Giữa các quốc gia khác nhau và giữa các tổ chức tài chính quốc tế với các quốc gia thành viên luôn diễn ra quan hệ kinh tế thông qua quá trình trao đổi hàng hoá, dịch vụ và luân chuyển nguồn vốn. Cùng với xu thế tự do hoá thương mại và toàn cầu hoá kinh tế, Tài chính quốc tế hình thành và phát triển. Theo học ngành học mới mẻ này người học có rất nhiều cơ hội để phát triển trong tương lai.
Ngành Tài chính quốc tế là gì?
Tài chính quốc tế là ngành học về hoạt động đầu tư quốc tế, tỷ giá hối đoái, các thể chế tài chính quốc tế.
Ngành học Tài chính quốc tế cung cấp bức tranh tổng quan về các mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia, giữa Nhà nước với các công dân nước ngoài, gắn liền với các dòng lưu chuyển hàng hóa và tiền vốn trên thế giới theo những nguyên tắc nhất định
Tài chính quốc tế học gì
Theo học ngành Tài chính quốc tế, người học được đào tạo để:
- Hiểu và áp dụng các kiến thức cơ sở của ngành kinh tế như: Kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô,… vào nghiên cứu các lý thuyết ngành Tài chính Ngân hàng.
- Được trang bị các kiến thức cơ sở ngành như: Nguyên lý kế toán, Marketing, Quản trị học, Kinh tế lượng, Giao dịch thương mại quốc tế,…
- Nắm vững những kiến thức chuyên sâu của ngành Tài chính Ngân hàng như tiền tệ – ngân hàng, lý thuyết tài chính, tài chính quốc tế, tài chính công, tài chính doanh nghiệp, quản trị rủi ro tài chính,…
- Hiểu sâu và có khả năng áp dụng các kiến thức chuyên ngành Tài chính Quốc tế như kinh doanh ngoại hối, tài trợ thương mại quốc tế,… và áp dụng vào thực tiễn công việc, hay phân tích nghiên cứu các hiện tượng trong “dòng chảy” của nền kinh tế trong nước cũng như thế giới.
Ngành Tài chính quốc tế ra làm gì
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính quốc tế có khả năng đảm nhận công việc chuyên môn như:
- Kế toán tại các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài;
- Quản trị tài chính tại các doanh nghiệp; quản trị tài chính tại các công ty đa quốc gia; quản trị tài chính tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; quản trị tài chính tại các công ty xuất nhập khẩu;
- Quản trị các công việc liên quan đến thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại tệ, đầu tư quốc tế, tài chính – tín dụng quốc tế tại các ngân hàng thương mại, các công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, công ty tài chính,…;
- Có khả năng làm các công tác đàm phán, ký kết, quản lý việc thực hiện các Hiệp định và hợp đồng kinh doanh quốc tế tại các Bộ, Ngành như Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ngân hàng nhà nước Việt Nam,…;
- Có khả năng làm việc tại các Ban quản lý các dự án có sử dụng vốn vay quốc tế, kể cả vay ưu đãi ODA của các Bộ, Ngành, địa phương; quản trị thực hiện các dự án có vốn đầu tư nước ngoài và có yếu tố nước ngoài;
- Có khả năng làm việc tại các Ban hợp tác quốc tế của các Bộ, Ngành, các Sở ngoại vụ các địa phương;
- Có khả năng làm việc tại các Cục thuế, Tổng cục thuế, Cục Hải quan, Tổng cục Hải quan, Cục Tài chính doanh nghiệp, các Sở Tài chính về các vấn đề liên quan đến hợp tác thuế quốc tế; quản lý tài chính, quản lý thuế với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và có yếu tố nước ngoài;
- Có thể đảm nhận các công việc liên quan đến quản lý nợ và tài chính đối ngoại tại các cơ quan trung ương như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Ngân hàng phát triển Việt Nam, các Bộ, ngành chủ quản, các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương;
- Có khả năng làm cán bộ quản lý tài chính tại các cơ quan đại diện của các nước và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài;
- Có khả năng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên môn tại các trường và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu.
Lương ngành Tài chính quốc tế
Thống kê từ Vietnamwork cho thấy, ngành Tài chính thuộc top 5 ngành có mức lương cao nhất tại Việt Nam.
- Sinh viên mới tốt nghiệp ngành tài chính quốc tế có mức lương khởi điểm từ 7 triệu đồng – 10 triệu đồng/tháng.
- Người có kinh nghiệm từ 3 năm trở lên mức lương khoảng 12-15 triệu đồng/tháng
- Trưởng nhóm/giám sát có mức lương 15 triệu đồng trở lên
- Quản lý/trưởng phòng trên 25 triệu đồng.
Ngành Tài chính quốc tế thi khối nào?
Tuyển ngành Tài chính quốc tế hiện các trường đại học có rất nhiều phương thức xét tuyển.
Nếu xét theo tổ hợp môn điểm thi tốt nghiệp hay điểm tổ hợp môn học bạ, các khối xét bao gồm:
- Khối A00 (Toán, Vật lí, Hóa học)
- Khối A01 (Toán, Vật lí, Tiếng Anh)
- Khối C01 (Văn, Toán, Vật lí)
- Khối D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh)
- Khối D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh)
Ngành Tài chính quốc tế học trường nào? Điểm chuẩn ngành Tài chính quốc tế
Tài chính Quốc tế là chuyên ngành hẹp của nhóm ngành Tài chính ngân hàng. Muốn phát triển sự nghiệp trong mảng Tài chính quốc tế, người học có thể chọn ngành Tài chính-ngân hàng ở các trường có đào tạo ngành này (Xem thêm Ngành tài chính ngân hàng), sau đó học chuyên sâu về tài chính quốc tế.
Hoặc có thể đăng ký học từ đầu ngành Tài chính quốc tế, là ngành mới mở ở một số trường sau:
- Trường ĐH Ngoại thương: 28,25 CS Hà Nội; 28,85 CS TPHCM (năm 2021-chuyên ngành-Ngành Tài chính ngân hàng)
- Trường ĐH Kinh tế TPHCM: 26,8 (năm 2021)
- Trường ĐH Kinh tế tài chính TPHCM: 20 (Năm 2021)
- Trường ĐH Công nghệ TPHCM:(ngành mới mở)