Ẩn dụ ngôn từ qua hình ảnh con gà

1. Theo vòng tuần hoàn của trời đất, năm cũ qua đi, năm mới đến. Những con vật linh trong địa chi (thập nhị chi) luân phiên “trị vì” mỗi năm đều ít nhiều phản ánh màu sắc ngôn ngữ, văn hóa của các nước.

Gà – linh vật thứ 10 trong bảng “tổng sắp” 12 con giáp, là giống loài gần gũi với con người. Thế nên, ngoài tên gọi thông thường, gà còn có những tên khác là Dậu và Kê, cả 2 đều là từ Hán Việt, chỉ khác ở chỗ Dậu dùng để nói về thời gian, giờ Dậu là giờ gà lên chuồng, khi trời sụp tối (từ 17 đến 19 giờ); Kê là tên gọi gốc từ Hán Việt, trong khi gà là một từ thuần Việt, dùng để chỉ loài lông vũ, được con người thuần hóa từ rất lâu.

Nhờ sự đa dạng trong cách gọi này mà trong dân gian, chúng ta có những câu đối rất hay theo dạng chơi chữ: Chuồng gà kê áp chuồng vịt/ Cá diếc tức phường cá mè. Ở đây chữ “kê” có nghĩa là “đặt” nhưng cũng là “gà”; “tức” (tức giận) cũng là tên gọi của “cá diếc”, câu đối thật chuẩn.

Hoặc như câu đối Cuốc xuống ao uống nước/ Gà vào vườn ăn kê, ta thấy “cuốc” (âm “quốc”) có nghĩa là “nước” và “kê” là hạt kê, cũng có nghĩa là “gà”; từ đó ta lại thấy có câu đối: Kê là gà, gà ăn kê/ Ấu là trẻ, trẻ ăn ấu.

Trong văn hóa các nước, nhất là các nước Đông Bắc Á sử dụng âm lịch, trong hàng địa chi (12 con giáp) thì gà cũng là con vật đứng thứ 10. Có nhiều thành ngữ, tục ngữ của những nước này nói về gà: Thà làm mỏ gà, không làm đít trâu (Nhật Bản); Gà đánh nhau, chủ nhân cũng phải ra vẻ ta đây, Gà gáy phúc năm mới tới, chó sủa họa năm cũ đi, Ăn thịt gà nhưng bày chân vịt ra, Như chó đang đuổi bầy gà đang bay, Gà mái mà gáy thì nhà cửa tan hoang,… (Triều Tiên);…


Minh họa: T.Mỹ

2. Ngoài trồng trọt, người Việt xưa còn chăn nuôi gia súc, gia cầm để lấy sức kéo, lấy thịt cho nên từ xa xưa, con gà trở thành người bạn thân thiết của con người.

Nền văn hóa nông nghiệp lúa nước mang đậm bản sắc Việt phản ánh sự ứng xử của con người với môi trường tự nhiên khắc nghiệt trong mấy ngàn năm qua và xã hội phát triển kéo theo sự phát triển của ngôn ngữ, văn hóa.

Trong những phương pháp phát triển hệ thống từ vựng của tiếng Việt thì ẩn dụ là phương pháp hữu hiệu làm phái sinh nghĩa của từ, tạo ra những từ ngữ mới. Ẩn dụ là cách lấy tên của sự vật, hiện tượng, hành động này để gọi sự vật, hiện tượng, hành động khác dựa trên những điểm tương đồng, lâu dần từ mới trở nên phổ biến và gia nhập vào lớp từ chung.

Vì gà là giống loài sống với người từ lâu cho nên những gì thuộc về gà cũng được người Việt xưa dùng để nói về mình hoặc sự vật, hiện tượng khác nếu có điểm giống nhau. Chẳng hạn, nhờ sự giống nhau về hình dáng, tính chất, đặc điểm mà trong tiếng Việt có “lưỡi gà” dùng để gọi một bộ phận của ống sáo, kèn, ống tiêu khi thổi nó sẽ rung lên và phát ra âm thanh, bộ phận này giống với lưỡi của con gà; chúng ta có “ho gà” là tên bệnh thường xảy ra ở trẻ con, bệnh hay lây, ho từng cơn và rít; hoặc để nói đến người bị bệnh về mắt, thị lực kém, nhìn không rõ, ta có “quáng gà” hay “gà mờ”; còn khi nói “nổi da gà” là nói đến trường hợp gặp chuyện khủng khiếp, sợ hãi cao độ,…

Mở rộng liệt kê, chúng ta thấy có rất nhiều tên gọi sự vật, hiện tượng hình thành trên cơ sở vật đó giống với bộ phận nào đó của gà. Này nhé, tiếng Việt có từ cánh gà dùng để chỉ vật dụng làm bằng vật liệu mỏng, che 2 bên sân khấu; ruột gà là lò xo hình dây xoắn nhiều vòng đều nhau; ổ gà là chỗ lõm xuống trên mặt đường, gây khó khăn cho người đi đường.

Đối với thực vật, chúng ta có cỏ gà (Cỏ gà mọc loang, cả làng được nước) và cây hoa mào gà đỏ, mào gà trắng. Cỏ gà là tên gọi của một giống cỏ thường mọc ven đường, chịu được khô hạn, cao khoảng 20-30cm, có chòm tua ra như đuôi con gà, mọc thẳng đứng, trẻ con hay ngắt cỏ gà chơi trò “đá gà” với nhau. Còn cây hoa mào gà đỏ, mào gà trắng là loại cây cho hoa giống như mào của con gà.

Người Việt xưa cũng định danh các hiện tượng tự nhiên có điểm tương đồng với bộ phận nào đó của gà, chẳng hạn ta có cụm từ “ráng mỡ gà” dùng để chỉ bầu trời ửng màu đỏ hay vàng giống như mỡ gà, tục ngữ có câu Ráng mỡ gà, ai có nhà thì chống. Đặc biệt, chúng ta có canh gà dùng để chỉ tiếng gà gáy sang canh, từ này đi vào thơ văn, tâm thức của người Việt: Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Trấn Vũ, Canh gà Thọ Xương…

Trong tiếng Việt, cũng có một vài động từ ra đời thông qua phép ẩn dụ. Tiếng Việt có từ gà (trong gà bài, gà nước cờ) mang nghĩa “gợi ý, mách nước cho thoát thế bí”. Chúng ta cũng có gật gà (hay gà gật), gà gưỡng để nói về tư thế ngủ ngồi hoặc đứng, ngủ lơ mơ, không say.

Ẩn dụ ngôn từ không chỉ diễn ra cấp độ từ mà còn ở cấp độ trên từ, đặc biệt là những thành ngữ, tục ngữ ra đời từ sự tri nhận tương đồng của người Việt. Khó kể hết những thành ngữ, tục ngữ có hình ảnh con gà mà ý nghĩa của nó thật thâm thúy.

Chẳng hạn, ta có Gà luộc hai lần dùng để chỉ người phụ nữ lấy chồng lần thứ hai, tình cảm nhạt nhẽo; Gà mọc lông măng ám chỉ người mới lớn, còn non nớt, thiếu kinh nghiệm; Chân gà lại bới ruột gà có nghĩa tự mình bới móc chuyện nhà mình, làm hại người quen hay người thân trong gia đình; Gà mượn áo công là chê kẻ dựa vào uy thế của người nào đó mà hoạnh họe người khác; Gà mắc đẻ nói đến người có thái độ lúng túng do mất bình tĩnh dẫn đến ứng xử vụng về; Gà mắc mưa nói đến dáng vẻ bên ngoài tiều tụy, xơ xác; Gà nuốt dây thun là người lừ đừ, chậm chạp, không linh hoạt; Gà mái không gáy là nói đến việc phụ nữ không được phép tham gia vào công việc xã hội (theo quan niệm cũ); Gà ăn hơn công ăn có nghĩa: Thà lợi cho người trong nhà hơn cho thiên hạ;…
Trong phép ẩn dụ, hiện tượng “nhân cách hóa” con vật, sự vật cũng rất phổ biến; từ đây, con gà cũng có tình cảm, có những đặc trưng giống người:

Con chim đậu trên núi,

Nó kêu con gà dưới suối,

Gà gáy chầu đôi chầu ba,

Đêm năm canh không ngủ lại ngồi

Trong người thục nữ bồi hồi lá gan (ca dao)

Hoặc như:

Con quạ xé lá lợp nhà,

Con cu chẻ lạt, con gà dựng phên (ca dao)

Con gà rừng tốt mẽ khoe long

Chẳng cho đi chọi nhốt lồng làm chi…

Trong xã hội hiện đại, nhiều từ ngữ mới ra đời ít nhiều hình thành thông qua phép ẩn dụ. Ngày nay, chúng ta có nước cốt gà là loại nước uống tăng lực (do từ câu Chó liền da, gà liền xương, nên nước cốt ép từ xương gà có thể giúp con người phục hồi sức khỏe); máng cựa gà ý nói bị vướng vào một việc khó, một tai nạn; gà công nghiệp chỉ lớp người được chăm sóc kỹ, giáo dục theo khuôn mẫu; gà móng đỏ là cụm từ lóng chỉ các cô tiếp viên phục vụ trong các quán bia không lành mạnh; nuôi gà cũng là cụm từ lóng, ám chỉ việc chuẩn bị, chăm sóc kỹ lực lượng, ví dụ Nuôi gà thi đấu,…

Lớp từ ngữ liên quan đến gà chắc chắn sẽ còn rất nhiều. Nhưng trên tất cả, ẩn dụ tiếng gà gáy vẫn là ẩn dụ đặc sắc nhất. Tiếng gà gáy báo hiệu đêm đen lùi dần, bình minh lên rực rỡ, một ngày mới bắt đầu với bao điều tốt đẹp. Với ý nghĩa đó, tiếng gà gáy đi vào thơ ca và trở thành ẩn dụ của sự thắng lợi. Năm 1968, ngoài bài thơ “Mừng xuân 1968” – bài thơ cuối cùng của Bác, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có một bài thơ gửi bằng điện tín cho phái đoàn của Chính phủ ta đang trên bàn hội nghị Paris:

Xuân gà túc tác đến nơi

Gởi người thân thiết mấy lời thơ xuân

Gà xuân túc tác rạng đông

Ðưa tin thắng lợi cờ hồng bay cao.

Tiếng gà gáy báo hiệu một ngày mới – báo hiệu một mùa xuân mới đang về./.

Đông Phương

Rate this post

Viết một bình luận