Về Bát Tràng nghe chuyện Bác Hồ

Thương hiệu “gốm Bát Tràng” đã trở nên quen thuộc với cả nước. Nhưng có lẽ ít ai biết, Bác Hồ đã từng tới thăm và căn dặn: Bát Tràng phải làm sao trở thành một trong những làng kiểu mẫu của nước Việt Nam mới, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hơn 60 năm qua, những dặn dò của Bác vẫn được nhân dân Bát Tràng ghi nhớ, làm theo.

Thương hiệu “gốm Bát Tràng” đã trở nên quen thuộc với cả nước. Nhưng có lẽ ít ai biết, sự phát triển của làng gốm Bát Tràng hôm có dấu ấn của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Năm 1959, trong lần về thăm Bát Tràng, Bác Hồ đã căn dặn: Bát Tràng phải làm sao trở thành một trong những làng kiểu mẫu của nước Việt Nam mới, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hơn 60 năm qua, những dặn dò của Bác vẫn được nhân dân Bát Tràng ghi nhớ, làm theo.

Tháng 8-1958, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định đào sông Bắc Hưng Hải nhằm phục vụ tưới tiêu cho 3 tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Ở thời điểm đó, công trình thủy lợi Bắt Hưng Hải là công trình lớn nhất  khu vực. Cửa sông cắt ngang qua làng cổ Bát Tràng, chia đôi xã Quang Minh (chính xã Kim Lan và Bát Tràng bây giờ). Một nửa thôn Bát Tràng phải di chuyển, trong đó có nhiều nhà cửa, lò xưởng từ thời cha ông để lại. 

Vào sáng ngày 20-2-1959, khi người dân Bát Tràng đang tất bật chuẩn bị đón xuân thì được tin Bác Hồ về thăm làng để kiểm tra tình hình bà con ổn định đời sống ra sao. Câu chuyện Bác về thăm làng Bát Tràng như thế nào? Vào nhà ai? Hỏi thăm những gì? Tất cả dường như vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của những người con Bát Tràng. 

Làng mình vinh dự Bác về thăm
Lời Bác căn dặn nhớ 1000 năm
Bác khuyên các cháu luôn cố gắng
Đưa làng hôm sứ nổi tiếng tăm
Bác khuyên các cháu mở đường to
Nghề gốm mai sau phát triển lò
Tương lai gốm sứ nhiều hàng suất
Đường rộng mở rồi chẳng cần lo
Bác vào đầu xóm đúng bữa cơm
Thấy canh cua nấu đậu rán thơm
Bác vui vì viết dần cải thiện
Cuộc sống bây giờ đã khá hơn
Bác đến thăm nhà một cụ lang
Tham quan tìm hiểu thấy ế hàng
Bác mừng vì biết dân không yếu
Sức khỏe dân ta quý hơn vàng.

Đây là bài thơ do bà Phạm Thị Hải viết, những lời thơ này như kể rõ từng bước chân , từng lời dặn dò mà Bác nhắn tới những người con nơi đây. Bác căn dặn: “Bát Tràng là một làng nghề phát triển. Các cô chú phải xây dựng đường sá rộng rãi để xe chở nguyên liệu về làng và chở hàng hoá đi, làng phải có giao thông thuận lợi” và “Làng Bát Tràng mới phải làm sao trở thành một làng kiểu mẫu của nước Việt Nam mới, nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa”. 

Và Bát Tràng bây giờ đã trở thành một làng nghề truyền thống, một thương hiệu độc đáo: “Làng nghề – Làng văn hóa – Làng du lịch Hà Nội – Bát Tràng”. Xã Bát Tràng cũng đã lập bàn thờ Bác Hồ tại nơi Bác dừng chân nói chuyện với dân làng để tỏ lòng ngưỡng vọng, ghi nhớ công ơn của Bác truyền lại cho con cháu muôn đời.

Bà Phạm Thị Kim Oanh một trong những nhân chứng khi Bác Hồ về thăm làng Bát Tràng. Bà vẫn kể lại bằng một giọng rưng rưng đầy tự hào: Bác về thăm làng và có vào cả nhà bà để hỏi thăm gia đình. Dù khi đó bà mới 9 tuổi nhưng những lời dặn dò của Bác chưa khi nào bà quên.

Bà Phạm Thị Kim Oanh – Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội: “Ngày 20/2/59, Bác Hồ lần thứ 2 đã về thăm làng Bát Tràng. Cũng trên mảnh đất này, Bác đứng nói chuyện với nhân dân làng, Bác dặn: Nhân dân làng Bát Tràng xây dựng thành một làng kiểu mẫu, 1 làng của nước Việt Nam mới, nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Từ đó, nhân dân làng Bát Tràng luôn ghi nhớ lời dặn của Bác, không bao giờ quên.”

