Khiêm tốn là gì , sống khiêm tốn mang lại những giá trị gì? không còn là câu hỏi của riêng ai đặc biệt là khi, xã hội càng phát triển, đạo đức con người dễ bị khuất lấp bởi những giá trị vật chất hào nhoáng bên ngoài. Ai cũng biết rằng, bên cạnh sự tự tin, khiêm tốn là một trong những phẩm chất cao quý, nó làm nên giá trị bản thân mỗi con người. Nó khác biệt hoàn toàn với sự kiêu ngạo hay khái niệm nhút nhát. Thế nhưng không phải ai cũng có thể tự đưa ra cho mình một định nghĩa đầy đủ, chính xác về khiêm tốn. Còn bạn thì sao, bạn đã hiểu khiêm tốn là gì?
1. Giải mã câu trả lời cho khiêm tốn là gì?
Balzac, nhà văn của những án phê phán bất hủ của nước Pháp từng định nghĩa về khiêm tốn là gì như thế này “sự khiêm tốn là lương tri của cơ thể”. Chỉ tiếc rằng, ngay đến tác giả cuốn Tiểu Thuyết “Tấn trò đời” cũng không thể mang lại cho chúng ta một khái niệm cụ thể về lương tri để lý giải cho lòng khiêm tốn mà ông đang nhắc đến. Trong khi đó, Oliver Herford cho rằng “Khiêm tốn chính là nghệ thuật nhẹ nhàng tăng cường sự quyến rũ của bạn bằng cách giả vờ không nhận thức được nó”. Ở khía cạnh này, chúng ta hiểu được một phần giá trị của lòng khiêm tốn. Đó là nghệ thuật, là một cách để tôn lên giá trị của bản thân, để bạn đẹp hơn trong mắt người khác. Thế nhưng, Lại Trang nghĩ rằng, quan điểm khiêm tốn này không nên đồng nghĩa với việc chúng ta lờ đi giá trị của bản thân mình. Thực ra, khiêm tốn đơn giản là đức tính của con người, trong đó, chúng ta không quá đề cao bản thân, đánh giá đúng mực về bản thân, luôn nghĩ rằng những kiến thức của mình cần phải trau dồi thêm.
Người khiêm tốn luôn sẵn sàng học hỏi người khác những điều tốt đẹp và cố gắng để không ngừng tiến bộ. Khiêm tốn ngược lại với tự cao hay tự mãn – thứ cảm giác thành tựu được Ingvar Kamprad kiểm chứng là “thứ độc dược nguy hiểm nhất”. Định nghĩa thì có vẻ phức tạp, tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể nhận ra lòng khiêm tốn của một ai đó qua những biểu hiện từ hành động, cử chỉ bên ngoài lẫn những lối suy nghĩ được họ bộc bạch. Khi chúng ta, không thể hiện thái độ hạ thấp người khác, khi chúng ta không vì được khen mà xem những cố gắng, nỗ lực của mình là đủ, khi chúng ta biết nói ít đi, lắng nghe nhiều hơn, khi chúng ta lựa chọn đúng trang phục phù hợp với môi trường và tài chính bản thân, gia đình… thì thực ra chúng ta đang thể hiện ra những khía cạnh của sự khiêm tốn. Khiêm tốn là lối sống tích cực, cũng là cách tốt nhất để mỗi người kiểm soát bản thân mình, chỉ khi nào bạn định nghĩa được khiêm tốn là gì thì chúng ta mới có thể tránh xa được cái lối vị kỷ để sống “thực tế” hơn, thoát khỏi cái bóng của lối “ảo tưởng sức mạnh”.
