NẤM BẸN – TẠI SAO BÔI THUỐC HOÀI KHÔNG HẾT?

1. Nấm bẹn là gì?

Nấm bẹn (tinea cruris) là từ được sử dụng để mô tả tổn thương do nhiễm nấm da (dermatophyte) ở vùng bẹn, mông. Bệnh thường xuất hiện ở những người đàn ông trưởng thành thường xuyên làm việc trong môi trường nóng- ẩm, hoặc chảy nhiều mồ hôi. Ngoài vùng bẹn, nấm da còn có thể gây bệnh ở thân mình (nấm da thân), ở chân (nấm da chân)… Ở Việt Nam, nhiễm nấm da còn có tên gọi khác là “lác”. Do nằm trong khu vực cận nhiệt đới, nóng ẩm nên tỉ lệ người bị nhiễm nấm bẹn ở nước ta rất là cao.

0_igno

Hình 1: hình ảnh nấm bẹn (nguồn: dermnetNZ.org)

2. Biểu hiện lâm sàng

Nấm bẹn là một bệnh lý phổ biến được đặc trưng bởi sự xuất hiện của một mảng hồng ban có bờ uốn lượn, có nhiều mụn nước nhỏ ở bờ của tổn thương, bề mặt mảng tổn thương xuất hiện vảy. Mảng hồng ban thường tiến triển ly tâm (lan rộng ra theo hình tròn) để lại vùng da lành ở trung tâm tổn thương. Phân bố ở vùng bẹn, mông. Bệnh nhân thường có triệu chứng ngứa với nhiều mưc độ khác nhau. (xem hình 1,2).

0_igno_1

Hình 2: hình ảnh nấm bẹn (nguồn: dermnetNZ.org)

3. Tại sao bôi thuốc hoài không hết

Bệnh do nhiễm nấm da mà thành nên để điều trị nấm bẹn bạn phải được sử dụng thuốc kháng nấm dạng bôi hoặc dạng uống theo chỉ định của bác sĩ da liễu với liệu trình điều trị từ 1-4 tuần.

Tuy nhiên, do thói quen và có thể là do ngại đi khám, bệnh nhân thường đến nhà thuốc tự mua thuốc về bôi. Dược sĩ nhà thuốc sau khi nghe bệnh nhân than ngứa sẽ bán cho họ một tube kem chứa corticoid (ví dụ: kem bảy màu). Thời gian đầu, mảng hồng ban có vẻ nhạt dần, bớt ngứa do tác dụng kháng viêm của corticoid bôi, tuy nhiên sau khi ngưng bôi thuốc, bệnh lại bùng phát nặng hơn và bệnh nhân tiếp tục mua lại tube kem đó về bôi tiếp. Một vòng lặp luẩn quẩn diễn ra khiến bệnh nhân bôi thuốc hàng tháng, thậm chí hàng năm trời mà vẫn không đỡ, trong khi đó sang thương thì lại ngày càng lan rộng.

Nguyên nhân là do corticoid sẽ làm ức chế miễn dịch tại chỗ, làm giảm khả năng tự bảo vệ của da từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi nấm tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, do sử dụng corticoid lâu dài một cách không được kiểm soát nên bệnh nhân phải gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề như teo da, rạn da, giãn mạch (hình 3). Và bạn nên biết rằng rạn da vùng bẹn một khi xuất hiện nó sẽ tồn tại vĩnh viễn gây mất thẩm mỹ lâu dài.

0_igno_2

Hình 3. Vết rạn da do làm dụng thuốc bôi chứa corticoid

4. Làm thế nào để dự phòng tái nhiễm nấm bẹn?

Để giảm thiểu nguy cơ bị lây nhiễm, hoặc tái phát nấm bẹn bạn nên:

  • Giữ vùng bẹn khô thoáng: nên lau khô vùng bẹn sau khi tắm hoặc tập thể dục để giữ cho vùng này được khô thoáng. Nếu cơ thể tiết quá nhiều mồ hôi, có thể sử dụng bột để giảm độ ẩm vùng bẹn.

  • Mặc đồ sạch: bạn nên thay quần lót ít nhất một lần mỗi ngày và có thể thay nhiều hơn nếu cơ thể tiết quá nhiều mồ hôi. Nên giặt đồ thể thao sau khi đã sử dụng.

  • Lựa chọn đồ lót vừa mặc: không nên chọn đồ lót quá chật, vì ma sát sẽ làm da vùng bẹn tổn thương, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi nấm.

  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân: không nên cho người khác mượn áo quần, khăn tắm và các đồ dùng cá nhân khác của mình, cũng như tránh đi mượn đồ dùng cá nhân của người khác.

Lời khuyên: bạn nên trực tiếp đến khám và gặp bác sĩ da liễu khi có các vấn đề về da để được tư vấn và điều trị triệt để cũng như tránh “tiền mất tật mang”.

—————————————————————
Để biết thêm thông tin chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: (028) 6260 1100
Hotline: 0974 508 479
—————————————————————
Tư vấn online tại 
Website: 
http://bvtamtrisaigon.com.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/benhviendakhoatamtrisaigon/
Khám và tư vấn tại bệnh viện:
171/3 Trường Chinh, P. Tân Thới Nhất, Quận 12, TP. HCM

                                                                                    BS. Phạm Tăng Tùng


Rate this post

Viết một bình luận