Thứ Hai 21/03/2022 , 08:38 (GMT+7)
Gieo cấy thưa bằng máy không chỉ giảm lúa giống mà còn giúp nông dân giảm lượng phân bón, số lần phun thuốc, giảm công lao động, hạ giá thành sản xuất lúa hiệu quả.
Giá thành sản xuất lúa tại vùng ĐBSCL hiện còn quá cao và không đều giữa các địa phương. Vụ lúa đông xuân 2021 – 2022, giá thành trung bình tại tỉnh Trà Vinh và Hậu Giang chênh nhau tới hơn 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nếu áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, nhất là cơ giới hóa khâu gieo cấy, giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón và thuốc BVTV hợp lý, nông dân có thể hạ giá thành sản xuất lúa trong tầm tay.
Lãi tốt nhờ lúa cấy máy
Cánh đồng lúa rộng 90ha thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Hiếu (ấp Bình Hiếu, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) những ngày giữa tháng 3 vào vụ thu hoạch rộ. Khi chiếc máy cắt chũi hàm răng sắc nhọn nghiến ngang thân lúa, đã để lộ ra những bụi gốc rạ thưa rất thẳng hàng. Những người đứng trên bờ xem như nhận ra vấn đề gì đó, liền quay sang bảo nhau: “Thì ra là ruộng lúa cấy, hèn chi bông lúa to, dài và hạt lúa sáng đẹp thế. Máy chỉ chạy một đoạn ngắn đã đầy bao, lúa này trúng lắm”.
Ruộng lúa cấy máy giúp nông dân có thể tiết kiệm 15 – 20% chi phí, nhờ giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn giữ được năng suất và lợi nhuận như kỳ vọng. Ảnh: Trung Chánh.
Đã trải qua cả chục vụ lúa liên tiếp, các hộ nông dân ở khu vực Bình Hiếu chỉ chọn thực hiện biện pháp gieo cấy thưa bằng máy cấy, thay cho sạ thưa hay kéo hàng. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Hiếu, ông Nguyễn Văn Hiện giải thích: “Đây là giải pháp sản xuất lúa tiên tiến nhất, gieo cấy thưa bằng máy chỉ tốn mỗi ha 50kg lúa giống để làm mạ. Trong khi sạ thưa cũng tốn từ 100 – 120 kg lúa giống/ha, còn kéo hàng cũng mất 80 – 90 kg/ha. Nếu so với tập quán sạ dày 180 – 200kg lúa giống/ha trước kia thì đã giảm khá nhiều, nhưng vẫn không hiệu quả bằng giải pháp cấy máy”.
Vụ lúa đông xuân 2021 – 2022, các xã viên ở đây hợp tác với doanh nghiệp làm 3 giống lúa là Đài Thơm 8, Hương Châu 6 và VNR20. Tất cả đều được cấy bằng máy và chăm sóc theo quy trình làm lúa giống. Nên ngay khi những chiếc máy gặt đập liên hợp xuống đồng thu hoạch thì ghe tải lớn của doanh nghiệp đã đậu chực chờ sẵn ở bờ sông để chở những bao lúa đầy ắp về nhà máy sấy, chế biến thành phẩm.
Lúa cấy bằng máy có mật độ thưa hợp lý, cây lúa phát triển tốt, cho nhiều chồi hữu hiệu, bông lúa to, hạt hạt sáng bóng, bán được giá cao, nông dân lãi tới 35 triệu đồng/ha vụ đồng xuân 2021 – 2022. Ảnh: Trung Chánh.
Theo ông Hiện, vụ lúa đông xuân này giá vật tư tăng khá cao, nhất là giá phân bón đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, giá thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng mạnh. Đến khi thu hoạch thì giá xăng, dầu bất ngờ tăng vọt, đẩy giá công cắt từ 280.000 lên 320.000 đồng/công (công tầm cắt, 1.296m2). Nếu lúa bị đổ ngã nhiều thì lên đến 350.000 – 400.000 đồng/công. Cũng may, là dân ở đây làm lúa gieo cấy thưa bằng máy hết nên rất ít bị đổ ngã, công thu hoạch tăng không nhiều.
