Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây và gây thành dịch qua đường hô hấp, hay tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch rỉ mắt của người bệnh. Do đó mọi người cần phải nắm rõ bệnh đau mắt đỏ là gì để có những phương pháp điều trị và phòng tránh thích hợp.
1. Bệnh đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ hay viêm kết mạc là tình trạng nhiễm trùng mắt thường gặp. Bệnh do vi khuẩn hoặc virus hay do phản ứng dị ứng gây ra với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột (cấp tính), lúc đầu ở một mắt và sau đó lây sang mắt còn lại.
Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan ra cộng đồng qua đường hô hấp hay tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch rỉ mắt của người bệnh. Bệnh dễ gây thành dịch và một người có thể bị đau mắt đỏ nhiều lần, do đó cần phải giữ vệ sinh thật tốt để kiểm soát tránh lây lan bệnh cho mình và những người xung quanh.
Đau mắt đỏ là bệnh gặp phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa. Vì đau mắt đỏ có nguy cơ lây nhiễm cao trong vòng 2 tuần từ khi bị bệnh nên việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng. Thời gian ủ bệnh đau mắt đỏ thường từ 5-10 ngày.
2. Nguyên nhân đau mắt đỏ
Nguyên nhân bệnh đau mắt đỏ là gì được rất nhiều người quan tâm tìm hiểu. Trên thực tế, đau mắt đỏ có 3 nguyên nhân, do virus, vi khuẩn và dị ứng.
– Virus là nguyên nhân thường gặp nhất của đau mắt đỏ. Đau mắt đỏ do virus rất dễ lây lan, bệnh thường lây do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Thông thường bệnh sẽ tự khỏi trong 1 tuần mà không cần điều trị.
– Vi khuẩn cũng là nguyên nhân gây đau mắt đỏ đứng thứ 2 sau virus. Vi khuẩn gây viêm kết mạc thường gặp là Staphylococus, Hemophilus Influenza… Khác với virus, đau mắt đỏ do vi khuẩn có thể gây ra những tổn thương nặng nếu không được điều trị. Bệnh cũng rất dễ lây lan.
– Đau mắt đỏ do dị ứng thường xảy ra theo mùa (viêm kết mạc mùa xuân) hay do tiếp xúc với các nguyên nhân gây dị ứng (phấn hoa, lông chó mèo, bụi…). Bệnh tùy cơ địa từng người và sẽ khỏi khi ngưng tiếp xúc với nguyên nhân gây bệnh.
3. Triệu chứng
Triệu chứng đau mắt đỏ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Thường triệu chứng sẽ phát sau khi ủ bệnh từ 3-5 ngày.
Triệu chứng đau mắt đỏ do virus:
– Cộm xốn, chảy nước mắt nhiều, đổ ghèn liên tục
– Phù mi kết mạc, giả mạc.
– Thâm nhiễm giác mạc, nhạy cảm với ánh sáng, thị lực suy giảm.
– Có thể bị một hoặc cả hai mắt
Triệu chứng đau mắt đỏ do vi khuẩn:
– Buổi sáng thức dậy có ghèn màu vàng hoặc xanh nhạt dính giữa 2 mi mắt
– Chảy nước mắt, ngứa mắt khó chịu
– Trong trường hợp biến chứng có thể gây viêm loét giác mạc, suy giảm thị lực nghiêm trọng
– Có thể bị một hoặc cả hai mắt
Triệu chứng đau mắt đỏ do dị ứng:
– Chảy nước mắt, ngứa mắt nhiều, thường kèm theo viêm mũi dị ứng.
– Bệnh xảy ra cả hai mắt.
– Bệnh không lây
4. Biến chứng của bệnh đau mắt đỏ
Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, việc chữa trị chỉ có tác dụng hỗ trợ giúp bệnh nhân nhanh khỏi, giảm triệu chứng. Cần lưu ý nếu không được điều trị kịp thời, điều trị đúng chỉ định, đau mắt đỏ có thể gây nhiều biến chứng như viêm giác mạc. Nếu thời gian điều trị dài ngày sẽ dẫn tới suy giảm thị lực sau này.
Ngoài ra, bệnh cũng sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu bệnh nhân tự ý dùng thuốc như gây giảm thị lực, sẹo giác mạc, nhất là thuốc chứa corticoid, nhiều bệnh nhân tự ý mua về sử dụng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí mù lòa.
5. Điều trị
Khi bị đau mắt đỏ, nhiều người thường tự ý sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ. Điều này hoàn toàn sai lầm, vì từng loại đau mắt đỏ khác nhau phải được sử dụng từng loại thuốc đặc trị khác nhau. Dưới đây là phương pháp điều trị cho từng nguyên nhân gây bệnh:
Điều trị đau mắt đỏ do dị ứng:
Hầu hết trường hợp đau mắt đỏ dị ứng đều do người bệnh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như khói bụi, lông chó mèo, phấn hoa… Phương pháp tốt nhất để điều trị đau mắt đỏ do dị ứng là ngưng tiếp xúc với chất gây dị ứng. Nếu như bệnh nhân không biết tác nhân nào gây dị ứng có thể đến các bác sĩ chuyên khoa mắt để kiểm tra.
Một số thường hợp nặng hơn bạn có thể được yêu cầu sử dụng histamine hay thuốc chống viêm. Trong một số trường hợp đặc biệt, bạn có thể được tiêm ngừa dị ứng. Ngoài ra bạn có thể chườm khăn ấm để giảm bớt sự khó chịu.
Sử dụng nước mắt nhân tạo giúp tẩy rửa chất gây dị ứng ở mắt. Bên cạnh đó, một số loại thuốc nhỏ mắt theo toa khác cũng có thể điều trị viêm kết mạc dị ứng. Một số thuốc dùng liên tục trong ngày, một số loại khác chỉ sử dụng khi cảm thấy khó chịu. Khi sử dụng thuốc nhỏ mắt, mới đầu có thể cảm thấy nóng rát khó chịu, tuy nhiên tình trạng sẽ nhẹ dần sau một vài phút.
Một số thuốc nhỏ mắt có thể gây ra tác dụng phụ. Vì thế đề biết có thể sử dụng loại thuốc nào và tác dụng phụ từng loại bạn nên đến khám tại các cơ sở mắt chuyên khoa.
Điều trị đau mắt đỏ do virus:
Virus là nguyên nhân lớn nhất gây bệnh đau mắt đỏ. Bệnh thường xảy ra ở những vùng ẩm thấp hoặc những người có sức đề kháng kém. Tùy từng loại virus mà thời gian ủ bệnh kéo dài từ 24h đến 4 ngày. Trong cùng một năm, cùng một người có thể nhiễm nhiều loại virus khác nhau gây đau mắt đỏ.
Đau mắt đỏ do virus có thể tự khỏi sau 1-2 tuần. Cách chữa đau mắt đỏ do virut là nhỏ thuốc nước hoặc tra thuốc mỡ kháng sinh. Người bệnh có thể tự chườm lạnh để giảm triệu chứng phù nề, rửa mặt bằng nước lạnh và sạch và nhỏ nước mắt nhân tạo.
Điều trị đau mắt đỏ do vi khuẩn:
Đau mắt đỏ do vi khuẩn là tình trạng nguy hiểm nhất của đau mắt đỏ, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là phương pháp điều trị trong trường hợp này:
– Sử dụng các loại thuốc không kê đơn như nước muối sinh lý, nhỏ 2 giọt một lần, giúp làm mềm ghèn bám trên mắt, nên nhỏ 2 giờ một lần.
– Ngoài ra nên dùng thêm các loại thuốc tăng cường sức đề kháng như vitamin A + D, vitamin C…
– Các loại thuốc do bác sĩ kê đơn bao gồm thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh như cloramphenicol, tobramycin, neomycin… Mỗi ngày nhỏ 4-6 lần giúp ngăn ngừa viêm loét giác mạc. Thuốc nhỏ mắt chứa corticoid như dexamethason, fluoromethason giúp giảm viêm, giảm tiết ghèn. Không được dùng quá 10 ngày, không được dùng khi đang bị loét giác mạc.
– Bên cạnh đó, người bệnh nên sử dụng nước mắt nhân tạo nhỏ hàng ngày giúp tránh tình trạng khô mắt. Trường hợp viêm kết mạc nặng mỗi ngày phải tra thường xuyên 5-6 lần. Chỉ dùng khi thấy khô mắt, không dùng liên tục nhiều ngày.
Khi bị đau mắt đỏ do vi khuẩn, hãy đến ngay các bệnh viện mắt chuyên khoa để bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh và đưa ra phác đồ điều trị hợp lý.
* Những điều cần tránh khi đang điều trị bệnh đau mắt đỏ là gì?
Khi đang mắc đau mắt đỏ, bệnh nhân cần lưu ý tránh thực hiện những việc sau:
– Không đắp các loại lá vào mắt như là trầu, lá dâu…
– Không nên đi học hoặc đi làm cho đến khi nào bệnh tình cải thiện; Việc ngăn ngừa bệnh đau mắt đỏ do virus lây lan lại rất quan trọng. Ngoài ra, điều trị bệnh tại nhà sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn. Nếu đau mắt đỏ do vi khuẩn gây ra, người bệnh có thể đi học hoặc làm việc sau khi được điều trị 24 giờ với thuốc kháng sinh và các triệu chứng sau đó sẽ từ từ được cải thiện.
– Đối với bệnh đau mắt đỏ liên quan đến dị ứng, thuốc kháng histamine như Loratadine (Claritin) hoặc Cetirizine (Zyrtec) có thể giúp làm dịu các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, không được dùng thuốc kháng histamine cho trẻ em nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ.
– Không nên sử dụng thuốc được kê toa hoặc toa thuốc cũ cho người khác, vì có thể chúng không phù hợp với tình trạng hiện tại của người bệnh hoặc có thể bị nhiễm các loại bệnh khác gây ra đau mắt đỏ.
– Khi chuẩn bị dùng thuốc nhỏ mắt để điều trị đau mắt đỏ cho trẻ em, cần yêu cầu trẻ nằm xuống nơi bằng phẳng, bảo trẻ khép hờ mắt lại và từ từ nhỏ nước vào góc bên trong mắt bên cạnh sống mũi, và để nước từ từ chảy vào trong mắt trẻ. Khi trẻ mở mắt, thuốc sẽ nhẹ nhàng di chuyển vào các màng nhầy bị nhiễm trùng mà không cần phải nháy mắt liên tục.
– Không sử dụng chung đồ đạc cá nhân với người khác để không mắc bệnh đau mắt đỏ.
6. Chăm sóc bệnh nhân đau mắt đỏ
– Lau rửa ghèn, gỉ mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại. Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn.
– Tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt.
– Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
– Các bước vệ sinh mắt:
Bước 1: Rửa tay sạch.
Bước 2: Chuẩn bị 2 miếng gạc vô khuẩn để dùng cho từng mắt, nước muối sinh lý.
Bước 3: Dùng gạc thấm nước muối sinh lý, lau nhẹ mắt từ trong ra ngoài.
Các bước vệ sinh mắt trên có thể dùng cho cả trẻ em và người lớn. Mỗi ngày nên vệ sinh mắt ít nhất 3 lần vào buổi sáng, trưa và tối.
– Khi có dấu hiệu đau mắt đỏ phải đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.
7. Chế độ ăn uống khi đau mắt đỏ
Chế độ ăn uống khi bị bệnh đau mắt đỏ là gì đã trở thành mối quan tâm lớn của người bệnh do nó góp phần giúp việc điều trị trở nên hiệu quả hơn.
Thực phẩm cần kiêng khi bị bệnh đau mắt đỏ là gì?
Người bị bệnh cần kiêng những thực phẩm có mùi tanh như tôm, cá, ốc… Rau muống cũng không nên ăn vì sẽ sinh ra nhiều ghèn. Các chất kích thích, đồ uống có gas, mỡ động vật không nên sử dụng và bệnh nhân tuyệt đối không được tùy ý sử dụng kháng sinh.
Thực phẩm nên ăn khi bị bệnh đau mắt đỏ là gì?
Người mắc bệnh nên tăng cường ăn những loại thực phẩm như sau:
– Các thực phẩm như cà rốt, rau xanh (trừ rau muống), ớt chuông cam, lòng đỏ trứng.
– Dầu cá.
– Các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa astaxanthin.
– Quả việt quất.
8. Phòng tránh bệnh đau mắt đỏ như thế nào?
Bệnh đau mắt đỏ là một bệnh lành tính và dễ điều trị, tuy nhiên nó có khả năng lây lan rất nhanh. Do đó, bạn nên thực hiện các việc sau đây để phòng tránh bệnh hiệu quả
– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn, tránh dùng chung các vật dụng với người bệnh ví dụ như bao gối, khăn tay, khăn chườm mắt…
– Không sử dụng chung chai thuốc nhỏ mắt với người bệnh.
– Mang kính bảo vệ mắt khi ra ngoài, tiếp xúc với môi trường làm việc ô nhiễm, khói bụi …
– Hạn chế đi bơi khi đang có dịch bệnh. Nếu có đi phải dùng kính bơi để tránh mắt tiếp xúc với nước hồ bơi. Đặc biệt những người dùng kính áp tròng cần tháo ra khi đi bơi để nước hồ bơi không len vào kính gây nên tình trạng viêm và đỏ mắt. Sau khi đi bơi nên rửa mắt bằng dung dịch NaCl 0,9% (nước muối sinh lý) để vệ sinh mắt.
– Tránh để nước bẩn, bụi hoặc các loại hóa chất (dầu gội, sữa tắm…) dính vào mắt
– Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin C từ các loại trái cây
– Hạn chế tiếp xúc tại nơi công cộng, tránh bệnh lây lan. Nên đeo khẩu trang y tế nhất là khi vào mùa dịch.
9. Những câu hỏi thường gặp về bệnh đau mắt đỏ
Bị đau mắt đỏ bao lâu sẽ khỏi hẳn?
Bệnh đau mắt đỏ chữa được nếu như phát hiện sớm và có phương án điều trị hợp lý. Bệnh thường khỏi trong khoảng 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, nếu phát hiện chậm hoặc đưa ra phương án chữa trị không hợp lý có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm như loét giác mạc, viêm giác mạc thậm chí là mù lòa.
Viêm kết mạc có phải là đau mắt đỏ không?
Viêm kết mạc do virus hay dân gian còn gọi là đau mắt đỏ. Bệnh do virus nhóm Adeno gây ra. Virus có thể tồn tại trên bề mặt các đồ dùng, dụng cụ trong vòng 35 ngày, có thể lây qua việc tiếp xúc với nước bọt, gỉ mắt của người bệnh…
Con đường lây bệnh đau mắt đỏ là gì?
– Tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay, đặc biệt nước mắt người bệnh là nơi chứa rất nhiều virus.
– Cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại; đồ vật, đồ dùng cá nhân của nguời bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt… Dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối.
– Sử dụng nguồn nước bị nhiễm mầm bệnh như ao, hồ, bể bơi.
– Thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng.
– Bệnh viện, công sở, lớp học, nơi làm việc, nơi công cộng, trên xe buýt, tàu hỏa, máy bay… những nơi có mật độ người đông, cự ly gần rất dễ lây bệnh.