Giá trị thực sự của tiền nằm ở đâu?

Được chuyển ngữ từ bài viết “The Real Value of Money” đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.

Một buổi chiều hè, nhóm sinh viên mới tốt nghiệp quyết định đến thăm nhà vị giáo sư yêu thích thời đại học. Họ vừa ra trường được tầm một năm. Mỗi người đều đã hăm hở “vào đời” (cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen) và đối mặt với tất cả những thất vọng cùng bối rối đi kèm.

Suốt buổi chiều, các sinh viên phàn nàn với thầy về cuộc sống khó khăn ra sao sau thời đi học. Họ than thở về thời gian làm việc dài, những vị sếp đòi hỏi, thị trường việc làm cạnh tranh, và dường như ai cũng chỉ quan tâm đến tiền.

Sau một lúc, vị giáo sư đứng dậy và pha ít cà phê. Ông lấy ra sáu cái ly, tương ứng mỗi trò một ly. Ba trong số đó là những chiếc ly rẻ tiền dùng một lần và ba chiếc còn lại được làm bằng loại sứ đẹp nhất. Rồi ông mời mọi người đứng dậy và tự lấy cà phê.

Chỉ trong vài giây, cuộc mặc cả đã bắt đầu. “Gượm đã, tại sao cậu lại có cái ly đó?” “Không, nhường tôi đi, tôi lái xe mà.” “Đừng hòng, tôi đến trước, thích thì tự đi mà lấy.” Các sinh viên cười đùa và trêu nhau xem ai sẽ uống bằng ly gì. Một cuộc cạnh tranh thầm lặng diễn ra giữa những người bạn.

Cuối cùng khi bọn trẻ đã an tọa, vị giáo sư mỉm cười và nói, “Các em thấy không? Đây chính là vấn đề của các em. Tất cả đang tranh cãi xem ai sẽ uống bằng ly đẹp, trong khi tất cả những gì các em thực sự muốn là cà phê.”

Giá trị thật sự của đồng tiền

Tiền bạc là một chủ đề nhạy cảm. Đó là bởi vì hầu hết chúng ta, ở một mức độ nhất định, liên kết rất nhiều giá trị bản thân và danh tính với công việc và số tiền kiếm được. Theo nghĩa đen, tiền là cách mà thị trường định giá kỹ năng và năng lực của con người. Do đó, cứ hễ nhắc đến tiền, chúng ta đều có chút bẳn tính và không thoải mái.

Nhưng tiền chỉ đơn thuần là một vật lưu trữ giá trị. Bản thân nó không phải là giá trị.

alt
Tiền chỉ đơn thuần là một vật lưu trữ giá trị. Bản thân nó không phải là giá trị. | Nguồn: Unsplash

Có rất nhiều thứ lưu trữ giá trị trong cuộc sống. Thời gian là một dạng giá trị. Kiến thức là một dạng giá trị. Hạnh phúc và những cảm xúc tích cực khác là một dạng giá trị. Tiền thường chỉ là phương tiện trao đổi các hình thức giá trị khác biệt này với nhau.

Tiền không phải là nguyên nhân của sự giàu có. Nó là hệ quả. Tương tự, khi mọi người cho rằng tiền là nguyên nhân gây ra các vấn đề của họ, họ thực sự đã nhầm. Tiền bạc thường là hệ quả đáng chú ý nhất trong các vấn đề của họ mà thôi.

Tiền có tính thanh khoản. Giá trị của nó chỉ hiện hữu khi được giao dịch. Do đó, tiền phản ánh giá trị và ý định của chủ sở hữu.

Hầu hết mọi người đều lầm tưởng việc giàu có là sở hữu nhiều thứ, đạt được danh tiếng hay địa vị. Tôi có thể vung tiền để ngồi bàn VIP trong quán bar và selfie với người nổi tiếng, nhưng điều đó không khiến tôi trở nên giàu có. Ngược lại, nó sẽ khiến tôi trông kệch cỡm.

Có một câu nói kinh điển từ tác phẩm Fight Club, rằng “Những thứ bạn sở hữu cuối cùng sẽ sở hữu bạn.” Nhìn chung, chủ nghĩa vật chất là một cái bẫy tâm lý. Cho dù bạn sở hữu, mua sắm, kiếm được nhiều đến thế nào, thì khao khát có nhiều hơn vẫn không bao giờ biến mất. Trong khi đó, bạn phải làm nhiều giờ hơn, chấp nhận rủi ro lớn hơn, bỏ qua những khía cạnh khác trong cuộc sống.

Tiền bạc vốn dĩ trung tính. Nó chỉ đơn thuần là phương tiện trao đổi trải nghiệm giữa hai người. Bạn kiếm tiền của mình bằng cách tạo ra trải nghiệm cho người khác. Sau đó, bạn đưa tiền của mình cho người khác để nhận lại trải nghiệm.

Ngay cả khi bạn mua một số món đồ cao cấp như ô tô thể thao hoặc vòng cổ kim cương, bạn không chỉ mua hàng hóa vật chất, mà còn là trải nghiệm khi lái xe hay đeo vòng. Bạn đang mua trải nghiệm về sức mạnh, tốc độ hoặc địa vị xã hội gắn liền với nó. Bạn mua vật trang trí đó theo nhận dạng của bạn, theo sự hiểu biết khi được sở hữu và sử dụng nó, cũng như liệu nó có làm bạn hài lòng hay không.

Có thể nói rằng, hầu hết giá trị của bất kỳ giao dịch mua bán nào đều không nằm ở tiền tệ.

