Nhắc đến ẩm thực Ý, ngoài những món ăn nổi tiếng toàn thế giới như Pizza – Spaghetti… không thể không nhắc đến một loại gia vị hảo hạng với mức giá hàng triệu đồng cho mỗi chai 100ml – đó là Balsamic. Vậy thì Balsamic là gì? Vì sao Balsamic lại đắt đỏ đến thế? Nếu bạn cũng đang băn khoăn, hãy cùng Hoteljob.vn tìm hiểu cụ thể nhé!
Bạn có biết Balsamic là gì? (Ảnh nguồn Internet)
Với các đầu bếp hay ứng viên tìm việc bếp chuyên món Âu, chắc chắn sẽ không xa lạ gì với thuật ngữ Balsamic. Thế nhưng không phải ai cũng có thể giải thích rõ ràng Balsamic là gì?
► Balsamic là gì?
Balsamic là một loại giấm đặc biệt có xuất xứ từ vùng Emilia – Romagma (miền Bắc nước Ý) có màu đen đặc trưng – khác với các loại giấm thông thường khác. Giấm Balsamic truyền thống còn được gọi với biệt danh là “giấm vua” – “giấm quý tộc” bởi quy trình sản xuất vô cùng công phu – chất lượng hảo hạng với mức giá thuộc hàng đắt đỏ.
► Giấm Balsamic bao nhiêu tiền?
Hiện nay trên thị trường có 2 loại giấm Balsamic: một loại được sản xuất đại trà theo phương pháp công nghiệp và một loại chiết xuất theo phương pháp thủ công truyền thống.
– Với loại giấm Balsamic công nghiệp – mức giá niêm yết trên các website bán hàng trực tuyến hiện tầm khoảng 100 nghìn đồng/ chai 500ml.
– Còn với giấm Balsamic truyền thống được chưng cất thủ công thì giá cho 1 chai 100ml có thời gian ủ 12 năm là 100 USD (tương đương hơn 2 triệu đồng). Cũng với chai 100ml nếu thời gian ủ là 25 năm sẽ có giá khoảng 400 USD (hơn 8 triệu đồng).
Balsamic là gì? Giấm Balsamic truyền thống được ủ 25 năm có giá hơn 8 triệu đồng/ chai 100ml
(Ảnh nguồn Internet)
► Vì sao giấm Balsamic truyền thống lại đắt đỏ?
Balsamic truyền thống với tên gọi là Aceto Balsamico Tradizionale là loại giấm duy nhất được bảo vệ bản quyền tên gọi trên toàn châu Âu. Sở dĩ giấm Balsamic truyền thống lại có giá thuộc top “hoàng gia” là do quy trình sản xuất kỳ công, phức tạp, tốn nhiều thời gian cùng những tiêu chuẩn khắc khe và đòi hỏi sự cẩn thận, chuyên tâm của người làm giấm.
Nguyên liệu chiết xuất giấm Balsamic truyền thống là giống nho trắng được thu hoạch muộn (nho Lambrusco, nho Trebiano…). Nho sau khi qua bước sơ chế sẽ được ép lấy nước và nấu nôi cho hao khoảng 30% dung tích so với ban đầu. Bước tiếp theo, nước nho sẽ được lắng cặn – trải qua quá trình lên men và ủ trong thùng gỗ nhiều năm.
Trong quá trình ủ, giấm Balsamic sẽ được luân chuyển qua nhiều loại thùng gỗ khác nhau (gỗ sồi, hạt dẻ, anh đào, keo, dâu tằm, tần bì bụi…) để lấy vị ngấm trong từng thớ gỗ – tạo nên hương thơm đặc biệt và vị ngọt tự nhiên. Mỗi lần chuyển như vậy, giấm sẽ được múc từng chút một từ thùng gỗ lớn sang thùng nhỏ hơn.
