Ra huyết trắng khi mang thai nguy hiểm ra sao?
Huyết trắng hay còn được gọi là khí hư, chính là dịch nhầy có màu trắng trong, đôi khi hơi ngả vàng. Lượng khí hư này ra nhiều hay ít tùy theo từng giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt. Huyết trắng giữ ẩm, cân bằng cho âm đạo phụ nữ, tạo điều kiện thuận lợi để tinh trùng vào tử cung khi trứng rụng.
Vào những tháng đầu và giữa của thai kỳ, huyết trắng có xu hướng xuất hiện nhiều hơn. Nguyên nhân được nhắc đến là do sự gia tăng của hormone estrogen và lưu lượng máu trong cơ thể mẹ bầu khiến khí hư ra nhiều hơn để ngăn chặn vi khuẩn từ môi trường xâm nhập vào âm đạo của bà bầu.
Nhận biết hiện tượng bà bầu ra huyết trắng bằng cách nào?
Tử cung và cổ tử cung của mẹ bầu cùng các bộ phận thuộc khu vực vùng kín sẽ thay đổi thích ứng với sự phát triển của bào thai. Trong số này, lượng khí hư cũng từ đó tiết nhiều hơn để điều hòa sự giãn nở của vùng kín và âm đạo. Nhờ vậy mà quá trình giao hợp của mẹ bầu cũng trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, tình trạng huyết trắng ra nhiều có thể rơi vào 2 trường hợp dưới đây:
Dấu hiệu bà bầu ra huyết trắng bình thường
Dịch nhầy có màu sắc trắng trong hoặc trắng đục, tựa như nước mũi trong hoặc như bột nhão. Điều đặc biệt là chúng không được có màu hoặc mùi hôi bất thường.
Lượng dịch nhầy này có thể tiết ra nhiều hay ít do hormone trong cơ thể mẹ bầu.
Ngoài ra, vào những tháng cuối của thai kỳ, chất nhầy cổ tử cung sẽ tập hợp lại thành nút nhầy, bảo vệ thai nhi khỏi việc nhiễm khuẩn. Tới giờ G, khi dạ con bắt đầu co thắt lại, nút bảo vệ này bung ra, thoát ra qua đường âm đạo của mẹ.
Dấu hiệu bà bầu ra huyết trắng bất thường
Trường hợp thai nhi dưới 37 tuần, nếu thấy lượng chất nhầy cổ tử cung thoát ra nhiều hơn bình thường và có lẫn các vết màu hồng, mẹ bầu nên báo với bác sĩ chuyên khoa. Đây có thể là một trong những dấu hiệu của hiện tượng sinh non hoặc viêm cổ tử cung.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên lưu ý đặc biệt đối với trường hợp huyết trắng có mùi hôi, đổi màu vàng, xanh hay trắng đục đi kèm với các triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu khi đi tiểu hoặc khi quan hệ. Đây là một trong những dấu hiệu điển hình của việc nhiễm trùng âm đạo. Trong trường hợp này, mẹ bầu nên khẩn trương đi khám phụ khoa để được điều trị sớm.
Tuy không gây khó khăn khi điều trị, nhưng nếu mẹ bầu để bệnh kéo dài thêm, tái phát nhiều lần có thể gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
Đặc biệt các trường hợp bà bầu ra khí hư màu trắng đục nhiều do viêm nhiễm âm đạo nếu như không được điều trị sớm có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Lưu ý, tuy quan hệ khi mang thai có được xuất vào trong nhưng nếu quan hệ mạnh bạo, làm xây xát cô bé cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự viêm nhiễm ở mẹ bầu.
Với sự tăng đột biến của hormone trong thai kỳ, “cô bé” của mẹ nhạy cảm hơn với một loạt các bệnh nhiễm trùng và gây ngứa.
Cách xử lý khi mẹ bầu ra huyết trắng
Ra huyết trắng khi mang thai có thể là dấu hiệu báo động rằng “cô bé” đang bị viêm nhiễm. Mẹ bầu phải đặc biệt lưu ý cách xử lý dưới đây.
Mẹ bầu nên mặc quần áo rộng rãi, có chất liệu cotton, thoáng mát và thoải mái vì tránh vi khuẩn sản sinh trong điều kiện chật chội, ẩm ướt. Việc mẹ bầu mặc quần lót quá chật cũng rất dễ tạo môi trường cho vi khuẩn có hại phát triển.
Mẹ bầu có thể sử dụng băng vệ sinh hằng ngày, loại không mùi hoặc thường xuyên thay đổi quần lót mặc 2 lần/ngày. Chú ý luôn giữ cho “cô bé” khô thoáng và thật sạch sẽ. Khí hư ra nhiều làm âm đạo ẩm ướt tạo môi trường thuận lợi cho nhiều vi khuẩn sinh sôi gây viêm nhiễm. Vì vậy, bạn cần vệ sinh vùng kín đúng cách và thường xuyên, đặc biệt là sau khi giao hợp. Mẹ bầu nên vệ sinh từ trước ra sau để tránh tình trạng vi khuẩn từ hậu môn thâm nhập vào “cô bé”.
Ngoài ra, mẹ bầu cần cẩn thận khi dùng sữa tắm hoặc các dung dịch vệ sinh vì lúc này, “cô bé” của bạn đang mẫn cảm hơn bình thường.
Không nên sử dụng khăn lau có mùi thơm, hoặc xịt khử mùi âm đạo.
Không nên thụt rửa sâu âm đạo vì cách này sẽ làm phá vỡ môi trường cân bằng tự nhiên vốn có của âm đạo, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây viêm nhiễm.
mẹ hãy dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn. Tình trạng lo âu, căng thẳng khiến nội tiết trong cơ thể mẹ bầu dễ mất cân bằng, từ đó gia tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Luôn đảm bảo thực đơn ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Mẹ bầu nên hạn chế tối đa các món ăn có nhiều dầu mỡ hoặc quá cay. Thay vào đó, mẹ bầu nên ăn nhiều rau củ quả tươi giàu vitamin A, vitamin C… như cà rốt, cà chua, ổi, kiwi để giúp cân bằng độ pH cho âm đạo.
Thường xuyên tập thể dục thể thao là việc mẹ bầu nên làm. Việc đi bộ nhẹ nhàng, thực hiện các bài tập yoga cho mẹ bầu có thể giúp thai phụ ngủ ngon, tăng cường sức đề kháng, nhờ đó phòng tránh được sự tấn công xâm nhập của virus, vi khuẩn nấm, giúp ngăn chặn nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa, thủ phạm gây ra huyết trắng khi mang thai ở mẹ bầu.
Tuân theo lịch khám thai định kỳ để đảm bảo tốt nhất sức khỏe cho mẹ và bé.
Có thể bạn quan tâm: Liệu có khả năng mang thai ngay sau khi có kinh không?
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp