Ngày 14/11/2016 09:31 AM (GMT+7)
Không ít các bậc phụ huynh lựa chọn thịt cóc để bổ sung dinh dưỡng cho con.
Ruốc cóc có chữa bệnh còi xương, suy dinh dưỡng?
Thấy con lười ăn, nghe mẹ chồng nói thịt cóc chữa bệnh còi xương, suy dinh dưỡng nên chị Nguyễn Thu Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) đã đặt mua một cân ruốc cóc của người bán rong về cho con ăn với giá 2 triệu đồng.
Tuy nhiên, chưa thấy chữa được bệnh còi xương mà con chị đã bị tiêu chảy sau hơn 1 tuần ăn thịt cóc. Thế là, chị phải quyết định dừng. Cũng như chị Huyền, nhiều bà mẹ vẫn coi thịt cóc là một loại “thần dược” có tác dụng bồi bổ cơ thể, bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, chống suy dinh dưỡng, chống còi xương, giúp tăng chiều cao cho trẻ…
(Ảnh minh họa)
Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm – Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Thịt cóc từ xa xưa đã là một bài thuốc của ông cha giúp chữa bệnh suy dinh dưỡng, còi xương cho trẻ.
Thực tế cho thấy, thịt cóc cũng hỗ trợ một phần trong việc chống còi xương, suy dinh dưỡng cho trẻ. Bởi lẽ thịt cóc giàu đạm, kẽm (100gr bột cóc có 55,4g đạm và 65mg kẽm) và các chất vi lượng hỗ trợ quá trình phát triển của trẻ.
Nhưng nó cũng chỉ là một sản phẩm hỗ trợ, không nên thần thánh hóa nó lên. Trẻ cần được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng thì mới phát triển toàn diện”.
Nhập viện vì cháo cóc
Mới đây, vào ngày 7/11, ba mẹ con chị B.T.T.H (31 tuổi, ngụ xã Tân An, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu) tử vong do ăn phải cháo cóc có nhiễm độc tố. Được biết, chị H. có mua cóc từ một người bán dạo rồi nấu cháo để ăn.
Vài tiếng sau, ba mẹ con chị H. nôn ói, khó thở. Gia đình đưa 3 mẹ con chị đi cấp cứu tại BV Bà Rịa nhưng do ba bệnh nhân nhập viện quá trễ, độc tố của cóc đã ngấm vào người dẫn đến tử vong.
PGS Thịnh giải thích: “Trong con cóc có độc tố bufotoxine – một chất cực độc, bền với nhiệt – có trong gan, trứng, da, mỡ, mủ (dịch tiết màu trắng đục từ các tuyến dưới da và mang tai, còn gọi là nọc cóc hay nhựa cóc), mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn”.
Thịt cóc không có độc nhưng nếu không cẩn thận trong khi chế biến vẫn có thể bị độc tố từ gan, mủ, da cóc dính vào thịt gây ra ngộ độc thậm chí dẫn tới tử vong cho người dùng”.
Thịt cóc nếu không được chế biến cẩn thận có thể gây ngộ độc chết người.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết: Tại khoa Nhi của bệnh viện cũng đã từng tiếp nhận một vài trường hợp cấp cứu do ăn phải thịt cóc.
Theo BS Dũng, triệu chứng ngộ độc khi sử dụng cóc là: trẻ thường có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau và chướng bụng, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, sốc, ảo giác, đau đầu, có thể hưng phấn, tổn thương gan, thận và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Khi gặp người bị ngộ độc thịt cóc, cần nhanh chóng gây nôn để loại bỏ độc tố, rửa dạ dày bằng dung dịch tanin 2%, dung dịch thuốc tím 1/5.000. Cho nạn nhân uống nước cam thảo, lòng trắng trứng hoặc nước luộc đỗ xanh. Có thể cho nạn nhân uống than hoạt tính để hấp thụ độc tố còn trong cơ thể. Sau đó phải nhanh chóng đưa đi cấp cứu để các bác sĩ tiến hành các biện pháp đào thải độc tố chuyên nghiệp cũng như điều trị triệt để các triệu chứng đi kèm.
GS Thịnh cũng cảnh báo: Để tránh bị ngộ độc thịt cóc tốt nhất không ăn cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc. Nhưng nếu vẫn muốn sử dụng cóc làm thực phẩm thì tuyệt đối không ăn trứng và gan cóc, tốt nhất chỉ nên lấy phần thịt đùi. Trong quá trình chế biến, tuyệt đối không để da cóc, nội tạng cóc, nhựa cóc lẫn vào cơ cóc hay thịt cóc, không sử dụng các sản phẩm bột, ruốc thịt cóc không rõ nguồn gốc.
Theo Kim Oanh (Khám phá)