“Ai đánh mất sự khiêm tốn là đã ra khỏi vùng an toàn, không còn kiểm soát được tình hình nữa”. Tranh: ST.
Theo “Từ điển tiếng Việt”: “Khiêm tốn là: có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình là hơn người. Thí dụ: Lời lẽ khiêm tốn. Thái độ khiêm tốn. Khiêm tốn học hỏi”. “Khiêm nhường là: khiêm tốn, nhường nhịn trong quan hệ đối xử. Thí dụ: Khiêm nhường với mọi người”.
“Người khiêm tốn không bao giờ được nói về mình”.
Jean de la Bruyère
Theo một số sách giáo khoa hiện đại, người biên soạn vẫn xếp “Khiêm tốn” trong việc phân chia chương, mục và cách cắt nghĩa cũng chẳng khác mấy so với các sách giáo khoa ở các thế kỷ trước, thậm chí có những cách thuyết giảng còn trùng khớp với các sách ở những thời kỳ trước nữa, ở thế kỷ trước và trước nữa. Vì sao như vậy? Vì Khiêm tốn phải được coi là không khí để thở, là nước để uống, là thực phẩm và lương thực để nuôi sống con người. Khiêm tốn phải được coi là ranh giới của vùng an toàn cho con người.
Ai đánh mất sự khiêm tốn là đã ra khỏi vùng an toàn, không còn kiểm soát được tình hình nữa. Theo dõi những tin tức thời sự gần đây, ai cũng giật mình khi nghe tin nhà trí thức lớn này, ông lãnh đạo kia là những người có tài, có đóng góp lớn cho xã hội, nay sa vào vòng lao lý, đợi ngày ra vành móng ngựa, tù tội chỉ vì đánh mất sự khiêm tốn, khiêm nhường, tự biến mình thành người không còn lý trí, không còn biết điều hay lẽ phải nữa.
Có tác giả đã bình luận: Khiêm tốn chính là cái phanh bảo hiểm, cái xu páp an toàn, cái vaccine tạo ra miễn dịch để bảo vệ con người. Ai đánh mất cái biên giới an toàn ấy, chắc chắn sẽ chuốc lấy sự hối tiếc muộn màng và chỉ còn lại là những đau xót về một việc đã rồi, biết rõ tác hại của nó mà không tránh được, không tránh nổi.
Dưới ánh sáng của triết học, “Khiêm tốn” bao gồm nội dung sau đây: Không bao giờ được nói về mình, phải để người khác đánh giá mình. Có như thế mới biết được người khác nghĩ gì về mình. Từ đó mà biết tiến, biết lùi cho phù hợp với tình thế. Có nắm vững tình hình mới kịp thời điều chỉnh cho sự an toàn của chính mình. Có an toàn thì mới mong phát triển được.
Trên các công trình xây dựng lớn, người ta treo cao khẩu hiệu cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh: “An toàn trên hết”, “Safety first”. Chỗ nào trên công trường cũng đều nhìn thấy rõ cái “khẩu hiệu đinh” ấy, vì nếu có tai nạn sẽ sụp đổ hết.
Nhà triết học Pháp, ông Jean de la Bruyère (1645 – 1696) đã nghiêm khắc cảnh báo: “Người khiêm tốn không bao giờ được nói về mình”. Như ý đã phân tích ở đoạn trên thì có thể hiểu lời dạy của Jean de la Bruyère là:
Khiêm tốn = Không nói về mình = An toàn.
Không khiêm tốn = Tự đề cao mình = Không an toàn.
Thế mà trong thực tế cuộc sống, sự tự cao, tự đại, khoe khoang bản thân lại là một bản năng sẵn có của con người. Ai cũng muốn và thích khoe con, khoe cháu, khoe nhà cao cửa rộng, khoe xe đẹp đắt tiền, khoe tiền của, khoe công danh địa vị. Nhiều người đã phải trả giá ngay: Con hư, con ỷ lại, bản thân bị nhiều người ghen tức, bị nhiều người dòm ngó và chờ đợi cơ hội là hãm hại, là phá đám.
Làm sao rèn luyện được sự khiêm tốn, luyện được thói quen không tự nói về mình, không tự đề cao mình? Chỉ có một cách là: Gia đình phải dạy con, cháu từ lúc còn nhỏ, thầy cô giáo phải dạy học trò từ lớp mẫu giáo, cấp 1 trở đi. Làm như thế mới hy vọng có được đội ngũ những người tài giỏi mà luôn khiêm tốn học hỏi, khiêm nhường cùng hợp tác với tập thể, với cộng đồng để xây dựng xã hội sau này.
Có nhiều nhà tỷ phú, nhiều nhà lãnh đạo xã hội có tầm hiểu biết rộng đã chú ý giáo dục sự an toàn cho con cho cháu bằng cách buộc những người trẻ tuổi này phải tham gia nghĩa vụ quân sự, phải lao động khó nhọc ở vùng xa vùng sâu, vùng hẻo lánh cốt để cho họ học lấy bản lĩnh an toàn cho cuộc đời họ.
Bản lĩnh an toàn là khiêm tốn học hỏi, khiêm nhường trong giao tiếp, ứng xử để luôn được đón nhận sự yêu mến, kính trọng của người khác.
