So sánh tư duy phản biện với tư duy phê phán, tư duy sáng tạo và tư duy logic

Lời mở đầu

Một trong những kĩ năng được đánh giá cao trong giới hàn lâm tri thức là tư duy phản biện, hay còn được gọi là “critical thinking”, và điều này không chỉ giới hạn lại ở phạm vi học thuật; ngay cả chính phủ, các công ty, tập đoàn kinh doanh toàn cầu đều săn tìm những người sở hữu khả năng này. Đặc biệt hơn nữa là trong ngữ cảnh thời đại thông tin hiện nay, tầm quan trọng của tư duy phản biện được đề cao hơn bao giờ hết tại một thời điểm mà con người dường như đang chìm ngập trong biển kiến thức nhưng lại khô khan một lối suy nghĩ đúng đắn.

Chính vì vậy, cũng không lấy làm lạ khi một loạt các quyển sách tự lực xoay quanh vấn đề này được viết ra và xuất bản hàng năm – quyển nào dường như cũng đều đính kèm một hứa hẹn rằng sẽ giúp người đọc thu được kĩ năng “critical thinking” – như là một phần thưởng cuối được tiết lộ sau quá trình đọc. Hệ thống các trường đại học cũng không là ngoại lệ trong việc cố gắng đáp ứng nhu cầu này, với những khoá học được thiết kế dành riêng cho việc hình thành và cải thiện khả năng suy nghĩ của học sinh.

Mục đích của bài viết học thuật này nhằm giải thích khái niệm tư duy phản biện là gì, và so sánh nó với những loại hình tư duy, lập luận khác mà tư duy phản biện thường bị đánh đồng hoặc bị nhầm lẫn với.

Tư duy phản biện

 Tư duy phản biện, dựa trên nhiều định nghĩa được công nhận sẵn, có thể được hiểu là một sự tổng hợp các kĩ năng quan sát, giải thích, phân tích, suy luận, đánh giá và siêu nhận thức (metacognition) – kĩ năng cuối này được định nghĩa bởi từ điển Oxford là sự nhận thức được và hiểu được quá trình hình thành suy nghĩ của chính bản thân, được dùng chủ yếu trong lĩnh vực tâm lý học.

Các nhà giáo dục thường hiểu tư duy phản biện đều có ít nhất ba đặc tính chung sau:

  • Nó được thực hiện với mục đích giúp người tư duy đưa quyết định về những gì nên làm hay nên tin vào.
  • Người tham gia vào lối tư duy này đang cố gắng đạt được chuẩn mực về sự đầy đủ và chính xác phù hợp với suy nghĩ.
  • Lối tư duy phải đáp ứng các chuẩn mực về sự thích đáng ở mức ngưỡng – những chuẩn mực đó bao gồm:
    • Clarity: sự rõ ràng trong việc hiểu những thứ mà ta tìn vào, và cơ sở cho những niềm tin đó
    • Precision: xác định đúng đối tượng của việc phân tích để tránh lan man, đi vào trọng tâm và để có thể đạt được kết quả mong muốn
    • Accuracy: sử dụng thông tin chính xác và thích đáng cho lập luận, gần nhất với sự thật.
    • Relevance: những thông tin và ý tưởng được bàn luận phải liên quan một cách logic đến vấn đề, tránh việc lạc đề.
    • Consistency: lập luận nên nhất quán xuyên suốt, tránh sự tự mâu thuẫn.
    • Logical correctness: sự hợp lí trong cả kết luận và cơ sở lập luận.
    • Completeness: tư duy mang tính sâu sắc và kỹ lưỡng, tránh những suy nghĩ, phán xét nông cạn.
    • Fairness: sự khách quan, khoáng đạt trong tư duy và tránh những thành kiến, định kiến mà làm bóp méo suy nghĩ.

Tư duy phản biện không phải là một đích đến cuối cùng, mà là một quá trình tiếp diễn, một thói quen tự sửa tự chữa của trí óc mà giúp cho những người viết học thuật hiểu rằng việc tư duy, suy nghĩ được kết cấu như thế nào, những tác nhân trong cuộc sống nào mà ảnh hưởng chiều hướng suy nghĩ của ta, và lợi thế và giới hạn của ngôn ngữ dược sử dụng trong việc bày tỏ những suy nghĩ đó.

Điều khó khăn về tư duy phản biện là việc phải chấp nhận rằng tư duy phản biện không phải là về những câu trả lời, mà là về phương thức dẫn đến việc hình thành câu trả lời đó.

