Cái tên Bún Thang vốn đã từng là chủ đề khiến nhiều người đặt dấu hỏi: Tại sao lại là “thang”? Để trả lời câu hỏi ấy, hãy cùng quay ngược thời gian, đi tìm nguồn gốc của món ăn chất chứa phong vị Hà Thành này.
Đa phần mọi người đều khẳng định món bún thang khởi nguồn từ một bà nội trợ đảm đang nào đó từ một dịp tết rất lâu rồi. Khi ấy, người nội trợ cảm thấy tiếc những món đồ thực phẩm được chuẩn bị quá nhiều cho dịp Tết mà sau Tết lại thừa nhiều, không nỡ bỏ đi, nên đã nghĩ ra và khéo léo chế biến món ăn xuất sắc này, là sự kết hợp từ chính những thực phẩm không dùng hết đó như: nước xương, giò, thịt gà, trứng,… Và rồi, nó trở thành món ăn thanh nhẹ được yêu thích sau những ngày Tết toàn bánh chưng, thịt gà và canh măng,…
Bởi vậy, có nhà nghiên cứu ẩm thực cho rằng từ “thang” trong tiếng Hán nghĩa là canh, “bún thang” nghĩa là “bún chan bởi canh”. Do đó, nguồn gốc của bún thang cũng có thể bắt nguồn từ món canh thượng thang của người Hà Nội xưa. Song, số đông lại cho rằng cái tên bún thang xuất phát từ chính khâu chuẩn bị nguyên liệu, như thể một thang thuốc. Từ “thang” để chỉ nhiều thành phần cùng phối hợp, giống như thang thuốc Đông y. Còn một số cách giải thích khác về cái tên này, song, dù giải thích thế nào thì bún thang vẫn là món ăn hấp dẫn, thể hiện rõ nét sự tinh tế, cầu kì của người Hà Nội trong việc ăn uống.
Bún thang – món ăn đậm chất Hà Thành
Có lẽ, hiếm có món ăn nào lại hội tụ và kết hợp hoàn hảo các yếu tố hương – sắc – vị như bún thang. Khi được xếp sắp tỉ mỉ, bát bún thang như một bông hoa ngũ sắc đang tỏa hương ngào ngạt trong làn khói nóng. Chẳng thế mà, bún thang được đánh giá là một trong những món ăn tinh tế, cầu kì và đẹp mắt nhất trong ẩm thực Hà Thành nói riêng và ẩm thực Việt Nam nói chung.
Cụ thể, bát bún ấy được cấu thành từ những nguyên liệu gì mà hấp dẫn đến vậy? Đầu tiên, đó là bún rối. Tiếp đến là một chút thịt gà được thái chỉ, xé sợi đều tay đặt ở một góc trên phần bún. Bên cạnh là chút giò lụa thái sợi, rồi trứng tráng mỏng tang cũng thái rối. Rồi sau đó là củ cải dầm, vài chiếc nấm hương, và một vài con tôm khô ninh kỹ, cùng với hành xanh thái nhỏ. Bát bún ấy sẽ tròn vị với một chút xíu mắm tôm. Tính ra phải có đến 12 thứ nguyên liệu mà chỉ thiếu đi 1 chút là món ăn không được hoàn thiện. Và còn một thứ vô cùng quan trọng, quyết định bát bún ngon hay dở, đó chính là nước dùng. Để có được nồi nước chanh ngon ngọt thơm lừng mà lại trong veo, phải ninh xương với tôm khô và trong quá trình ninh phải thường xuyên lưu ý hớt bọt bám trên thành nồi, ninh lửa thật nhỏ và mở hé vung… Quả thật, tuy được chế biến từ những thức ăn dư của ngày Tết nhưng món ăn này thật lắm công phu. Chỉ nhìn thôi đã thấy kì công và khi tìm hiểu về cách chế biến người ta lại càng thấy rõ sự cầu kì, chỉn chu, tinh tế của người Hà Nội trong “nếp ăn”, sự ý nhị cả trong cách chế biến, thưởng thức lẫn tấm lòng của người trao – kẻ nhận.
Bún thang bắt đầu được nâng tầm đỉnh cao từ quãng những năm 80 của thế kỉ trước. Và ngày nay, bún thang không còn bó hẹp là món ăn sau mỗi dịp Tết mà còn được mở rộng, trở thành món ăn hàng ngày với một số thay đổi cho phù hợp. Ngày nay, dù không còn đầy đủ các nguyên liệu truyền thống như xưa nhưng bún thang Hà Nội vẫn là món ăn thanh nhã, tinh tế bậc nhất của ẩm thực Hà thành được nhiều người sành ăn cũng như khách du lịch yêu thích.
Bài, ảnh: THÙY ANH