Nhà triết học Charles Pinot Duclos (1704 – 1742) đã dặn dò tỉ mỉ: “Nếu anh muốn người ta đánh giá tốt cho anh thì xin đừng tự nói gì về mình cả, vì cái tôi là cái đáng ghét”. Gần 300 năm đã trôi qua và Charles Pinot Duclos đã ra đi ở tuổi còn đang sung sức nhưng câu nói ngắn gọn của ông về “Cái tôi là cái đáng ghét” đã đi vào sách giáo khoa Pháp ngữ như một cái chìa khóa bằng vàng cho những ai muốn tu dưỡng, rèn luyện để trở thành con người có ích cho xã hội.
“Cái tôi là cái đáng ghét” sẽ sống mãi với thời gian dù rằng con người đã bước vào thế kỷ XXI được 2 thập kỷ và khoa học kỹ thuật đã tiến tới 4.0 với trí tuệ nhân tạo, với tự động hóa, với rô bốt hóa, nhưng chúng ta cần nhớ rằng: Dù phát minh, dù khám phá có to, có lớn, có vĩ đại đến đâu chăng nữa thì con người bằng xương bằng thịt, bằng sự khiêm tốn vĩ đại vẫn làm chủ các loại khoa học kỹ thuật tiên tiến, to lớn ấy.
Đúng như triết gia hiện đại Jack Canfield đã đúc rút bài học lớn: “Sự khiêm tốn tạo ra thành công lớn và thành công lớn tạo ra sự khiêm tốn cao hơn, vì vậy nó tiếp tục thăng tiến theo hình xoắn ốc”. Từ ý tứ này của Jack Canfield ta lại thêm được công thức:
Sự khiêm tốn = Bậc thang xoắn ốc của sự tiến bộ.
Khi ta đã nằm ở vùng an toàn rồi, ta lại dần dần từng bước đi trên bậc thang xoắn ốc của sự tiến bộ, thử hỏi rằng còn gì giá trị hơn sự khiêm tốn để mà so sánh nữa!
Phần trên đã mô tả cái đặc sắc, cái thú vị, cái sinh tử, cái sống còn mà đức tính khiêm tốn đã mang lại cho con người. Cũng cần nói thêm, trong vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống đời thường thì khiêm tốn cũng đóng góp những mảng màu sắc cực kỳ hấp dẫn và lý thú.
Tác giả Frédéric le Grand (1712 – 1786) đã phát hiện ra một bản năng lương thiện của sự khiêm tốn khi ông viết câu danh ngôn: “Khiêm tốn rất thích hợp cho mọi người vì nó là cái giá trị đầu tiên của một con người sống thiện lương”. Cao quý thay nhận xét đầy ân tình, đầy nhân bản của Frédéric le Grand, một triết gia phương Tây.
Còn ở phương Đông, các bậc hiền triết từ xa xưa cũng đã phát hiện ra cái chân lý tuyệt vời là: “Con người ta sinh ra vốn sẵn có tính lương thiện” (Nhân chi sơ tính bản thiện). Vì thế trong một xã hội thanh bình êm ả, đại đa số người ta sẽ sống lương thiện, khiêm tốn, biết yêu thương giúp đỡ người khác.
Vì thế tác giả Frédéric le Grand mới quả quyết rằng: Khiêm tốn rất thích hợp với mọi người. Gia đình nào nắm được quy luật này mà dạy con cháu biết làm người, biết khiêm tốn mới là khôn ngoan, mới là biết nhìn xa trông rộng. Ấy thế mà trên thực tế, có một số ít con người kiêu ngạo, hãnh tiến, giầu lỏi, cậy có chút thế lực, một chút tiền bạc của cải đã dạy con cháu họ cách kiếm tiền, cách kiếm danh lợi bằng mọi giá, như vậy chính là họ đã đẩy con đẩy cháu vào chốn ngục tù về sau.
Như vậy, khiêm tốn đã mang lại cho con người sự an toàn, tâm bình an trong cuộc đời để từ từ phấn đấu, từ từ hoàn thiện mình mà trở thành những công dân có ích cho xã hội, cho cộng đồng. Nhiều triết gia còn tìm được nhiều điều thú vị, nhiều màu sắc tươi vui của con người do đức tính khiêm tốn mang lại.
Nhà triết học vĩ đại phương Tây Montesqieu (1689 – 1755) đã thú vị và sảng khoái kêu lên: “Hỡi các vị khách khiêm tốn hãy lại đây cho chúng tôi theo với. Chính các vị đã tạo ra vẻ dịu dàng và duyên dáng cho cuộc đời. Các vị cứ cho mình là chẳng có gì, nhưng chúng tôi đã phát hiện ra các vị có tất cả”. Nhận xét của đại triết gia Montesqieu hay đến thế, sâu sắc đến thế là cùng, vì nhờ ông mà ta có thể viết thành công thức để tham khảo:
Khiêm tốn = Có tất cả.
Tự cao, tự phụ = không có gì cả.
Đáng kính trọng tiếng xưng hô “Con” dịu dàng, duyên dáng, khiêm tốn biết bao tại những nơi tu hành, những nhà thờ, những đền, chùa mà ai đến đây cũng tự nguyện nhận mình là nhỏ bé, là cần được dạy bảo, cần được tu tập, cần được tu dưỡng để thành người trưởng thành hơn, có ít khuyết điểm, ít lỗi lầm hơn trước, ít hơn hôm qua.
Để khép lại bài viết, không gì thú vị hơn là nhắc lại danh ngôn sau đây của nữ văn sĩ lừng danh Marquise de Maintenon (1635 – 1719): “Vật trang sức lớn lao nhất, đẹp đẽ nhất của người phụ nữ là sự khiêm tốn”. Ước gì ai ai cũng có được vật trang sức quý giá ấy!