Mối nguy hiểm chết người từ việc ăn thịt cóc

Thịt cóc được rất nhiều người ưa chuộng và coi đó là một món ăn bổ dưỡng cho cơ thể và có tác dụng chống còi xương ở trẻ em. Tuy nhiên nếu thịt cóc không được chế biến cẩn thận có thể gây chết người trong thời gian ngắn.

Cóc là một nhóm động vật thuộc bộ Ếch nhái hay bộ không đuôi, khi trưởng thành chủ yếu sống trên cạn.

Không nhiều dinh dưỡng hơn thịt khác

Nhiều người quan niệm rằng, những loại thức ăn được chế biến từ loài cóc có thể chữa được bệnh còi xương cho trẻ em. Bởi trong thịt cóc có rất nhiều chất đạm, kẽm (100gr bột cóc có 55,4g đạm và 65mg kẽm). Tuy nhiên, ngoài đạm và kẽm, thịt cóc không có thêm bất cứ thành phần dinh dưỡng nào khác. Trong khi đó, nếu so sánh lượng đạm có trong thịt cóc so với thịt heo, gà, ếch thì không nhiều hơn. Ngoài ra, lượng kẽm trong cóc cũng ít hơn hải sản (sò, hến, hàu); lượng canxi, vitamin D gần như không có.

Ở nước ta, chưa có một cơ sở hay tài liệu khoa học hiện đại nào nghiên cứu và công bố kết quả về công dụng chữa bệnh của thịt cóc hoặc khẳng định thịt cóc giàu chất đạm, có nhiều chất bổ dưỡng chỉ có một số tài liệu Đông y có đề cập đến thịt cóc là nguồn dinh dưỡng rất giàu chất đạm, là một trong những bài thuốc chữa bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em.

an co nguy hiem tinh mangan co nguy hiem tinh mang
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Tiềm ẩn chất cực độc có thể gây chết người

Trên cơ thể của cóc có chứa một chất cực độc đó là bufotoxine, chất độc này có ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của con người.

Một số loài cóc còn tiết ra độc tố tetrodotoxine là chất độc thông qua cơ chế cộng sinh với vi khuẩn nên khi ăn cũng có thể bị ngộ độc. Chất độc ở trong cóc được phát hiện ở phía sau mắt, tuyến lưng và tuyến bụng.

Các chất độc của cóc khi xâm nhập vào cơ thể người qua tiếp xúc ở da, niêm mạc hoặc ăn vào đường tiêu hóa… có thể gây nên tình trạng nhiễm độc. Tùy theo từng trường hợp, khi nhiễm độc nặng có thể bị tử vong. Nếu da ở tay, chân, niêm mạc mắt, miệng… dính “nhựa cóc” từ da cóc, cần nhanh chóng rửa kỹ vùng tiếp xúc này kịp thời nhiều lần bằng nước sạch. Nếu vùng da, niêm mạc có cảm giác rát nóng, bỏng hoặc sưng phồng lên thì đưa ngay bệnh nhân đi bệnh viện. Nếu để chất độc của cóc dính vào mắt, có thể bị viêm kết mạc, viêm giác mạc hoặc bị mù.

Khi ăn các thực phẩm được chế biến từ cóc không bảo đảm an toàn, có chứa các chất độc của cóc, sau khoảng 1 giờ hoặc có thể sớm hơn nếu có uống kèm rượu, bia, bệnh nhân cảm thấy chóng mặt, nổi đom đóm mắt, quay cuồng, đau như châm chích ở đầu ngón tay, ngón chân, tiếp theo là ói mửa dữ dội kéo dài, tiêu chảy, đau bụng, đặc biệt tim đập rất chậm với nhịp 40 lần/phút, có khi chậm hơn hoặc loạn nhịp hoàn toàn và tụt huyết áp động mạch. Một số trường hợp xuất hiện suy thận cấp, suy gan. Cuối cùng là bệnh nhân có thể bị tử vong trong vòng vài giờ sau đó. Phần lớn bệnh nhân bị tử vong do rối loạn dẫn truyền thần kinh tim không hồi phục.

Thầy Thuốc Việt Nam tổng hợp

Rate this post

Viết một bình luận