Thời gian tối thiểu để cho ra mẻ giấm Balsamic đầu tiên là 12 năm, các giai đoạn tiếp theo là 18 năm – 25 năm – 30 năm – 40 năm. Giống như rượu vang, giấm Balsamic càng được ủ lâu thì càng đậm đà – thơm ngon hơn. Với quy trình sản xuất “dài hơi” cộng với thực tế để làm ra 1 lít giấm Balsamic truyền thống thành phẩm sẽ cần đến 100 lít nước ép nho nguyên liệu – chính vì vậy mà “tính giá trị” loại giấm thủ công này tạo ra là rất lớn – và giá bán đắt đỏ là điều hiển nhiên.
Giấm Balsamic càng ủ lâu năm thì càng thơm ngon (Ảnh nguồn Internet)
► Giấm Balsamic có vị gì?
Giấm Balsamic ngoài vị chua đặc trưng – tinh tế còn có vị ngọt đặc biệt. Nếu như loại giấm sản xuất theo phương pháp công nghiệp sử dụng mật ong để tạo vị ngọt thì giấm truyền thống có được vị ngọt tự nhiên do được ướp luân chuyển trong nhiều thùng gỗ khác nhau.
► Ứng dụng giấm Balsamic trong ẩm thực
Chúng ta đã cùng tìm hiểu Balsamic là gì? Quy trình sản xuất truyền thống được thực hiện như thế nào? Vậy thì trong ẩm thực, giấm Balsamic được ứng dụng để làm gì?
Trong các Khách sạn – Nhà hàng, giấm Balsamic thường được các đầu bếp sử dụng trong chế biến các món Âu, đặc biệt là món Ý hay món nấu theo phong cách Địa Trung Hải. Giấm Balsamic thường được pha với dầu oliu để chấm bánh mì, làm gia vị ướp các món thịt nướng, pha sốt trộn salad, làm nước sốt cho các món áp chảo – món xào…
Balsamic là gì? – Giấm Balsamic được dùng nhiều để pha sốt trộn salad (Ảnh nguồn Internet)
► Mua giấm Balsamic ở đâu?
Hiện nay, bạn có thể tìm mua giấm balsamic công nghiệp trong các siêu thị hay đặt hàng qua các website bán hàng trực tuyến. Còn với giấm Balsamic truyền thống, bạn chỉ có thể mua – order tại các cửa hàng bán hàng Ý nhập khẩu hoặc nhờ người quen bên Ý mua giùm để có được loại giấm chất lượng nhất.
► Phân biệt giấm Balsamic công nghiệp và truyền thống
Nếu là giấm Balsamic công nghiệp trên nhãn hiệu sẽ ghi là “Aceto Balsamico di Modena”. Và dòng chữ “Tradizonale di Modena” hoặc “Tradizonale di Emilla” sẽ chỉ dẫn cho bạn biết đó là giấm Balsamic truyền thống.
Với loại giấm truyền thống:
– Nếu cổ chai được cột sợi vải màu đỏ thì đó là giấm chưa cô đặc, còn lỏng, vị chua nhiều – thoáng ngọt; chủ yếu được dùng làm sốt salad, làm nước sốt cho vào phút cuối để hương thơm của giấm không bị mất đi.
– Vải màu bạc là loại giấm đã được ủ khá lâu – ít chua – hậu vị ngọt nhẹ, thường dùng để rưới lên món ăn trước khi phục vụ.
– Vải màu vàng là loại giấm được ủ ít nhất 25, có độ keo như mật ong, vị chua và ngọt hài hòa nhau, dùng chấm món ăn trực tiếp.
Mỗi màu vải trên chai giấm Balsamic truyền thống sẽ cung cấp đặc tính của chai giấm đó – Balsamic là gì?
(Ảnh nguồn Internet)
Những thông tin có trong bài viết được Hoteljob.vn chia sẻ trên đây, hy vọng đã giúp bạn giải đáp được rõ ràng câu hỏi “Balsamic là gì?” cũng như các vấn đề liên quan đến loại giấm này mà bạn cần biết.
Ms. Smile