(GDVN) – Khi giáo viên bất lực trước học sinh, gánh chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là các em, gia đình và toàn xã hội.
Sau khi phạt học sinh lớp 9 quỳ trước lớp, cô giáo Lê Thị Quy giáo viên Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội đã bị đình chỉ công tác dạy học.
Nghe tâm sự của cô cảm thấy nhói lòng, thấy xót xa cho nghề giáo:
“Đây là lớp có rất nhiều học sinh bướng, nghịch ngợm, hiếu động và phá phách nếu không muốn nói một số em hầu như các giáo viên vào đều khẳng định không thể dạy được”.
Cô Quy cảm thấy bất lực với học sinh của lớp, dù đã sử dụng rất nhiều biện pháp giáo dục khác nhau (nói chuyện, khuyên răn, chép phạt, dọn vệ sinh, làm trực nhật…) nhưng không mấy hiệu quả.
“Có nhiều giờ, giáo viên bộ môn cũng phản ánh không thể dạy được.
Nói chuyện có, tâm sự có! Nhưng các em vẫn không nghe”.
Những học sinh này phụ huynh cũng bất lực với con.
Chính họ cũng không thể giáo dục được con nên đã đến trường yêu cầu giáo viên hỗ trợ.
Họ chia sẻ dù có bảo ban nhưng con cũng không nghe và tha thiết đề nghị cô phạt cháu quỳ ở trên lớp nếu không ngoan.
Không còn là hiện tượng cá biệt
Những học sinh nghịch ngợm, phá phách không nghe lời thầy cô như lời cô Quy nói không phải là ít.
Hầu như lớp nào, trường nào cũng có những đối tượng này.
Không ít thầy cô giáo cũng đã nói rằng mình hoàn toàn bất lực với các em.
Bởi, họ đã dùng mọi cách để giáo dục như gần gũi, nhỏ nhẹ khuyên răn, nhẫn nại thuyết phục hay buộc viết bản kiểm điểm, mời phụ huynh.
Rồi giận dữ la rày, quát mắng, hay buộc các em làm trực nhật, tưới cây, nhổ cỏ vườn trường, thậm chí dọn nhà vệ sinh…
Nhưng tất cả những hình phạt ấy cũng chẳng ăn thua gì.
Nhiều em không sửa đổi thậm chí những hình phạt giáo viên đưa ra, có em không chấp hành còn lên giọng thách thức.
Trong những trường hợp này, giáo viên sẽ phải làm gì đây?
Có thầy cô giáo bỏ mặc gần như xem học sinh ấy không tồn tại trong lớp.
Vì nếu cứ nhắc nhở hoài dễ sinh ra nổi nóng và sợ rằng một lúc nào đấy mình sẽ không làm chủ được.
Có thầy cô ráng dạy hết tiết là bước ra khỏi lớp.
Vì với những học sinh này, càng nói các em càng trơ ì hoặc phản ứng lại dữ dội hơn.
Có thầy cô đã buộc phải đuổi học sinh ấy ra khỏi tiết dạy của mình:
“Từ lần sau, có tôi vào lớp là không có em” chỉ nhằm bảo vệ cho hàng chục học sinh khác đang rất cần học.
Mới nghe thế sẽ có người phản đối.
Vì đuổi như thế, các em sẽ mất bài học hôm ấy và học đã yếu lại càng yếu hơn.
Nhưng thực chất, nhiều em có cần học đâu? Ngồi trong lớp cũng chỉ nghịch phá thầy cô và các bạn.
Có thầy cô chia sẻ thẳng “Nếu không đuổi ra khỏi giờ học, giáo viên sẽ không thể dạy tiếp được và học sinh trong lớp cũng sẽ không thể học được”.
Vì cả tập thể lớp, thầy cô buộc phải chọn cách nào có lợi cho số đông.
Nên phân biệt bạo hành với những hình phạt răn đe
Dư luận thường phản ứng khi giáo viên sử dụng hình phạt dù rất nhẹ với học sinh.
Phải chăng nhiều người đang nhầm lẫn khái niệm “bạo hành” với “răn đe”?
Có cha mẹ nào dạy dỗ con (đối tượng hư, lì lợm) mà chưa bao giờ quát mắng?
Chưa bao giờ phải dùng đến đòn roi nhưng trẻ vẫn nghe lời? Có thể là rất hiếm.
Ba mẹ phạt roi, có ai nói chúng ta đang bạo hành con cái?
Đương nhiên là không vì cha mẹ phạt con bằng tình yêu thương, lòng mong muốn con cái ngoan hơn.
Thầy cô giáo được ví như cha mẹ của các em ở trường. Thầy cô được gì khi phạt học sinh?
Chẳng được gì cả, sự nghiêm khắc ấy bắt nguồn từ lương tâm và trách nhiệm, từ lòng mong muốn học trò sẽ ngoan hơn, chăm học hơn.
Khi mục đích xuất phát từ tình yêu thương sao có thể khép họ vào tội bạo hành học sinh được?
Hãy hiểu cho thầy cô, hãy đặt mình vào vị thế ấy để thấu hiểu, cảm thông.
Khi phụ huynh phản ứng quá mạnh (lên trường chửi bới thầy cô, làm đơn kiện khắp nơi buộc những thầy cô giáo ấy bị kỉ luật) một số học sinh thường hay phạm lỗi sẽ là người vui mừng nhất.
Chúng vui vì “từ nay, đố ông bà ấy (thầy cô giáo) dám đụng đến ai”.
Niềm vui ấy sẽ được nhân rộng và học sinh sẽ nhờn kỉ luật của nhà trường, sẽ chẳng coi thầy cô giáo ra gì.
Và, khi giáo viên bất lực trước học sinh, gánh chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là các em, gia đình và toàn xã hội.
Tài liệu tham khảo:
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/co-giao-bat-hoc-sinh-quy-trong-lop-toi-bat-luc-moi-phai-lam-du-biet-la-sai-531296.html
Phan Tuyết