Tôi không hiểu sao ngày Tết cứ phải bày vẽ mâm cỗ ‘bốn bát, sáu đĩa’ dù toàn món khó ăn, để thừa lay lắt ngày này qua ngày khác.
Đây là năm thứ hai tôi về làm dâu Hà Nội. Nhà chồng tôi là dân gốc thủ đô nên mọi phong tục, nề nếp sinh hoạt đều chuẩn mực theo kiểu người đất kinh kỳ xưa. Tết năm ngoái, lần đầu tiên tôi được trải nghiệm nấu cỗ truyền thống theo kiểu miền Bắc. Tôi vốn sinh ra ở miền Trung, gia đình theo phong cách hiện đại, không quá cầu kỳ lễ nghi nên ngày Tết cũng chỉ ăn uống thanh đạm như mọi ngày, thắp hương cũng chỉ tượng trưng, ăn gì cúng nấy, chứ không bày vẽ mâm cao cỗ đầy.
Trong khi đó, nhà chồng tôi bắt đầu chuẩn bị nấu cỗ Tết từ 23 tháng Chạp (ngày ông Công, ông Táo). Khởi đầu hành trình nấu nướng quần quật, tôi phải dậy từ 5h30 sáng, cùng mẹ đi ra chợ gần nhà mua đồ về nấu. Nói là đi chợ nhưng thực tế chẳng khác nào đi siêu thị ngoài trời. Chúng tôi mua gần như hết cả chợ, từ gà, lợn, giò đến măng, miến, rau, củ, quả… Đến khi hai mẹ con tôi không còn tay để xách đồ nữa, chúng tôi mới khệ nệ “tha” đống đồ ăn đủ cho hai chục người (trong khi gia đình tôi chỉ có năm người) về nhà.
Về đến nhà là 7h sáng, tôi bắt tay vào cuộc đoạn chế biến thực và nấu ăn. Vì thuần truyền thống nên mâm cỗ cúng của gia đình chồng phải đủ “bốn bát, sáu đĩa”. Bốn bát gồm: măng, bóng, miến, mọc; sáu đĩa gồm: gà luộc, giò lụa, nem, dưa hành, bánh chưng, dứa xào lòng gà. Ngoài ra, mâm cỗ cũng không thể thiếu món xôi gấc. Vậy là tôi hết băm chặt lại thôi nấu, cứ quần quật như vậy tới tận trưa mới xong.
Chưa dừng lại ở đó, không chỉ chú trọng đến chất lượng, cỗ Tết ở đây còn đặt nặng cả vấn đề hình thức. Ví dụ như, bóng phải thái hình thoi; su hào hình chữ nhật; cà rốt hình hoa; đĩa thịt gà chặt phải xếp tròn đĩa, phần da vàng ở trên phải đều tăm tắp; canh măng hay miến cũng phải bày biện sao cho thật đẹp mắt…
>> Mẹ tôi mấy chục năm nấu cỗ Tết
Nấu nướng công phu và tỉ mẩn là vậy, nhưng thực tế sau khi thắp hương xong, nhà tôi lại chỉ ăn rất hời hợt. Một phần vì mấy món ngày Tết khá nhiều đạm, dầu mỡ nên ai cũng ngán, không ăn được nhiều, phần vì đồ ăn quá nhiều, ăn không hết lại cất tủ lạnh đến bữa sau ăn lại. Thành ra, thức ăn cứ hâm đi hâm lại, đã ngán lại càng chán hơn.
Năm nay, biết trước tình trạng này sẽ lặp lại, tôi ngỏ ý với bố mẹ chồng về việc thay đổi truyền thống, nấu cỗ Tết đơn giản, gọn nhẹ, hiện đại, ăn gì cùng nấy, nhưng lập tức bị phản đối. Bố mẹ nói: “Tết là dịp trọng đại, phải đầy đủ lễ nghi truyền thống, không thể xuề xòa được”. Tất nhiên, tôi không thể cãi ý cha mẹ chồng, nhưng trong tâm tôi thực sự thấy khó hiểu. Tại sao người ta cứ phải tự làm khổ mình bởi những thứ lễ nghi hình thức.
Với tôi, thờ cúng tổ tiên đến từ cái tâm và lòng thành của mình, đâu nhất thiết cứ phải mâm cao cỗ đầy mới là thành kính? Ông bà, tổ tiên liệu có vui khi thấy con cháu mình quần quật từ sáng sớm để làm một mâm cỗ mà ăn mấy ngày không hết? Đó là còn chưa kể đến sự lãng phí và gây hại cho sức khỏe. Liệu suy nghĩ đó của tôi có phải là căng, phá hỏng truyền thống hay không?
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.