Đề bài: Nghị luận về sự hy sinh thầm lặng trong cuộc sống
Nghị luận về sự hy sinh thầm lặng trong cuộc sống
Bạn đang xem: Nghị luận về sự hy sinh thầm lặng trong cuộc sống
I. Dàn ý Nghị luận về sự hy sinh thầm lặng trong cuộc sống (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu, dẫn dắt vấn đề: Sự hi sinh thầm lặng trong cuộc sống.
2. Thân bài
a. Giải thích
– “Hi sinh” được hiểu là sự quên mình vì người khác, đặt lợi ích của người khác lên trên bản thân mình.
– “Thầm lặng” là âm thầm, lặng lẽ hành động, ít người biết đến.
– Sự hi sinh thầm lặng là hành động tốt đẹp, sẵn sàng cho đi những yêu thương chân thành, giúp đỡ người khác từ những việc làm nhỏ nhất mà không đòi hỏi công lao đáp đền.
b. Biểu hiện
– Lịch sử dân tộc là minh chứng quý giá cho sự hi sinh thầm lặng của con người:
+ Những chiến sĩ hi sinh nơi chiến trận, họ cống hiến cả thanh xuân của mình vì đất nước thương yêu.
+ Các bà mẹ Việt Nam anh hùng nén nước mắt vào trong để đưa con ra trận, rồi ngậm ngùi trong dòng nước mắt khi nhận tin báo con hi sinh ngay trong ngày độc lập.
+ Những thương binh trở về quê hương ngày giải phóng với hình hài không lành lặn.
– Trong hiện tại, những sự hi sinh thầm lặng vẫn luôn thường trực mỗi phút, mỗi giờ giữa cuộc sống:
+ Những người bà, người mẹ hi sinh tuổi thanh xuân để lo lắng, chăm sóc con cháu mình.
+ Người cha tần tảo, một nắng hai sương làm bờ vai vững chắc cho con cái.
+ Những người anh, người chị bỏ dở chuyện học hành vì nhà nghèo, gắng làm lụng kiếm tiền gửi về cho ba mẹ nuôi em, cho em được đến trường bằng bè bằng bạn.
+ Các y, bác sĩ đêm ngày trực bệnh viện, lo lắng cho bệnh nhân từng hơi thở, là những người lính tình nguyện vào vùng tâm dịch hỗ trợ nhân dân.
+ Những thầy cô ngày đêm miệt mài bên trang giáo án, hi sinh cả thời gian cho gia đình vì học sinh thân yêu, truyền đạt các con những bài học bổ ích, dạy các con những điều hay lẽ phải.
c. Ý nghĩa của đức hi sinh thầm lặng
– Người được nhận sự quan tâm sẽ cảm thấy được ủi an, giúp đỡ, được quan tâm và sẻ chia họ cũng rất ấm lòng, là động lực giúp họ vượt qua những khó khăn của nghịch cảnh.
– Người chấp nhận hi sinh cũng cảm thấy vui vẻ vì sự cho đi đã giúp người khác hạnh phúc và tốt đẹp hơn.
d. Phản đề
Vẫn còn thấy đâu đây những kẻ ích kỉ, hẹp hòi, chỉ biết đến bản thân mình mà quên đi lợi ích chung, sống cá nhân, vị kỉ. Họ thờ ơ, bàng quang với mọi điều trong cuộc sống, họ sống sung sướng trên sự đói khổ của người khác,…
3. Kết bài
Khẳng định lại vấn đề. Liên hệ bản thân
II. Bài văn mẫu Nghị luận về sự hy sinh thầm lặng trong cuộc sống (Chuẩn)
Nếu tình yêu thương là sợi dây gắn kết tình cảm giữa con người với con người, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta thì đức hi sinh lại là biểu hiện cao nhất của tình thương ấy. Khi có đủ tình thương, người ta sẽ quên đi những lợi ích của bản thân để yêu thương, quan tâm và dành những điều tốt đẹp nhất cho người khác mà không cần báo đáp.
Trong cuộc sống, có những sự hi sinh thầm lặng góp phần nuôi dưỡng những yêu thương, để nảy mầm những hạt giống tươi đẹp giữa đời, mang đến cho cuộc đời những tấm lòng cao cả, đáng quý. “Hi sinh” được hiểu là sự quên mình vì người khác, đặt lợi ích của người khác lên trên bản thân mình. “Thầm lặng” là âm thầm, lặng lẽ hành động mà không cần sự ghi nhận, biết ơn của người khác. Sự hi sinh thầm lặng là hành động tốt đẹp, sẵn sàng cho đi những yêu thương chân thành, giúp đỡ người khác từ những việc làm nhỏ nhất mà không đòi hỏi công lao đáp đền.
