Ngoài các nỗi đau ngắn hạn như đỏ da, bỏng rát thì khi các vết cháy nắng mờ dần, tác hại tiềm ẩn vẫn còn kéo dài. Cháy nắng cũng là nguyên nhân hàng đầu trong phần lớn các trường hợp ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và khối u ác tính. Tuy nhiên, tin tốt lành là cháy nắng hoàn toàn có thể phòng ngừa được.
1. Cháy nắng là gì?
Cháy nắng là một phản ứng viêm ở lớp ngoài cùng của da đối với tổn thương do tia cực tím (UV). Da con người có melanin – một sắc tố mang lại màu sắc cho làn da và bảo vệ da trước các tia nắng mặt trời. Melanin hoạt động bằng cách làm tối làn da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Lượng melanin sản xuất tùy thuộc vào di truyền.
Đó là lý do tại sao một số người bị cháy nắng trong khi những người khác bị sạm da. Cả hai đều là dấu hiệu tổn thương tế bào của da. Đối với những người có ít melanin, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không được bảo vệ kéo dài có thể khiến các tế bào da bị đỏ, sưng và đau, hay còn gọi là cháy nắng.
Hậu quả của cháy nắng có thể biểu hiện từ các triệu chứng nhẹ đến phồng rộp. Sau khi bị cháy nắng, da của bạn có thể bắt đầu bong tróc. Đây là một dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang cố gắng tự loại bỏ các tế bào hư hại. Đừng bao giờ cố gắng tự lột da mà hãy để nó bong tróc tự nhiên.
2. Các triệu chứng khi bị cháy nắng
Chúng bao gồm đỏ da, đau, bỏng rát. Sau khoảng 4 – 7 ngày, bong tróc da có thể xảy ra.
Các triệu chứng nghiêm trọng hơn bao gồm:
- Cháy da và phồng rộp.
- Mất nước.
- Mất điện giải.
- Nhiễm trùng.
3. Những điều bạn cần biết về cháy nắng
Loại da quyết định mức độ nhạy cảm của bạn với ánh nắng. Những người có làn da trắng có nguy cơ cao nhất.
Ngay cả khi không có cảm giác bỏng rát thì phơi nắng cũng làm tăng nguy cơ ung thư da. Thậm chí, khi bạn bị sạm da hoặc da của bạn sẫm màu, không bị đỏ thì ánh nắng mặt trời cũng có thể gây tổn thương tế bào và dẫn đến ung thư.
Chỉ số UV là một yếu tố quan trọng. Cường độ tia UV thay đổi theo mùa, thời gian trong ngày và vị trí địa lý. Chỉ số UV cao có nghĩa là da không được bảo vệ sẽ bị bỏng nhanh hơn, tổn thương nghiêm trọng hơn. Hãy cẩn thận, đặc biệt là khi ánh nắng mặt trời mạnh nhất. Tuy nhiên, ngay cả khi chỉ số thấp UV thì vẫn tồn tại rủi ro. Do đó, tốt nhất là bạn hãy bảo vệ bản thân mỗi ngày trong năm.
Bạn cũng có thể bị cháy nắng trong một ngày âm u, nên lưu ý ngay cả khi trời không nắng. Có đến 80% tia UV có thể xuyên qua các đám mây.
Dù nhẹ đến đâu, mỗi vết bỏng do cháy nắng là dấu hiệu tổn thương làn da của bạn. Nó có thể dẫn đến lão hóa sớm và ung thư da.
>> Quá trình lão hóa diễn ra một cách tự nhiên mà chúng ta không thể tránh khỏi. Tuy nhiên có những nguyên nhân từ bên ngoài tác động vào làm đẩy nhanh tiến trình này. Bằng cách nào có thể làm chậm tiến trình lão hóa nhằm níu giữ tuổi thanh xuân? YouMed giúp bạn trả lời câu hỏi này qua bài viết: 5 bí quyết ngăn ngừa lão hóa da
4. Những tác hại khi bị cháy nắng
Cháy nắng nhiều lần làm tăng nguy cơ tiềm ẩn cho da. Đặc biệt với những người có làn da trắng, cháy nắng đóng vai trò rõ ràng trong việc phát triển khối u ác tính. Nghiên cứu chỉ ra các tia UV gây hại cho da cũng có thể làm thay đổi gen, ức chế khối u. Ngoài ra, tia này còn khiến các tế bào bị tổn thương ít có cơ hội chữa lành trước khi phát triển thành ung thư.
Những người làm việc hoặc chơi thể thao ngoài trời có nguy cơ bị cháy nắng thường xuyên hơn và có thể dẫn đến ung thư da.