Tương tự, anh Hồ Văn Hồng, xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Hiếu có 6,5ha đất làm giống lúa VNR20 cũng vừa thu hoạch xong. Theo tính toán của anh Hồng: “Vụ này chi phí tăng vọt, nếu cộng hết mọi chi phí từ giống má, vật tư, chăm sóc đến thu hoạch thì mỗi công tốn hết khoảng 2,5 triệu đồng. Thu hoạch được 1,1 tấn/công, giá bán 6.800 đồng/kg (nhờ làm lúa giống, doanh nghiệp mua cao hơn giá thị trường 1.000 đồng/kg), tổng thu khoảng 7,5 triệu đồng, lời 5 triệu đồng/công. Tương đương lãi nông dân bỏ túi được khoảng 35 triệu đồng/ha. Nhờ cấy máy, lúa thưa đều nên giảm được chi phí đầu tư, hạ giá thành và làm lúa giống mới lãi được vậy, chứ sạ dày như trước chỉ lãi 1 – 2 triệu đồng là cao”.
Trong thời gian chờ cho đất nghỉ, vệ sinh đồng ruộng, gia đình anh Hồng đã chủ động mua bụi xơ dừa về để làm mạ khay cấy cho vụ lúa hè thu tiếp theo. Nếu chủ ruộng chỉ có lúa giống, mướn Hợp tác xã làm dịch vụ mạ khay và công cấy thì chi phí từ 500.000 – 520.000 đồng/công. Mình bỏ công sức ra tự làm mạ, mướn cấy thôi thì chi phí khâu gieo cấy giảm được khoảng gần một nửa.
Anh Hồ Văn Hồng, xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Hiếu, tự mua bụi xơ dừa về làm mạ cho ruộng nhà, chỉ mướn dịch vụ máy cấy để giảm chi phí. Ảnh: Trung Chánh.
Theo anh Hồng, chi phí nông dân bỏ ra để làm lúa cấy ban đầu thấy nhiều nhưng tính kỹ ra lại rẻ. Chi phí công cấy gấp cả chục lần so với mướn sạ phun bằng máy nhưng bù lại nông dân đã có lợi nhờ giảm được từ 50 – 70kg lúa giống/ha, tính ra đã giảm được gần 1 triệu đồng rồi, để bù vào công cấy. Nhưng cái lợi lớn hơn nhiều chính là lúa thưa đều, phát triển nhanh nên giảm được công chăm sóc, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trong điều kiện giá phân bón tăng phi mã, giờ đã lên 1,2 – 1,3 triệu đồng/bao (DAP) thì cấy thưa để giảm lượng phân bón là hiệu quả nhất. Đến khi thu hoạch năng suất lúa vẫn cao mà chi phí đầu tư giảm nên hạ được giá thành, đảm bảo duy trì được mức lãi như kỳ vọng.
Tiết kiệm chi phí 15 – 20%
Hiện nay, việc ứng dụng mạ khay, gieo cấy thưa bằng máy cấy trong sản xuất lúa tại Hậu Giang và các tỉnh lân cận ngày càng dần trở nên phổ biến hơn. Vì sử dụng máy cấy sẽ giảm tối đa lượng lúa giống gieo sạ, đồng thời giảm phân bón và thuốc hoá học. Ruộng lúa cấy dễ áp dụng cơ giới hóa trong các khâu chăm sóc, giảm công lao động. Qua đó, góp phần giảm chí phí trong sản xuất lúa, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Ông Trương Tấn Trị (bên phải), thành viên tổ dịch vụ máy cấy Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Hiếu và Trưởng trạm Khuyến nông thị xã Long Mỹ Trần Hoàng Phúc đang kiểm tra mạ chuẩn bị cấy cho vụ lúa hè thu 2022. Ảnh: Trung Chánh.
Ông Trương Tấn Trị, thành viên tổ dịch vụ máy cấy Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Hiếu cho biết, hiện tại đơn vị đã được hỗ trợ và tự đầu tư được 9 máy cấy Kubota (4 hàng) và 3 máy cấy Yamaha (6 hàng), công suất cấy từ 10 – 15 ha/ngày. Mỗi vụ lúa, chúng tôi có khả năng đáp ứng dịch vụ làm mạ khay, máy cấy cho xã viên và bà con khu vực lân cận khoảng 200ha. Ngoài ra, còn tận dụng lịch thời gian mùa vụ khác nhau đi làm dịch vụ cho các huyện, thành phố trong tỉnh, kể cả qua tỉnh Kiên Giang khoảng trên 100ha nữa.
