Khái niệm di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh
Pháp lệnh di tích lịch sử năm 1984 lần đầu tiên đưa ra khái niệm về di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh. Theo đó, di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh được hiểu như sau:
– Di tích lịch sử, văn hoá là những công trình xây dựng, địa điểm, đồ vật, tài liệu và tác phẩm có giá trị lịch sử, khoa học nghệ thuật, giá trị văn hoá hoặc có liên quan đến những sự kiện lịch sử, quá trình phát triển văn hoá, xã hội;
– Danh lam thắng cảnh là những khu vực thiên nhiên có cảnh đẹp hoặc có công trình xây dựng cổ đẹp nổi tiếng.
Như vậy, pháp luật quan niệm di tích lịch sử là những di tích có giá trị về mặt lịch sử, văn hoá, khoa học, nghệ thuật và liên quan đến quá trình phát triển văn hoá, xã hội của đất nước. Còn danh lam thắng cảnh là những khu vực có cảnh đẹp được mọi người biết đến và được thừa nhận rộng rãi.
Tiếp đó, khái niệm di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh được Luật di sản văn hoá năm 2002 tiếp cận dưới khía cạnh là một thành tố của phạm trù di sản văn hoá và được hiểu như sau:
– Di tích lịch sử, văn hoá là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học;
– Danh lam thắng cảnh là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học (Điều 4).
So sánh với khái niệm về di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh được đề cập trong Pháp lệnh di tích lịch sử năm 1984 thì khái niệm di tích lịch sử, văn hoá được xác định trong Luật di sản văn hoá mang tính bao quát, đầy đủ hơn.
Điều này được thể hiện ở những khía cạnh sau:
Thứ nhất, khái niệm di tích lịch sử, văn hoá được quy định khái quát và đầy đủ hơn trong Luật di sản văn hoá. Di tích lịch sử, văn hoá không chỉ là những công trình xây dựng, địa điểm mà còn bao gồm các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia của công trình, địa điểm đó.
Thứ hai, khái niệm danh lam thắng cảnh được Luật di sản văn hoá xác định trên hai phương diện: “định tính” (có giá trị về mặt thẩm mỹ) và “định lượng” (có giá trị lịch sử, khoa học). Như vậy, lần đầu tiên Luật di sản văn hoá tiếp cận khái niệm danh lam thắng cảnh trong mối quan hệ hài hoà giữa cảnh quan thiên nhiên và công trình kiến trúc – sản phẩm sáng tạo của con người.
Thứ ba, Luật di sản văn hoá đưa ra những tiêu chí cụ thể nhằm xác định, “nhận dạng” di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh. Điều này tạo thuận lợi và dễ dàng hơn cho các cơ quan chức năng trong việc xác định và xếp hạng các di tích. Cụ thể:
Di tích lịch sử, văn hoá phải có một trong các tiêu chí sau đây:
– Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử tiêu biểu trong quá trình dựng nước và giữ nước;
– Công trình xây dựng, địa điểm gắn với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân của đất nước;
– Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử tiêu biểu của các thời kỳ cách mạng, kháng chiến;
– Địa điểm có giá trị tiêu biểu về khảo cổ;
– Quần thể các công trình kiến trúc hoặc công trình kiến trúc đơn lẻ có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật của một hoặc nhiều giai đoạn lịch sử.
Danh lam thắng cảnh phải có một trong các tiêu chí sau đây:
– Cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị thẩm mỹ tiêu biểu:
– Khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lí, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù hoặc khu vực thiên nhiên chứa đựng những dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của trái đất (Điều 28).
Tóm lại, khái niệm di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh được Luật di sản văn hoá đề cập phù hợp với các quy định về di sản văn hoá của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) và phù hợp với đòi hỏi của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ di sản văn hoá trong thời kì “công nghiệp hoá, hiện đại hoá” đất nước hiện nay.
Khái niệm đất có di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh
Trên thực tế, các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh luôn có mối quan hệ chặt chẽ với đất đai, nơi trên đó có di tích và vùng đất bao quanh, bảo vệ.
Chính từ cách tiếp cận này mà Pháp lệnh di tích lịch sử năm 1984 đã đưa ra quy định về vùng đất bao quanh, bảo vệ di tích. Theo đó: Mỗi di tích lịch sử, văn hoá là bất động sản và danh lam thắng cảnh có từ một đến ba khu vực bảo vệ:
– Khu vực I là khu vực phải được bảo vệ nguyên trạng,
– Khu vực II là khu vực bao quanh khu vực I được phép xây dựng những công trình nhằm mục đích tôn tạo di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh;
– Khu vực III là khung cảnh quan thiên nhiên của di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh.