2. Con người được gì, mất gì khi sống khiêm tốn?
Louisa May Alcott, tiểu thuyết gia người Mỹ nói về về sự kiêu căng rằng “Sự kiêu căng làm hỏng những nhân tài tốt đẹp nhất” trong khi đó khiêm tốn được bài đánh giá là “sự quyến rũ lớn nhất của mọi quyền năng” tại sao lại có sự phân biệt rõ rệt đến vậy? Thực tế, không phải bất kỳ một định nghĩa nào dù là đầy đủ đến mấy được ra đưa ra bởi cá nhân hay tổ chức đều là chính xác tuyệt đối vì nó còn căn cứ vào những trường hợp cụ thể. Thế nhưng, chúng ta có thể không thể hiểu cụ thể khái niệm kiêu căng hay khiêm tốn là gì song vẫn có cách để nhận ra được con người được gì, mất gì khi song hành cùng những phẩm chất đó khi đặt ra hai thuật ngữ đối lập này ở cạnh nhau ,xem xét biểu hiện của chúng và rút ra được hành động chúng ta nên làm.
Nếu như hiểu theo cách của Louisa Alcott, kiêu căng có thể làm hỏng những nhân tài, thì thứ mà chúng ta mất đi, chính là sự đồng cảm, những mối quan hệ thân thiết và khả năng kiểm soát được cái tôi. Và điều này, nguy hiểm hơn khi những tính cách đó thuộc về những nhân tài, những nhà lãnh đạo xuất chúng. Kiêu căng làm họ đánh mất hình ảnh một con người hiểu biết và sử dụng tri thức, trái tim của mình phục vụ cộng đồng xã hội mà với mục đích là khoe khoang, thể hiện quá đà bản thân. Một khi kiêu ngạo, họ dễ dàng bằng lòng với những gì mình có và thỏa hiệp với những tri thức cũ. Nếu xét góc độ tích cực nhất đi chăng nữa rằng, kiêu căng chỉ là biểu hiện nhỏ của sự khẳng định bản thân thì cũng không đúng. Bởi vì, trong cuộc đời này, bạn không thể sống một mình trong hàng loạt những mối quan hệ chồng chéo, mà phải biết hòa vào tập thể và học cách sống chung với mọi người. Nghe thì có vẻ dễ dàng, song, cũng có rất nhiều người, ngay cả khi gần cái chết, họ vẫn thể biết được việc sống chung với mọi người có giá trị như thế nào. Dĩ nhiên, trong trường hợp này, chúng ta không đủ căn cứ để khẳng định rằng, họ không khiêm tốn, chỉ là họ chưa biết cách rèn luyện sự khiêm nhường và chống lại sức mạnh của những thành tựu họ nắm giữ trong tay mà thôi.
Ngược lại, có thể nhiều người không hoàn toàn đồng ý với câu nói “Chúng ta càng lên cao, chúng ta càng nên bước đi khiêm tốn” (Marcus Tullius Cicero) nhưng thực tế là, nếu sống khiêm tốn, chúng ta sẽ nhận được nhiều giá trị cho bản thân và nhiều người xung quanh hơn là mất. Thứ mà chúng ta mất đi khi sống khiêm tốn có chăng là mất đi các thói quen xấu như tính tự khoe, sự hợm hĩnh. Còn nhận lại được thì vô ngần: chúng ta hiểu mình rằng, kiến thức của mình là giọt nước, trong khi ngoài kia, những điều đáng học hỏi là cả một đại dương. Chúng ta học được cách lắng nghe mọi người, biết từ tốn trong ăn nói, cư xử hoặc tranh luận. Chúng ta biết cách dừng lại đúng lúc trong mọi vấn đề mà không để cảm giác thỏa mãn được bản thân lấn chiếm. Không những thế, khi chúng ta khiêm tốn, mọi người xung quanh sẽ nhận lại những điều tương tự như một mối quan hệ tốt đẹp, một người bạn đáng học hỏi và dĩ nhiên, mọi người sẽ nhìn vào đó để lan tỏa lối sống đúng đắn. Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta là biểu tượng của lòng khiêm tốn.
