Cần làm gì khi trẻ bị đầy bụng khó tiêu?
Trẻ bị đầy bụng khó tiêu thường là do ăn uống quá nhiều hoặc không nhai kỹ trước khi nuốt. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài cha mẹ nên thận trọng đưa con đi khám và chữa trị bởi rất có thể bé đang gặp rắc rối ở dạ dày.
Trẻ bị đầy bụng khó tiêu nguyên nhân do đâu?
Đầy bụng khó tiêu là hiện tượng ì ạch, nặng nề và khó chịu ở vùng bụng trên, đặc biệt là ở khu vực dạ dày. Không chỉ xảy ra ở người lớn, chứng bệnh này còn ảnh hưởng đến cả trẻ nhỏ.
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị đầy bụng khó tiêu như:
- Gặp tác dụng phụ khi dùng thuốc Tây
Một số loại thuốc, điển hình là thuốc chống viêm không steroid ( Ibuprofen) được biết là thủ phạm gây đầy bụng, khó tiêu ở trẻ. Điều này là phổ biến nếu con bạn được kê đơn các loại thuốc có chứa nitrat.
Chất này có thể làm cơ thắt thực quản thư giãn. Nó cho phép axit dạ dày rò rỉ và gây kích ứng cho lớp màng bảo vệ của hệ thống tiêu hóa. Từ đó, thức ăn đưa vào sẽ lâu được tiêu hóa hơn khiến cho trẻ có cảm giác đầy bụng, khó chịu.
- Thói quen ăn uống thiếu khoa học
Trẻ ăn nhiều đồ béo, ăn quá no hoặc quá nhanh có thể gây quá tải cho đường tiêu hoa. Đầy bụng khó tiêu là một hậu quả tất yếu.
Tình trạng này xảy ra khi axit và dịch vị trong dạ dày của bé đi ngược lên thực quản. Nó khiến trẻ bị ợ chua, ợ nóng, buồn nôn và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiêu hóa thức ăn dẫn đến chứng đầy bụng, ăn uống lâu tiêu.
- Béo phì
Thừa cân làm gia tăng áp lực lên vùng bụng và tạo điều kiện cho axit trào ngược lên thực quản. Chứng đầy bụng khó tiêu ở trẻ cũng có cơ hội bùng phát.
- Bé bị căng thẳng quá mức
Áp lực trong học hành, thi cử hoặc từ phía gia đình tạo ra có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các dây thần kinh ở đường ruột. Từ đây trẻ có thể gặp khó khăn trong việc tiêu hóa thức ăn và nhiều vấn đề khác ở đường ruột.
- Nhiễm khuẩn Hp:
Vi khuẩn Hp có thể xâm nhập vào trong dạ dày của bé do ăn uống không hợp vệ sinh, sử dụng nguồn nước ô nhiễm hoặc do lây từ người khác. Chúng có thể gây rối loạn chức năng tiêu hóa, đầy bụng, viêm loét dạ dày hoặc thậm chí là ung thư dạ dày.
- Bệnh thoát vị hoành:
Căn bệnh này chỉ tình trạng nhô cao bất thường của phần dạ dày trên vào trong lồng ngực. Phần lớn trẻ bị bệnh đều không quá nghiêm trọng nhưng một số trường hợp bị nặng gây trào ngược axit, đau và khó chịu ở thượng vị, đầy bụng, ăn không tiêu.
- Bệnh ở dạ dày
Bất cứ trục trặc nào xảy ra ở dạ dày, chẳng hạn như viêm loét, xuất huyết hay ung thư dạ dày đều có thể khiến trẻ bị đầy bụng, khó tiêu.
Xem thêm: Xua tan nỗi lo đau viêm dạ dày nhờ bài thuốc Đông y lành tính Sơ can Bình vị tán
- Các nguyên nhân khác gây đầy bụng khó tiêu ở trẻ:
+ Thiếu ngủ
+ Ăn quá khuya
+ Sử dụng đồ uống chứa cafein
+ Bất dung nạp với thực phẩm, chẳng hạn như sữa chứa đường lactose, hải sản…
Nắm rõ được nguyên nhân gây đầy bụng khó tiêu ở trẻ chính là chìa khóa quan trọng giúp đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho con bạn.
>> Tham khảo chi tiết: Ăn không tiêu – Khó tiêu là bệnh gì? – Cách nhận biết và điều trị
Dấu hiệu trẻ bị đầy bụng khó tiêu
Hầu hết các triệu chứng đầy bụng khó tiêu ở trẻ đều xảy ra ngay sau bữa ăn. Khi gặp chứng bệnh này bé sẽ có cảm giác khó chịu ở bụng trên, kèm theo đó có thể xuất hiện các dấu hiệu khác như:
- Đau rát, nặng bụng
- Chướng bụng đầy hơi
- Ợ nóng, ợ hơi, ợ chua nếu axit và chất lỏng trào ngược từ dạ dày lên miệng trẻ
- Buồn nôn hoặc nôn ói thường xuyên
- Cảm giác dạ dày vẫn còn chứa đầy thức ăn dù đã cách thời điểm dùng bữa khá lâu
Khi nào nên đưa trẻ đi khám bác sĩ?