Với một cách định nghĩa thông thường định sẵn như trên, một người suy nghĩ theo đúng lối tư duy phản biện sẽ không chấp nhận liền câu trả lời đó. Thay vì vậy, họ sẽ đào sâu thêm vào định nghĩa này, đem nó thử nghiệm, phân tích và đánh giá để có thể chắc chắn về sự rõ ràng của định nghĩa này.

Tư duy phản biện và tư duy phê phán

Một trong những cách định nghĩa tư duy phản biện khác là định nghĩa theo cách phủ định (negative). Thay vì nói về tư duy phản biện là gì, thì ta hãy xem xét tư duy phản biện không phải là gì.  Phản biện (critical) không nên được nhầm lẫn với phản bác, phê phán (criticism). 

Lối tư duy phản bác, phê phán là xu hướng phán xét nặng nề và tìm lỗi ở các kiến thức, thông tin, luận điểm được tiếp xúc. Tư duy phản biện là một quá trình tích cực chủ động mà người suy nghĩ hiệu quả về suy nghĩ của chính mình, liên tục đánh giá suy nghĩ và tự sửa chữa. Tư duy phê phán là một quá trình thụ động mà trong đó người suy nghĩ hành động theo mong muốn, suy nghĩ định kiến hoặc cảm xúc mà không có bất kỳ tiêu chí đánh giá nào. Vì không có tiêu chí đánh giá hay một thước đo khách quan thực sự trong những kiểu suy nghĩ này, lời phê bình rất dễ đưa ra và thường khó được chấp nhận.

Trong khi tư duy phê phán là về sự phán xét, chủ yếu xoay quanh việc tìm ra lỗi, và ở mức độ cá nhân chủ quan, thì tư duy phản biện lại chú trọng hơn vào việc đặt ra câu hỏi và phân tích, và tuy cũng bao gồm việc tìm ra lỗi nhưng đối tượng chính của tư duy phản biện là sự lập luận, ở dạng khái niệm, lý thuyết hay luận điểm.

Tư duy phản biện và tư duy sáng tạo, tư duy logic

Ngoài ra, một cách định nghĩa khác tư duy phản biện cũng còn có thể là định nghĩa theo cách loại suy (analogy). Để rõ thêm về bản chất của tư duy phản biện, ta có thể đem nó so sánh với hai loại hình tư duy khác đó là tư duy logic và tư duy sáng tạo. Tư duy phản biện đòi hỏi một sự kết hợp giữa tính logic và tính sáng tạo, nhưng tư duy phản biện cũng không hẳn là tư duy logic, cũng không phải là tư duy sáng tạo.

Tư duy logic – Logical thinking

Tư duy logic và tư duy phản biện là hai mặt của cùng một đồng tiền, mặc dù chúng không nhất thiết là giống nhau. Tư duy logic có một cách giải quyết vấn đề là thông qua việc áp dụng các nguyên tắc suy luận – đó là lập luận rồi suy ra một kết luận. Trọng tâm của logic là ý tưởng về một sự lập luận hợp lí. Một sự lập luận chỉ có thể được cho là hợp lí khi sự thật của cơ sở (premises) đảm bảo sự thật của kết luận (conclusion). Kết luận không thể bị sai nếu như cơ sở tiền đề của nó đúng. Theo một nghĩa nào đó, cơ sở đã bao hàm sẵn kết luận; nếu ta tập trung vào những cơ sở đúng, ta có thể dễ hình thành nên một lập luận mà là một con đường chắc chắn dẫn đến một kết luận mong muốn. Để dễ hiểu hơn, logic có thể được ví như là tính chất bắc cầu trong phương trình toán học. Ví dụ, nếu A = B và B = C, thì A = C. Và bất kể ta có hoài nghi về bản chất hình thành hay mục đích phục vụ của A,B hay C đi chăng nữa thì mọi sự vận như vậy, tức là vẫn A=B=C.

Tư duy phản biện, mặt khác, lại liên quan đến nhiều sự tra hỏi hơn. Mọi thứ có cơ sở hợp lí không? Có lỗ hỏng nào trong lập luận này không? Vai trò của từng thứ A, B, C có thể hoàn toàn hoán đổi được cho nhau không?  Đây sẽ là những loại câu hỏi mà sẽ khiến người tư duy phản biện phản bác lại một chiều hướng lập luận và chấp nhận chiều hướng còn lại là đáng tin cậy hơn. Với tư duy phản biện, mọi thứ đều là đối tượng của sự tra hỏi.

