Thở : không phải ai cũng biết cách thở để gặp Chúa. [Lưu Trữ] – Giới Trẻ Công Giáo

View Full Version : Thở : không phải ai cũng biết cách thở để gặp Chúa.

Thở : không phải ai cũng biết cách thở để gặp Chúa. Thở thì ai cũng phải thở, ăn thì có thể nhịn chứ còn nhịn thở thì chắc ra ma lâu rồi. Mà thở thì có nhiều kiểu, nào là : thở nhanh, thở chậm, thở đều, thở đứt quãng, thở hồng hộc… còn thở để gặp Chúa chắc còn hơi lạ với nhiều người. Đọc Kinh Thánh chỉ thấy chép Chúa cười, Chúa giận, Chúa buồn… và Chúa tắt thở, chớ hông thấy nói Chúa đang thở chi hết, tại thở là việc bình thường của sự sống mà. Nhưng xét kỹ mới thấy nhịp thở của Chúa và của các Tông Đồ qua từng hoàn cảnh, có lúc này lúc khác, lúc êm xuôi, lúc thở hắt, lúc ngắt quãng, lúc dồn dập… Vậy ngày nay thở cách nào để gặp Chúa dễ dàng đây ? Xin thưa rằng đó là : thở bụng. Nghe qua có hơi lạ tí, nhưng ai đam mê kiếm hiệp hay hâm mộ Kim Dung sư phụ chắc biết đến câu : “khí tụ đan điền” cũng là nghĩa thở bụng ấy. Trang tử nói : “Chân nhân chi tức dĩ chủng, thường nhân chi tức dĩ hầu”. Ý nói bậc chân nhân thở sâu đến tận gốc trong khi người bình thường hơi thở cạn chỉ đến yết hầu. Điều này có thể thấy khi quan sát một người bình thường khi ngủ thì sẽ phập phồng nơi phổi, trái lại nơi người luyện tập thở bụng đúng cách và lâu năm lại phập phồng nơi bụng. Và bụng chính là đan điền đó, một cái bể chứa khí mà ai cũng có. Đọc tới đây bạn sẽ hỏi tôi : xem ra thở bụng và gặp Chúa có chi liên quan đâu ? Vậy mà có liên quan à nha, trước tiên tôi xin chỉ bạn cách thở này bằng một bài vè dạy thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, tập thở trứơc đã rồi bàn gặp Chúa sau bạn nhé : “Thót bụng thở ra Phình bụng thở vào Hai vai bất động Chân tay thả lỏng Êm chậm sâu đều Tập trung theo dõi Luồng ra luồng vao Bình thường qua mũi Khi gấp qua mồm Đứng ngồi hay nằm Ở đâu cũng được Lúc nào cũng được !” Ban đầu thử sức bạn sẽ thấy nó hơi khó một tí do ngược với thói quen thở thông thường, hơi tức một chút ở vùng chấn thuỷ. Lý do là vì gượng ép và cơ hoành ngay vị trí đó chưa quen để điều chỉnh theo cách thở bụng. Yếu quyết ở chỗ này là “thuận nước đẩy thuyền” nghĩa là nương theo hơi thở, không cố ép theo ý mình. Vì cố ép là bảo đảm sẽ : trớt quớt ! (còn tiếp) note : lâu lâu Tư mã Dê cũng phải câu view, và kiểm chứng lại vài điều trứơc khi đăng tải nên chẻ bài viết thành 3-4 phần, mong bà con từ từ đọc và kiểm chứng phụ cho một tay ^^.