Tình yêu với nghề gốm như thấm qua da thịt, vào máu, vào huyết quản của những người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Cái hay ở làng nghề truyền thống đấy chính là công việc sẽ được nối tiếp từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ thời cha ông truyền lại cho con cháu. Đây là vợ chồng nghệ nhân Phùng Tiến Đạt, gia đình anh cũng đã gắn bó với ghề làm gốm sứ từ đời ông bà. Và bố mẹ anh Đạt trước đây còn là công nhân xí nghiệp Bát Tràng. Bởi vậy mà tuổi thơ anh Đạt lớn lên bên lò nung, bên cọ vẽ, bên bàn xoay. Cứ như vậy, đến bây giờ gần 50 tuổi, trải qua biết bao thăng trầm của cuộc đời nhưng anh vẫn luôn gắn bó với nghề, luôn giữ lửa trong từng nét bút.

Nghệ nhân Phùng Tiến Đạt: “Ngày trước bố mẹ dạy cho nhiều, ví dụ như làm thế nào, vuốt thế nào, thời trước không có những cái màu mua dễ như bât giờ, trước phải sang tận phố Lò Gạch mới mua được loại ve ngoại để về vẽ tre trúc trên ấm, đốt quá lửa có khi còn mất, còn cái khó khăn nữa đó là mình phải tự chế, đất phải xuống tận vùng Hưng Yên, lấy về để lấy cho bố mẹ làm được cái ấm đỏ. Vinh dự khi được làm nghề gốm này, rất mong rằng Bát Tràng phát triển mạnh hơn…sản phẩm đa dạng đưa đi các nước.” 

Dù không phải sinh ra từ làng nghề Bát Tràng, dù là dâu hay là rể của mảnh đất này, dù đã từng hoặc đang từng làm các công việc khác thì cũng sẽ bị nghề gốm sứ này cuốn hút. Từ nền tảng truyền thống cha ông để lại, những  người con người cháu của của làng nghề Bát Tràng đang góp phần nối dài mạch nguồn văn hóa của dân tộc.

Chị Ngọc Anh – Bát Tràng, Gia Lâm Hà Nội:Tôi mới về làm dâu của Bát Tràng, tôi cũng được thừa hưởng một chút kinh nghiệm của ông bà để lại, và những sản phẩm của tôi đều là những sản phẩm thủ công, đều được vẽ tay hoàn toàn , và tôi mong không chỉ riêng xưởng của tôi mà những xưởng khác đều giữ gìn và phát huy truyền thống ông bà để lại.”

Nghệ nhân Hà Thị Vinh- Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam:Các cụ cho mình một cái nghề kiếm cơm thì mình phải cố gắng, với một tình yêu nghề và được sự giáo dục nề nếp cẩn thận, thành ra tôi quyết lắm, từ nắm than, xéo đất, cái gì cũng làm, mặc dù là tổ trưởng của một tổ sản xuất rồi sau này giám đốc của một công ty nhưng từ việc nhỏ nhất trong nghề thì chúng tôi cũng đều phải tham gia, đều phải làm hết.

Nghệ nhân Phùng Tiến Đạt: “Và kể cả như đời mình, cũng lại truyền tiếp cho các con những gì cha ông để lại, để làm sao mà giữ được mãi mãi, tốt đẹp hơn nữa.”

Từ bao đời nay làng nghề vùng Bắc bộ đã là một phần của di sản văn hoá dân tộc, được lưu truyền, kế thừa qua nhiều thế hệ nghệ nhân. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ nơi đây, ẩn chứa tinh hoa của dân tộc, có giá trị sử dụng và giá trị nghệ thuật cao, mang đặc trưng cho văn hoá và con người Việt. Và những tinh hoa nghề xưa mang văn hoá truyền thống Việt ấy là sức hút để du khách đến với mảnh đất này và  là yếu tố cần thiết để phát triển làng nghề truyền thống ở thời kỳ mới.

Chị Phạm Thùy Linh – Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội: “Trong gia đình của chúng tôi và trong rất nhiều gia đình ở Bát Tràng thì đều có một luật bất thành văn đó là nghề truyền thống với các kĩ thuật được chế tác theo bí kíp riêng sẽ được truyền cho con trai trong gia đình. Và những người phụ nữ sẽ gắn bó với công việc quản lý chung, kinh doanh, lo lắng cho cả gia đình. Mỗi một gia đình sẽ có một bí kíp riêng. Có gia đình thì người cha sẽ nắm bí kíp bài men độc đáo và pha chế theo tỉ lệ riêng biệt và truyền lại cho người con trai. Và trong mỗi gia đình ở Bát Tràng thì gia đình nào cũng có một kho bí quyết men màu độc đáo riêng, và những thủ pháp trang trí mà nó trở thành niềm tự hào của họ. Hiện nay chúng tôi rất vui bởi đồng hành với chúng tôi không chỉ có các cha chú, mà có cả những bạn trẻ đã đồng hành với chúng tôi đổi mới, sáng tạo quê hương, Bát Tràng hiện nay không chỉ phát triển nghề rất mạnh mẽ mà còn hoạt động về du lịch, hỗ trợ du khách đến với quê hương Bát Tràng, và vì thế một Bát Tràng vững mạnh không chỉ dựa trên nghề truyền thống, mà còn dựa trên cả khai thác các yếu tố về  du lịch và văn hóa bản địa.”