Ngay cả một vết cháy nắng phồng rộp trong thời thơ ấu hoặc thiếu niên cũng làm tăng gấp đôi cơ hội phát triển khối u ác tính sau này. Tổn thương da tích tụ theo thời gian bắt đầu từ vết cháy nắng đầu tiên của bạn. Bạn càng để da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời thì nguy cơ ung thư da càng cao. Những tác hại mà tia UV để lại có thể xảy ra ngay cả khi không có vết bỏng rõ ràng.
5. Cách điều trị và giảm cháy nắng
5.1. Người lớn
-
Hành động nhanh nhất để hạ nhiệt
Nếu đang ở gần hồ nước lạnh hoặc biển, hãy ngâm mình thật nhanh để làm mát làn da của bạn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý chỉ ngâm trong vài giây để không kéo dài thời gian tiếp xúc với ánh nắng. Sau đó, hãy che chắn và ra khỏi ánh nắng mặt trời ngay lập tức, đồng thời tiếp tục làm mát vết bỏng bằng cách nén lạnh.
Bạn có thể sử dụng nước đá để nén lạnh, nhưng không được áp đá trực tiếp vào vết cháy nắng. Bạn cũng nên tắm nước mát nhưng không được quá lâu vì có thể làm khô da. Lưu ý tránh dùng xà phòng có tính ăn mòn cao, có thể gây thêm kích ứng da.
-
Giữ ẩm
Hãy sử dụng một loại kem dưỡng ẩm nhẹ nhàng, tuyệt đối không phải là thuốc mỡ dầu hoặc dầu vì có thể giữ nhiệt và làm cho vết bỏng nặng hơn.
-
Giảm viêm
Dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen, naproxen hoặc aspirin để giảm viêm và khó chịu khi cháy nắng. Bạn cũng có thể sử dụng kem cortisone 1% không cần kê đơn theo chỉ dẫn trong một vài ngày để giúp làm dịu vết đỏ và sưng.
-
Bổ sung nước
Cháy nắng làm mất chất lỏng trên bề mặt da, do đó bạn có thể bị mất nước. Điều quan trọng là phải bù nước bằng cách uống thêm chất lỏng, bao gồm nước và đồ uống giúp bổ sung chất điện giải, trong khi làn da của bạn lành lại.
-
Thuốc
Nếu đang dùng thuốc làm cho da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời (như tetracycline, thiazide, sulfonamides, phenothiazin, thuốc tránh thai, thuốc lợi tiểu, thuốc trị tiểu đường), hãy liên hệ với bác sĩ để xem có loại thuốc nào khác giúp da bạn bớt nhạy cảm với ánh nắng không. Đừng ngừng dùng bất kỳ loại thuốc nào mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước.
-
Gặp bác sĩ nếu có thể
Bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế nếu phồng rộp nghiêm trọng hơn trên phần lớn cơ thể. Bị sốt, ớn lạnh vì các vết rạn da, bỏng rộp có thể dẫn đến nhiễm trùng. Dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm các vệt đỏ hoặc mủ chảy ra.
5.2. Trẻ em
Da bé mềm mại, dễ bị tổn thương nhưng lại nhanh lành hơn da người lớn. Tuy nhiên, da trẻ em cũng ít có khả năng tự bảo vệ khỏi tổn thương, kể cả tổn thương từ mặt trời.
Bé dưới 6 tháng tuổi không được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Trẻ lớn hơn 6 tháng tuổi cần được bảo vệ khỏi ánh nắng, đeo kính râm chống tia UV để bảo vệ mắt. Nếu con bạn bị cháy nắng, hãy làm theo các hướng dẫn sau:
- Tắm trong nước sạch, ấm để làm mát da.
- Đối với em bé dưới 1 tuổi, cháy nắng nên được coi là một trường hợp khẩn cấp và cần gọi bác sĩ ngay lập tức. Đối với trẻ từ 1 tuổi trở lên, hãy gọi bác sĩ nếu bé bị đau dữ dội, phồng rộp, lờ đờ hoặc sốt trên 38,3°C.
- Cháy nắng có thể gây mất nước. Bạn cần cho trẻ uống nước hoặc nước trái cây để thay thế chất lỏng cơ thể. Liên lạc với bác sĩ nếu trẻ không đi tiểu thường xuyên.
- Thoa kem dưỡng ẩm nhẹ để làm dịu da, nhưng không nên chà xát mạnh. Bạn không nên sử dụng kem có thêm chất kháng histamine hoặc bất kỳ loại thuốc nào như hydrocortison hay benzocaine trừ khi được bác sĩ nhi khoa hướng dẫn. Đặc biệt, bạn không được thoa rượu vì có thể làm mất nước của da.
