Nỗi sợ có lúc là điều gì đó cụ thể, nhưng đôi khi lại là một thứ gì đó rất mơ hồ khó lý giải. Nó gây ra cho cuộc sống của chúng ta rất nhiều phiền phức; nhưng lại không dễ mà trừ bỏ nó đi. Vậy rốt cuộc nỗi sợ hãi là gì?
Nỗi sợ hãi là gì?
Nỗi sợ hãi hay sợ là một thứ cảm xúc xuất hiện khi một người nào đó cảm thấy bị đe dọa. Đây hay còn gọi là khả năng nhận ra sự nguy hiểm và muốn trốn chạy hay đối đầu với các mối đe dọa đó.
Nỗi sợ hãi nó có cấp độ lớn hơn nhiều so với lo lắng; nó làm chúng ta mất bình tĩnh và tạo ra rất nhiều phiền toái cho cuộc sống.
Trên thế giới này, dù là ai thì cũng đều có nỗi sợ hãi của riêng mình. Nguồn gốc trực tiếp của nỗi sợ hãi là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, mạng sống của bạn.
Nỗi sợ hãi thường biểu hiện bằng các cảm xúc bao gồm: Tim đập nhanh, khó thở, chóng mặt, ra mồ hôi; hồi hộp, lo lắng quá mức, muốn giải thoát; cảm thấy lạc lõng; có thể bị kiệt sức hay bất lực trước nỗi sợ hãi; thậm chí cả khi bạn biết điều đó hoàn toàn phi lý.
Câu chuyện về nỗi lo sợ không tên
Chuyện kể rằng, một người nọ sau khi từ giã cõi đời và được về bên Thượng Đế. Anh mạo muội xin phép Thượng Đế cho anh được sống lại một vài giai đoạn trong đời anh. Thượng Đế hiểu rõ tâm ý của anh nên đã đồng ý. Anh xin tiếp:
“Thưa Ngài, sau mỗi quãng đời, xin cho con được dừng lại và về gặp Ngài để hỏi một vài thắc mắc có được không?” Thượng Đế cũng tỏ vẻ vui lòng ưng thuận. Vậy là người này trở lại kiếp người.
Nỗi sợ sẽ luôn đeo bám nếu chúng ta không tìm cách trừ bỏ nó tận gốc (ảnh Istock Photo)
Anh làm lại một cậu học trò với bao bận rộn của việc học hành; nhưng cũng không ít vui chơi hồn nhiên giải trí. Nhưng khi phải vượt qua những kỳ thi thì cậu học trò lại tỏ ra lo sợ. Cậu lo sợ bị thi rớt, sợ bị điểm thấp; sợ bị chúng bạn chê cười… Cậu xin dừng cuộc đời lại đó và đi hỏi Thượng Đế: “Thưa Ngài, tại sao con phải lo sợ những chuyện thi cử?”
“Con lo sợ chúng vì con đã nhìn cuộc đời của con như thể chỉ có chuyện thi cử mà quên đi những chuyện khác xung quanh con,” Thượng Đế trả lời.
Nỗi sợ hãi vẫn luôn thường trực
Anh trở lại dương thế và tiếp tục làm người. Giai đoạn này, anh có người yêu, lập gia đình, có con; và dường như anh đã vượt qua những nỗi lo sợ của thời thơ ấu. Thế nhưng, anh vẫn lo sợ. Anh sợ vợ anh phản bội; con anh không đủ sức khỏe; công việc làm ăn không ổn định. Anh dừng cuộc đời lại và đi hỏi thượng đế: “Thưa Ngài, dù biết rằng con đã không nhìn cuộc đời như trước đây nữa; nhưng sao con vẫn lo sợ?”
Thượng Đế đáp: “Con lo sợ vì con muốn sở hữu chúng vĩnh viễn; con không muốn bị mất chúng. Con nên nhớ, điều gì con càng muốn nắm giữ, thì con càng lo sợ chúng bị mất đi.”
Trở lại cuộc sống dương thế lần thứ ba; giờ đây ở tuổi cao niên, sau bao tháng ngày sợ hãi, lo lắng, ông già trông bình an và chấp nhận hơn. Ông không lo sợ bị mất vợ và lo lắng cho con cái như trước đây. Nhưng trong tâm thức ông, một nỗi lo âu, sợ hãi vẫn ám ảnh ông.