Hãy đưa bé đến bệnh viện khám nếu con bạn bị đầy bụng khó tiêu sau hầu hết các bữa ăn hoặc tình trạng này của bé kéo dài liên tục trong hơn 2 tuần.
Tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ nhi khoa ngay lập tức nếu con bạn có những dấu hiệu nghiêm trọng sau:
- Bé có các cơn đau bụng nghiêm trọng
- Con bạn bị sụt cân hoặc không có cảm giác thèm ăn hơn một ngày.
- Trẻ gặp khó khăn trong việc nuốt thức ăn
- Bé bị khó thở hoặc ra nhiều mồ hôi mà không rõ lý do
- Nôn ói nhiều, trong chất nôn có lẫn máu
- Đại tiện ra máu
- Trẻ từng có tiền sử bị bệnh về dạ dày trong quá khứ
Phương pháp chẩn đoán đầy bụng khó tiêu ở trẻ em
Để khẳng định một trẻ bị đầy bụng khó tiêu, bác sĩ thường bắt đầu bằng việc trao đổi về các triệu chứng trẻ đang gặp phải. Sau đó tiến hành kiểm tra thể chất, thăm khám vùng bụng.
Nếu có dấu hiệu nghi ngờ, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây khó tiêu, đầy bụng ở trẻ. Những xét nghiệm được chỉ định bao gồm:
- Kiểm tra máu. Nếu tế bào bạch cầu tăng chứng tỏ bé đang bị nhiễm trùng
- Xét nghiệm nước tiểu hoặc phân để tìm kiếm máu hoặc xác định vi khuẩn gây bệnh
- Chụp x- quang hoặc siêu âm bụng
- Nội soi đường tiêu hóa trên của bé có thể giúp phát hiện vết loét, khối u trong dạ dày hoặc tình trạng trào ngược axit.
Cần làm gì khi trẻ bị đầy bụng khó tiêu?
Không phải lúc nào tình trạng đầy bụng khó tiêu ở trẻ cũng cần phải dùng thuốc điều trị. Nếu bệnh của con bạn không quá nghiêm trọng, bé vẫn vận động, chơi đùa bình thường thì có thể thử các biện pháp chăm sóc tại nhà để cải thiện.
1. Cách chữa đầy bụng khó tiêu cho bé tại nhà
- Tạo không gian yên tĩnh để con bạn nghỉ ngơi nhiều và ngủ đủ giấc. Điều này có thể giúp bé quên đi cơn đau và các triệu chứng khó chịu ở bụng.
- Nhắc nhở trẻ uống nước thường xuyên. Nước rất hữu ích trong việc giảm tác động của trào ngược axit. Ngoài nước lọc, nước trái cây hay nước canh rau, bạn có thể lấy 1 muỗng cà phê baking soda pha trong 250ml cho bé uống nhiều lần trong ngày cũng có hiệu quả đối với chứng đầy bụng, khó tiêu.
- Sử dụng gừng làm thuốc chữa đầy bụng khó tiêu cho bé tại nhà. Rất đơn giản, bạn hãy lấy vài lát gừng hãm với nước sôi, để 10 – 15 phút rồi pha thêm 2 thìa mật ong. Cho trẻ uống vào buổi sáng giúp giảm mật độ axit trong dịch vị, cải thiện khả năng tiêu hóa.
- Cho trẻ nhai lá bạc hà có hiệu quả trong việc giảm đau bụng, kích thích tiêu hóa, chống đầy bụng.
- Cho trẻ ăn nhiều bữa một ngày thay vì cố gắng ép bé dùng số lượng thức ăn khổng lồ cùng một lúc. Cứ 2 – 3 giờ lại cho bé ăn một lần. Hãy nhắc nhở con bạn nhai kỹ trước khi nuốt và tập trung vào việc ăn uống và cảm nhận mùi vị của thức ăn. Như vậy nước bọt sẽ tiết ra nhiều hơn giúp hỗ trợ dạ dày tiêu hóa bớt một phần thức ăn.
- Tránh để bé bị căng thẳng đầu óc. Hãy trò chuyện và cùng con giải quyết các vướng mắc về tâm lý mà trẻ đang gặp phải.
- Trẻ bị đầy bụng khó tiêu cần được mặc quần áo rộng rãi. Những trang phục bó sát bụng có thể làm tăng thêm cảm giác khó chịu bé đang trải qua.
- Cuối cùng việc lựa chọn được các thực phẩm phù hợp, giúp trẻ dễ tiêu hóa cũng góp phần rất lớn trong việc đẩy lùi chứng đầy bụng khó tiêu. Chi tiết về vấn đề này sẽ được chúng tôi đề cập trong phần cuối của bài viết.
2. Dùng thuốc trị đầy bụng khó tiêu cho trẻ
Nếu việc thay đổi lối sống cùng các biện pháp tự nhiên không giúp ích, có thể con bạn đang gặp các vấn đề sức khỏe cần có sự trợ giúp từ y tế. Lúc này, việc sử dụng thuốc chữa đầy bụng khó tiêu cho bé còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Thuốc Domperidone maleate có thể giúp ngăn ngừa chứng trào ngược axit cho trẻ khi được dùng trước mỗi bữa ăn khoảng 15 – 30 phút. Các thuốc kháng axit như Trums, Maalox hay Gaviscon cũng đem lại lợi ích tương tự.
Ngoài ra trẻ còn có thể được chỉ định một số loại thuốc khác như:
- Thuốc giảm đau, kháng viêm: Như Advil hoặc Aleve. Chúng không giúp chữa chứng đầy bụng khó tiêu nhưng có thể giúp cắt đứt cơn đau và chống lại tình trạng viêm nhiễm trọng dạ dày của bé.
- Thuốc chẹn histamine: Bao gồm Zantac hay Pepcid… Những thuốc này có thể giúp làm giảm triệu chứng ợ chua, ợ nóng, đầy hơi, ăn không tiêu bằng cách ức chế sản xuất axit trong dạ dày. Tuy nhiên không nên cho trẻ dùng thuốc trong thời gian dài vì nhóm thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như tiêu chảy, táo bón, mờ mắt, đau đầu, rối loạn nhịp tim…
- Thuốc ức chế bơm proton: Được dùng phổ biến là Omeprazole và Lansoprazole. Các thuốc này cũng giúp làm giảm lượng axit được sản xuất trong dạ dày nên có thể hữu ích cho trẻ bị đầy bụng khó tiêu do bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
- Thuốc kháng sinh: Được chỉ định khi con bạn bị nhiễm trùng đường ruột. Trường hợp tìm thấy vi khuẩn Hp trong dạ dày của bé thì cần cho trẻ dùng thuốc kháng sinh điều trị theo phác đồ chung của Bộ y tế trong thời gian từ 4 – 8 tuần.
Luôn luôn tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ loại thuốc nào cho con bạn. Những loại thuốc chữa đầy bụng khó tiêu cho bé này có bán sẵn ngoài tiệm thuốc tây nhưng không được tùy ý sử dụng bừa bãi nhằm tránh những tác dụng phụ khôn lường có thể xảy ra với trẻ.
Trẻ bị đầy bụng khó tiêu nên ăn gì?
Như đã đề cập, chế độ ăn uống góp phần quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa đầy bụng khó tiêu cho trẻ. Con bạn cần được ăn các thực phẩm có khả năng kích thích tiêu hóa, chẳng hạn như:
- Dứa: Loại trái cây này rất giàu chất xơ và bromelain – một loại enzym có khả năng phân hủy protein trong thức ăn, chống viêm, bảo vệ đường ruột.
- Hạt thì là: Nghiên cứu cho thấy các chất trong hạt thì là có thể làm tăng tiết enzym tiêu hóa từ tuyến tụy. Mẹ có thể rang hạt thì là, nghiền thành bột mịn rồi pha nước hoặc thêm vào cháo cho trẻ dùng.
- Rau củ và trái cây giàu chất xơ hòa tan: Chẳng hạn như lê, táo, chuối, cà rốt, đu đủ, bí đỏ…Chúng có thể giúp làm dịu đường tiêu hóa, đẩy nhanh quá trình di chuyển của thức ăn trong ruột.
- Sữa chua: Thực phẩm này giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ tiêu hóa, ngăn chặn sự tích tụ khí và chất lỏng trong dạ dày bằng cách bổ sung các lợi khuẩn probiotic. Mẹ có thể cho bé tập ăn sữa chua khi con được 7 – 8 tháng tuổi. Lúc mới đầu chỉ nên ăn vài thìa nhỏ, sau đó tăng dần số lượng lên đến 100g/ngày ở trẻ trên 2 tuổi. Trường hợp bé có vấn đề về dạ dày thì tránh ăn sữa chua lúc đói bụng, nên dùng sau khi ăn khoảng 30 phút đến 1 giờ là tốt nhất.
Khi trẻ bị đầy bụng, khó tiêu mẹ nên hạn chế cho bé ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ, thức ăn được tẩm ướp nhiều gia vị, đồ nướng, đồ cay, thức ăn nhanh, đồ uống chứa cafein, nước ngọt. Điều quan trọng là phải quan sát phản ứng của bé sau khi ăn bất kì thực phẩm nào. Nếu con bạn không có khả năng dung nạp với một loại thực phẩm thì tránh tiếp tục sử dụng trong thực đơn của bé.