Sudocrem là một loại kem bôi ngoài da có tác dụng cấp ẩm và hỗ trợ chữa lành một số tổn thương trên da. Sản phẩm này có thể được dùng trong các trường hợp hăm tã, bỏng nhẹ, bệnh chàm hay giúp ngăn ngừa một số triệu chứng dị ứng.
Một số thông tin về kem bôi da Sudocrem
Kem Sudocrem là sản phẩm của Sudocrem – một thương hiệu khá nổi tiếng ở thị trường Anh. Hiện dòng sản phẩm này đang được phân phối tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Dưới đây là những thông tin cơ bản cần nắm trước khi sử dụng:
1. Thành phần
Theo thông tin mà nhà sản xuất cung cấp thì kem Sudocrem có chứa một số thành phần chính sau đây:
- Zinc oxide: Giúp làm giảm tổn thương trên da, đồng thời cung cấp độ ẩm tự nhiên cho làn da.
- Benzyl cinnamate và Benzyl benzoate: Được chiết xuất từ nhựa của cây balsam với công dụng kháng khuẩn và chống viêm mạnh mẽ.
- Benzyl alcohol: Thành phần này hoạt động giống như 1 chất gây tê có tác dụng làm giảm đau, giảm sưng tấy và ngăn ngừa nhiễm trùng cho các nốt mẩn đỏ.
- Lanolin và Butylated hydroxyanisol: Có tác dụng làm dịu da, giảm ngứa ngáy.
2. Công dụng và chỉ định
Kem Sudocrem có chứa nhiều thành phần giúp hỗ trợ điều trị và khắc phục triệu chứng do một số bệnh viêm da gây ra. Bên cạnh đó, đây còn là sản phẩm có tác dụng cung cấp độ ẩm cho da rất tốt, hạn chế tình trạng khô da.
Có thể sử dụng kem Sudocrem trong các trường hợp cụ thể như sau:
- Hăm da ở trẻ nhỏ do tã lót
- Chàm sữa ở trẻ em
- Bỏng nhẹ
- Kích ứng da do nằm nhiều
- Vết thương do côn trùng cắn
Ngoài ra, sản phẩm còn có thể được sử dụng cho những trường hợp hay mục đích khác không được đề cập trên đây. Nếu có nhu cầu muốn biết thêm thông tin về công dụng của sản phẩm, bạn có thể tham khảo trực tiếp bác sĩ hay dược sĩ.
3. Chống chỉ định
Kem Sudocrem chống chỉ định với những đối tượng bị mẫn cảm với kẽm oxit hay bất cứ thành phần nào có trong sản phẩm. Ngoài ra, tuyệt đối không được thoa kem lên những tổn thương đã có dấu hiệu bị nhiễm trùng.
4. Liều lượng và cách dùng
Trước khi dùng kem cần đọc kỹ tờ hướng dẫn mà nhà sản xuất có đính kèm sản phẩm. Ngoài ra, muốn chắc chắn và an toàn hơn, bạn có thể trực tiếp trao đổi với bác sĩ. Thông tin về liều lượng và cách dùng dưới đây chỉ có giá trị tham khảo, không thay thế được cho chỉ dẫn chuyên môn.
Liều lượng:
Với kem Sudocrem có thể dùng thoa nhiều lần trong ngày tùy thuộc vào mức độ tổn thương. Đặc biệt là khi dùng cho các bé bị chàm sữa ở vùng mông và vùng bẹn thì tần suất dùng có thể nhiều hơn.
Ngoài ra, kem cũng có thể được dùng để thoa vào các nếp gấp của da với mục đích phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên dù là phòng hay điều trị thì cũng chỉ nên lấy một lượng kem vừa đủ để thoa một lớp mỏng nhẹ.
Cách dùng:
- Trước khi thoa kem cần vệ sinh vùng da điều trị hay chăm sóc sạch sẽ và dùng khăn mềm thấm khô.
- Dùng ngón tay lấy một lượng kem vừa đủ nhẹ nhàng thoa lên vùng da tổn thương.
- Massage theo chuyển động tròn để kem thẩm thấu vào lớp biểu bì của da.
- Chú ý vệ sinh tay sạch sẽ cả trước và sau khi tiếp xúc với thuốc.
- Trường hợp không may để kem chạm vào mắt, mũi hay miệng hãy dùng nước sạch vệ sinh ngay lập tức.
5. Hướng dẫn bảo quản
Cần bảo quản Sudocrem ở nhiệt độ phòng, dưới 30°C, tránh ẩm thấp và ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Để thuốc xa tầm với của trẻ em cũng như thú nuôi trong nhà.
Sản phẩm không còn giá trị sử dụng hay đã hư hỏng, hết hạn dùng cần được xử lý đúng cách. Có thể tham khảo thông tin về cách xử lý được đính kèm trên tờ hướng dẫn đi cùng sản phẩm.
6. Kem Sudocrem giá bao nhiêu? Mua ở đâu?
Kem bôi da Sudocrem hiện đang được phân phối khá rộng rãi trên thị trường. Sản phẩm không chỉ được bán tại các nhà thuốc, địa chỉ bán lẻ mà còn được bán trên các trang mua hàng trực tuyến. Bạn cần chú ý tìm hiểu để mua sản phẩm ở những địa chỉ uy tín. Tránh mua phải hàng kém chất lượng, hư hỏng hay quá hạn dùng.
Giá bán sản phẩm có thể thay đổi tùy thuộc vào từng địa chỉ bán hàng. Tuy nhiên, mức giá sàn chung thường dao động trong khoảng từ 100.000 – 150.000 VNĐ/hũ.
Lưu ý khi sử dụng kem bôi da Sudocrem
1. Khuyến cáo
Kem Sudocrem chỉ được sử dụng ngoài da, tuyệt đối không sử dụng theo đường uống. Trường hợp bạn không may nuốt phải thì nên tìm đến bác sĩ để được can thiệp kịp thồi và đúng cách. Bên cạnh đó, cần chú ý không sử dụng sản phẩm để bôi lên mắt, mũi hay miệng.
Ngoài ra, cần tránh sử dụng sản phẩm này lên vùng da có tổn thương nặng hay đã bị trầy xước. Hiện vẫn chưa có nghiên cứu xác định rủi ro khi dùng kem Sudocrem cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Tuy nhiên, nếu bạn thuộc vào nhóm đối tượng nhạy cảm này thì nên chủ động chia sẻ với bác sĩ để được cân nhắc.
2. Tác dụng phụ
Kem Sudocrem có thể khiến bạn gặp một số tác dụng ngoại ý trong quá trình sử dụng. Có thể là:
- Gây ra các phản ứng dị ứng như nổi mẩn, phù mặt, môi, lưỡi, khó thở.
- Ngứa ngáy hay phát ban trên da.
- Nổi mề đay ngay tại vùng tiếp xúc, đôi khi còn lan ra các vùng lâm cận.
Các tác dụng phụ nêu trên thường rất hiếm khi xảy ra nhưng bạn vẫn cần hết sức thận trọng, nhất là khi sử dụng cho trẻ nhỏ. Nếu trẻ gặp các vấn đề bất thường, bạn nên tìm đến bác sĩ ngay.
3. Tương tác
Hiện nay vẫn chưa có báo cáo về tương tác xảy ra giữa thành phần có trong kem Sudocrem với các loại thuốc khác. Tuy nhiên, để dự phòng vấn đề này, tốt nhất bạn nên báo cho bác sĩ biết thông tin về tất cả các loại thuốc đang dùng. Bao gồm cả thuốc uống, thuốc điều trị tại chỗ hay thực phẩm chức năng.
Trên đây là một số thông tin về kem bôi da Sudocrem mà bạn có thể tham khảo trước khi sử dụng. Nếu có bất cứ thắc mắc gì về sản phẩm này, bạn cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được giải đáp chi tiết hơn. Những thông tin được đề cập trong bài viết không có giá trị thay thế chỉ dẫn chuyên môn.