Thí chủ Jade ơi đây là kiểu khí công của phái Nga Mi đó (nghiêm túc, không phải nói chuyện phim kiếm hiệp), thích hợp cho nữ giới hơn, hehe. Lưu ý là hai câu cuối cần hiểu theo lối tích cực. Lưu ý nữa, khi tập theo cách thở này, dần dà con người sẽ trở nên điềm tĩnh hơn, vì người có hơi thở sâu, không thể tức giận nhứt thời nộ khí xung thiên được, cũng không dễ lúng túng trong lúc nguy nàn vì kiểm soát được hơi thở… Kéo theo đó tính tình sẽ ôn nhu dịu dàng, phong độ thư thái hiên ngang. Nói chung, ai chưa từng tập khí công thì nên bắt đầu với bài thở này, rất dễ tập. Bổ sung thêm là khi hít vào, hít thật từ từ, (tốt nhất là đếm từ 1 tới 7), sau đó để “khí” ở trong bụng dưới rốn 3 cm, lại thở ra (cũng đếm tới 7), ngưng vài giây rồi mới hít vào tiếp. tập từ từ sẽ thành phản xạ thở tự nhiên, không phải điều khiển bằng ý thức nữa. Hê, cầm đèn chạy trước ô tô thế nầy không biết Jade thí chủ có vác dép rượt chọi không nữa, hê hê, kệ, mình dân miền Tây gan cùng mình mờ sợ gì, hehe. Quên, cái huyệt Đan Điền (hay còn gọi là Khí Hải) chính là cái chỗ dưới rốn 3 phân, sâu bên trong cơ thể chứ không phải ngoài da. Khi thót bụng hít vào, phải thả lỏng tự nhiên, tuyệt đối không được gồng bụng nén khí, lâu ngày dễ bị hoa mắt chóng mặt ngất xỉu. Có nhiều bài khí công khác nén khí lúc hít vào nhưng không phải bài này. Hehe thiện sĩ Ben yên tâm, tại hạ không mang dép nên không vác dép đâu, lúc này chơi kiểu Nhựt nên xài guốc không à :haha Thiện sĩ nói đúng, hông có sai chỗ nào hết á. Tại hạ mấy nay lười viết nên chưa viết tiếp cho xong. Chịu nhứt là thiện sĩ nói được chỗ “nộ khí”, tại hạ muốn viết bài này để : nhiếp tâm, sau liên hệ đến câu Kinh Thánh : “hãy mau nghe, chớ vội nói và khoan giận” Một phần chưa chịu viết tiếp chắc là lẽ là do : hơi tham. Muốn viết một bài mà lướt từ : thở chánh niệm của Kinh An Ban Thủ Ý sang Tĩnh Tâm theo Thánh I-Nhã, lại điểm ngay huyệt đan điền là chỗ “Linh Đài Phương Thốn” để luyện “Xích Tử Chi Tâm” của Đạo Lão. Cuối cùng quay lại “Tà Nguyệt Tam Tinh Động” mà gặp một Thiên Chúa đang “thị hiện” nơi vạn vật. Mấy từ linh tinh này chắc thiện sĩ hiểu rồi nên chả bàn dài dòng chi. Nhưng nói chung tại hạ khoái bài thở này vì có một số lợi điểm cho sức khoẻ đó là : dễ giúp cho mấy em “ngũ cốc luân hồi” ^^, xua tan mệt mỏi và ưu phiền nên dễ ngủ, khí huyết lưu thông tốt nên da dẻ cũng nhuận sáng, tinh thần thoải mái : “Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên” hen thiện sĩ.

Jade này là hay đá xoáy lắm đấy Ben ơi. hehe Dù sao thì cũng cám ơn Ben nói kỹ hơn về cách tập thở, nhiều người không biết cách hít thở nên người yếu, mệt mỏi lắm. Có ai thử để ý xem, hít mà cái bụng hóp vào lép xẹp àh ^^. Hy vọng là có bài tập Hít Thở đúng cách cho anh em tập luyện nhỉ. 😀 P/s : Đề nghị chú Jade viết tiếp đi nghen chứ đừng có quoanh co giải thích mà có mùi thum thủm nghen, tại vì nhìn thấy rùi mà không dám la to thui hehehe.

Jade

Tuy bước đầu khó khăn là vậy, nhưng với sự kiên trì tập theo cách thở này tôi bảo đảm là bạn sẽ bị “ghiền”. Cái ích lợi đầu tiên của nó dễ thấy nhất là mỗi khi hồi hộp, mệt mỏi mà thở theo cách này vài mươi hơi sẽ thấy khoan khoái và dễ chịu hơn. Bởi vì ai cũng biết hơi thở thì đi đôi với tâm trạng của con người. Chẳng khi nào thấy ai đó giận dữ với “nộ khí xung thiên” mà hơi thở điểm tĩnh, điều hoà bao giờ. Hay lúc ưu phiền, thất vọng, chán nản lại có hơi thở nhẹ nhàng, thoải mái mà là thở dài, thở đứt quãng. Thật hữu lý khi linh mục Thành Tâm viết trong bài “Trên Đường Emmau” thế này : “hai người lữ khách bước đi bên nhau. Mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài” cho lời Kinh Thánh : “Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu” (Lc 24, 17). “Nhọc nhẳn lê gót” vì mộng vàng đã tan, thất vọng, chán nản nên mệt mỏi thôi, chẳng phải thở hắt, thở nặng nề đó sao ?