Hiện nay, lúa đông xuân 2021 – 2022 tại khu vực Bình Hiếu vừa mới thu hoạch xong, cần có thời gian cho đất nghỉ ngơi, cách ly mùa vụ, vệ sinh làm đất… Thế nhưng, trên cây cầu bê tông khá rộng bắc qua sông nối với đường giao thông nông thôn sang nhà ông Trị, cũng như bên hông nhà những khay mạ đã lên xanh mướt. Vừa kéo chiếc ống nhựa bơm nước chạy bằng máy xăng để tưới mạ, ông Trị vừa giải thích: “Đây là mạ chúng tôi gieo để đi cấy dịch vụ cho bà con nông dân ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh. Nơi đây cắt lúa sớm, bà con đã chuẩn bị đất sẵn cho vụ lúa hè thu 2022 rồi, chờ mạ đủ ngày là mang theo máy đi cấy thôi. Do chi phí xăng dầu tăng nên giá dịch vụ gieo mạ (lúa giống của chủ ruộng) và cấy vụ này tăng khoảng 20.000 – 30.000 đồng, lên mức 500.000 – 520.000 đồng/công, tùy điều kiện di chuyển”.
Tổ dịch vụ máy cấy Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Hiếu đang chuẩn bị mạ đi cấy theo đơn đặt hàng của nông dân thành phố Vị Thanh. Ảnh: Trung Chánh.
Anh Trần Hoàng Phúc, Trưởng trạm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) cho biết, nông dân ở đây nhiều người đã quen với dịch vụ máy cấy và thấy rõ được lợi ích sản xuất lúa bằng máy cấy. Anh Phúc đánh giá: “Ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa sẽ giúp nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư từ 15 – 20% nhờ giảm lúa giống, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật. Ruộng cấy máy lúa thưa đều, đẻ nhánh khỏe, phát triển tốt, sâu bệnh giảm hẳn, lúa ít khi bị đổ ngã. Năng suất lúa thu hoạch cao hơn từ 50 – 100 kg/ha so với các hình thức sạ lan, hạt lúa chắc và sáng đẹp, bán được giá cao hơn. Từ đó, giúp hạ giá thành sản xuất lúa, tăng lợi nhuận và nâng cao thu nhập cho bà cong nông dân”.
Cơ giới hóa giúp hạ giá thành sản xuất lúa
Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang cho biết, các mô hình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, gồm khâu gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch, đã giúp hạ giá thành sản xuất lúa hiệu quả. Cụ thể như mô hình máy cấy lúa tại phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ có chi phí ban đầu có cao hơn so với sạ lan khoảng 2,5 – 3 triệu đồng/ha. Nhưng bù lại giảm được lượng lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Năng suất lúa thu hoạch cao hơn rất nhiều so với ruộng sạ lan (1,5 tấn/ha, vụ hè thu 2021), giá bán cao hơn nên lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình gần 8 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, môi trường sinh thái đồng ruộng, hệ động thực vật từng bước được bảo vệ, đảm bảo sức khoẻ cho người trồng lúa, góp phần giảm phát khải khí nhà kính trong sản xuất lúa.
Ngoài ra, sử dụng máy bay không người lái vào sản xuất lúa, nhất là khâu phun thuốc bảo vệ thực vật, làm nền tảng giúp nông dân dần ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào trong sản xuất. Về hiệu quả kinh tế, giúp hạn chế tình trạng vượt liều lượng sử dụng thuốc và có thể giảm lượng thuốc từ 10 – 15% mỗi lần phun xịt trên đơn vị diện tích. Tăng hiệu quả sử dụng thuốc bảo vệ thực vật do hạt thuốc được nén ra bên ngoài với dạng sương, dễ dàng thấm nhanh qua lớp biểu bì lá. Giúp bà con nông dân khắc phục một phần lớn khó khăn trong sản xuất, nhất là về công lao động và không phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại. Qua đó, góp phần giảm giá thành, đảm bảo năng suất, tăng lợi nhuận và hiệu quả kinh tế cho bà nông dân trồng lúa.