Hình tượng con gà trong thành ngữ tiếng Việt

Không những thế, gà trống còn có 5 đức tính mà con người cũng cần có, đó là: văn, võ, dũng, nhân và tín. Vì đầu gà trống có mào giống như cái mũ (mão) và ở dưới mỏ cũng có hai cái mào nhỏ nhìn như cánh chuồn của ông tiến sĩ nên người xưa xem đó là biểu tượng cho văn. Chân có cựa sắc bén như gươm giáo, đây chính là vũ khí của con gà trống và người xưa xem đó là võ. Con gà trống trong đàn sẵn sàng đánh nhau để bảo vệ đàn của mình và sẵn sàng chí tử đến chết, đó là biểu tượng cho dũng khí. Con gà trống đầu đàn khi tìm được thức ăn thì bao giờ cũng gọi bạn bè, nhất là gà mái và đàn gà con cùng đến ăn, đó là nhân. Ban đêm, gà trống gáy từng canh đúng giờ, đó là tín.

Con gà đã gắn liền với đời sống sinh hoạt của người Việt từ bao đời này. Có lẽ vì thế hình tượng con gà đã đi vào thơ ca, tục ngữ, ca dao và cả thành ngữ tiếng Việt như một sự tất yếu khách quan nhưng lại vô cùng phong phú cả về số bài, số câu và tính ẩn dụ thường được mượn từ tất cả bộ phận của gà. Trong phạm vi bài viết này, xin giới thiệu cùng bạn đọc về những câu thành ngữ trong tiếng Việt có mượn hình tượng con gà để nói về tâm tư, tình cảm cũng như việc phê phán những thói hư tật xấu của con người trong cuộc sống đời thường.

“Gà cùng chuồng đá lẫn nhau” hay “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” hoặc “Gà một nhà (chuồng) bôi mặt đá nhau” và “Chân gà lại bới ruột gà”. Ý nói con người cũng vậy, dù là anh em ruột thịt hoặc bạn bè, đồng chí, đồng hương… thì cũng đừng bao giờ chơi xấu hay đánh nhau.

“Gà ăn hơn công ăn”. Ý nói cho gà ăn còn hơn cho công ăn, tức là làm việc gì đó thà ích lợi cho người thân cận còn hơn cho kẻ sang trong thiên hạ.

“Gà ăn không hết bạc”. Ý nói về cảnh giàu sang, lắm tiền nhiều của.

“Gà ba lần vỗ cánh mới gáy, người ba lần ngẫm nghĩ mới nói”. Con người muốn nói điều gì cần phải suy nghĩ cho chín chắn, thấu đáo để đừng ảnh hưởng tới ai, phải lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

“Gà béo bán bên Ngô, gà khô bán láng giềng”. Ý chỉ những người hám lợi, thứ tốt dành cho người xa, thứ xấu để cho người gần. Trong khi đó, người xưa dạy rằng “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”.

“Gà chê thóc chẳng bới thì người mới chê tiền”. Thóc là món ăn khoái khẩu nhất của gà, vì thế có khi nào gà lại chê thóc. Do đó, khi gà chê thóc cũng là lúc gà sắp chết. Mà gà đã chết thì thóc khi ấy phỏng có ích gì và lúc đó tiền với con người cũng vô nghĩa.

“Gà chết vì tiếng gáy”. Câu này hoàn toàn đúng với người thợ săn. Vì ban đêm, gà ở trong bụi thì người thợ săn không thể nào phát hiện ra. Nhưng vì nó gáy sáng nên chết vì tiếng gáy là không sai.

“Gà cỏ trở mỏ về rừng”. Ý nói gà rừng dù có thuần dưỡng cách nào thì cũng có con bỏ chủ trốn vào rừng cùng bầy đàn của chúng.

“Gà con lạc mẹ” hay “Bơ vơ như gà con lạc mẹ”. Khi đàn gà con lạc mẹ, chúng thường kêu dáo dác rất thảm thương và con người nhất là thời nhỏ cũng vậy. Vì thế, đã là người phải có tấm lòng bao dung, độ lượng.

“Gà đẻ gà cục tác” hay “Ác đẻ ác la, gà đẻ gà cục tác”. Ý nói ai làm nấy chịu, đừng đổ vất, đổ vá cho người khác, đừng bốc lửa bỏ tay người.

 “Gà gáy canh một hỏa tai, gà gáy canh hai đạo tặc”. Ý nói gà gáy không đúng canh báo điềm xấu, không bị trộm cắp thì cũng bị tai họa bất ngờ.

“Gà giò ngứa cựa”. Câu này có nghĩa tương tự như câu thành ngữ “Ngựa non háu đá”. Ý chỉ những người trẻ tuổi thiếu chín chắn, chưa xem xét sự việc kỹ càng, không lắng nghe ý kiến của người khác mà còn thích tranh đấu.

“Gà khôn giấu đầu, chim khôn giấu mỏ”. Con gà, nhất là gà trống thì cái đầu là bộ phận đẹp nhất, thể hiện rõ nhất và con chim hót hay nhờ cái mỏ nhưng nếu lộ tiếng thì dễ bị săn bắt và con gà cũng vậy.

“Gà lấm lưng, chó sưng đồ”. Ý chỉ gà mái thời kỳ chịu trống, chó cái thời kỳ động dục thì ăn thịt là ngon nhất.

“Gà luộc hai lần” hay “Gà luộc lại, gái cải giá”. Ý nói những người đàn bà lấy chồng lần thứ hai, tình cảm sẽ dễ bị nhạt phai.

“Gà mái đen, cả ổ đều đen”. Tức là nòi nào giống nấy hay “Giỏ nhà ai quai nhà nấy”, hoặc “Giống nhà công không giống lông thì cũng giống cánh”.

“Gà mái gáy gở” hay “Gà mái gáy mai, lụn bại cửa nhà”. Gà mái mà gáy là báo điềm gở sẽ đến với chủ nhà.

“Gà mái không gáy”. Ý nói không phải việc của phụ nữ thì xin đừng can thiệp. Cũng như thời phong kiến có quy định, hậu cung không được can thiệp chuyện triều chính.

“Gà mượn áo công”. Ý nói những người tuy không phải con nhà giàu hay học hành chẳng tới đâu nhưng cứ tỏ ra ta đây là người đàng hoàng, tử tế.

“Gà ngủ, cáo không ngủ”. Gà ngủ là lẽ đương nhiên vì ban ngày chúng phải bươn chải để kiếm sống. Còn cáo sống nhờ vào ban đêm, nếu chúng ngủ thì làm sao kiếm được mồi để ăn mà tồn tại. Vì vậy, con người cũng phải biết mình là ai, làm nghề gì phù hợp để tồn tại.

“Gà người gáy, gà ta cũng đập cánh” hay “Gà người gáy, gà ta cũng te te”. Ý nói con người phải có bản lĩnh, đừng bắt chước người khác mà có ngày mang họa vào thân.

“Gà nhà lại bươi bếp nhà”. Ý nói làm người phải biết gia đình, dòng họ, quê hương bản quán, đã không làm điều gì tốt thì cũng đừng làm hại. Người như thế có còn là người nữa hay không?

“Gà què ăn quẩn cối xay”. Ý chỉ làm người mà lười biếng, không biết nhìn xa trông rộng thì khó thành tài.

“Gà què bị chó đuổi”. Ý chỉ người bị tai họa dồn dập.

“Gà ri mâm gạo”. Chỉ những người thường hay gặp may mắn trong cuộc sống. Câu này cũng giống như “Chuột sa chĩnh gạo”.

“Gà trống nuôi con”. Chỉ những người đàn ông không may bị góa vợ hoặc bị vợ bỏ và phải một mình nuôi con.

“Gà tức nhau tiếng gáy”. Ở đời không phải chỉ có con gà tức nhau tiếng gáy mà con người cũng vậy. Thấy người ta hơn mình sinh ra kèn cựa, so bì và đây là tính xấu cần phải sửa.

“Bán gà cho cáo”. Ý nói những người nhẹ dạ cả tin. Vì gà là món ăn khoái khẩu của cáo nên chỉ cần sơ hở là cáo sẽ ăn hết bầy gà, vậy mà còn tin cáo mua gà thì có ngày mất sạch.

“Bé ăn trộm gà, già ăn trộm trâu, lâu nữa làm giặc” hay “Bé ăn trộm gà, già ăn trộm trâu”. Ý nói khi còn nhỏ mà không được giáo dục tới nơi tới chốn thì khó có thể thành người tốt. Nếu người nào có tính trộm cắp vặt từ lúc nhỏ thì lớn lên sẽ trộm thứ lớn và thậm chí là thành giặc.

“Bìm bịp bắt gà con”. Bìm bịp là loài chim ăn thịt nhưng vì chúng nhỏ nên chỉ bắt được gà con. Ý nói những người không có chí lớn thì chỉ hài lòng với những gì mình đã, đang có chứ không thể làm việc lớn.

“Bìm bịp bắt gà trống thiến”. Ý chỉ người nào đó gặp may mắn trong cuộc sống nhờ vào ý chí cả.

“Bút sa gà chết”. Một khi đã gật đầu đồng ý hay đã ký rồi thì không thể sửa hay có hối cũng không kịp.

“Bụt trên tòa, gà nào dám mổ mắt”. Ý nói ai đó ăn ở hiền lành, luôn làm việc thiện thì ắt sẽ gặp may mắn trong cuộc sống. 

“Cáo bắt trúng gà nhà khó”. Ý nói đã khó khăn lại gặp xui.

“Cáo già không ăn gà hàng xóm”. Ý nói người ta ăn ở với nhau như thế nào đó đừng để mất lòng hàng xóm và ngược lại thì còn ai chơi với mình?

“Cáo nào tử tế với gà”. Ý chỉ những người không đàng hoàng thì dẫu ai đó có tử tế với họ thì cũng có ngày rước họa vào thân.

“Chó ba quanh mới nằm, gà ba lần vỗ cánh mới gáy”. Làm việc gì hay nói điều gì, con người cũng cần phải suy nghĩ cho chín chắn, thấu đáo.

“Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng” hay “Chó cậy nhà, gà cậy vườn”. Đó là chỉ những người ỷ lại, dựa dẫm vào người thân, gia đình, chứ không tự mình làm được việc gì tốt đẹp.

“Chó cùng nhà, gà cùng chuồng”. Ý nói đã là người trong một nhà thì phải biết thương yêu nhau.

“Con giữ cha, gà giữ ổ”. Ý nói phận làm con phải biết hiếu thảo với cha mẹ.

“Cõng rắn cắn gà nhà”. Giống như câu “Rước voi về giày mả tổ”. Ý nói những người có hành động phản dân hại nước như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống…

“Ông nói gà, bà nói vịt”. Ý nói trong gia đình mà vợ nói một đường, chồng một nẻo là không hòa thuận.

“Dùng dao mổ trâu cắt tiết gà”. Ý nói không biết dùng người, sử dụng người tài vào việc không đúng với khả năng, trình độ.

“Đuổi gà cho vợ”. Ý chỉ những ông chồng vô tích sự và có khi cũng là lời nói chế giễu các ông chồng đang không có công việc gì hơn.

“Xui trẻ ăn cứt gà”. Xúi trẻ làm việc bậy, xúi dại trẻ em.

“Giết gà lấy trứng”. Ý chê những người làm việc ngược đời.

“Hoài thóc nuôi gà rừng” hay “Thóc chắc nuôi gà rừng”. Ý nói phí phạm của cải vào việc không mang lại lợi ích gì. Vì gà rừng có lớn mấy thì cũng nhỏ hơn gà nhà nhiều lần nên chẳng được bao nhiêu thịt.

“Học như gà đá vách”. Chê những người không có ý chí quyết tâm trong học tập nên học mãi cũng chẳng có kết quả.

“Mặt tái như gà cắt tiết”. Ý nói những người làm việc gian dối khi bị bắt quả tang thì khuôn mặt đổi màu vì lo sợ.

“Mẹ gà, con vịt”. Ý chỉ những người tuy nhận là mẹ con nhưng thực tế quan hệ giữa họ không phải máu mủ ruột thịt.

“Mèo mả, gà đồng”. Người xưa chỉ những thành phần bất hảo trong xã hội, đám vô lại, bợm bịp sống với nhau, giống như câu “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.

“Vạ vịt chưa qua, vạ gà đã đến”. Ý nói những người không gặp may mắn trong cuộc sống, họa này chưa qua thì họa khác đã đến.

“Máu gà lại tẩm xương gà”. Ý chỉ anh em trong một gia đình hay người trong một làng, một xã nhưng lại hiềm khích dẫn đến đánh nhau đổ máu là không nên.

“Quẹt mỏ như gà”. Ý chỉ những người vô ơn bạc nghĩa, được người ta giúp nhưng chẳng một lời cảm ơn, thậm chí còn hại người mình mang ơn.

N.D (Sưu tầm và biên soạn)

Rate this post

Viết một bình luận