Lịch sử dân tộc là minh chứng quý giá cho sự hi sinh thầm lặng của con người. Biết bao chiến sĩ hi sinh nơi chiến trận, họ cống hiến cả thanh xuân của mình vì đất nước thương yêu. Họ ngã xuống “không ai nhớ mặt đặt tên nhưng đã làm nên đất nước”. Dù đã hi sinh nhưng trái tim ấm nóng và tinh thần chiến đấu mạnh mẽ của họ vẫn luôn là nguồn cảm hứng cho bao thi nhân sáng tác thơ ca, là tấm gương sáng cho bao thế hệ học trò noi theo. Có biết bao người mẹ Việt Nam anh hùng nuốt nước mắt vào trong tiễn con ra trận, rồi ngậm ngùi trong dòng nước mắt khi nhận tin báo con hi sinh ngay trong ngày giải phóng, còn gì đau hơn nỗi đau mất con, mẹ già chịu cảnh bơ vơ suốt mấy mươi năm. Có biết bao những thương binh trở về quê hương ngày giải phóng với hình hài không lành lặn, ánh mắt mờ nhoà vì súng đạn quân thù thay thế cho đôi mắt sáng long lanh ngày ra trận, đôi chân gỗ cùng chiếc gậy “chống trời” thay cho đôi chân lành lặn ngày ra đi. Tất cả những nỗi đau, mất mãi ấy chẳng phải là sự hi sinh thầm lặng hay sao? Họ ra đi không một lời từ biệt, họ trở về không cần cả một tiếng hân hoan, những hi sinh ấy thật đáng trân quý biết bao.
Trong hiện tại, những sự hi sinh thầm lặng vẫn luôn thường trực mỗi phút, mỗi giờ giữa cuộc sống. Trong mỗi gia đình là bóng hình những người bà, người mẹ hi sinh tuổi thanh xuân để lo lắng, chăm sóc con cháu mình. Là bóng dáng người cha tần tảo, một nắng hai sương làm bờ vai vững chắc cho con cái. Cha hi sinh cả sức khoẻ, thời gian để lao động kiếm tiền nuôi con cái. Là bóng những người anh, người chị bỏ dở chuyện học hành vì nhà nghèo, gắng làm lụng kiếm tiền gửi về cho ba mẹ nuôi em, cho em được đến trường bằng bè bằng bạn. Mỗi thành viên trong gia đình họ hi sinh cho nhau, lo lắng cho nhau chẳng cần ai nhắc nhở, cũng chẳng mong báo đền. Tất cả đều xuất phát từ tình yêu thương. Ngoài xã hội, đó là bóng hình của những y bác sĩ đêm ngày trực bệnh viện, lo lắng cho bệnh nhân từng hơi thở, là những người lính tình nguyện vào vùng tâm dịch hỗ trợ nhân dân. Là những thầy cô ngày đêm miệt mài bên trang giáo án, hi sinh cả thời gian cho gia đình vì học sinh thân yêu, truyền đạt các con những bài học bổ ích, dạy các con những điều hay lẽ phải. Là những mạnh thường quân chăm lo cho trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, …Tất cả đều thật đẹp và thấm đẫm sự hi sinh.
Lòng hi sinh xuất phát từ tinh thần tình thương và sự tự nguyện thật đẹp, thật đáng quý. Người được yêu thương sẽ cảm thấy được ủi an, giúp đỡ, được quan tâm và sẻ chia họ cũng rất ấm lòng, là động lực giúp họ vượt qua những khó khăn của nghịch cảnh. Chính người chấp nhận hi sinh cũng cảm thấy vui vẻ vì sự cho đi đã giúp người khác hạnh phúc và tốt đẹp hơn. Họ chính là những người mang nguồn năng lượng tích cực và tấm lòng cao cả, giúp ích cho đời không màng danh lợi, bởi vậy mà luôn được mọi người tin tưởng, yêu quý và kính trọng. Những hi sinh thầm lặng của con người như một đoá hoa không sắc mà vẫn toả hương ngào ngạt, điểm tô cho cuộc sống tốt đẹp hơn bao giờ hết.
Sự hi sinh thầm lặng mang đến bao điều tốt đẹp là thế, nhưng đáng buồn thay, ta vẫn còn thấy đâu đây những kẻ ích kỉ, hẹp hòi, chỉ biết đến bản thân mình mà quên đi lợi ích chung, sống cá nhân, vị kỉ. Họ thờ ơ, bàng quang với mọi điều trong cuộc sống, họ sống sung sướng trên sự đói khổ của người khác,…Những điều ấy thật đáng chê trách biết bao.
Thiết nghĩ, mỗi chúng ta nên trau dồi và phát huy đức hi sinh thầm lặng, dù chỉ là những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống. Hãy mở rộng lòng ra, yêu thương nhiều hơn, gắn kết mọi người để sẻ chia và giúp đỡ bởi “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
—————-HẾT—————
Sự hi sinh thầm lặng là biểu hiện đẹp đẽ của tình thương, tinh thần trách nhiệm. Đây cũng là một vẻ đẹp đáng quý của con người, bên cạnh đó các em có thể khám phá thêm nhiều phẩm chất tốt đẹp khác của con người qua việc tham khảo: Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về sức mạnh niềm tin, Nghị luận xã hội 200 chữ về tình yêu thương, Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về tiết kiệm, Nghị luận xã hội 200 chữ về sự tử tế.
Đăng bởi: THPT Sóc Trăng
Chuyên mục: Giáo Dục
Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)