Cho trẻ suy dinh dưỡng ăn thịt cóc, nên hay không nên?
Thịt cóc được xem là món ăn, vị thuốc tốt để chữa trị chứng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Do vậy, nhiều các bà mẹ đã sử dụng thịt cóc làm thực phẩm chữa trị chứng suy dinh dưỡng và kén ăn cho trẻ. Tuy nhiên, thực tế thịt cóc không giàu dinh dưỡng đến vậy.
Thịt cóc được xếp vào nhóm thực phẩm giàu chất đạm, là vật liệu xây dựng các tế bào nên đặc biệt quan trọng đối với trẻ em, phụ nữ mang thai. Ngoài ra, đạm còn là nguyên liệu để tạo dịch tiêu hóa, các nội tiết tố, protein huyết thanh, các men giúp duy trì phản ứng khác trong huyết tương, dịch não tủy, dịch ruột. Tuy nhiên, nếu so sánh thịt cóc với các thực phẩm giàu đạm khác thì không thấy có sự chênh lệch nhiều về hàm lượng chất đạm trong 100g thực phẩm.
BS.Nguyễn Thị Minh – Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, vài năm gần đây, số trường hợp ngộ độc do ăn cóc đã giảm đáng kể nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra những vụ ngộ độc đáng tiếc, có lẽ do tâm lý “thịt cóc là món ăn ngon, bổ, chống suy dinh dưỡng, chống còi xương, giúp tăng chiều cao cho trẻ” của một số bậc cha mẹ.
Thực tế là thịt cóc có tỷ lệ đạm rất cao và không chứa nọc độc. Thành phần gây độc của cóc là độc tố bufotoxine – một chất cực độc, bền với nhiệt – có trong gan, trứng, da, mủ (dịch tiết màu trắng đục từ các tuyến dưới da và mang tai, còn gọi là nọc cóc hay nhựa cóc), mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn. Người ta ước tính lượng bufotoxin trong 1 con cóc có thể gây chết cho 4 – 5 người khỏe mạnh.
Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc cóc
Do hiểu biết chưa đầy đủ về cóc nên ăn cả gan và trứng cóc. Không biết cách chế biến để loại bỏ hết da, nội tạng cóc, làm cho độc tố dính vào thịt cóc.
Triệu chứng ngộ độc: 1 – 2 giờ sau khi ăn cóc, trẻ thường có biếu hiện buồn nôn, nôn, đau và chướng bụng, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, sốc, ảo giác, đau đầu, có thể hưng phấn, tổn thương gan, thận và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do cóc Tốt nhất và an toàn nhất là không ăn cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc.
Nếu vẫn muốn sử dụng cóc làm thực phẩm thì:
– Tuyệt đối không ăn trứng và gan cóc.
– Trong quá trình chế biến, tuyệt đối không để da cóc, nhựa cóc dính vào thịt cóc. Tránh làm vỡ trứng cóc, dính và sót trứng cóc trong thịt.
– Không sử dụng các sản phẩm “bột thịt cóc” không rõ nguồn gốc, không được kiểm định để chữa suy dinh dưỡng cho trẻ vì nguy cơ bị ngộ độc rất cao. Việc đa dạng thức ăn hằng ngày cho trẻ là rất quan trọng. Tuy nhiên, để an toàn, không nên cho trẻ ăn thịt hay các sản phẩm chế biến từ cóc mà hãy thay thế bằng những thực phẩm giàu đạm khác.