Một khi mâu thuẫn xảy ra, bạn cần tỉnh táo xứ lý, nếu không từ một mâu thuẫn sẽ nảy sinh ra nhiều mâu thuẫn khác. Nó sẽ như cái rãnh nhỏ dần khoét rộng ra, rửa trôi mọi hạt phù sa tình yêu từng được bồi đắp.
Nếu đôi lứa yêu nhau mà chẳng bao giờ to tiếng, chẳng bao giờ đi đến cùng một cuộc xung đột, luôn nhường nhịn nhau, cũng chưa hẳn là tốt. Cãi vã là thứ gia vị cay cay cần thiết để món ăn thêm ngon miệng. Giận nhau để yêu nhau nhiều hơn mà.
Điều quan trọng là bạn cần kiềm chế cảm xúc, lọc bỏ sự tức giận ra khỏi câu chuyện và đối thoại với tinh thần cầu thị và xây dựng. Rất nhiều người trong chúng ta lớn lên mà không học được kỹ năng này. Khi cơn giận sôi lên, chúng ta để nó sôi tự do và không quan tâm tới việc kiềm chế. Lời nói lúc tức giận là lời nói khiến ta hối hận.
1 – Khi trận chiến bắt đầu
Không nên:
Cãi vã online. Đây là thói quen của những cặp vợ chồng trẻ thời @, đặc biệt là những cặp vợ chồng công sở, khi thời gian ngồi bên máy tính trong ngày của họ quá nhiều. Đôi khi họ khẩu chiến qua ô cửa sổ chat, qua email hoặc qua dòng status trên Facebook. Thường các bà vợ chọn cách này vì họ giỏi sử dụng ngôn ngữ nhưng thực sự chỉ gây ra thêm sóng gió và những hiểu lầm không đáng có bởi giao tiếp trên mạng rất “ảo”. Chồng bạn có thể sẽ chẳng hiểu mô tê gì và nghĩ hôm nay vợ mình khó ở hoặc… “uống nhầm thuốc”.
Hằm hằm phục kích. Thật không khôn ngoan nếu chồng vừa mệt mỏi đi làm về, vừa bước chân vào nhà là vợ bắt đầu “lên đồng” hát nguyên một bài tặng chồng về tội chiều nay làm gì mà đi làm về muộn không đón nổi con, có phải lại la cà quán xá gì không. Dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, tức giận, muốn “xả lũ” thế nào, hãy chờ tới khi cả đôi bên đều nhẹ nhàng, thoải mái, ít nhất là đã tắm rửa, ăn uống xong xuôi, lúc đó đưa ra vấn đề vừa hiệu quả vừa thể hiện sự tinh tế của người phụ nữ. Đối đầu khi chàng đang mệt mỏi sẽ chỉ khiến bạn chuốc thêm bực bội và tổn thương vào mình.
Nên:
Gọi tên vấn đề. Phụ nữ khi cảm thấy tủi thân thường tìm ra đủ mọi lỗi lầm trong quá khứ lẫn hiện tại của đàn ông rồi bắn ầm ầm như đại bác khiến đàn ông phải “tịt họng”. Thực sự đàn ông im lặng như thể chấp nhận mình sai nhưng trong lòng chưa hẳn họ đã cảm thông với vợ đâu. Bắn nhiều chưa chắc đã trúng. Bắn ít thôi nhưng phải chạm đích. Khi có vấn đề gì, hãy tập trung đối thoại về một vấn đề đó thôi, đừng lan man, dông dài, làm vậy chỉ tổ khiến chồng chán nghe vợ nói.
Hãy bình tĩnh. Đàn ông tự cổ đã sợ cái miệng lắm lời của đàn bà. Họ tránh đối đầu bằng mọi cách mỗi khi cái miệng của vợ chuẩn bị trở thành loa phóng thanh. Vì vậy, nếu bạn muốn chồng chịu ngồi nghe mình nói hết những bức bối trong lòng, hãy biết kiểm soát tâm trạng và cái miệng của bản thân trước đã. Trước khi nói, hãy hít sâu, thở đều, nghĩ về những điểm tốt ở chồng, những điều hạnh phúc trong cuộc sống gia đình và bạn sẽ cảm thấy những rắc rối mình đang gặp phải cũng nhỏ thôi.
2 – Trong cuộc khẩu chiến
Không nên:
Nói đi nói lại. Khi bạn thấy mình đã phàn nàn về một vấn đề quá nhiều lần mà chồng vẫn không thay đổi. Hãy hiểu chàng đã quá nhàm chán với những gì bạn nói, đã trở nên trơ lì và bật nút “im lặng” mỗi khi bạn “sửa gáy” cho chàng. Lúc này, dù bạn có nói gì cũng vậy thôi, sẽ không có gì thay đổi cả.
Chơi xấu. Trọc tức, chế nhạo, lôi gia đình, bố mẹ nhau ra… đều là những con dao hai lưỡi. Có thể bạn khiến chồng phải chịu thua lúc đó nhưng những tổn thương mà bạn có thể đã gây ra sẽ mãi còn đó và cuối cùng người bị khó xử, phải chịu trận lại chính là bạn.
Nên:
Nói “em” thay vì “anh”. Khi nói về bản thân thay vì liên tục nói về đối phương, người nghe sẽ cảm thấy ít bị công kích hơn. Thay vì nói “Anh không bao giờ động tay vào việc nhà. Anh chỉ toàn đổ việc lên vai em thôi”, hãy thử nói “Em cảm thấy chúng ta cần phân chia lại việc nhà. Một mình em làm không xuể. Nhiều lúc em thấy mệt mỏi quá.”
Đặt ra câu hỏi. Khi chồng bắt đầu đưa ra ý kiến của mình, hãy lắng và đặt ra câu hỏi: “Anh cảm thấy khó chịu về chuyện này từ bao giờ?”, “Vậy anh muốn em làm gì?”… Khi đặt ra câu hỏi bạn đang thể hiện mình lắng nghe, quan tâm và tôn trọng ý kiến của chồng, điều đó sẽ khiến chàng cảm thấy muốn nói chuyện với bạn hơn mỗi khi xảy ra căng thẳng.
Nghỉ giữa hiệp. Khi càng nói càng bế tắc, hãy chủ động ngưng chiến: “Em cảm thấy khó mà nói chuyện tiếp vào lúc này được. Chúng mình sẽ nói tiếp vào ngày mai sau khi em đi bơi về nhé/ sau một tiếng nữa nhé?” Khi hai bên cảm thấy mình đang nói chuyện để được thấu hiểu, để đi đến một giải pháp chung hợp lý, mọi chuyện sẽ không căng thẳng và cũng không dễ xảy ra cãi cọ, kết quả đạt được bao giờ cũng tốt đẹp. Vì vậy, đừng cố dồn chàng vào chân tường.
3 – Đi đến hồi kết
Không nên:
Nằng nặc đòi đi đến cùng của vấn đề. Không phải mọi tranh luận đều có thể đưa lại một phương án giải quyết sau cùng. Dù rằng bạn muốn làm rõ ngọn ngành vấn đề ngay lập tức nhưng có thể chồng bạn lại muốn để mọi chuyện trôi qua nhẹ nhàng, êm thấm, ít nhất là trong tối hôm đó. Mỗi người có cách xử lý và đối mặt với vấn đề khác nhau, khoảng thời gian mà họ cần để giải quyết một vấn đề cũng khác nhau. Khi gặp mâu thuẫn, chỉ cần bạn nói ra được những điều chất chứa trong lòng và được chồng lắng nghe, đó đã là thành công, phần còn lại hãy tùy vào tình huống và tính cách của bạn đời mà nhượng bộ nhau một chút.
Bắt xin lỗi và “đền tội”. Cái tôi quá lớn khiến chúng ta trong cơn tức giận thường trở nên quá đà. Đặc biệt là phụ nữ, khi cảm thấy chồng sai và mình bị thiệt thòi, họ muốn chồng phải van xin lạy lục để được tha lỗi. Nhưng đó chỉ là sự tự sướng trong đầu của riêng phụ nữ mà thôi. Hãy nhớ câu già néo đứt dây, chỉ cần người đàn ông nhận ra những thiếu sót ở mình đã là một thành công to lớn. Điều chúng ta thực sự cần là chồng hiểu ra và thay đổi, không phải là những lời xáo rỗng, chót lưỡi đầu môi.
Nên:
Bỏ qua và đi tiếp. Một khi bạn đã nhận được những gì mình muốn như một lời xin lỗi của chồng, một lời hứa hẹn sẽ thay đổi, hoặc giải thích tại sao lúc đó lại cư xử kỳ lạ như vậy…, đó đã là những cách “xuống nước” rất nhượng bộ của chồng rồi đấy. Hãy dừng lại những biện pháp “tra tấn” tâm lý để nhà cửa được yên vui trở lại.