Chính Người đã khuyên giới trẻ rằng “Công trạng cá nhân chủ yếu là nhờ tập thể mà có. Vì vậy, vì vậy người có công trạng không nên tự kiêu mà khiêm tốn và rộng lượng, đó là hai đức tính mà người cách mạng nào cũng có.” Thế nhưng, khiêm tốn không chỉ biểu hiện qua lối suy nghĩ, cách nói mà mọi mặt của đời sống, cách ứng xử, phong cách sống. Hẳn là hiếm có một chủ tịch, một nhà lãnh đạo nào trên thế giới lại gắn liền với hình ảnh đôi dép cao su, bộ quần áo kaki sờn cũ và những bữa ăn đạm bạc như Bác. Và Lại Trang tin chắc rằng, bạn sẽ khó lòng quên được những nét nguyên sơ, giản dị của vị cha già dân tộc qua những vần thơ về căn nhà trong phủ chủ tịch của Bác của nhà thơ Tố Hữu “Anh dắt em vào cõi Bác xưa/ Đường xoài, hoa trắng nắng đu đưa/ Với hồ nước lặng sôi tăm cá/ Với bưởi cam thơm mát bóng dừa”.
Nhưng chưa bao giờ, lối suy nghĩ, cách ăn mặc của Bác trở thành điều gì đó làm chính Người và mọi người xung quanh thấy không thoải mái. Trong khi đó, đáng buồn thay là nhiều bạn trẻ hiện nay, chỉ vì một chút thành tích mà vội vàng xem mình là “trung tâm của vũ trụ” và cho mình có quyền chế ngự người khác, quốc gia khác. Thực ra, sự thiếu khiêm tốn hay tự kiêu, bạn chất của nó không nghiêm trọng, song cách mà con người để lòng tự kiêu lèo lái ý chí, quyết định của mình đấy mới là điều nguy hiểm. Đôi khi chỉ vì một phút bốc đồng, một quyết định thiếu suy xét có thể phá hủy một mối quan hệ, hợp tác. Trong đời sống con người, doanh nghiệp, khiêm tốn được xác định là từ khóa quan trọng – phẩm chất cần có của một vị lãnh đạo. Vì sao lại thế?
3. Khiêm tốn là chìa khóa của thành công
Newton – người được mệnh danh là cha đẻ của cơ học, tác giả của định luật vạn vật hấp dẫn và nhiều phát minh quan trọng trong lịch sử vật lý loại người chưa bao giờ đặt mình ngoài vòng quay của khiêm tốn. Trong lúc lâm chung, khi được khen là người thầy vĩ đại, ông đã lắc đầu liên tục và nói rằng “ Tôi không biết trên đời nhìn tôi như thế nào, tôi thấy rằng, tôi chỉ là một đứa trẻ con chơi đùa trên bãi biển, thỉnh thoảng phát hiện được hòn sỏi nhẵn nhụi, một vỏ sò xinh đẹp, trong khi trước mặt tôi còn cả một đại dương đầy những bí mật chưa được khám phá”. Ngay cả với Beethoven, nhà soạn nhạc huyền thoại chỉ nhận những kiệt tác của mình rằng “ Bản thân chẳng qua học được vài nốt nhạc”. Khi chúng ta sống khiêm tốn, việc cúi đầu trước những thành tựu đã đạt được trở nên vô cùng quan trọng bởi vì chúng giúp chúng ta nhận thấy những điểm yếu của mình để từ đó tiến bộ. Chỉ khi sống khiêm tốn, chúng ta mới nhận ra rằng, chỉ những đóng góp ấy chưa là gì và cần lên mục tiêu cụ thể để đạt những thành tựu lớn hơn nữa. Nhiều người lo sợ rằng, khiêm tốn sẽ bị người khác xem thường hay bị chê bai là kém cỏi. Nhưng thực tế thì không hề. Nhiều khi, ngay cả chính chúng ta còn chưa thể phân biệt được đâu là sự nhút nhát và đâu là sự khiêm tốn đúng nghĩa.
