Cứ hai lần một ngày, kéo dài tổng cộng 19 tháng trong suốt những năm 1920, Edward H Gibson, một nghệ sĩ tạp kỹ người Mỹ sẽ lên sân khấu và biểu diễn một màn bất chấp sinh tử. Người đàn ông được mệnh danh là “Người gối ghim” (The Human Pincushion) sẽ yêu cầu một khán giả bất kỳ cầm 50-60 đinh ghim găm vào bất kỳ vị trí nào trên cơ thể ông ta, trừ bụng và háng…
Sự “vô cảm” của Gibson
Cứ hai lần một ngày, kéo dài tổng cộng 19 tháng trong suốt những năm 1920, Edward H Gibson, một nghệ sĩ tạp kỹ người Mỹ sẽ lên sân khấu và biểu diễn một màn bất chấp sinh tử. Người đàn ông được mệnh danh là “Người gối ghim” (The Human Pincushion) sẽ yêu cầu một khán giả bất kỳ cầm 50-60 đinh ghim găm vào bất kỳ vị trí nào trên cơ thể ông ta, trừ bụng và háng.
Một lần, Gibson vô tình bị bỏng bếp ga và không cảm thấy gì ngoài mùi cháy khét lẹt từ làn da, thứ duy nhất thông báo cho cơ thể ông biết tình hình đang diễn ra. Ngoài những cơn đau đầu hiếm hoi, ông khẳng định rằng mình chưa từng biết đau là gì. Không phải khi ông tự phang đầu gối mình bằng một chiếc rìu. Không phải khi ông tự bắn xuyên qua ngón trỏ trái của mình 22 viên đạn súng ngắn trong suốt cuộc đời mình. Hay là khi trong một cơn tức giận, ông tự làm mình gãy mũi bằng một cú dập lên đàn piano.
Hãy coi sự buồn chán cũng như một hệ thống báo động từ bên trong. Khi nó lên tiếng, nó đang nói với chúng ta điều gì đó.
Gibson không phải một người bình thường, nhưng cũng không phải một siêu nhân. Ông bị mắc một loại rối loạn hiếm gặp và rất ít được biết đến: chứng mất cảm giác đau bẩm sinh. Những người mắc chứng này thường trải qua một cuộc đời khó khăn, nguy hiểm và thậm chí ngắn ngủi đến bi thảm. Các tài liệu y khoa mô tả rất nhiều cá nhân giống như Gibson, bị thương nặng, với những vết rách, bầm tím, gãy xương, bỏng… mà không cảm thấy gì. Sự vắng mặt của nỗi đau khiến chúng ta bất cẩn. Rất ít người trong chúng ta thích nó, nhưng đau đớn thực sự giúp chúng ta vượt qua rắc rối.
Đau đớn cũng không phải trải nghiệm khó chịu duy nhất mà con người phải chịu đựng. Sự buồn chán thì sao? Liệu nó có thể phục vụ một số mục đích hữu ích? Triết gia Bertrand Russell và nhà phân tâm học Adam Phillips đều đề cao tầm quan trọng của khả năng chịu đựng. Russell khẳng định rằng năng lực chống lại sự buồn chán là “điều cần thiết để có một cuộc sống hạnh phúc”, trong khi Phillips cho rằng nó có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của trẻ em.
Friedrich Nietzshe nhận ra sức mạnh sáng tạo trong nỗi buồn và tìm thấy giá trị trong mối quan hệ của nó với nghệ thuật. Susan Sontag cũng thế. Trong một đoạn nhật ký, bà viết rằng những thứ thú vị nhất trong thời đại của bà đều xuất phát từ sự nhàm chán: “Jasper Johns thật buồn tẻ. Beckett thật buồn tẻ, Robbe-Grillet cũng buồn tẻ. Vân vân. Có thể nghệ thuật bây giờ phải buồn tẻ thế”.
Martin Heidegger cho rằng những bài học về bản thể của chúng ta có thể được dạy từ một ông thầy đặc biệt: sự chán nản sâu sắc. Và nhà thơ Joseph Brodsky, có thể xem như người ủng hộ tiêu biểu tác dụng của sự buồn chán, đề cao khả năng thúc đẩy hiện sinh của nó.
Trong bài phát biểu khai giảng năm 1989 tại Đại học Dartmouth, ông đã gọi sự buồn chán là ‘cửa sổ thời gian vô tận’, nói về khả năng đưa sự hiện hữu của chúng ta vào các viễn cảnh, để chứng minh cho chúng ta thấy sự hữu hạn và thực sự là vô ích trong những hành động của chúng ta.
Họ đều đúng khi nói về sự buồn chán. Tuy nhiên, họ đã bỏ qua một đặc tính cơ bản của nó. Sự buồn chán có thể là quý giá, nhưng chẳng có gì hay khi cảm thấy chán. Sự khó chịu của nó không phải là tưởng tượng, và đặc tính chủ quan này của nó chẳng có gì đáng để tôn vinh. Chúng ta nên tránh xa việc “chủ động” sa lầy vào loại cảm giác này.
Giá trị của đau đớn
Nhưng bỏ qua sự khó chịu của nó, cảm giác đau khổ có giá trị lớn. Nó không chỉ là một cơ chế phát tín hiệu báo động đáng tin cậy, thông báo cho chúng ta về những tác hại lên cơ thể chúng ta. Nó cũng thúc đẩy chúng ta thay đổi hành vi, thực hiện các biện pháp phòng vệ để bảo vệ chính mình. Nếu không có nó, chúng ta sẽ không biết gì về những vết thương của mình, và có lẽ khá thờ ơ với chúng ngay cả khi đã chú ý đến chúng.
Bây giờ, hãy tưởng tượng một cuộc sống không hề có sự nhàm chán. Thoạt qua, nhiều người trong chúng ta có thể nhìn thấy một viễn cảnh đáng mơ ước, thậm chí là lý tưởng. Nhưng hãy cân nhắc kỹ hơn. Chúng ta không nói về một cuộc sống không có những tình huống nhàm chán. Một người như nhân vật Gibson ở đầu bài viết chỉ không bị đau đớn giản vì anh ta không thể trải qua nó, nhưng cuộc sống thì luôn ẩn chứa những điều nguy hiểm và có hại.
Tương tự, cuộc sống của một người không thể trải qua cảm giác buồn chán, nếu có, đơn giản chỉ vì chủ thể của đời sống kiểu này không thể tiếp cận trải nghiệm buồn chán, và đây là một viễn cảnh tiêu cực.
Nếu chúng ta không có khả năng chán nản, có vẻ như bất kỳ tình huống nào – bất kể nó có tầm thường hay buồn tẻ đến đâu – cũng sẽ không tạo ra cảm giác chán trong ta. Không ngáp ngủ khi phải nghe đi nghe lại những bài giảng nhạt nhẽo. Không luôn sự bồn chồn trong những cuộc chờ đợi tưởng như vô tận. Tuy nhiên, một số tình huống sẽ khiến chúng ta khó chịu vì đánh mất đi khả năng cảm thụ sự buồn chán.
Thông thường, sự chán nản nảy sinh do nhận thức về trạng thái không phù hợp: khoảng cách giữa nhu cầu và sự sẵn có của việc đáp ứng. Chúng ta muốn một thứ mà đơn giản là đang không ở đó, không sẵn sàng để đáp ứng ta. Sự buồn chán là nhận thức của chúng ta về trống vắng đó. Trong các hoạt động đơn điệu, chúng ta cảm thấy nhàm chán vì chúng ta muốn có nhiều hơn những gì ta có thể tìm thấy. Trong những tình huống quen thuộc, chúng ta cảm thấy nhàm chán vì thèm muốn sự mới lạ, nhưng không được thỏa mãn.
Và khi tham gia vào những công việc bị bắt buộc, chúng ta thấy nhàm chán vì muốn làm điều gì đó khác với những gì đang buộc phải làm. Nếu sự buồn chán bắt nguồn từ mong muốn chưa được thỏa mãn, thì để giảm bớt cảm giác chán, chúng ta cần phải thỏa mãn ước ao ấy. Nói cách khác, để thoát khỏi buồn chán, ta cần tìm kiếm những hoạt động có vẻ phù hợp với mong muốn của mình.
Hãy coi sự buồn chán cũng như một hệ thống báo động từ bên trong. Khi nó lên tiếng, nó đang nói với chúng ta điều gì đó. Có thể là sự hiện diện của một ước mong không thành. Nhưng cũng có thể là báo động nghiêm trọng trước một cú sốc.
Trải nghiệm tiêu cực và phản cảm của chán nản thúc đẩy chúng ta theo đuổi một cảnh huống khác, một tình huống có vẻ có ý nghĩa với cuộc đời ta hơn, hoặc thú vị hơn, giống như một cơn đau nhói ngăn chặn chúng ta không lấy ghim găm bừa bãi vào cơ thể mình.