Tư duy sáng tạo – Creative thinking

Tư duy sáng tạo là một quy trình được ứng dụng để tạo ra một loạt các ý tưởng, các khả năng mới và đa dạng. Tư duy sáng tạo mang đến một cách nhìn nhận vấn đề mới và thi thoảng là một hướng giải quyết phi chính thống với một vấn đề. Khi một người tư duy sáng tạo, họ tập trung vào việc khám phá các ý tưởng, tìm ra những khả năng, phát triển các lý thuyết khác nhau. Tư duy sáng tạo có thể được thực hiện cả qua một quy trình không cấu trúc như là qua việc brainstorm mà trong đó các ý tưởng được sản sinh ra một cách tự do ngẫu nhiên, hoặc là qua một quy trình cấu trúc chặt chẽ như là tư duy một chiều (lateral thinking) – một quy trình hệ thống mà dẫn đến những kết luận logic, và cũng có thể được coi là điểm giao với tư duy phản biện và logic. Tuy nhiên, quy trình này đòi hỏi thay đổi trình tự suy nghĩ và dẫn đến hướng giải quyết ở nhiều chiều hướng khác nhau.

Tư duy phản biện, như logic, cũng liên quan đến khả năng suy xét. Cách mà ta tư duy về những sự vật, hiện tượng mà ta gặp phải trong đời sống có thể đòi hỏi việc ta phải tưởng tượng ra nhiều khả năng khác, theo một cách trực quan hoặc thử nghiệm. Việc tư duy như vậy thường sẽ mang lại những câu trả lời độc đáo mà thông thường sẽ không đạt được bằng những phương thức chính thống.

Tư duy phản biện thông thường sẽ bao gồm các yếu tố và kĩ thuật của tư duy sáng tạo nhưng hai lối tư duy này khác nhau ở những điểm mấu chốt sau: tư duy sáng tạo cố gắng tạo ra những thứ mới còn tư duy phản biện thì tập trung vào những thứ định sẵn. Chính vì vậy nên tư duy sáng tạo thường được thực hiện bằng cách bác bỏ đi những quy luật định sẵn còn tư duy phản biện lại được thực hiện bằng cách áp dụng, phân tích và đánh giá những quy luật định sẵn. Nếu tư duy sáng tạo được ví như hành động think outside the box, thì tư duy phản biện chính là việc think “about” the box. Hay nói cách khác, duy phản biện là việc nhận thức được cả những giới hạn và khả năng của việc suy nghĩ.

Kết luận

Việc đưa ra một định nghĩa cho tư duy phản biện không khó, nhưng việc hiểu rõ bản chất của tư duy phản biện thì lại là một vấn đề khác, và việc có thể vận dụng và rèn giũa kĩ năng này là một bước đi xa hơn nữa từ đó. Ngoài cách hiển nhiên nhất là suy nghĩ, thì liêu còn có một phương thức nào khác mà sẽ giúp người suy nghĩ luyện tập được lối tư duy phản biện?

Jordan Peterson – một giáo sư Tâm lý học lâm sàng nổi tiểng – cho rằng cách thức hiệu quả nhất để học critical thinking là qua việc viết. Theo ông, dường như không có sự khác biệt giữa việc viết và việc tư duy, và mục đích chính mà các sinh viên đại học được giao viết các bài tập là để cho họ có thể học cách tư duy. Jordan Peterson cũng không phải là người đầu tiên chỉ ra sự liên kết chặt chẽ này giữa việc viết và khả năng tư duy phản biện. William Zinserr, một nhà báo, biên tập viên người Mỹ và tác giả của cuốn sách “On Writing Well” cũng từng nói trong một trong những tác phẩm của mình rằng: “Writing and learning and thinking are the same process.”

Vậy câu hỏi được đặt ra lúc này là mối quan hệ giữa tư duy phản biện và văn viết là gì? Đây sẽ là mảng chủ đề được khám phá trong bài nghiên cứu học thuật nối tiếp, với nội dung chính là sự ứng dụng của tư duy phản biện trong văn viết học thuật.

REFERENCES

  1. Hitchcock, David. “Critical Thinking” – Stanford Encyclopedia of Philosophy. 21 July 2018, https://plato.stanford.edu/entries/critical-thinking/
  2. Austin, Michael W. “Standards of Critical Thinking” – Psychology Today. 11 June 2012, https://www.psychologytoday.com/us/blog/ethics-everyone/201206/standards-critical-thinking

Đăng Duy – Giảng viên tại ZIM

Rate this post

Viết một bình luận