Khiêm tốn không đồng nghĩa với sự thiếu tự tin, sự nhút nhát không dám đưa ra những quan điểm của riêng mình. Khiêm tốn cũng không phải là sự phủ định cái tôi của mình, cũng không phải là việc phủ định những thành tựu mình đã đạt được và thể hiện sự tin tưởng vào sự nỗ lực, cố gắng của bản thân trong tương lai để tạo ra nhiều giá trị hơn nữa. Khiêm tốn là cách sống để dung hòa giữa cảm giác thành công và sự thất bại. Chẳng phải là tốt khi tất cả mọi người đều biết cảnh giác với những thất bại trong quá khứ và tự dặn lòng nỗ lực để giảm thiểu những sai lầm ấy tái diễn hay sao? Con người thường dễ bị cảm tính chi phối, đặc biệt là khi bạn đã thu về cho mình những thành tựu nhất định, khiêm tốn là cần thiết khi bạn sử dụng nó để kiềm chế những tham vọng thái quá, những ảo tưởng về sức mạnh bản thân. Và quan trọng hơn hết là để bạn nhìn lại, bản thân mình một lần nữa và để sống sao cho vẫn duy trì được động lực để tái lập những thành công mới mà không đứng yên tại chỗ. Vì những điều đó mà lời nhắn nhủ của nhà thơ Nga Mayakovsky thực sự là câu cẩm nang cho tất cả mọi người ao ước thể hiện bản thân và muốn có được thành công “ Đừng vì lẽ không thể là vì sao mà đành chịu làm một đám mây mù.Mà cũng đừng bao giờ nghĩ rằng: Mình là một ngôi sao duy nhất trên bầu trời vì xung quanh còn nhiều ngôi sao khác nữa và bất cứ ngôi sao nào cũng có thể lấp lánh hơn mình”.
4. Khiêm tốn là phẩm chất không thể thiếu của một nhà lãnh đạo
4.1. Thiếu khiêm tốn – doanh nghiệp dễ lệch hướng, trì trệ
Trong cuộc đời này không một ai hoàn hảo và ngay cả những người lãnh đạo – “Ngon hải đăng” của doanh nghiệp để có thể hoàn thiện hơn thì phải học tập không ngừng dù họ có thể là người thu về nhiều, thậm chí rất nhiều thành công hơn người và là biểu tượng để nhân viên dưới quyền nhìn vào đó noi gương. Tôn Thúc Ngao đã đúng khi cho rằng “Chức vụ càng cao thì càng phải nhún nhường”. Bởi vì quyền lực hay sự thành công thường mang đến cho con người những cảm giác thỏa mãn nhất định, điều này là không hề tốt với một vị lãnh đạo doanh nghiệp. Một vị lãnh đạo được khuyên rằng, phải tự tin, quyết đoán song ranh giới của thứ được gọi là tự tin với kình địch của lòng khiêm tốn – Sự tự mãn là rất mong manh. Người đứng đầu doanh nghiệp, chịu trách nhiệm về sự phát triển của cả một tổ chức, không nên nghĩ, những thành công trong quá khứ đã để chứng minh năng lực của họ, sự phát triển hiện tại của doanh nghiệp là đủ và không cần tốn nhiều thời gian như những đối thủ thủ khác. Tình trạng “ảo tưởng” về sự tài năng của bản thân và tiềm lực phát triển của doanh nghiệp sẽ khiến tất cả những dự định kế hoạch khi họ bắt tay vào làm trở nên vô nghĩa, không được đặt đúng tầm quan trọng của nó. Không những vậy, nếu lối suy nghĩ, hành động này kéo dài, doanh nghiệp không những bị đẩy đến sự trì trệ vì sự không chịu đổi mới, sự bằng lòng với kết quả quá khứ mà còn tạo thành điểm đen trong mắt nhân viên thậm chí là hiệu suất, tác phong làm việc của nhân viên.
