Nhiều người có tâm lý “đã làm việc mệt mỏi nhiều năm” nên chỉ hưởng thụ, ít vận động thể chất và trí não khi về già.
Ở Nhật và Hàn, rất nhiều người già vẫn tiếp tục làm việc, có lẽ vì vậy mà tuổi thọ của Nhật và Hàn nằm trong top 5 nước có tuổi thọ cao nhất thế giới. Bên cạnh Nhật và Hàn thì Singapore, Thuỵ Sĩ và Tây Ban Nha là 3 nước khác trong top 5 này. Các báo cáo cho rằng ngoài chế độ dinh dưỡng lành mạnh thì những yếu tố khác như đi bộ nhiều hay tham gia vào các hoạt động, câu lạc bộ người cao tuổi để vui chơi, trao đổi và giảm stress cũng rất quan trọng.
Những nghiên cứu mới về khoa học thần kinh, sự tái tạo tế bào não của người lớn tuổi cũng chỉ ra rằng nếu chúng ta vẫn duy trì luyện tập, làm việc, nói dung là sử dụng não thì các tế bào não ở người già vẫn tái tạo tốt như ở người trẻ. Sử dụng não ở đây theo ý nói chung, tức là cả phần điều khiển vận động, các giác quan, hay suy nghĩ…
Trong cuốn sách The brain that changes itself (tạm dịch là Bộ não tự thay đổi), tác giả Norman Doidge đã kể về cha của nhà thần kinh học nổi tiếng về sự đàn hồi của não bộ (neuroplasticity) Paul Bach-y-Rita đã hồi phục sau khi bị đột quỵ bằng cách tập dần từ bò rồi đến đi cho đến khi nói lại được bình thường, có thể viết, đi dạy và rồi sau đó đi leo núi, sinh hoạt như một người khoẻ mạnh bình thường.
Đương nhiên để hồi phục sau đột quỵ thì việc tập luyện rất khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì của cả người hướng dẫn và người tập. Ngoài ra việc phục hồi cũng phụ thuộc vào người bệnh đã bị bao lâu. Vì một khi bộ não đã quen với việc không hoạt động quá lâu ở phần nào đó thì càng khó để phục hồi.
>> Tôi sẽ lập hội bạn già để nương tựa nhau, không phiền con cháu
Ngoài ra trên thế giới còn có những cụ già vẫn rất nhiệt huyết với thể thao (mạo hiểm) như Barry “Magoo” McGuigan, vận động viên lướt sóng ở tuổi 85, hay Seichi Sano, người đàn ông Nhật Bản 84 tuổi, bắt đầu tập lướt sóng từ lúc 80 tuổi, và còn John H. “Doc” Ball, vận động viên lướt sóng lớn tuổi nhất nước Mĩ, 94 tuổi lúc ông chết năm 2001.
Ở đây tôi chỉ nói tới khía cạnh người lớn tuổi nên tiếp tục rèn luyện cho não (cả vận động và trí óc), thay vì chỉ nghỉ ngơi vì tâm lý rằng mình đã làm việc vất vả trong nhiều năm.
Vậy rèn luyện bằng cách nào? Rèn luyện vận động. Tôi thấy người lớn tuổi ở Việt Nam khá là tốt so với nhiều nước Âu Mỹ ở điểm này. Tỉ lệ béo phì và tiểu đường thấp hơn (tuy nhiên đang tăng lên).
Đi vào các công viên ở Sài Gòn hay Hà Nội thì thấy rất nhiều người lớn tuổi tập thể dục (dưỡng sinh, đi bộ, aerobic,…). Ở Hàn, ngoài đi bộ thì rất nhiều người lớn tuổi thường xuyên tụ tập, rủ nhau đi leo núi. Ngay tại Seoul cũng có vài ngọn núi mà người dân có thể leo, và đường leo núi cũng không khó, thường thì giống như leo bậc thang thoai thoải thôi.
Ngoài ra ở Seoul, giao thông công cộng tốt nên hầu hết mọi người sử dụng xe bus, tàu điện và đi bộ để di chuyển ở những quãng đường còn lại. Vì vậy nên mọi người đi bộ rất giỏi. Ở Việt Nam thì lại hay sử dụng xe máy, ra khỏi cửa là một bước lên xe máy, nên tôi nghĩ tính trung bình thì người Hàn đi bộ nhiều hơn và đi giỏi hơn rất nhiều. Ở Việt Nam hiện nay xe cộ, máy bay đi lại dễ dàng và rẻ hơn rất nhiều, tôi thấy nhiều người lớn tuổi đi du lịch hơn.
>> Cha mẹ Việt nên dành tiền để ‘cậy con thiên hạ’ lúc về già
Và thường khi đi du lịch chúng ta đi bộ khá nhiều, đi ngắm cảnh, vãn cảnh chùa, leo cầu thang lên chùa hay nhà thờ đều là những cách mà theo nghĩ là rất tốt, vừa rèn luyện sức khoẻ mà lại còn cải thiện tâm lý, thần kinh. Cũng không cần phải đi đâu xa xôi, nhiều khi là đi dạo quanh chùa hay công viên gần nhà (những nơi có khuôn viên rộng) cùng một nhóm bạn bè cũng là rất tốt rồi. Rèn luyện trí óc.
