Phân biệt 10 loại phô mai ngon nhất, cách sử dụng và bảo quản
Phô mai là loại thực phẩm có chứa nhiều protein và chất béo từ sữa như sữa bò, dê… thường được dùng trong nấu ăn hoặc làm bánh. Hôm nay, Bách hóa XANH sẽ chia sẻ cho bạn cách phân biệt các loại phô mai đang rất được phổ biến nhé!
Phô mai là một thực phẩm giàu dinh dưỡng, chứa nhiều đạm, khoáng chất tốt cho cơ thể, được các chuyên gia khuyên dùng. Tuy nhiên, bạn đã biết giá trị dinh dưỡng cùng những lợi ích của phô mai đối với sức khỏe chưa hay có bao nhiêu loại phô mai, cách chế biến, bảo quản phô mai như thế nào? Trong bài viết này, Bách hóa XANH sẽ giải đáp những thông tin cần thiết trên về phô mai cho bạn nắm rõ, cùng tìm hiểu nhé!
1 Phô mai là gì?
Giá trị dinh dưỡng của phô mai
Phô mai hay pho mát là một trong những chế phẩm phổ biến được làm từ sữa, sản xuất bằng cách kết đông và lên men từ sữa bò, sữa dê, sữa cừu,…hoặc từ sữa của các loài động vật có vú khác.
Phô mai được biết đến là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, sẽ cung cấp nhiều chất béo, chất đạm, canxi, phốt pho, vitamin và khoáng chất, vitamin A, vitamin B12, vitamin B1,…cho cơ thể chúng ta.
Theo nghiên cứu, trong 1 ounce pho mát cứng, hay 1 miếng phô mai nhỏ cỡ ngón tay cái sẽ chứa khoảng 120 calo, 8g protein, 6g chất béo bão hòa và 180mg canxi. Hay trong ½ ly phô mai mềm như phô mai 4% nguyên chất béo sẽ chứa khoảng 120 calo, 14g protein, 3g chất béo bão hòa và 80 mg canxi.
Ngoài ra, trong thành phần của đa số các loại phô mai đều có chứa hàm lượng natri cao với khoảng 300-450 mg mỗi khẩu phần, do muối sẽ giúp giữ ẩm và ngăn vi khuẩn phát triển quá mức.
Tác dụng của phô mai đối với sức khỏe
Giảm căng thẳng
Qua nghiên cứu cho thấy, trong phô mai có chứa tryptophan, đây là một loại axit amin thiết yếu đối với cơ thể, hỗ trợ sản xuất ra serotonin giúp điều chỉnh, cân bằng lại tinh thần và tình trạng lo lắng, căng thẳng của bạn.
Giúp xương, răng chắc khỏe
Trong phô mai có nhiều canxi, vitamin D và các khoáng chất như: Kẽm, acid folic, vitamin A, vitamin B2, vitamin B12, vitamin K2,… Đây là những chất góp phần bảo vệ, duy trì cho xương, răng được chắc khỏe, tránh tình trạng loãng xương ở người cao tuổi.
Giảm nguy cơ gây đột quỵ
Một nghiên cứu trên tập san Thực phẩm và Dinh dưỡng cho rằng, khi bổ sung phô mai cho cơ thể, có thể giúp giảm được những nguy cơ mắc phải các bệnh về tim mạch, kiểm soát huyết áp. Ngoài ra, trong phô mai còn chứa các loại axit ngăn tắc nghẽn động mạch có thể gây đột quỵ.
Hỗ trợ hệ tiêu hóa
Phô mai là nguồn thực phẩm lên men, có thể thúc đẩy được hệ vi sinh trong đường ruột phát triển, cải thiện hệ tiêu hóa, tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng.
Cung cấp hàm lượng protein tốt cho cơ thể
Bên cạnh canxi, chất béo thì phô mai cũng là loại thực phẩm giàu protein mà bạn có thể sử dụng để bổ sung cho cơ thể của trẻ nhỏ. Protein sẽ cung cấp năng lượng, tạo điều kiện cho sự phát triển của cơ, xương thêm khỏe.
2Các loại phô mai và cách phân biệt phô mai
Mozzarella cheese
Với nguyên liệu là sữa trâu nước hoặc sữa bò nên thường được dùng cho các món pizza, phô mai que, bánh mì nướng… Sau khi nướng mozzarella sẽ chảy ra và tạo thành các sợi dai và dính. Do có độ ẩm cao, nên mozzarella tươi có thể được bảo quản trong tủ lạnh được khoảng 1 tuần. Còn những loại mozzarella khô, được cắt sẵn thành sợi nhỏ có thể bảo quản được 6 tuần.
Bạn có thể sử dụng phô mai Mozzarella để thêm vào bánh pizza, dùng ăn kèm mì Ý, salad,…pepperoni, bolognese lasagna pasta lá với sốt kem thịt bò, cà tím phomai Mozzarella đút lò,…
Cream cheese
Cream cheese hay còn gọi là kem phô mai, một loại phô mai tươi được làm từ sữa bò hay sữa dê. Bên ngoài có màu trắng, vàng nhạt, mềm, có vị chua nhẹ và mặn, khi ăn sẽ không có cảm giác quá ngấy nên được nhiều người ưa chuộng.
Cream cheese thường được các đầu bếp dùng để chế biến các món tráng miệng như cheese souffle, cheesecake, hay dùng ăn với bánh mì, bánh cà rốt,… trang trí trên bề mặt các loại thức uống, món bánh ngọt.
Cheddar
Phô mai cheddar có màu vàng nhạt hơi ngả trắng và hơi cứng. Sử dụng cho các món như bánh pizza nướng, mì đút lò, bánh mặn hoặc dùng để ăn kèm với bánh hamburger, sandwich.
Để có được một mẻ phô mai Cheddar chất lượng, thời gian ủ phải kéo dài từ 9 – 24 tháng để phô mai có màu vàng rõ rệt, đạt được độ “chín” và mang lại hương vị hoàn hảo nhất.
Bạn có thể dùng phô mai Cheddar thái lát để ăn trực tiếp với burger, bánh mì sandwich,…hay thêm vào các món bánh pizza, pasta nướng, risotto, casserole,…
Mascarpone
Mascarpone là một loại phô mai tươi được làm từ sữa bò, được tạo nên bằng cách thêm một số thành phần phụ gia có tính axit như giấm, nước chanh, axit citric hoặc axit axetic vào quá trình tách kem khỏi sữa.
Phô mai Mascarpone mềm mịn, có màu trắng. Bạn có thể dùng Mascarpone để ăn trực tiếp với những món tráng miệng, hoa quả, làm cheesecake không cần nướng, thêm vào súp, tiramisu,…
Ricotta
Ricotta cheese là một loại phô mai có nguồn gốc từ nước Ý, đây là một loại phô mai tươi, có hương vị không quá ngấy hay quá béo như nhiều loại phô mai khác.
Bạn có thể thực hiện làm Ricotta cheese tại nhà với các nguyên liệu như sữa tươi không đường, whipping cream, muối tinh và nước cốt chanh vàng để qua một đêm là có thể đông lại thành miếng phô mai thơm béo.Phô mai Ricotta được dùng như một món ăn kèm với trái cây, bánh quy hay dùng làm gia vị cho món mì Ý.
Emmental
Được làm từ sữa bò, có màu vàng nhạt, vị chua nhẹ rất dễ ăn, hơi mềm dẻo, khi nấu dễ tan. Hiện nay, phô mai Emmental có hình dáng các lát vuông mỏng để ăn kèm với hamburger, sandwich.
Blue Cheese
Là loại phô mai có những đốm màu xanh lam, đôi khi là xanh xám hoặc xanh pha màu lam trong miếng phô mai. Blue cheese thích hợp dùng để ăn kèm với hoa quả, crackers (1 loại bánh quy giòn) hoặc rượu vang.
Brie Cheese
Chất lượng của loại phô mai này tùy thuộc vào nguồn sữa và nơi làm. Phô mai brie cheese có mùi vị nồng nàn khi đã ủ đạt đến tuổi và bị co lại, bị khô. Có thể ăn trực tiếp hoặc dùng kèm với trái cây hoặc bánh mì để tăng hương vị.