Như vậy, Pháp lệnh di tích lịch sử năm 1984 quy định việc khoanh ba vùng bảo vệ di tích trên đây dựa trên những nguyên tắc khoa học của bảo tồn, bảo tàng nhằm bảo vệ và phát huy tốt hơn các giá trị của di tích.
Tuy nhiên, Pháp lệnh này lại chưa đề cập quan niệm đất di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh. Điều này làm giảm hiệu quả của công tác bảo vệ các di tích.
Chỉ đến khi Luật đất đai năm 1987 được ban hành, lần đầu tiên khái niệm đất di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh mới được đề cập: “Đất di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh là đất có di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh theo quy định của pháp luật” (Điều 42).
Như vậy, Luật đất đai năm 1987 quan niệm đất di tích dựa trên tiêu chí là đất mà trên đó có các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh đã được Nhà nước công nhận và xếp hạng. Không chỉ dừng lại ở việc đưa ra khái niệm về đất di tích, Luật đất đai năm 1987 còn quy định chế độ quản lí và sử dụng loại đất này.
Điều đó có nghĩa, đối với việc sử dụng các loại đất khác, khi người sử dụng đất muốn chuyển mục đích sử dụng đất họ chỉ cần có sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất hoặc cho thuê đất đó.
Còn đối với đất có di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh thì pháp luật lại quy định thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất chặt chẽ hơn.
Trong trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép chuyển đất có di tích lịch sử, văn hoá sang sử dụng vào mục đích khác nhưng người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá không đồng ý thì chủ công trình phải kiến nghị lên Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) là cơ quan hành pháp cao nhất để quyết định.
Mặc dù vậy, do ra đời trong giai đoạn chuyển đổi cơ chế quản lí khi cơ chế quản lí kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp chưa bị xóa bỏ hoàn toàn và cơ chế thị trường đang từng bước được xác lập nên một số quy định của Luật đất đai năm 1987 đã bị lạc hậu so với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế – xã hội đất nước.
Vì vậy, Luật đất đai năm 1993 đã được ban hành | thay thế cho Luật đất đai năm 1987 và có những quy định phù hợp hơn với đòi hỏi của thực tiễn quản lý, sử dụng đất đai nói chung và đất di tích nói riêng trong nền kinh tế thị trường.
Theo đó, đất di tích được quan niệm như sau: “Đất có di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng phải được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật”.
So sánh với khái niệm đất di tích được đề cập trong Luật đất đai năm 1987 thì đất di tích mà Luật đất đai năm 1993 quy định có nội hàm “thu hẹp hơn” và cụ thể hơn, chỉ còn là “di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định cụ thể thẩm quyền xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh – một tiêu chí rất quan trọng để nhận biết đất di tích lịch sử.
Theo đó Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh;
– Bộ trưởng Bộ văn hoá – thông tin quyết định xếp hạng di tích quốc gia;
– Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, quyết định việc đề nghị Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp quốc xem xét đưa di tích tiêu biểu của Việt Nam vào Danh mục di sản thế giới (Điều 30 Luật di sản văn hoá).
Bên cạnh việc xác định các khu vực bảo vệ, Luật di sản văn hoá cũng quy định rất rõ quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lí di tích (Điều 33).
Như vậy, Luật di sản văn hoá đã xác định rất rõ hai khu vực bảo vệ di tích so với ba khu vực của Pháp lệnh di tích lịch sử năm 1984.
Quy định này của Luật di sản văn hoá phù hợp với quy định của UNESCO là có hại khu vực (vùng bảo vệ và vùng đệm), giúp cho việc khoanh vùng và bảo vệ đất đai của di tích có tính khả thi cao và phù hợp với pháp luật quốc tế.
Các quy định về quản lý và sử dụng đất có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh
Đất có di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được UBND cấp tỉnh quyết định bảo vệ thì phải được quản lí nghiêm ngặt theo quy định sau đây:
– Đối với đất có di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trực tiếp quản lí theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đó chịu trách nhiệm chính trong việc sử dụng đất có di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh.
– Đối với đất có di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh không do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trực tiếp quản lí thì UBND cấp xã nơi có di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh chịu trách nhiệm chính trong việc quản lí diện tích đất có di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh;
– Đối với đất có di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh bị lấn, bị chiếm, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng trái pháp luật thì chủ tịch UBND cấp xã nơi có đất có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Trong trường hợp đặc biệt cần thiết phải sử dụng đất có di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh vào mục đích khác thì việc chuyển mục đích phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định xếp hạng đối với di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh đó.