Say nắng – dấu hiệu và xử trí bằng cách nào?

Tại sao chúng ta bị say nắng?

Khi lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng, nhiều tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy. Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị chấn động làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể.

Như vậy say nắng thường biểu hiện bệnh nặng ngay từ đầu, có thể có nhiều dấu hiệu thần kinh sớm, rất rõ tổn thương có thể hồi phục hoặc không hồi phục. Một số trường hợp có thể có tụ máu dưới màng cứng và trong não.

Khi ởngoài trời quá nắng, nhiệt độ môi trường quá cao dễ xảy ra  say nắng

Say nắng xảy ra do điều kiện nhiệt độ của môi trường quá cao hoặc do điều kiện làm việc nặng nhọc trong môi trường tương đối cao lại mặc quần áo dày, chật và bí… Nói chung, tình trạng này hay gặp ở những người thường xuyên làm việc ngoài trời nắng gắt như nông dân, công nhân làm đường, công nhân xây dựng…

Say nắng khác gì so với say nóng?

Say nóng: Là tình trạng mất nước toàn thể kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt, rối loạn vận mạch mà bản chất là do trung tâm điều hòa thân nhiệt không thích ứng với điều kiện thời tiết xung quanh.

Ánh nắng mặt trời và sức nóng là 2 tác nhân vật lý có thể gây stress với cơ thể. Khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, cùng với việc phải phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời hoặc phải làm việc trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao nóng bức (hầm lò, trong phòng kín…), hoặc hoạt động thể lực quá sức ở người trẻ (chơi các môn thể thao cường độ cao, làm việc nặng nhọc kéo dài)… sẽ dẫn đến hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt hấp thu lớn hơn nhiều so với lượng nhiệt cơ thể tỏa ra môi trường xung quanh. Do đó trong say nóng, tình trạng mất nước toàn thể là chủ yếu.

Như vậy, điểm giống nhau giữa say nắng và say nóng là cơ chế điều hòa thân nhiệt của cơ thể bị ức chế dẫn đến tình trạng sốt cao, vã mồ hôi, mất nước, trụy mạch.

Sự khác nhau ở chỗ say nắng thường do nạn nhân trực tiếp ở dưới ánh nắng mặt trời, bị ảnh hưởng của tia tử ngoại chiếu lên da. Triệu chứng thường gặp là nhức đầu, ra nhiều mồ hôi, mặt đỏ gay, lừ đừ, khó thở, có khi đau bụng, nôn mửa, người bứt rứt. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tình trạng hoa mắt, chóng mặt, sốt cao 41°C đến 42°C, mạch nhanh, sắc mặt tái nhợt. Khi bị nặng sẽ rơi vào mê sảng, co giật, hôn mê và dễ tử vong.

Còn say nóng thường do tia hồng ngoại của sức nóng (hầm mỏ, lò lửa, nhà xe, nhà mái tôn, trên tàu xe chật chội, nóng bức, ánh nắng buổi chiều…) tác động lên cơ thể kéo dài. Các triệu chứng cũng như say nắng nhưng diễn tiến từ từ với mức độ nhẹ hơn.

Biểu hiện của say nắng

Ngay sau khi bị say nắng bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, mắt lờ đờ, cơ thể nóng ran, da khô không có mồ hôi, mặt đỏ gay, nhiệt độ cơ thể lên cao, có khi lên đến 41độ C. Nhịp thở nhanh, mạch yếu khó bắt hoặc không còn. Trường hợp nặng có thể hôn mê và lên cơn co giật.

Trong đó đáng chú ý biến chứng nguy hiểm của say nắng có thể dẫn tới shock do suy giảm đột ngột cung lượng tuần hoàn. Biểu hiện mạch nhanh, huyết áp tụt, da xanh, niêm mạc nhợt.

Một biến chứng có thể có của say nóng là sốc, đó là một điều kiện gây ra bởi một sự mất mát đột ngột của lưu lượng máu. Các dấu hiệu của sốc bao gồm huyết áp rất thấp, môi và móng tay màu xanh và da mát lạnh.

Nói chung, với say nắng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trong các trường hợp nặng sẽ dễ dẫn tới tổn thương phủ tạng, tổn thương não, thậm chí là tử vong.

Ai dễ bị say nắng?

Ai cũng có thể bị say nắng, tuy nhiên nguy cơ cao xảy ra ở người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai…

Sở dĩ người cao tuổi dễ bị say nắng là do tuyến mồ hôi dưới da bị teo lại, hoạt động của hệ tuần hoàn bị suy yếu, cơ thể tỏa nhiệt không nhanh. Còn phụ nữ có thai và sản phụ là đối tượng có sức khỏe yếu. Việc mang thai và sinh nở đã làm tiêu hao của họ nhiều năng lượng. Ngay cả khi ngồi trong nhà nhưng nhiệt độ cao, không thông thoáng, nhóm người này cũng có thể bị say nắng.

Trẻ sơ sinh cũng dễ bị say nắng do cơ thể phát triển chưa được hoàn thiện dẫn đến việc điều tiết thân nhiệt cơ thể kém. Ngoài ra, những người mắc một số bệnh tim mạch cũng dễ bị say nắng, do thời tiết nóng nực khiến thần kinh phấn chấn, tăng gánh nặng cho tim. Mặt khác, do chức năng tim không hoàn thiện khiến hơi nóng trong người tỏa ra không kịp nên dẫn đến say nắng. Người bị viêm nhiễm, suy dinh dưỡng có thể khiến hơi nóng trong người tăng lên nhanh chóng, vi khuẩn và virus làm cho cơ thể tiết ra những chất không có lợi cho việc tỏa nhiệt nên dễ bị say nắng. Những người bị suy dinh dưỡng thường tụt huyết áp, mạch máu bị co bóp mang tính phản xạ.

Sơ cứu và điều trị

Trong trường hợp say nắng có biểu hiện nặng, vừa sơ cứu khẩn trường, vừa gọi xe cấp cứu hoặc chuẩn bị phương tiện để vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Các biện pháp sơ cứu tại chỗ bao gồm:

Đặt người bệnh nằm trong một khu vực thoáng mát, cởi hết quần áo, để giúp cơ thể có điều kiện giải tỏa bớt nhiệt lượng.

Dùng khăn bông rấp nước mát đắp lên đầu, lên trán và khăn mát lau khắp mình và chân tay.

Cho người bệnh uống nước đầy đủ để bù lại lượng nước trong cơ thể đã bị tiêu hao do nhiệt độ cao. Nếu có nước osezole thì cho người bệnh uống, nếu không có sẵn thì dùng nước khoáng, hoặc nước đun sôi để nguội có pha ít muối, đường. Có thể cho uống nước quả tươi, nước khoáng, hoặc nước đã đun sôi để nguội. Cho uống từ từ ít một để tránh nôn.

Tại các trung tâm y tế, nạn nhân sẽ được truyền bù nước và điện giải cũng như các biện pháp hỗ trợ khác. Trong trường hợp nạn nhân sốt cao có thể dùng paracetamol để hỗ trợ hạ sốt. Nếu có co giật phải dùng các thuốc chống co giật cho bệnh nhân. Trường hợp nạn nhân hôn mê có thể phải đặt ống nội khí quản thở máy.

Phòng tránh say nắng

Để dự phòng say nắng cần mặc quần áo thoáng mát bằng vải sợi bông, khi ra ngoài trời phải đội mũ. Không nên đi xe ô tô thời gian dài dưới trời nắng nóng, nhất là trong khoảng thời gian từ 12 đến 16 giờ. Cần thường xuyên uống nước trong điều kiện làm việc nắng nóng. Uống nước sẽ giúp mồ hôi cơ thể và duy trì nhiệt độ cơ thể bình thường.

Uống nước đầy đủ và không làm việc quá lâu  hoặc hoạt động thể lực quá sức ngoái trời để phòng say nắng

 

Bên cạnh đó cần chú ý một số thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng của cơ thể giữ nước như thuốc hạ huyết áp, thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm hoặc chống loạn thần, các chất kích thích…

Một điều quan trọng là phải có các biện pháp dự phòng say nắng, say nóng. Đó là không làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức. Uống đầy đủ nước khi trời nóng hoặc lao động nặng. Luôn trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính,… Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt là các công xưởng, hầm lò rất có ý nghĩa trong việc phòng chống say nắng, say nóng.

Rate this post

Viết một bình luận