4.2. Khiêm tốn anh hưởng đến sự nghiệp lãnh đạo
Thường thì ít nhà lãnh đạo nào, doanh nghiệp thậm chí là những tập đoàn hàng đầu thế giới nào đạt được sự phát triển như mong muốn trong thời gian dài khi những người đứng đầu “ngủ quên trên chiến thắng” mà không chịu cải tiến. Câu chuyện về những lần “vượt mặt nhau” giữa những đế chế trong làng công nghệ toàn cầu giữa Microsoft và Apple hay trong nội bộ của những tập đoàn này là một trong những minh họa rõ ràng nhất. Nếu dễ dàng thỏa hiệp với những sáng tạo cá nhân mà không lắng nghe những góp ý, những ý tưởng mới của người dưới quyền dẫn đến sự độc đoán và nguy hiểm hơn là ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của doanh nghiệp. Vẫn còn nhớ, thời điểm bắt đầu trình làng Iphone, Cựu điều hành viên Apple là Steve Jobs chỉ muốn giữ nguyên kích thước sản phẩm thông minh của mình trong lòng bàn tay và ông đã từng phản đối rất nhiều ý tưởng thiết kế của nhân viên khi mở rộng kích thước màn hình để đón đầu công nghệ. Dù không được xem là “hành vi độc đoán” vì có những nguyên nhân chủ quan, tuy nhiên, ngày nay, như bạn đang nhìn thấy, Iphone đã thay đổi không ngừng và vẫn là lựa chọn tối ưu với tín đồ công nghệ nhờ vào việc điều chỉnh về thiết kế tránh xa lối rập khuôn, máy móc của nhà cựu điều hành thương hiệu “Quả táo khuyết”.
Điều này, chứng minh một điều rằng, không phải một nhà lãnh đạo nào, hay ý kiến của họ, dù là những người thành công nhất đều là chuẩn. Điều quan trọng là, họ biết nhìn nhận những điểm nào là tốt hoặc chưa tốt của mình để từ đấy để ra phương hướng phát triển doanh nghiệp.
Cuộc đời là đường đua vô tận, nhưng thương trường lại là một cuộc chiến, mọi quyết định của nhà lãnh đạo sẽ tác động mạnh đến sự tồn vong của một doanh nghiệp, sự nghiệp lãnh đạo và biến họ trở thành những con tốt thí điểm cho sự tự mãn, cứng nhắc của bản thân. Ở một khía cạnh khác, khi một nhà lãnh đạo khuyến khích bằng cách tâng bốc hay gắn cái mác “nhân tài” cho nhân viên dưới quyền không đúng thời điểm dễ làm cho họ tự thỏa mãn với những thành tựu của bản thân và trở thành những con người thiếu tính sáng tạo, thiếu tư duy đổi mới. Thay vào đó, lãnh đạo chỉ nên chia sẻ những suy nghĩ của mình với nhân viên để họ hiểu mình hơn và thông qua đó có thể hiến những giải pháp tốt nhất tốt cho doanh nghiệp thì sẽ hữu hiệu hơn nhiều. Bởi vì, ngay trong cả cách nói, thái độ của bạn, suy nghĩ của bạn, sự khiêm tốn luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt không chỉ đảm bảo sự nghiệp lãnh đạo của bạn được dài lâu, sự phát triển đúng hướng của doanh nghiệp mà quan trọng hơn là thiết lập một mối quan hệ khăng khít, đồng lòng trong tổ chức. Bởi vì, ngay cả bạn cũng thế, không ai muốn song hành cùng một người lãnh đạo chỉ biết “xem trời bằng vung”, tự mãn và không biết lắng nghe hay khiêm tốn là gì?
