mệnh giá 1 triệu đồng thì số tiền nhận được chỉ còn 700.000 đồng.
Siết thanh toán bằng thẻ cào
Ông Mai Xuân Khôi, một chuyên gia trong lĩnh vực trò chơi trên mạng tại TP.HCM, phân tích: Khi nạp tiền để sử dụng nhiều dịch vụ như game, xem phim, nghe nhạc trên mạng, người dùng sử dụng thẻ cào chỉ mất phí 15% nhưng nếu thanh toán qua các cổng ứng dụng như Apple, Google thì mức phí lên hơn 30%. Để thu hút khách hàng, nhiều đơn vị lập cổng thanh toán trung gian và những nhà phát hành game, cung cấp nội dung số khá dễ dàng kết nối để người dùng sử dụng. “Tôi đã nhận được nhiều lời mời kết nối với các cổng thanh toán trung gian mà không cần gặp mặt, không cần biết đối tác là ai. Chỉ cần đăng ký khai báo như sử dụng trên một website là xong. Đây chính là kẽ hở cho các dịch vụ, trò chơi lậu và bịp bợm nở rộ thời gian qua. Cơ quan quản lý cần siết chặt như yêu cầu các cổng thanh toán khi muốn kết nối với DN phải yêu cầu DN đó cung cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ trên mạng, giấy phép phát hành trò chơi. Từ đó sẽ hạn chế được việc game lậu, dịch vụ cờ bạc trá hình phát triển”, ông Khôi nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phạm Quốc Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần trực tuyến CMN VN, cho rằng 9 – 10 năm trước khi chưa có nhiều hình thức thanh toán qua mạng thì thẻ điện thoại gần như là lựa chọn duy nhất để người dùng trả tiền cho các dịch vụ, trò chơi trên mạng. Điều đó cũng giúp cho ngành công nghiệp game, nội dung số của VN phát triển. Tuy nhiên với những mặt trái của hoạt động này, cơ quan quản lý cần siết chặt việc thanh toán thông qua các nhà mạng hay các cổng thanh toán trung gian. “Để tạo cơ hội cho cả DN lẫn người dùng thuận tiện hơn, cơ quan quản lý nhà nước có thể đưa ra phương án phát hành chung một loại thẻ thanh toán internet cho các dịch vụ trên mạng”, ông Phạm Quốc Thắng đề xuất.