Người lớn tuổi có thể chơi những trò chơi trí tuệ như cờ vua, cờ tướng, ô chữ, sudoku,…nhẹ nhàng, thư giãn và cũng là cách rèn luyện trí óc tốt. Thực ra tôi thấy thường thì lớn tuổi mọi người sẽ ngại không muốn học cái mới. Tuy nhiên, học cái gì đó mới lại rất tốt cho người già để rèn luyện trí óc.
Thường xuyên chơi bài, hay nói chuyện với người khác cũng giảm nguy cơ bị mắc bệnh mất trí nhớ ở người già (dementia). Tham gia học một khoá gì đó, hoặc học một ngoại ngữ mới, hoặc ít nhất là thường xuyên đọc sách báo, suy ngẫm về chính trị chẳng hạn. Hoặc tập viết gì đó, viết truyện, viết blog, viết nhật kí, hay thậm chí viết status đăng Facebook, đi đọc và bình luận về chính trị, lịch sử cũng tốt.
Tuy nhiên viết tay được cho là tốt hơn bấm bàn phím vì khi viết tay, nhiều cơ được kích hoạt hơn, các lực sẽ tác động khác với khi gõ bàn phím điện thoại, và kích thích lên não tốt hơn. Nên mọi người có thể sắm một cuốn vở và tập viết gì đó mỗi ngày. Kể cả chép thơ hay chép những bài văn hay trên mạng ra cũng tốt hơn là không viết gì.
Bản thân tôi rất thích đọc sách và viết nên nghĩ chắc già mình chỉ cần pha ly trà, có vài cuốn sách với cuốn tập để viết gì đó là mình vui cả ngày rồi. Hay già mình sẽ đi tập lướt ván, nhảy dù, dù gì cũng già rồi, có bị sao cũng không sợ để con lại không ai nuôi.
>> ‘Con thiên hạ’ chăm người già là công việc, tôi chăm cha mẹ là tình yêu thương
Bên cạnh đó, rèn luyện trí nhớ cũng là một cách để rèn luyện trí óc. Ví dụ như tập nhớ bài hát, bài thơ hay, hay nhớ đường, tìm đường ở một khu mới, tự tìm đường khi đi du lịch. Nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta không thể nhớ được, không thể làm được thì nó sẽ thành lời tiên tri tự ứng nghiệm, nghĩa là chúng ta sẽ chẳng bao giờ làm được.
Nhưng thực ra là chưa cố gắng đủ, hay nhiều khi là còn chưa bắt tay vào làm. Rèn luyện giác quan. Rèn luyện các giác quan thường xuyên như trồng hoa, ngắm hoa, ngắm tranh đẹp (thị giác), ngửi hoa (khứu giác), nghe nhạc (thính giác) – đừng mở nhạc to hay nghe bằng tai nghe vì mở volume to sẽ làm giảm thính giác, nghe nhạc mở nhỏ dần sẽ quen tai, phát triển thính giác. Ăn nhạt, nêm nếm gia vị vừa phải, thường xuyên thay đổi cách nấu để thưởng thức những món ngon có vị khác nhau (vị giác).
Người Việt ăn khá mặn, ăn mặn vừa không tốt cho sức khoẻ, vừa giảm độ nhạy của các nụ vị giác trên lưỡi. Mình nghĩ học nấu ăn cũng là một cách vừa luyện trí óc vừa luyện vị giác. Thường xuyên chạm, nắm, rờ (xúc giác), ví dụ như rờ một bông hoa hay một chiếc lá để cảm nhận sự mịn màng, sần sùi, gai góc của chúng. Hay là đi chân trần trên cỏ chẳng hạn.
>> ‘Tiền bạc là quyền lực duy nhất của cha mẹ Việt khi về già’
Đặc biệt, việc học vẽ, học đàn, học bơi vừa giúp chúng ta có đời sống tinh thần phong phú, vừa giúp phát triển các giác quan rất tốt. Không gì là không thể nếu chúng ta cố gắng và kiên trì. Cũng không ai yêu cầu mình phải vẽ giỏi, chơi đàn hay, chỉ cần ngồi chơi với màu, cố gắng bắt chước một bức vẽ nào đó là đã hay lắm rồi.
Sau này vẽ quen thì có thể nhìn cảnh, nhìn đồ vật để vẽ chẳng hạn. Hay ngồi vẽ chung với các cháu nội ngoại, vừa vui vừa làm tụi nhỏ ngưỡng mộ vì độ sành điệu của ông bà. Giữ sức khoẻ nói chung. Ví dụ như ăn uống lành mạnh, không hút thuốc, uống rượu, bớt dầu mỡ, bớt ăn mặn, bớt ăn nhiều gia vị quá. Thường xuyên đi khám tổng quát, bổ sung các chất mà người lớn tuổi dễ thiếu hụt như canxi. Cơ thể phải khoẻ mạnh thì tinh thần mới minh mẫn được.
Ngày nay nhờ y tế tiến bộ nên tuổi thọ của con người ngày càng cao, những người cao tuổi cũng nhờ đó mà được tận hưởng cuộc sống với con cháu lâu hơn. Tuy nhiên mình nghĩ việc tập luyện để có một tinh thần minh mẫn, cơ thể khoẻ mạnh về mọi mặt rất quan trọng. Không ai muốn mình lẫn cái nọ quên cái kia, hay không tự chăm sóc mình được cả. Chúc mọi người luôn khoẻ mạnh, hạnh phúc và sống lâu bên con cháu.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho mục Ý kiếntại đây.
Ngô Thị Lụa