5. Cách rèn luyện lòng khiêm tốn hiệu quả, bạn đã biết là gì chưa?
Frank Tyger, nhà báo từng gắn bó gần như cả cuộc đời với trenton Times, cho hay:“Sự khiêm tốn là chiến thắng của tâm trí đối với những lời xu nịnh”, bạn đã hiểu được giá trị ngầm của lòng khiêm tốn của ông đưa ra trong câu nói? Có thể, khiêm tốn là gì là khái niệm dài và mỗi người có cách định nghĩa riêng, giá trị của lòng khiêm tốn sẽ được đo bằng cách cảm nhận của mối người qua từng trường hợp cụ thể, song bạn đã biết cách nào là hiệu quả nhất để rèn luyện phẩm chất quý giá ấy?
5.1. Thừa nhận giới hạn của bản thân
Dù tài năng hay được mọi người tung hô đến đâu, thì ở đâu đó xung quanh bạn vẫn có nhiều con người khác giỏi hơn mình. Không một ai hoàn hảo, kể cả những thiên tài, do đó cần bình tâm sau mỗi lần thất bại, thừa nhận giới hạn của bản thân mình và không ngừng nỗ lực để cải thiện bản thân và hãy nhờ đến sự giúp đỡ của người khác khi cần. Nếu như bạn cho rằng, lòng khiêm tốn là thật sự có giá trị, thì nắm bắt, thừa nhận khả năng của mình là cách rèn luyện hiệu quả để trở nên khiêm tốn.
5.2. Biết ơn những gì bạn có được trong cuộc sống này
Không ai cũng đủ may mắn và hoàn hảo đến độ khi cả đời chỉ thành công mà không bao giờ phạm sai lầm. Bên cạnh những lúc thành tựu nở rộ ngày hôm qua, bạn sẽ không tránh khỏi những ngày đen tối đang chờ đợi ở phía trước. Việc làm chúng ta cần làm không phải là ngồi chờ những thất bại đó đến mà phải lấy đồng lực từ những thành công bạn đang có hôm nay để xây dựng cuộc sống của bạn tốt hơn, giảm thiểu rủi ro của chuỗi ngày đen tối đó. Hãy tự tạo động lực cho mình từ những điều giản dị : thức dậy và hít thở không khí trong lành của những buổi sớm mai, cảm ơn những người bạn xung quanh đã giúp bạn có được những thành tựu hay đơn giản chỉ là ..sống chậm lại một chút để cảm nhận được giá trị của khoảng thời gian làm tâm trí bạn thấy an nhiên, thoải mái.
5.3. Ngừng so sánh mình với người khác
Lại Trang hiểu rằng, sự cạnh tranh lành mạnh là từ khóa, động lực để kích thích mỗi người phấn đấu vươn lên mỗi ngày. Thế nhưng, bạn có thể giữ được sự khiêm tốn cho mình được khi chúng ta thường xuyên đụng chạm và chạy mãi theo những khái niệm là người giỏi nhất hay giỏi hơn người khác. Ngừng so sánh không có nghĩa là bạn từ bỏ ước mơ hay khát vọng mà chỉ là dừng lại và nhìn kỹ bản thân mình nhiều hơn.
Bạn nên nhớ rằng, mục đích cuối cùng và cũng là quan trọng nhất với mỗi người là mình học được gì, mình đã phát triển được gì chứ không phải là tập trung toàn lực để trở thành thần tượng trong mắt người khác. Có ngừng so sánh bản thân, bạn mới có thể tận hưởng một cuộc sống thoải mái như nó vốn có vì không phải lo lắng quá nhiều, liệu rằng bạn có giỏi hay dở tệ hơn ai. Chúng ta là một thực thể cá biệt, mỗi người đều có những điểm tốt và điểm chưa tốt. Điều quan trọng là phát huy những điểm tốt đó và đẩy lùi những cái xấu để tìm được niềm vui đích thực trong cuộc sống.
Hi vọng những thông tin mà Lại Trang cung cấp trên đây lý giải về Khiêm tốn là gì và những điều mà lòng khiêm tốn mang lại lẫn những cách rèn luyện sự khiêm tốn hiệu quả sẽ thực sự bổ ích với bạn. Thân ái!
Chia sẻ:
Từ khóa liên quan
Chuyên mục