Khi bạn mua thức ăn, theo một nghĩa nào đó, bạn đang mua bớt đi trải nghiệm đói bụng và mua thêm sức khỏe lẫn hạnh phúc tạm thời. Khi bạn mua chuyến du lịch với gia đình, bạn đang mua cơ hội cùng trải nghiệm những điều mới và củng cố mối quan hệ với nhau. Khi mua quần áo mới để đi làm, bạn không chỉ mua vải hay thương hiệu, mà đang mua các tín hiệu xã hội rằng bạn đầu tư vào bản thân, cho thấy bạn coi trọng bản thân và là người đáng tin cậy.

Vấn đề không nằm ở vật chất. Vật chất chỉ ở đó để đưa bạn đến một số hình thức trải nghiệm. Mọi thứ mà bạn chi tiền vào đơn giản là trải nghiệm.

Các chu kỳ trải nghiệm với tiền bạc

Bởi vì tiền là một hình thức giao dịch trải nghiệm nên sẽ thường dẫn đến các chu kỳ trải nghiệm sau: chúng ta đi qua một trải nghiệm (tiêu cực) để kiếm tiền và sau đó mua trải nghiệm (tích cực) bù lại. Khi hết tiền, ta sẽ buộc phải quay lại trải nghiệm tiêu cực và chu kỳ lặp lại.

alt
Chúng ta đi qua một trải nghiệm (tiêu cực) để kiếm tiền và sau đó mua trải nghiệm (tích cực) bù lại. | Nguồn: Unsplash

Chu kỳ căng thẳng: Một số người kiếm tiền thông qua rất nhiều căng thẳng. Họ làm một công việc áp lực cao hoặc ở trong chức vụ thường xuyên bị chỉ trích hay uy hiếp. Sau đó, họ chủ yếu tiêu tiền để giảm căng thẳng nhằm bù đắp cho sự khắc nghiệt mà công việc gây ra. Những người này kẹt trong một chu kỳ phát sinh và giảm thiểu căng thẳng liên tục, trong khi không thực sự tạo dựng được nhiều của cải.

Chu kỳ cái tôi: Một số người làm việc trong môi trường mà họ cảm thấy bất lực, tầm thường hoặc vô dụng. Những người này sau đó giải quyết nỗi bất an của họ bằng cách tiêu tiền vào những biểu tượng địa vị bề ngoài. Họ kiếm tiền nhờ sự bất an, và sau đó tiêu tiền vào việc dập tắt sự bất an ấy. Do đó họ không bao giờ thực sự tạo dựng được nhiều của cải.

Chu kỳ đau đớn: Một số người thực sự tự làm tổn thương mình để kiếm sống. Nó có thể là về mặt thể chất (đấu vật chuyên nghiệp, nuốt kiếm) hoặc có thể là về mặt tình cảm/tâm lý (mại dâm, công việc hạ thấp nhân phẩm, sếp hoặc đồng nghiệp lạm dụng). Những người này sau đó chi tiền của họ vào việc xoa dịu nỗi đau như rượu, chất kích thích và các trò tiêu khiển khác.

Sự giàu có thực sự chỉ đến khi cách chúng ta tiêu tiền không chỉ đơn giản bù đắp cho cách chúng ta kiếm được. Sự giàu có xảy ra khi cách chúng ta kiếm tiền và cách chúng ta tiêu tiền khớp với nhau – khi tiền được kiếm thông qua trải nghiệm tích cực và được chi tiêu cho những trải nghiệm tích cực khác.

Những người rơi vào các chu kỳ trên với tiền sẽ sớm trở thành nô lệ của đồng tiền. Họ bắt đầu coi tiền là mục đích duy nhất của cuộc đời mình. Nó trở thành toàn bộ động lực với họ.

Một khi điều này xảy ra, bạn không còn sở hữu tiền của mình nữa. Tiền của bạn sẽ sở hữu bạn. Nó không còn là tiền nữa, mà là chính bạn. Và tiền sẽ tiêu bạn chừng nào nó còn có thể, cho đến khi bạn qua đời hoặc chủ động ngăn nó lại.

Cách để rút ngắn những chu kỳ này, để thoát khỏi cuộc săn đuổi đồng tiền vô tận và để tạo ra sự giàu có đích thực, là ngừng sử dụng tiền làm thước đo cho sự thành công của mình.

Cũng như có nhiều định nghĩa về giá trị, thì cũng có nhiều định nghĩa về thành công. Tiền thường là một phương tiện để hướng tới thành công, nhưng bản thân nó hiếm khi là sự thành công.

Giá trị thực sự của tiền bạc xuất hiện khi chúng ta tận dụng nó như một công cụ để hướng tới thành công của mình, thay vì tự coi nó như sự thành công. Đó là khi chúng ta hướng tiền đến những trải nghiệm và giá trị quan trọng hơn đối với bản thân. Đó cũng là lúc chúng ta dùng tiền để xây dựng một doanh nghiệp đổi mới, khi tiền thúc đẩy sự sáng tạo hoặc truyền sức mạnh cho cộng đồng. Và cũng là khi nó hỗ trợ gia đình, hoặc chia sẻ tình cảm với bạn bè, hoặc tăng thêm sức khỏe và sự hài lòng cho cá nhân.

Giá trị thực của tiền chỉ bắt đầu khi chúng ta nhìn xa hơn nó và thấy mình tốt đẹp hơn, có giá trị hơn. Khi ấy tiền không còn là sự tích lũy hàng hóa mà là sự hình thành kinh nghiệm. Khi ấy tiền không phải cái ly mà là cà phê ở trong.

Rate this post

Viết một bình luận