Sát thủ thầm lặng
Báo cáo mới công bố hồi tháng 3/2018 của Trung tâm Nông nghiệp và Khoa học Sinh học Quốc tế (CABI) đã chỉ ra những tác hại khôn lường do loài cá dọn bể gây ra với môi trường.
Một mẻ lưới của người dân Đồng bằng sông Cửu Long chỉ toàn cá dọn bể. Ảnh: IT.
Theo đó, cá dọn bể (tên khoa học là H. Plecostomus) là loài cá nước ngọt rất phổ biến, có nguồn gốc ở Bắc Nam Mỹ, đã ghi nhận sự xuất hiện ở ít nhất 17 quốc gia khắp châu Mỹ, châu Á và châu Âu. Da của chúng được mô tả như những “tấm giáp”, do sự trưởng thành nhanh chóng với mật độ cao và tuổi thọ dài.
Cá dọn bể, còn gọi là cá Mặt quỷ có thể nhanh chóng độc chiếm nguồn tài nguyên dinh dưỡng, làm thay đổi mạng lưới thức ăn, làm tăng độ đục và gây xói mòn bờ bao thông qua việc xây dựng tổ.
Cũng theo báo cáo này, các hố tạo bởi cá Mặt quỷ trong quá trình sinh sản có thể gây xói mòn, tăng độ đục. Sự sạt lử bờ, sân vườn đã được quan sát thấy ở Mexico, Texas và Florida (Mỹ), nơi mật độ hố xói lở cao.
Cá Mặt quỷ có thể làm giảm mùa vụ và thành phần của tảo; cạnh tranh các nguồn tài nguyên (thực phẩm và môi trường sống) với các loài cá và sinh vật thủy sinh, làm xáo trộn các vị trí làm tổ, ăn trứng cá và làm gián đoạn dòng dinh dưỡng và môi trường sống. Ở sông San Antonio, Mặt quỷ được cho có liên quan đến việc giảm bớt sự giàu có của loài nấm Stoneroller.
Trong giai đoạn 1993-2006, cá rô phi ở 6 hồ ở Florida (Mỹ) đã giảm từ 45-80% trong tổng sản lượng khai thác sau khi cá dọn bể xuất hiện. Còn cá rô phi đánh bắt trong hồ chứa ở Mêhicô giảm 83% sau khi phát hiện loài Hypostomus và ngư dân phải chi thêm 1.400- 2.600 USD/năm để thay thế lưới bị hư hỏng, làm việc thêm 2 giờ/ngày và mất hơn 29.000 USD/năm.
Trên trang web của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng ghi, cho đến những năm cuối thập kỷ 1990, sông Marikina (Philippines) có nguồn lợi thủy sản rất dồi dào với một số loài như: cá rô phi (tilapia), cá chép (carp), cá trê (catfish)… Khi đó, sông Marikina là nguồn sinh kế của nhiều hộ dân dọc bờ sông, nhưng vài năm sau đó cá dọn bể (lau kính) xuất hiện và nguồn cá tự nhiên trên dòng sông này giảm một cách đáng kể.
Ước tính, tỉ lệ cá lau kính trên các loài cá khác ở dòng sông này là khoảng 10:1, tức số lượng cá lau kính gấp mười lần so với các loài khác. Nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ này là do sự phát triển đàn rất nhanh của cá lau kính và tính phàm ăn của chúng.
Tràn lan khắp sông, hồ ở Việt Nam
Cá dọn bể được nhập về Việt Nam từ thập niên 1980 qua đường kinh doanh cá cảnh. Sau khi phát tán ra môi trường tự nhiên, chúng sinh sôi phát triển rất nhanh.
Cá làm rách lưới, thủng bờ bao. Ảnh: IT.
Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cá dọn bể nhiều vô số, gần như chúng có mặt ở khắp các kênh, rạch, ao, hồ… Khi bắt gặp con cá xấu xí này, dân quê thường bực mình quăng bỏ, chỉ sau một thời gian ngắn, cá đã sinh sôi nảy nở nhiều đến mức báo động, không còn ai kiểm soát nổi. Cá dọn bể ăn hết rong tảo trong ao, lấn át các loại cá đồng bản địa.
Theo nhiều người dân ở huyện Châu Thành – Đồng Tháp, thời gian gần đây, họ phát hiện có rất nhiều cá dọn bể ở dưới các tuyến kênh thủy lợi, ao hồ nuôi cá nước ngọt. Đáng lưu ý là kể từ lúc loài cá này xuất hiện thì lượng cá đồng bản địa giảm đi rõ rệt.
Còn theo Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, hiện chưa có giải pháp nào để ngăn chặn sự xâm hại của cá dọn bể nhưng trước mắt Chi cục khuyến cáo người dân không nên phát tán loài cá này ra ngoài môi trường nước. Khi đánh bắt được nên mang đi tiêu hủy hoặc làm thức ăn cho các loài thủy cầm ăn thịt.
Nhiều người đã đặt nghi vấn rằng liệu cá lau kiếng có thể gây hại như là rùa tai đỏ hay ốc bươu vàng hay không. Tuy nhiên, đến nay ngành chức năng vẫn chưa có kế hoạch khảo sát cụ thể, đánh giá mức độ gây hại để có thể đưa ra khuyến cáo người dân ngăn chặn cá dọn bể phát triển ra diện rộng.
Thiết nghĩ, trong bối cảnh có nhiều thông tin trái ngược nhau về lợi ích và tác hại của loài cá này, một nghiên cứu, đánh giá toàn diện của giới khoa học về loài cá dọn bể cũng cần phải được tính đến để ngăn chặn hiểm họa ngoại lai ngay từ bây giờ.
Cá dọn bể có chiều dài lên đến 70cm và trọng lượng có thể tới vài kilôgam. Chúng có thân hình nâu sẫm, da cứng, sần sùi, thô ráp, miệng to giống như miệng bát. Một con cá mỗi lần đẻ 5.000-6.000 trứng, gặp điều kiện thuận lợi một con có thể đạt đến chiều dài 50cm. Cá có khả năng sinh sản quanh năm, tỷ lệ cá con sống khoảng 70% và có thể sống mà không cần đến thức ăn suốt 1 tháng.