Các bộ phận trong cơ thể chúng ta đều làm việc một cách độc lập : tim, gan, thận, bao tử… nhưng chỉ có hô hấp ở phổi thì vừa có tính độc lập, vừa điều khiển được bằng ý thức. Do đó tâm thức đang trong tình trạng nào thì sẽ ảnh hưởng đến hơi thở thế ấy và rồi sẽ lan truyền đến các cơ quan khác như thế. Ví dụ bạn chuẩn bị dự một cuộc phỏng vấn quan trọng, bạn thấy hồi hộp thì dứt khoát hơi thở sẽ mấp máy không đều, kế đến là tim đập nhanh hơn, mặt sẽ cảm thấy nóng lên, cơ thể bứt rứt, toát mồ hôi. Nhưng nếu kiểm soát được hơi thở thì các hiện tượng này sẽ chấm dứt, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn, sáng suốt hơn. Hay như khi con người có một ý nghĩ xấu, một ý đồ bất chính thì những hiện tượng trên là điều không thể tránh khỏi. Vì mối dây liên hệ mật thiết giữa hơi thở và tâm thức đó mà ta thấy : kiểm soát hơi thở được thì kiểm soát được tâm thức. Chăn hơi thở chẳng khác nào chăn dắt cái tâm thức của mình. Hơi thở nó còn cái độc lập mà, nên mỗi lần quên là nó lại bay nhảy lại lung tung và loạn xạ, chả khác nào tâm thức và ý nghĩ mà người xưa ví là “tâm viên – ý mã”.

Tam độc : tham lam, sân hận, si mê; cái nào con người cũng có thể kiểm soát được với một tâm thức bình tĩnh, can đảm và sáng suốt. Nên đó là điều Emmet Fox muốn nói đến chăng : “Cách tốt nhất để chuẩn bị cho ngày mai là làm cho tâm thức của bạn ngày hôm nay được hài hoà và trầm lặng. Và rồi mọi sự lành sẽ theo sau đó” ? Ba thứ độc đó thì “sân hận” là ta cảm thấy rõ rệt nhất trong hơi thở của mình, mặt bừng bừng nóng, tâm thức như núi lửa trào phun nên cơn giận được ví như lửa đỏ, “sân hận” là “sân hoả” quả không sai :

“Ngụt ngụt ngùn ngùn lửa bốc lên
Bừng bừng cuồn cuộn khắp trăm miền”
Vậy đó phải kiểm soát tâm thức sao cho nó “hài hoà và trầm lặng” thôi, nếu không thì chưa kể đến mặt tâm linh thì cơ thể cũng đã nguy tai rồi, nói chi là “mọi sự lành sẽ theo sau đó” nữa ! Không phải sao khi giận thì cơn cao huyết áp nó dễ đến, não bộ dễ mất kiểm soát việc hô hấp do có luồng thần kinh cảm xúc tác động nên ta gần như ngộp thở, thở hổn hển… mệt đến chết được ! “Giận quá mất khôn” nên hẳn sẽ đi trái với đường lối của Thiên Chúa, đi trái đường thì làm sao mà gặp được Chúa đây ? Cho nên Thánh Tông Đồ nhắc nhở ta luôn nhớ khoan giận đó : “Anh em thân mến của tôi, anh em nên biết rằng : mỗi người phải mau nghe, chớ vội nói và khoan giận, vì khi nóng giận con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa” (Gc 1, 19-20).

Lời đó không hồ đồ đâu, chớ có ai nghĩ rằng : ta rất sáng suốt, ta giận nhưng ta sẽ luôn nhớ đên đường lối của Thiên Chúa, do vậy lời đó thừa với ta. Bời vì đầu óc ta khi phải bận suy nghĩ về điều này thì không thể cùng lúc nghĩ về điều khác. Hai cánh tay nếu ta cố tình điều khiển thì sẽ không bao giờ cùng lúc vẽ được một hình vuông và hình tròn, nó chỉ thực hiện được khi đã luyện tập đưa nó thành một thói quen trong vô thức mà thôi. Đầu óc càng bao nhảy rối rắm bao nhiêu thì cảnh giới vô thức càng khó đạt được, phải chăng vì vậy mà những nhân vật thông minh tuyệt đỉnh, có đầu óc nhanh nhạy như Hoàng Dung, Dương Quá lại không thể lĩnh hội và thuần thụ “Song Thủ Hỗ Bác” của Chu Bá Thông chăng ? Cho nên ta mới kết hợp lại : muốn kiểm soát cơn giận thì hãy để tâm trí vào một điều khác, tận dụng ngay cái bản thân luôn có là hơi thở và quan sát nó ngay lập tức để kiểm soát cơn giận đang ập đến. Vừa thở và quan sát từng hơi ra, hơi vào, mạnh, nhẹ, ngắn dài ra sao ta sẽ chóng quên cơn giận dữ, nhờ đó mà tâm trí tĩnh lặng và an nhàn. Nhưng đến đây ta chỉ mới gọi là “bước đến cửa” thôi, chớ chưa gặp được Chúa đâu !

(còn tiếp)

Rate this post

Viết một bình luận