Cùng với nghề truyền thống làm gốm sứ, Bát Tràng hôm nay còn khai thác các yếu tố văn hóa để làm kinh tế, đưa các sản phẩm và tên tuổi của Bát Tràng tiếp cận tới các thị trường trong và ngoài nước. Nắm bắt xu hướng phát triển của các sàn thương mại điện tử, các sản phẩm gốm sức Bát Tràng đã xuất hiện trên cả các sàn giao dịch quốc tế. Đa dạng các mẫu mã, sản phẩm gốm sứ Bát Tràng với giá thành hợp lí được giới thiệu và rao bán trực tuyến trên các trang mạng như Amazon, góp phần đưa thương hiệu gốm sứ Bát Tràng vươn tầm thế giới.

Bên cạnh đó, phát triển du lịch làng nghề Bát Tràng được coi là một hướng đi rất quan trọng để gìn giữ, giới thiệu, bảo tồn và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc, của quốc gia nói chung và Bát Tràng nói riêng. Phát triển mô hình du lịch làng nghề còn có tác dụng hỗ trợ đắc lực cho khu vực nông thôn chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Văn hóa, tín ngưỡng và phong tục tập quán của làng nghề  Bát Tràng là những nét độc đáo,  ấn tượng thu hút khách du lịch.

Việt Nam có tiềm năng rất to lớn về làng nghề, sản xuất làng nghề và du lịch làng nghề. Đặc biệt, có những làng nghề, phố nghề tồn tại đến cả nghìn năm tuổi. Truyền thống lịch sử về phát triển làng nghề lâu đời, làng nghề truyền thống là nguồn “tài sản” quý giá của dân tộc ta, đất nước ta. “Tài sản” đó không chỉ mang ý nghĩa kinh tế – xã hội mà còn thể hiện nền văn minh độc đáo của dân tộc Việt Nam. Sự phát triển của các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề truyền thống hiện nay là một xu hướng tất yếu khách quan. Dưới góc độ của du lịch, làng nghề truyền thống chính là tài nguyên du lịch nhân văn, nó đã góp phần tạo ra sự phong phú, đa dạng, có giá trị cho sản phẩm du lịch trên hai phương diện. Đó là, những điểm tham quan du lịch và là nơi cung cấp các thương hiệu sản phẩm phục vụ khách du lịch.

Làng nghề gốm sứ Bát Tràng hôm nay đã trở thành một trong những làng nghề kiểu mẫu, một làng nghề truyền thống với những bí kíp truyền từ đời ông cha, nhưng được con  cháu ngày ngay kế thừa và phát huy một cách sáng tạo và linh hoạt, nỗ lực cho niềm tự hào của một làng nghề có Bác về thăm.

Trong cuộc dạo chơi làng nghề  gốm sứ  Bát Tràng hôm nay, chúng tôi không thể bỏ qua Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt,  công trình lấy cảm hứng từ chiếc đế xoay của người thợ gốm, với màu nâu đặc trưng từ màu đất. 

Nghệ nhân Hà Thị Vinh- Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam: “Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt này tôi ôm ấp từ rất lâu rồi, chúng ta có rất nhiều chuyện hay, nhưng bây giờ chúng ta làm thế nào kể được ngày chuyện của chính ông cha tổ nghiệp của chúng ta cũng rất là hay, đến gần nghìn năm tại sao ko mang ra mà kể. Mình nghĩ đơn giản như vậy. Và chúng tôi xây dựng nên trung tâm này cống hiến cùng 19 dòng họ trong quê, pháp lí thì cũng đang xin thành lập bảo tàng của làng và sản phẩm thì của 19 dòng họ cũng đã mang đến đây.”

Nằm bên cạnh dòng sông Bắc Hưng Hải, Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt như một công trình minh chứng cho sự phát triển của một làng nghề với  những thăng trầm theo thời gian và một bề dày lịch sử

Sau một ngày có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với những ngừoi con của Bát Tràng, được đến thăm các xưởng nghề truyền thống nơi đây, Nhật thảo nhận thấy rằng Bát Tràng không chỉ là một làng nghề sản xuất mà đây còn là nơi lưu giữ và phát triển những tinh hoa gốm sứ của cha ông. Từ những nắm đất tưởng chừng như vô tri thì giờ đây với bàn tay khéo léo của mình, con người đã thổi hồn vào đó để mỗi sản phẩm đều chứa đựng những câu chuyện sống động riêng . Như lời Bác Hồ đã dạy “Làng Bát Tràng mới phải làm sao trở thành một làng kiểu mẫu của nước Việt Nam mới, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Cho tới ngày nay, những lời dạy của Bác vẫn giữ nguyên giá trị trong thực tiễn. Từ nhiều năm nay, không chỉ làng Bát Tràng mà cả những làng nghề truyền thống Việt khác đã mang những giá trị to lớn và đóng góp cho đất nước nhất là trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và giao lưu quốc tế. Chính vì vậy, cần lưu giữ những giá trị tinh tuý của các làng nghề, để hồn cốt của dân tộc luôn sống mãi, để mùa xuân của đất nước mãi trường tồn.

Thực hiện :
Nhật Thảo

Rate this post

Viết một bình luận