Hiện nay, nông dân các địa phương trong tỉnh đang khắc phục khó khăn về thời tiết, nhân công lao động… áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm hoàn thành gieo cấy lúa mùa theo đúng lịch thời vụ.
Nông dân xã Hồ Tùng Mậu (Ân Thi) gieo cấy lúa mùa
Từ 50 nghìn đồng/giờ cấy
Thời điểm này, tại những cánh đồng của xã Văn Nhuệ (Ân Thi) đã phủ kín màu xanh của lúa mới cấy, đây cũng là thời điểm những tốp thợ cấy “lên đường” đi cấy thuê cho những xã quanh khu vực. Là người có thâm niên đi cấy thuê, bà Trần Thị Sâm ở thôn Văn Trạch chia sẻ: “Khoảng 1 tuần trước, khi nền nhiệt ban ngày tăng cao, chúng tôi phải tranh thủ đội đèn đi cấy đêm để cây lúa có thời gian bén rễ, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết. Sau khi hoàn thành gieo cấy diện tích của gia đình, chúng tôi nhận cấy thuê cho những hộ dân có nhu cầu với giá 50 nghìn đồng/giờ. Cấy thuê theo giờ, chúng tôi chủ động hơn về mặt thời gian, thường bắt đầu từ 3 giờ đến 10 giờ sáng là lên bờ. Mỗi ngày chúng tôi tranh thủ cấy từ 7 – 10 tiếng. Mặc dù vất vả nhưng sau vụ cấy chúng tôi có một khoản thu nhập khá, bảo đảm lo cho cuộc sống của gia đình”.
Trong thời gian chờ mạ đủ ngày cấy, bà Đặng Thị Mỹ ở xã Bắc Sơn (Ân Thi) tranh thủ đi cấy thuê cho người quen tại xã Hưng Long (thị xã Mỹ Hào). Bà Mỹ chia sẻ: “Còn vài ngày nữa ruộng mạ của gia đình tôi mới đủ ngày để cấy nên tôi tranh thủ đi cấy thuê để có thêm thu nhập. Chúng tôi đi cấy từ gần 5 giờ sáng và về nhà lúc 6 giờ tối. Do ruộng cấy ở xa nên chúng tôi được chủ nhà “bao” bữa ăn sáng, bữa ăn trưa và được trả công 400 nghìn đồng/ngày”.
Dù cấy thuê theo giờ hay thuê theo ngày thì thợ cấy phải là những người có sức khỏe, cấy đều tay, thẳng hàng, cấy nhanh và có trách nhiệm với công việc. Hơn thế, các tốp thợ cấy thuê chuyên nghiệp còn phải lựa chọn những người thợ cấy có thể đảm nhận từ việc nhổ mạ đến cấy để đáp ứng theo yêu cầu của người thuê. Ngày công thuê cấy trên địa bàn tỉnh dao động từ 350 – 500 nghìn đồng/người, tùy địa phương, tùy thời điểm.
Đến áp dụng phương pháp gieo thẳng
Để giảm áp lực nhân công gieo cấy vụ mùa, bảo đảm khung thời vụ, khoảng 5 năm trở lại đây, xã Vũ Xá (Kim Động) đã tuyên truyền, vận động người dân áp dụng phương pháp gieo thẳng. Thời điểm này, khi các địa phương khác đang tất bật với việc gieo cấy lúa mùa thì người dân trên địa bàn xã lại thảnh thơi tranh thủ thời tiết mát mẻ lúc sáng sớm và chiều muộn để phun thuốc và căng ni lông trên diện tích ruộng mới gieo thẳng để phòng trừ ốc bươu vàng, chuột gây hại lúa. Mặc dù nhà chỉ có 2 vợ chồng sản xuất nông nghiệp nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Ảnh ở thôn Cao Xá vẫn nhận 5 mẫu ruộng của người dân thôn Bàn Lễ để canh tác. Ông Ảnh cho biết: “Từ năm 1998, vợ chồng tôi quyết định thuê khoán diện tích ruộng khó canh tác của người dân thôn Bàn Lễ. Để giảm áp lực gieo cấy, gia đình tôi tiến hành gieo thẳng. Sau khi làm đất, chia luống xong, gia đình tôi chỉ mất khoảng 2 ngày là hoàn thành việc gieo cấy; trong khi đó, nếu thời tiết nắng nóng thuê 5 thợ cấy, gia đình tôi phải mất khoảng 1 tuần mới có thể hoàn thành, chưa kể ngày công thuê cấy của vụ này cao, thậm chí không thuê được người.
Theo đánh giá của người dân địa phương, phương pháp gieo thẳng có ưu điểm là giảm nhân công lao động và chi phí sản xuất, năng suất lúa cao hơn từ 1,3 lần trở lên so với cấy bằng mạ. Cùng với đó, phương pháp gieo thẳng đại trà góp phần giúp người dân thuận lợi vào khâu chăm sóc, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất một cách đồng bộ và hiệu quả.
Đồng chí Đỗ Đức Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Xá cho biết: Hiện nay, tỷ lệ gieo thẳng trên địa bàn xã đạt gần 100%. Để thuận lợi cho việc gieo thẳng, xã chỉ đạo các chủ máy làm đất, thu hoạch đến đâu, làm đất đến đó. Địa phương phối hợp với đơn vị thủy nông điều tiết nước tới từng khu vực ruộng để người dân chủ động làm ruộng, chia luống và chuẩn bị mầm mạ để gieo thẳng.
Dù là áp dụng hình thức gieo cấy nào, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều đang nỗ lực để hoàn thành kế hoạch gieo cấy vụ lúa mùa bảo đảm đúng lịch thời vụ.
Hoa Phương/Baohungyen.vn