Nỗi lo sợ của ông không còn là nỗi lo liên quan đến “cơm áo, gạo tiền” như trước đây; nhưng ông lại sợ bị lãng quên những công trạng của thời trai trẻ; ông lo những thành quả ông góp cho đời sẽ bị mất dấu tích. Kỳ lạ thay, ông lại lo không còn được cảm nếm những nỗi lo sợ của thời học trò, của thời thiếu niên; của người thanh niên mà ông đã trải qua.
Trở về với hiện tại, mọi thứ sẽ tự bình an (ảnh Istock Photo)
Hãy sống với hiện tại
Ông quá tò mò nên quay về hỏi Thượng Đế: “Thưa Ngài, tại sao những điều lúc trước làm con lo sợ, thì bây giờ con lại sợ không còn được cảm nếm những nỗi sợ ấy nữa?”
Thượng Đế đáp: “Con yêu! Chừng nào con còn sống trong quá khứ, muốn quay trở lại quá khứ; và chừng nào con còn lo nghĩ về tương lai, muốn làm chủ lấy tương lai, thì con còn sống trong sợ hãi. Cha không có quá khứ, Cha không có tương lai. Cha chỉ có hiện tại. Nơi nào không có hiện tại, nơi đó không có bình an.”
Một số cách để vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân
Nỗi sợ hãi có lớn đến đâu thì cũng có lúc phải chấm dứt
Rất nhiều nỗi sợ đều đến từ trí tưởng tượng của chúng ta (ảnh Istock Photo)
Không có nỗi sợ hãi nào là mãi mãi; dù cho nó có khủng khiếp đến đâu. Cho nên bạn không nên có suy nghĩ bỏ cuộc trong cuộc chiến chống lại nó. Đôi khi nỗi sợ ập đến với sức mạnh khủng khiếp; dường như muốn cuốn trôi tất cả, muốn hủy diệt bạn. Nhưng sau cơn mưa trời lại sáng, bạn chỉ cần cố gắng chịu đựng một chút rồi mọi thứ lại yên bình trở lại; đừng quá tuyệt vọng mà làm những việc không đúng đắn.
Nhìn sâu vào nỗi sợ
Thông thường, nỗi sợ được biết đến như một khái niệm rất chung chung. Nếu xem xét nỗi sợ đó, chúng ta có thể khám phá ra rằng có những nỗi sợ khác ẩn đằng sau; đây chính xác là những điều bạn lo ngại.
Lấy ví dụ, chúng ta có thể sợ bị thất bại, nhưng thất bại thường gắn liền với các khái niệm khác như lòng tự trọng chẳng hạn. Hãy tập đối thoại với chính mình; thô lỗ hoặc nhẹ nhàng đều được; miễn là bạn thấy thoải mái nhất. Sự thật là bạn càng nói nhiều với chúng (nỗi sợ), bạn càng thấy chúng thật sáo rỗng và rồi chẳng có lý do gì để bị kiểm soát cả.
Đối diện với nỗi sợ hãi là cách nhanh nhất để có thể thoát khỏi nó (ảnh Istock Photo)
Thách thức những tiếng nói tiêu cực từ nội tâm
Khi tâm trí bị sự sợ hãi ngự trị, chúng ta thường hướng đến những suy nghĩ tiêu cực. Bạn nên đặt tình huống giả định cho bản thân để hiểu hơn về sự lo lắng như: Điều xấu nhất sẽ xảy ra là gì? Hoặc nếu tình huống không xấu như mình nghĩ thì sao? Những giá trị và ý nghĩa thu lại được là gì? Nếu giá trị thu lại cho bản thân đủ lớn, tại sao không lao ra phía trước để thử? V.v. Có như vậy, bạn mới không bị cuốn theo những suy nghĩ tiêu cực.
Hình thành thói quen của lòng dũng cảm
Mark Twain đã nói: “Lòng dũng cảm được định nghĩa là đối mặt và làm chủ sự sợ hãi chứ không phải là né tránh chúng”. Sự sợ hãi có thể ngăn cản chúng ta khỏi ước mơ và hoài bão. Chính vì vậy, việc để bản thân chấp nhận càng nhiều thử thách; vượt qua càng nhiều nỗi sợ là cách xây dựng thói quen này. Dũng cảm đi kèm với sự sợ hãi, nếu không nó đã không được gọi là dũng cảm. Suy cho cùng, nếu ta không cung cấp năng lượng cho sự sợ hãi, nó sẽ không thể tồn tại.