Khi cảm thấy buồn chán, các tình huống mà ta thường cảm thấy mình xa lạ, bị mất cảm hứng với sở thích và các dự án cuộc đời. Mọi thứ trở nên thiếu ý nghĩa với bản thân ta, làm ta bất an và bồn chồn. Tâm trí chúng ta đi lang thang.
Nhận ra điều này, chúng ta lập ra một danh sách thay thế. Ngay cả nhận thức về thời gian lúc này cũng thay đổi. Vào khoảnh khắc chán nản, nó dường như kéo dài lê thê. Chúng ta muốn thoát khỏi sự kìm kẹp khó chịu này. Khi những sứ mệnh mà chúng ta đang thực hiện mất đi vẻ hào nhoáng, sự nhàm chán thúc đẩy việc theo đuổi các mục tiêu thay thế các đặc điểm khiến chúng ta thất vọng.
Động lực để sống
Điều này được gọi là động lực hình dung (motivational picture) của sự buồn chán. Nó được hỗ trợ bởi các lý thuyết tâm lý học gần đây, coi những trải nghiệm cảm xúc của chúng ta những động lực tiết lộ về giá trị và danh tính của chúng ta. Cảm xúc mở ra thế giới trước mắt chúng ta và tạo ra sự tràn đầy ý nghĩa. Chúng là những cách mà chúng ta hòa hợp với sự tồn tại xã hội, con người thực tế của ta. Chúng cung cấp cho ta một tiền-nhận-thức về những gì quan trọng với chúng ta, định hướng ta tới các khả năng hiện sinh: kêu gọi chúng ta hành động ra sao để cảm thấy mình đang sống.
Cơ chế báo động nội tâm của sự chán nản rất ăn khớp với điều này. Sự nhàm chán cuốn chúng ta vào những chi tiết của cảnh huống mà qua đó chúng ta nhận thấy chính mình. Nó cảnh báo liên tục với ta về cách mà sự tham gia vào hiện tại của ta không làm ta hài lòng.
Nó phác thảo các hướng hành động thay thế, thậm chí ngay từ khi bạn không nhận ra rằng mình không muốn những điều đang diễn ra. Người ta có thể đòi hỏi gì hơn từ một trải nghiệm cảm xúc? Nếu chức năng của sự buồn chán có thể được triển khai trong một ứng dụng trên điện thoại, có lẽ sẽ không ít người trả tiền để sử dụng nó.
Tuy nhiên, phần lớn các tác phẩm văn học và triết học kinh điển đều vẽ lên một bức tranh u ám về sự chán nản, hơn là nhấn mạnh vào lô-gích trong sự hiện diện của nó. Khi nói về buồn chán, người ta thường coi nó như một trạng thái tâm lý bình thường, thoáng qua. Nhưng chán nản cũng có thể được đề cập đến dưới hình thái một căn bệnh mãn tính: xu hướng cảm thấy buồn bã trong hầu hết các cảnh huống của cuộc đời này.
Cảm giác buồn chán thường xuyên và bất kể trong tình huống nào như thế là trải nghiệm thế giới một cách lạnh lùng và tách biệt: tất thảy tình huống, mục tiêu, dự án bất kỳ nào đều không thu hút bạn, giữ khoảng cách với bạn và không thực sự là của bạn.
Không có gì ngạc nhiên khi cảm giác buồn chán mãn tính này liên quan đến một số tác hại nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng, thể chất, tâm lý và xã hội. Nó xứng đáng nhận được sự quan tâm. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt rõ ràng với trải nghiệm thực tế của sự chán nản. Không phải ai trải qua cảm giác chán đều dễ nản với cả thế giới, cũng như không phải ai bị đau đều thành đau mãn tính.
Và nếu cảm giác đau đớn thúc đẩy chúng ta thay đổi hành vi để tự bảo vệ bản thân, thì cảm giác buồn chán như đã nói, thúc đẩy chúng ta tìm việc gì đó khác để làm, mà không nhất thiết phải nói rõ cho ta biết là cần làm gì.
Nó vận chuyển chúng ta từ trạng thái tâm lý này sang trạng thái khác. Mất đi cảm giác buồn chán cũng có nghĩa là bạn có thể đứng yên ở một nơi vô nghĩa, cảm thấy những gì tồn tại không có động lực gì để thay đổi. Bạn có thể mất liên lạc với cuộc đời, và cơ hội tạo tác ý nghĩa của mình, khi từ chối loại cảm xúc này. Chịu đựng và đi tiếp, có thể không dẫn chúng ta tới ngay điều ta cần, nhưng cũng có thể là điều tốt nhất tiếp theo ta có thể làm.