Edam Cheese
Edam là tên gọi một loại phô mai của Hà Lan bắt nguồn từ vùng Edam. Đây là loại phô mai có hình dáng đặt biệt: hình dạng quả cầu hoặc hình trụ tròn, phần thịt có màu vàng nhạt và được bọc bên ngoài bởi lớp vỏ màu đỏ. Edam cheese dễ tan, dễ thái mỏng nên được dùng làm topping cho bánh sandwich, burger.
Parmesan Cheese
Phô mai Parmesan có tên gọi đầy đủ là Cheese Parmigiano-Reggiano, đây là một loại phô mai được sản xuất nhiều tại các tỉnh Parma, Reggio Emilia, Bologna, Modena và Mantua của nước Ý. Do đó, phô mai Parmesan cũng được người dân Ý sử dụng nhiều trong các món ăn như pasta, spaghetti.
Parmesan là loại phô mai cứng, được làm từ sữa bò và phải mất tối thiểu 1 năm, thường ủ từ 2 đến 3 năm thì phô mai sẽ đạt độ “chín”. Khi ăn, Parmesan thường phải được bào vụn, bào sợi, thái lát hoặc cắt thành vụn nhỏ. Nên dùng loại Parmesan nguyên khối sẽ giữ được hương vị tốt hơn là mua loại bào vụn sẵn.
3 Cách bảo quản phô mai
Đối với phô mai tươi
Bạn nên gói phô mai tươi trong bao bì, hộp đựng thực phẩm đậy kín nắp, túi hút chân không để hạn chế tiếp xúc không khí, rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh. Cách này có thể bảo quản phô mai được từ 4 – 10 ngày.
Đối với phô mai cứng và bán cứng
Đối với phô mai cứng và bán cứng bạn nên bảo quản bằng cách bọc chặt bên ngoài bằng giấy chuyên dụng để gói phô mai hoặc giấy sáp không thấm nước. Sau đó dán kín miệng bằng băng keo hay cột chun để tránh tiếp xúc không khí.
Nhiệt độ lý tưởng để bảo quản loại phô mai này là ở mức khoảng 6 độ C.
4 Các câu hỏi thường gặp về phô mai
Phô mai bao nhiêu calo? Có béo không?
Thông thường, trong 100g phô mai sẽ chứa đến 402 calo, tuy nhiên lượng calo này cũng còn tùy thuộc vào từng loại phô mai khác nhau. Chẳng hạn, đối với phô mai con bò cười thì 15g chứa khoảng 67 calo, còn phô mai mozzarella 100g chứa khoảng 280 calo.
Về cơ bản, nếu chỉ ăn một miếng phô mai khoảng 15g sẽ không ảnh hưởng nhiều tới lượng calo trong ngày hay cân nặng. Tuy nhiên, trên thực tế đa số mọi người thường ít quan tâm đến việc sử dụng liều lượng phô mai như thế nào để đảm bảo khoa học, nên việc ăn quá nhiều phô mai, nạp nhiều calo có thể gây béo.
Phô mai có thể cấp đông được hay không?
Phô mai và kem phô mai đều có thể đông lạnh, tuy nhiên về lâu dài thì chất lượng thực phẩm đều bị ảnh hưởng sau khi rã đông. Các loại phô mai được cắt nhỏ đóng gói như mozzarella rất tốt cho việc lưu trữ trong tủ đông, nhưng đối với phô mai tươi Queso Fresco và Paneer, phô mai mềm như Brie thì chất lượng phô mai không còn đảm bảo tốt sau khi rã đông.
Trên đây là tất tần tật về 10 loại phô mai ngon nhất, cách sử dụng và bảo quản cũng như giá trị dinh dưỡng mà phô mai mang lại cho sức khỏe con người do Bách hóa XANH tổng hợp được. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn.
Với những chia sẻ trên, hy vọng bạn sẽ có thêm kiến thức để chọn được loại phô mai phù hợp với các món ăn cho gia đình bạn nhé.
Kinh nghiệm hay Bách Hóa XANH