1. Các loại hoa cúc vàng phổ biến tại Việt Nam: Hiện nay, có vô số các chủng loại và giống hoa cúc vàng khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta có thể phân ra làm 2 loại cúc chính gồm cúc vàng bông to và cúc vàng bông nhỏ.
– Cúc vàng bông to khi nở có dạng hình cầu, không thấy phần nhụy, mùi thơm thoang thoảng, thường mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành. Một số loại cúc vàng bông to điển hình là cúc vạn thọ, cúc đại đóa. Cúc vạn thọ khi nở như một trái bóng vàng, với những cánh hoa xếp sát bên nhau.
Những bông hoa cúc vạn thọ nở bung trên nền lá xanh
– Trong khi đó, cúc đại đóa – loài hoa quen thuộc của nhiều gia đình Việt Nam – khác biệt hơn chút với những cánh hoa được tách ra, nở hướng ra ngoài, tạo nên đài hoa kiêu kỳ. Người Việt thường dùng cúc đại đóa để lên bàn thờ vì loài hoa này rất lâu tàn.
Cúc đại đóa thường được dùng để trưng trên bàn thờ
– Cúc vàng bông nhỏ có cánh hoa dài hơn, thon hơn và khi nở sẽ xòe rộng ra, lộ phần nhụy. Một số loại cúc vàng bông nhỏ điển hình là cúc chi, cúc đồng điền, cúc sao băng, cúc mặt trời … Những bông cúc này trưng một mình hoặc kết hợp với các loại hoa khác đều đẹp.
2. Hoa cúc vàng có ý nghĩa gì? Không chỉ đẹp, những bông hoa cúc vàng nhẹ nhàng, rực rỡ còn mang nhiều ý nghĩa ẩn mình trong đó, khiến nhiều người yêu thích. Dưới đây là 8 ý nghĩa ẩn sâu trong những cánh hoa cúc vàng, khiến bạn ngỡ ngàng.
2.1. Đại diện cho đế vương, sự quyền quý cao sang và giàu có: Hoa cúc được xem là biểu tượng cho đế vương, sự cao sang quyền quý và sự giàu có khó ai bì kịp bắt nguồn từ cuộc sống của những gia đình quý tộc, nổi tiếng, có thân thích với Nhật Hoàng. Thật vậy, chỉ những gia đình này mới sở hữu con ấn có khắc hình hoa cúc. Nó đại diện cho sức mạnh, quyền uy và vị thế không ai bì kịp cũng như sự cao sang, giàu có họ sở hữu. Ngoài ra, hoa cúc vàng biểu tượng cho quyền lực cũng xuất phát từ việc màu vàng từ xưa đến nay đều là màu của sự quyền lực, cao sang, quyền quý. Màu vàng được dùng cho lăng tẩm cung điện cũng như trang phục của vua, hoàng hậu, các quý phi theo văn hóa phương Đông cũng như vua, hoàng hậu, quý tộc theo văn hóa phương Tây.
2.2. Biểu tượng của sự trường thọ, trường tồn: Hoa cúc vàng trở thành biểu tượng của sự trường tồn, trường thọ bắt nguồn từ một sự tích ở Trung Quốc. Sự tích kể rằng khi đó có một vị vua già đã nghe được lời đồn về loại thảo dược ở trên đảo Long Phi giúp trường sinh và chỉ có chàng trai trẻ mới tìm được thảo dược này. Vị vua đã phái 24 chàng trai đi tìm thảo dược. Vượt qua bao nhiêu gian khổ, cuối cùng các chàng trai đã tìm và lên được đảo Long Phi. Bước chân lên tơi đảo, 24 chàng trai nhận ra đây chỉ là hòn đảo hoang mà, và thật thần kỳ, chỉ có cây cúc vàng có thể sinh sống được, nở ra những bông hoa vàng tuyệt đẹp. Rồi các chàng trai đem hoa cúc vàng về cho nhà vua. Từ đó, hoa cúc vàng mang ý nghĩa trường thọ, trường tồn.
2.3. Mang lại cảm giác hạnh phúc, ấm áp và đoàn viên: Ngoài ra, hoa cúc vàng còn là biểu tượng cho sự ấm áp, hạnh phúc và đoàn viên. Thật vậy, vào các dịp đặc biệt như Tết, giỗ, người ta thường trưng và cắm hoa cúc vàng. Các dịp này đều là lúc con cháu, các gia đình sum vầy, tụ tập và nói cười bên nhau. Màu sắc rực rỡ của những cánh hoa cúc vàng sẽ góp phần làm cho không khí trở nên ấm áp, hạnh phúc và gần gũi hơn.
2.4. Gắn liền với lòng hiếu thảo với cha mẹ: Ý nghĩa này của hoa cúc vàng gắn với sự tích hoa cúc của Việt Nam về lòng hiếu thảo của người con dành cho cha mẹ.
2.5. Đại diện cho lòng chung thủy sắc son trong tình yêu: Không chỉ mang ý nghĩa hiếu thảo với cha mẹ, cúc vàng còn đại diện cho lòng chung thủy sắc son trong tình yêu đôi lứa. Điều này bắt nguồn từ câu nói “Diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa” của người Trung Quốc, có ý nghĩa là “Lá không bao giờ lìa cành, Hoa chẳng bao giờ xuống đất”. Thật vậy, hoa cúc vàng khi nở dù bị khô thì cả hoa và lá cũng đều không rụng xuống mà vẫn gắn bó trên cây. Vì vậy, nhiều người dùng hoa cúc vàng để gửi gắm tình cảm, lời nhắn nhủ thủy chung sắc son trong các dịp đặc biệt như kỷ niệm yêu nhau, kỷ niệm ngày cưới.
2.6. Thể hiện niềm hân hoan và kính mến dành cho một ai đó: Ngoài ra, hoa cúc vàng còn thể hiện cho sự kính mến, niềm hân hoan và tình cảm dành cho một ai đó, đặc biệt là thầy cô, người có ơn với mình. Vì vậy, không ít người sử dụng hoa cúc vàng để tặng cô thầy trong dịp 20/11.
2.7. Tượng trưng cho khí tiết kiên trung của người quân tử: Hoa cúc vàng từ lâu đã là một trong 4 mảnh ghép quan trọng trong bộ tranh Tứ quý (mai – trúc – cúc – tùng) tương ứng với 4 mùa (xuân – hạ – thu – đông). Theo nho giáo, bộ tranh này chính là biểu tượng cho người quân tử. Với đặc điểm “diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa” tức lá không rời cành và hoa không rụng xuống đất, hoa cúc vàng biểu tượng cho sự kiên trung, bất khuất của người quân tử trước khó khăn cuộc đời.
2.8. Ý nghĩa trong phong thủy: Đem lại may mắn tài lộc, xua đuổi tà ma: Cuối cùng, theo ý nghĩa phong thủy, cúc vàng đem lại may mắn, tài lộc và giúp xua đuổi tà ma, đem phúc khí niềm vui cho các gia đình. Do đó, cứ dịp lễ Tết xuân về, nhiều gia đình đặt trước cửa nhà một chậu cúc vàng, cầu mong mọi sự tốt đẹp, may mắn sẽ đến với cả gia đình.
Nguồn: hoaonline247.com
BTV Hà Thu