Mới đây, Đại học Ngoại thương đã công bố điểm sàn trúng tuyển của tất cả các ngành/nhóm ngành đào tạo theo 2 phương thức tuyển sinh 3 và 4.
Theo đó, Trường Đại học Ngoại thương công bố ngưỡng điểm sàn xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với phương thức 3 (Xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022) và phương thức 4 (Xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT 2022).
Đối với phương thức 3, trường Đại học Ngoại thương yêu cầu thí sinh có tổng điểm bài thi 2 bài thi Toán và 1 trong các môn Lí, Hóa, Văn phải đạt ngưỡng điểm sàn xét tuyển. Thí sinh được yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 6,5 trở lên, TOEFL iBT từ 79 điểm trở lên, chứng chỉ Cambridge từ 176 điểm trở lên hoặc giải ba quốc gia môn tiếng Anh trở lên.
Năm 2022, Chương trình tiên tiến Kinh tế Đối ngoại của Đại học Ngoại thương có ngưỡng điểm sàn cao nhất để nhận hồ sơ xét tuyển là 17 điểm. Các chương trình Chất lượng cao Ngôn ngữ thương mại có điểm sàn phương thức 3 thấp nhất là 16 điểm và bắt buộc yêu cầu kết quả 2 bài thi là Toán và Văn.
Cụ thể như sau:
Đối với phương thức 4, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển của Đại học Ngoại thương được công bố với 8 khối thi cho 3 cơ sở.
Tại trụ sở chính Hà Nội, Đại học Ngoại thương công bố mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 các tổ hợp xét tuyển: A00, A01, D01, D02, D03, D04, D06, D07 thấp nhất là 23,50 điểm.
Tại cơ sở II TP. Hồ Chí Minh nhận hồ sơ xét tuyển năm tổ hợp: A00, A01, D01, D06, D07, thí sinh cũng phải đạt tối thiểu 23,50 điểm mới đủ điều kiện xét tuyển. Riêng bốn tổ hợp: A00, A01, D01, D07 tại cơ sở Quảng Ninh, thí sinh cần đạt tối thiểu 20 điểm để đủ điều kiện xét tuyển.
Năm 2022, trường Đại học Ngoại thương giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh. Năm ngoái, điểm chuẩn cao nhất của Đại học Ngoại thương là ngành Kinh tế Đối ngoại với 28,8 điểm.
Trước đó, ngày 21/7, trường Đại học Ngoại thương công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm của ba phương thức, gồm xét học bạ (chỉ áp dụng với ba nhóm thí sinh: tham gia kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt giải ba trở lên kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố; là học sinh trường chuyên); xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với học bạ hoặc SAT, ACT; xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực.
Các ngành tại trụ sở chính Hà Nội lấy điểm chuẩn cao nhất, đều từ 24 trở lên, trong đó phổ biến mức 26-28. Bảy chương trình (Hà Nội 5, TP. Hồ Chí Minh 2) lấy điểm chuẩn 30-30,5; đều áp dụng với thí sinh xét học bạ và có điểm thưởng giải học sinh giỏi. Ngưỡng trúng tuyển thấp nhất là 24 điểm, rải rác tại một số chương trình như Tiếng Nhật thương mại (trụ sở Hà Nội), Kinh doanh quốc tế, Kế toán – Kiểm toán (cơ sở Quảng Ninh).