- Giữ bé tránh khỏi ánh nắng mặt trời hoàn toàn cho đến khi vết cháy nắng lành.
- Thực hành chống nắng và đảm bảo rằng bất kể con bạn đi đâu cũng đều được chống nắng.
6. Những biện pháp khắc phục tại nhà để giảm các vết cháy nắng nhẹ đến trung bình nhanh và hiệu quả
- Nha đam có thể làm dịu vết bỏng nhẹ và thường được coi là an toàn.
- Các miếng gạc mát có thể giảm khó chịu.
- Mặc quần áo rộng, thoáng khí để tránh kích ứng da.
- Tránh xa ánh nắng mặt trời cho đến khi vết cháy nắng lành lại.
- Tắm nước mát để làm mát làn da bỏng rát của bạn.
Một số liệu pháp tự nhiên cho nước tắm để làm dịu cơn đau do bỏng rát gồm:
- Thêm một chén giấm táo vào bồn tắm để giúp cân bằng độ pH (axit hoặc kiềm) của làn da và thúc đẩy quá trình chữa lành.
- Ngâm mình trong bồn tắm có bột yến mạch. Điều này đặc biệt hữu ích cho da ngứa, đau rát.
- Thêm một ít tinh dầu hoa oải hương hoặc hoa cúc vào bồn tắm để giúp giảm bớt một số vết bỏng và đau.
- Thêm 2 cốc baking soda vào bồn tắm để giúp giảm bớt kích ứng và đỏ da.
- Tránh xà phòng hoặc nước hoa trong nước tắm vì những thứ này có thể làm khô da.
7. Tinh dầu, thảo dược và các sản phẩm tự nhiên để giảm đau và các triệu chứng cháy nắng
- Sử dụng các loại kem có chứa lô hội để làm dịu và giữ ẩm cho làn da. Một số sản phẩm lô hội có chứa lidocaine, một loại thuốc gây tê giúp giảm đau do cháy nắng.
- Các loại tinh dầu như hoa oải hương hoặc hoa cúc. Bạn có thể thoa một lượng nhỏ cho da để làm dịu vết cháy nắng.
- Dùng trà mới pha và đợi khi nguội thì áp lên vùng da bị cháy nắng bằng vải sạch. Axit tannic trong trà đen được cho là giúp giảm nhiệt từ làn da bị cháy nắng và hỗ trợ khôi phục lại sự cân bằng pH. Thêm bạc hà vào trà để có hiệu quả làm mát hơn. Áp túi trà ngâm trong nước lạnh cho mí mắt bị cháy nắng để làm dịu vết bỏng và giảm viêm.
- Thoa dầu thạch hoặc thuốc mỡ Aquaphor lên môi bị cháy nắng để giữ ẩm.
8. Thực phẩm và vitamin để làm dịu và giảm đau do cháy nắng
- Sử dụng sữa với một miếng vải sạch cho làn da bị cháy nắng. Sữa sẽ tạo ra một màng protein giúp giảm bớt sự khó chịu cho da.
- Giống như sữa, sữa chua cũng làm dịu các vết bỏng do ánh nắng.
- Vitamin E là một chất chống oxy hóa và có thể giúp giảm viêm. Sử dụng dầu vitamin E trên da hoặc dùng một liều bổ sung thường xuyên. Dầu vitamin E cũng có thể được chà xát lên da bong tróc.
- Dưa chuột có đặc tính chống oxy hóa và giảm đau tự nhiên. Bạn hãy cắt nhỏ dưa chuột, sau đó xay nhuyễn trong máy xay sinh tố để tạo hỗn hợp sệt và thoa lên các khu vực bị cháy nắng, bao gồm cả mặt. Dưa chuột cũng có thể làm dịu da bong tróc.
- Luộc và nghiền khoai tây gọt vỏ, để nguội và áp lên vùng da. Tinh bột trong khoai tây giúp giảm nhiệt, có thể làm giảm đau và tăng tốc độ chữa lành.
- Bột bắp cũng có thể được trộn với nước để tạo thành một hỗn hợp áp cho da và giúp làm dịu vết cháy nắng.
Cháy nắng có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào, phổ biến nhất trong mùa hè khi các tia nắng mặt trời mạnh nhất. Biện pháp tốt nhất để chống lại ánh nắng là phòng ngừa. Bạn có thể dễ dàng giảm nguy cơ ung thư bằng cách thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ da an toàn dưới ánh nắng mặt trời.