Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Phạm Thị Hiền – Bác sĩ Răng – Hàm – Mặt – Bác sĩ Răng – Hàm – Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Viêm loét miệng hay áp-tơ miệng là tổn thương loét đau ở miệng với vết loét nhỏ dưới 1cm, hình bầu dục hoặc tròn có bờ màu đỏ. Việc điều trị loét áp-tơ vì chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh nên chủ yếu là điều trị triệu chứng nhằm giảm số lượng và kích thước của vết loét, giảm đau, giảm thời gian lành vết thương, giảm khả năng tái phát.
1. Thuốc bôi tại chỗ và súc miệng
Một số thuốc có bản chất là thuốc tê có thể được chỉ định dùng tại vết loét dưới dạng gel, thuốc bôi dạng dầu hoặc dung dịch. Có thể sử dụng một số thuốc điều trị loét áp tơ sau đây:
- Nitrate bạc: bôi trực tiếp lên tổn thương
- Thuốc làm bớt đau ngay sau khi bôi và lành thương tổn trong vòng 3-5 ngày
- Kem bôi trong thành phần có triamcinolone acetonide, hoặc amlexanox (aphthasol)
- Gel 2% lidocaine dùng bôi chỗ loét cũng cho tác dụng tốt
- Debacterol là phức hợp phenol sulfonate với sulfuric acid có tác dụng tương tự nitrate bạc.
Đây là một hình thức đốt tiêu hủy vết viêm loét miệng bằng hóa chất. Cảm giác đau hầu như giảm ngay và vết thương sẽ lành sau 3 – 5 ngày. Thuốc bán theo toa và chỉ được dùng bởi nha sĩ hoặc bác sĩ; chlorhexidine (cyteal, eludril): dung dịch súc miệng sát khuẩn giúp mau lành loét.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần súc miệng bằng nước muối sinh lý 0,9%, không nên súc miệng với nước muối tự pha quá mặn sẽ tăng kích thích đau nhiều hơn. Trong trường hợp bệnh nhân bị viêm loét miệng thường xuyên, súc miệng bằng dung dịch chlohexidine 0,12% cũng là một biện pháp phòng bệnh có hiệu quả, đồng thời giúp ngăn ngừa bội nhiễm trong quá trình lành vết thương. Dung dịch tetracycline (achromycin, panmycin, sumycin, tetracap) dùng súc miệng có thể giúp giảm đau và lành loét nhanh chóng. Tuy nhiên, thuốc điều trị loét áp tơ không giúp ngăn ngừa tái phát. Khi dùng quá 5 ngày, thuốc có thể gây kích ứng và tạo điều kiện cho nấm phát triển.
Lưu ý: Khi dùng thuốc bôi viêm loét miệng, nên bôi thuốc vào trước các bữa ăn khoảng 1 giờ để vừa có tác dụng kháng viêm mà vừa có tác dụng giảm đau, bôi trước khi đi ngủ buổi tối 1-2 giờ để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất.
2. Thuốc uống
Thuốc điều trị loét áp tơ dùng đường uống điều trị bệnh này thường là colchicine 0,6mg; prednisone.
Bạn cần uống thêm sắt và bổ sung vitamin PP, vitamin B12, vitamin C, acid folic hoặc vitamin tổng hợp trong thời gian ngắn để nâng cao thể trạng và thúc đẩy vết loét nhanh lành.
Trong trường hợp có bội nhiễm, bác sĩ sẽ chỉ định cho dùng kháng sinh. Kháng sinh biseptol (cotrimoxazol) có hoạt chất sunfamethoxazol và trimethoprim có tác dụng tốt cho điều trị bệnh viêm loét miệng áp tơ. Trường hợp có vết loét áp tơ to và tồn tại dai dẳng gần như thường xuyên ở trong má, phải kết hợp uống thêm kháng sinh đặc hiệu vùng răng miệng là spiramycin và metronidazol.
Nếu có bội nhiễm nấm tại chỗ thì cần uống thêm thuốc kháng nấm (kết hợp bôi thì càng tốt) như fluconazol, itraconazol hoặc nistatin.
Đối với trường hợp bệnh viêm loét miệng nặng, bác sĩ có thể xem xét cho dùng corticosteroid đường uống sau khi cân nhắc giữa lợi ích và tác hại. Tác dụng phụ của thuốc bao gồm tăng cân, suy giảm miễn dịch, xương giòn dễ gãy, tăng tiết acid dẫn đến loét dạ dày…
Tuy không thể chữa khỏi hẳn, nhưng điều trị có thể giúp giảm bớt triệu chứng, rút ngắn thời gian tiến triển của bệnh, giảm khả năng tái phát và kéo dài thời gian lành bệnh, giúp người bệnh ăn uống, ngủ tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Đối với người bị viêm loét miệng lần đầu, nên đi khám để xác định chẩn đoán, loại trừ các bệnh nguy hiểm khác có triệu chứng giống loét áp-tơ. Những bệnh nhân tái phát nhiều lần, cần trao đổi với bác sĩ.
Lưu ý: khi dùng thuốc bôi, nên bôi thuốc điều trị loét áp – tơ vào trước các bữa ăn khoảng 1 giờ để vừa có tác dụng kháng viêm mà vừa có tác dụng giảm đau, bôi trước khi đi ngủ buổi tối 1-2 giờ, không nên bôi thuốc điều trị loét áp – tơ gần đi ngủ tối, vì khi ngủ không nuốt nước bọt, chính nước bọt tạo màng rất dày, màng này ngăn cản thuốc bám vào chỗ viêm loét áp – tơ làm cho thuốc mất tác dụng.
3. Làm gì để phòng bệnh viêm loét áp- tơ?
Nên khám răng, miệng định kỳ để phát hiện và điều trị dứt điểm các tổn thương do răng gây ra.
- Tránh ăn uống các loại thức ăn có tính chất kích thích tại chỗ như: các loại mắm, tiêu, ớt, gia vị cay; các loại thức uống có cồn, cafein, …
- Tránh chấn thương dù rất nhẹ ở miệng như cẩn thận khi dùng bàn chải đánh răng, khi ăn các loại thức ăn cứng.
- Tránh thức khuya, đảm bảo ngủ đủ giấc, lao động vừa sức, nghỉ ngơi hợp lý tránh mệt kéo dài dễ tái phát bệnh.
- Nên súc miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày để phòng nhiễm nấm và vi khuẩn.
- Không dùng các loại kem đánh răng có chứa sodium lauryl sulfate nếu thường xuyên bị viêm loét áp-tơ.
- Khám và điều trị chỉnh hình các bề mặt răng không đều. Bổ sung các chất sắt, folic acid hoặc vitamin B12 nếu bị thiếu.
- Trong trường hợp bạn bị viêm loét miệng thường xuyên, súc miệng bằng dung dịch chlohexidine 0,12% cũng là 1 biện pháp phòng bệnh có hiệu quả, đồng thời giúp ngăn ngừa bội nhiễm trong quá trình lành vết thương. Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng nâng cao thể trạng, uống vitamin tổng hợp, cũng giúp phòng tái phát bệnh.
Muốn phòng tránh bệnh viêm loét áp tơ nặng, bạn cần đi bệnh viện khám bệnh khi thấy các dấu hiệu sau đây: bị viêm loét miệng lần đầu tiên; đau ngày càng nhiều; bạn có tiêu chảy vì có thể bị mắc bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng; có những ổ loét ở vị trí khác ngoài miệng; vết loét kéo dài trên 3 tuần.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!