Hãy nói ra. Khi hai người cần đi đến thống nhất về một việc nào đó, hoặc cần thay đổi một thói quen khó chịu, hãy nói ra cụ thể và rõ ràng những điều mình mong muốn, chờ đợi, để cả hai biết chính xác nên làm gì tiếp theo. Ví dụ, chồng hay đi làm về muộn mà không gọi điện để vợ vừa chờ cơm, vừa lo lắng. Hãy nói rõ: “Từ sau, nếu anh đi làm về muộn sau 7h, hãy gọi điện về nhà báo em biết nhé.”
Kiểm tra lại lần cuối. Khi bạn muốn khép lại vấn đề, hãy hỏi chồng xem có cảm thấy thoải mái không, giải pháp đưa ra có thỏa đáng không. Thực lòng quan tâm tới suy nghĩ và cảm nhận của chồng chỉ có lợi cho bạn mà thôi.
4 – Sau trận cãi vã
Không nên:
Nuôi dưỡng sự cáu giận, tổn thương. Nhiều người có thói quen “đếm lại” những lần mình bị tổn thương, những trận cãi vã giữa hai vợ chồng và thậm chí nhắc lại như một cách để chồng thấy ăn năn, tội lỗi với vợ. Nhưng nuôi dưỡng những cảm xúc khó chịu đó chỉ khiến bạn trở nên nhỏ nhen, thấy mình bất hạnh và thường xuyên cáu giận vô cớ, nó khiến bạn bị tổn thương lâu hơn thực tế.
Gây thêm rạn nứt. Nhắc lại những tranh cãi, giận hờn của hai vợ chồng trước mặt người khác, dù chỉ là với ý vui đùa cũng khiến lòng tin của chồng vào bạn bị sụt giảm. Đàn ông rất trọng thể diện, bạn làm vậy chẳng khác gì phá bỏ hình ảnh người đàn ông “tề gia” của chàng. Chàng thấy như mình đang bị tấn công hoặc bị xem thường vậy. Dần dần chàng sẽ xây dựng một lớp áo giáp phòng thủ với bạn. Có thể từ một hành động nhỏ vô ý lại sinh ra những khó chịu và mâu thuẫn tiếp theo.
Giả vờ cho qua. Bạn nói rằng mọi chuyện vậy là xong rồi, hai vợ chồng mình quên đi nhé. Nhưng kỳ thực vẫn âm thầm tiếp tục suy nghĩ về “chuyện đã qua”, phân tích, đánh giá và bỗng dưng lại cảm thấy “sôi máu” vì sao mình quá hiền như vậy. Thế là đôi khi bạn lại lật lại vấn đề trong bữa tối hoặc trong lúc vợ chồng tâm sự. Hành động này vừa trẻ con vừa tai hại bởi nó chỉ khiến hai người càng khó chịu và muốn cãi nhau thêm, đồng thời nó cũng khiến chàng nghi ngờ liệu có nên tin vào những gì bạn nói nữa không.
Nên:
Tập trung vào ưu điểm của chồng. Sau khi dàn xếp xong mọi chuyện, hãy dành thời gian để suy nghĩ về những điểm bạn cảm thấy rất yêu ở chồng, dù là những chi tiết nhỏ và ngốc nghếch nhất. Tập trung vào những điểm tốt ở đối phương sẽ khiến bạn nghĩ về người ta tích cực và thiện cảm hơn, đó là đối trọng giúp làm cân bằng với những thói quen xấu, những điều bực mình mà chồng gây ra trong cuộc sống hàng ngày của hai người.
Gửi đi những lời có cánh. Giờ đây, chat chit, facebook lại phát huy tác dụng. Một lời nhắn đơn giản, ngọt ngào như “Cám ơn anh vì tất cả” hoặc “Xin lỗi nhé. Em cũng tệ quá. Em yêu anh nhiều lắm” sẽ là phương thuốc thần diệu khiến cả hai bên “yêu như chưa từng có cuộc cãi vã”. Đáp lại thiện ý của bạn, chàng cũng sẽ có thái độ và những cử chỉ đáng yêu, sau cùng người hạnh phúc nhất vẫn là bạn.
“Đụng chạm”. Đàn ông vốn kiệm lời, để khẳng định tình yêu của mình dành cho chồng, tốt nhất hãy dùng hành động. Những cử chỉ yêu thương là cách tuyệt vời để làm chàng yên lòng (đàn ông rất bất an mỗi khi hậu phương lục đục). Dù bạn có thể vẫn đang tức giận một chút nhưng tình yêu bạn dành cho gia đình mới thực sự quan trọng và lớn lao. Đó là lý do tại sao những cuộc cãi vã lại là sân bay chắp cánh cho tình yêu thăng hoa.