Con gái tôi 3,5 tuổi, nặng gần 15 kg, thường mệt mỏi, lờ đờ, biếng ăn. Tôi nên cho bé ăn gì? Có cần đi khám dinh dưỡng không? (Kim Phụng, Biên Hoà).
Trả lời:
Biếng ăn kéo dài có thể làm cơ thể trẻ bị thiếu chất, suy nhược, từ đó ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục và sự phát triển của cơ thể. Trẻ biếng ăn thường ở trong trạng thái mệt mỏi, suy nhược, khẩu vị kém. Ngược lại, mệt mỏi, suy nhược cũng khiến trẻ lười ăn, tạo thành vòng luẩn quẩn ảnh hưởng đến sức khoẻ, sự tăng trưởng.
Việc chú trọng đến chế độ dinh dưỡng là cách khắc phục trẻ biếng ăn, suy nhược tốt nhất. Khi xây dựng chế độ dinh dưỡng trẻ thuộc nhóm này phụ huynh nên chọn lọc những thực phẩm ưu tiên, chế biến đa dạng, hợp khẩu vị, cân bằng dinh dưỡng. Cụ thể, danh sách các món ăn cho trẻ bị biếng ăn nên ưu tiên: thực phẩm giàu đạm, canxi và vitamin D (hải sản, trứng, thịt bò, sữa, phô mai, đậu hũ,…); thực phẩm giàu kẽm (hải sản, củ cải, ngũ cốc, đậu,…); thực phẩm giàu vitamin E (dầu vừng, dầu lạc, hạnh nhân,…); thực phẩm giàu sắt (bông cải xanh, hạt điều, hạt mè, gan động vật, đỗ xanh, thăn bò, táo, hạt mè, củ dền đỏ,…)
Để tăng cảm giác ngon miệng, kích thích sự thèm ăn của trẻ, phụ huynh cũng nên đổi cách chế biến món ăn bắt mắt với nhiều màu sắc. Ngoài cách trang trí, những thức ăn ở dạng lỏng như cháo, súp, thức ăn băm nhỏ,… cũng giúp bé tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng dễ dàng hơn. Đối với bé biếng ăn, bố mẹ cần đặc biệt kiên nhẫn để trẻ thích nghi với khẩu phần ăn, tránh ép buộc, chửi mắng…
Trẻ bị biếng ăn mệt mỏi có thể do tâm sinh lý, bệnh lý hoặc do thói quen, chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp. Theo đó, nguyên nhân tâm sinh lý bao gồm: trẻ bị ép ăn, doạ nạt, gây áp lực lâu ngày dẫn đến sợ ăn, trẻ đang ở tuổi mọc răng, tập nói, tập đi… Nguyên nhân bệnh lý bao gồm: cơ thể bé bị thiếu vi các chất dinh dưỡng quan trọng như sắt, kẽm, lysine, đạm…; hoặc mắc các bệnh lý nhiễm trùng như viêm mũi họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng đường ruột, rối loạn tiêu hoá…
Biếng ăn do thói quen chưa phù hợp bao gồm: lựa chọn thực phẩm, chế biến món ăn chưa hấp dẫn, chưa phù hợp với độ tuổi. Ngoài ra, biếng ăn còn do trẻ ăn không đúng giờ giấc; vừa ăn vừa xem tivi, chơi game; số lượng bữa ăn chưa hợp lý, ăn quá ít hoặc quá nhiều.
Việc chẩn đoán chứng biếng ăn ở trẻ chủ yếu dựa trên triệu chứng bệnh kết hợp cùng một số xét nghiệm khác như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, nước tiểu,… Sau khi xác định chính xác nguyên nhân gây biếng ăn, bác sĩ có thể đưa ra giải pháp điều trị phù hợp, từ đó cải thiện tình trạng bệnh, tăng cảm giác thèm ăn.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Thu Hương
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome