Vệ sinh vùng kín đúng cách giúp hạn chế vi khuẩn xâm nhập, tránh các nguy cơ viêm nhiễm như nhiễm trùng tử cung, viêm cổ tử cung, viêm âm đạo…
Có nhất thiết phải vệ sinh vùng kín?
Xét về mặt giải phẫu, âm đạo là một bộ phận hình ống bên trong cơ thể, nối từ âm hộ đến cửa tử cung. Trong khi thuật ngữ “âm môn” hay âm hộ, cửa mình, dùng để chỉ các bộ phận bên ngoài âm đạo, như: âm vật, mũ âm vật, môi lớn, môi bé,…
Các vi khuẩn có lợi ở âm đạo tạo ra môi trường acid ngăn chặn sự tấn công của vi khuẩn có hại. Trường Đại học Sản Phụ khoa Mỹ cho biết, bằng cách duy trì độ cân bằng pH lý tưởng cùng các dịch tiết tự nhiên, âm đạo có khả năng tự bảo vệ và làm sạch chính nó.
Việc sử dụng nước hay xà phòng, thuốc xịt, gel để thụt rửa âm đạo đều phá vỡ sự cân bằng tự nhiên, ảnh hưởng tới khả năng tự làm sạch của âm đạo. Dẫn đến viêm âm đạo do vi khuẩn, nhiễm trùng nấm men và các kích ứng khác.
Nữ giới cần lưu ý sử dụng nguồn nước sạch để vệ sinh cô bé, không dùng vòi nước mạnh rửa xối vùng kín, khiến nước đi sâu vào âm đạo. Ngoài ra cần giữ vùng kín luôn thoáng mát, khô ráo và sạch sẽ.
Mùi của vùng kín như thế nào là bình thường?
Âm đạo vẫn luôn có mùi của riêng nó, điều này là hoàn toàn bình thường. Không ai có thể cảm nhận được điều đó trừ khi người đó là “đối tác” và đang ở rất gần vị trí nhạy cảm.
Âm đạo có thể có mùi từ thơm đến hăng, và mùi có thể thay đổi tùy thuộc vào chế độ ăn uống cũng như chu kỳ kinh nguyệt của bạn.
Nếu mùi âm đạo hăng và khó chịu, đó có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý, ví dụ như viêm âm đạo do vi khuẩn, khi đó hãy đến gặp các bác sĩ sản phụ khoa để được chăm sóc y tế đúng cách.
Làm gì khi âm đạo tiết dịch nhiều bất thường?
Việc âm đạo tiết dịch là hoàn toàn bình thường, nếu bạn có lo lắng đôi chút, hãy kiểm tra dịch tiết bằng màu sắc.
Thông thường, dịch âm đạo trong và có màu trắng, là một chất bôi trơn tự nhiên được tiết ra để giữ cho các mô ẩm và khỏe mạnh.
Dịch tiết trong cũng có thể là kết quả của quá trình rụng trứng, là dấu hiệu chứng tỏ âm đạo vẫn đang làm đúng chức năng của nó.
Dịch tiết có thể có màu nâu đỏ trong kỳ kinh nguyệt.
Bạn nên đi khám khi dịch tiết xuất hiện màu xám, xanh hoặc vàng hoặc có những triệu chứng bất thường như ngứa, đau,…
Tác hại của thụt rửa âm đạo
Thụt rửa âm đạo là hành động đưa một dung dịch vào âm đạo với mục đích làm sạch. Điều này vừa không hiệu quả vừa không an toàn.
Hành động này có thể gây kích ứng và giết chết vi khuẩn có lợi trong âm đạo, khiến âm đạo dễ bị nhiễm trùng.
Trường Đại học Sản Phụ khoa Mỹ đã chứng minh các bệnh lây truyền qua đường tình dục và quá trình sinh nở có một số biến chứng nhất định liên quan đến việc thụt rửa âm đạo. Theo một nghiên cứu năm 2008 về sức khỏe âm đạo trên 2561 phụ nữ, những người thụt rửa âm đạo thường xuyên trước khi mang thai có nguy cơ sinh non cao hơn. Tương tự, theo một nghiên cứu năm 2016, việc thụt rửa thường xuyên cũng làm gia tăng khả năng bị nhiễm virus HPV.
Tóm lại, việc thụt rửa không giúp ích cho sức khỏe sinh sản mà còn gây hại thêm.
Vệ sinh vùng kín như thế nào là đúng cách?
Bạn nên dùng nước ấm, sạch để vệ sinh vùng kín.
Theo Mayo Clinic, bạn không cần sử dụng xà phòng để vệ sinh âm hộ. Nhưng nếu bạn muốn, hãy chọn loại không màu, không mùi và dịu nhẹ để không gây kích ứng da, tránh để nước và xà phòng đi vào âm đạo. Các loại xà phòng hương liệu có thể gây kích ứng cho vùng da nhạy cảm trong và xung quanh âm hộ.
Nên rửa “từ trước ra sau”, rửa âm hộ trước rồi đến hậu môn, nếu không, vi khuẩn từ hậu môn có thể lây sang âm đạo và gây nhiễm trùng.
Trong quá trình giao hợp, vi trùng có thể tiếp xúc với đường tiết niệu của bạn – một lỗ nhỏ nằm trên lỗ âm đạo. Đi tiểu sau khi quan hệ vừa có thể đẩy bất cứ vi trùng nào ra ngoài đường tiết niệu vừa giảm nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiểu. Tuy bệnh có thể điều trị khỏi nhưng sẽ gây nhiều đau đớn cho người bệnh.
Nylon và các loại sợi tổng hợp khác sẽ gây kích ứng cho âm hộ. Nhưng chất liệu cotton vừa nhẹ nhàng vừa thoải mái cho cô bé, đồng thời cũng khoáng khí, không bị bí bách khó chịu.
Môi trường ẩm ướt, nóng ẩm là những điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn có hại sinh sôi. Để ngăn chúng phát triển quá mức và lây nhiễm sang âm đạo, hãy thay đồ tắm, đồ thể dục ướt đẫm mồ hôi càng sớm càng tốt.
Hãy đến gặp các bác sĩ sản phụ khoa để được chăm sóc y tế khi bạn gặp phải các trường hợp sau:
-
Bị đau sau khi đi tiểu, quan hệ tình dục hoặc thủ dâm.
-
Âm đạo có mùi hôi khó chịu.
-
Mụn nước, vết loét hoặc mụn cóc xung quanh bộ phận sinh dục.
-
Dịch tiết âm đạo có màu xám, xanh hoặc vàng.
-
Dịch tiết đặc, quánh như phomat.
-
Ngứa âm đạo dai dẳng.
-
Chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân.
Ngoài ra, bạn nên đi khám phụ khoa định kỳ hoặc khi có những thắc mắc khác liên quan đến vấn đề sức khỏe sinh sản, cũng như làm những xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung.