Đổ mồ hôi là phản ứng bình thường của cơ thể giúp điều hòa thân nhiệt phù hợp. Tuy nhiên, mồ hôi đổ quá mức vào những thời điểm không thích hợp có thể là dấu hiệu bệnh lý. Điều trị triệu chứng như thế nào và thuốc điều trị tăng tiết mồ hôi được ưu tiên hiện nay. YouMed sẽ trả lời câu hỏi trên ngay sau bài viết dưới đây.
Tăng tiết mồ hôi là gì?
Tăng tiết mồ hôi là những đợt đổ mồ hôi không thích hợp hoặc vượt quá mức khiến người mắc chú ý. Triệu chứng có thể xảy ra bất kể ngày đêm hay vị trí trên cơ thể. Đổ mồ hôi có thể xảy ra khi ngủ, nghỉ ngơi hay trong dù trong phòng mát,… Đây có thể là hiện tượng sinh lý bình thường hoặc là chỉ điểm cho một bệnh lý cụ thể.
Người bệnh cần chú ý triệu chứng này và đến gặp bác sĩ sớm nếu:
- Đổ mồ hôi ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày.
- Đổ mồ hôi ảnh hưởng đến giao tiếp xã hội, khiến người mắc lo lắng.
- Đổ mồ hôi đột ngột nhiều bất thường.
- Người bệnh không biết lý do vì sao đổ mồ hôi.
- Đổ mồ hôi kèm với những triệu chứng khác như chóng mặt, đau ngực, nôn ói,…
Bác sĩ sẽ thăm khám tổng quát và đánh giá tình trạng người bệnh. Tìm và điều trị nguyên nhân rất quan trọng; song, trong những trường hợp nặng, các thuốc điều trị tăng tiết mồ hôi sẽ được chỉ định.
Các phương pháp điều trị
Có rất nhiều phương pháp điều trị tăng tiết mồ hôi hiện nay. Thuốc là phương pháp được ưu tiên và tương đối dễ thực hiện, có thể áp dụng cho mọi người bệnh.
Thuốc
Thuốc có thể điều trị đơn lẻ hoặc kết hợp với các phương pháp khác. Một số loại tăng tiết mồ hôi chỉ có thể dứt điểm hiệu quả bằng thuốc. Thuốc điều trị tăng tiết mồ hôi phải được duy trì song song với thuốc trị bệnh nguyên nhân.
Thuốc kháng cholinergic
Các thuốc này được sử dụng nhiều nhất trong điều trị đổ mồ hôi nhiều. Bao gồm: lycopyrrolate, oxybutynin, benztropine, propantheline,… Thuốc giúp giảm tiết mồ hôi toàn bộ cơ thể, thậm chí ở những vùng ít bị. Thuốc điều trị hiệu quả, một số có thể sử dụng cho trẻ em.
Thuốc kháng cholinergic trị tăng tiết mồ hôi có nhiều dạng dùng khác nhau phù hợp từng đối tượng. Dạng viên uống, nước uống, kem bôi là những loại phổ biến, lựa chọn tùy vào mục tiêu điều trị và điều kiện bệnh nhân.
Song, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn, nhất là trẻ nhỏ và người > 65 tuổi.
- Người lớn tuổi có thể bị sa sút trí tuệ hay teo não,…
- Trẻ em có thể bị chóng mặt, co thắt cơ, đau đầu, nôn ói, yếu mệt, da xanh xao.
- Một số triệu chứng khác như khô miệng, giảm vị giác, táo bón, nhìn mờ, đánh trống ngực, tiểu khó,…
Vì vậy, khi sử dụng thuốc điều trị tăng tiết mồ hôi này, người bệnh và cần chú ý các vấn đề trên. Hãy đến bệnh viện kiểm tra để được xem xét điều chỉnh liều hay đổi thuốc.
Thuốc chẹn beta và thuốc an thần benzodiazepines
Các thuốc này giúp giảm lo lắng cho người bệnh – đây là một trong những nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi. Thuốc phù hợp với người bị tiết mồ hôi từng cơn, đặc biệt là những đối tượng lo âu thường xuyên. Song, thuốc vẫn có thể gây ra một vài tác dụng phụ, do đó không nên sử dụng lâu dài. Các thuốc phải được sử dụng riêng chứ không được kết hợp; ngoài ra, các thuốc an thần có thể gây nghiện.
Botulinum
Tiêm botulinum là thuốc điều trị tăng tiết mồ hôi chặn đường dẫn truyền thần kinh tuyến mồ hôi. Vùng da được tiêm có thể sẽ được gây tê hay làm lạnh trước khi thực hiện. Mỗi vùng da có thể cần vài mũi tiêm để đạt được hiệu quả, tác dụng kéo dài vài giờ. Điều trị phải lặp lại mất nhiều thời gian và có thể gây đau hoặc yếu cơ vị trí tiêm.
Thuốc bôi chống tiết mồ hôi
Các thuốc hiện nay có thể có là Drysol, Xerac Ac. Thuốc bôi trước khi đi ngủ và rửa sạch lại vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, thuốc có thể gây kích ứng da và mắt, vậy nên cần cẩn thận thuốc không được tiếp xúc với mắt.
Các phương pháp điều trị khác
Bên cạnh thuốc điều trị tăng tiết mồ hôi, có rất nhiều phương pháp giúp điều trị triệt để. Đây là các can thiệp chuyên sâu, do vậy cần có chỉ định cụ thể của bác sĩ trước khi thực hiện:
- Điều trị vi sóng phá hủy các tuyến mồ hôi dưới da. Điều trị nhiều đợt, có thể làm thay đổi cảm giác trên da và tương đối đắt tiền.
- Phẫu thuật cắt tuyến mồ hôi hoặc cắt dây thần kinh của tuyến mồ hôi. Điều trị xâm lấn nhưng chỉ giúp giảm tiết tại một vùng nhất định, mồ hôi có thể tăng tiết tại những vùng khác. Hơn nữa, tiết mồ hôi đầu, cổ không thể áp dụng biện pháp phẫu thuật.
- Điện chuyển ion.
Những nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi
Bác sĩ không những chỉ định thuốc điều trị tăng tiết mồ hôi, mà còn phải điều trị bệnh nền của người mắc. Tăng tiết mồ hôi có thể là biểu hiện bình thường hoặc là triệu chứng bệnh cụ thể. Vận động nặng và thường xuyên, môi trường nóng, sốt, sau mãn kinh có thể làm đổ mồ hôi nhiều. Ngoài ra, một vài bệnh lý có thể gây tăng tiết mồ hôi là:
- Tiểu đường.
- Bệnh lý tuyến giáp.
- Đường huyết thấp.
- Nhồi máu cơ tim.
- Ung thư.
- Bệnh lý hệ thần kinh.
- Bệnh nhiễm trùng.
Trên đây là một vài thuốc điều trị tăng tiết mồ hôi và các phương pháp khác mà bệnh nhân có thể tham khảo. Điều trị cần sự đánh giá và chỉ định của bác sĩ trước khi thực hiện. Đừng lo lắng, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn rõ hơn và nhận được sự chăm sóc tốt nhất.